Tài liệu Châu bản chỉ về các bản tấu sớ đã được ngự phê hoặc ngự lãm. Tuy nhiên, các tập Châu bản triều Nguyễn bao gồm cả những bản thượng dụ, chiếu chỉ và các loại công văn tương quan.
Trong thời gian qua, sau loạt bài về Hoàng Sa trong Mộc bản triều Nguyễn được hai tác giả Khắc Niên và Khắc Lịch công bố đã tạo ra những tiếng vang lớn trong dư luận liên quan đến chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Đây là những tư liệu gốc xác thực và là minh chứng cụ thể để chúng ta làm căn cứ về chủ quyền biển đảo thân yêu.
Du khách tham quan nhà trưng bày hiện vật của đội Hoàng Sa Bắc Hải trên đảo Lý Sơn. Ảnh: T.Đ |
Tuy nhiên, để làm phong phú hơn về nguồn tư liệu biển đảo, chúng tôi cũng xin được cung cấp thêm một số nguồn sử liệu có liên quan đến chủ quyền biển đảo qua tài liệu Châu bản triều Nguyễn mà chúng tôi có dịp nghiên cứu được. Đây là nguồn thông tin chính thống và có giá trị về nội dung, là căn cứ để biên soạn chính sử của triều đình. Hiện khối tài liệu này đang được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I tại Hà Nội.
Trong tờ Châu bản số 061, Stt 036, quyển số 043, triều Minh Mạng có ghi chép về sự hoạt động của các thuyền phương Tây gặp hoạn nạn trên biển gần đảo Hoàng Sa. “Thủ ngự cửa biển Đà Nẵng, Nguyễn Văn Ngữ tâu: Ngày 20 tháng này năm nay, thuyền buôn Pháp ra khơi đi đến Lữ Tống buôn bán. Sự việc đã báo cáo rõ. Ngày 27 thấy Tài phó và thủy thủ gồm 11 tên, đi trên 1 chiếc thuyền tam bản vào bản tấn nói rằng: Ngày 21 tháng này thuyền đi qua phía Tây Hoàng Sa, bỗng nước ngấm vào thuyền, ngập sâu hơn 8 thước đã bàn bạc chọn lấy 2 hòm bạc công quỹ, phân chia 2 thuyền tam bản thuận theo chiều gió quay về. Nhưng chủ thuyền Đô Ô Chi đi trên một chiếc tam bản, đi sau, chưa thấy tới. Thần lập tức sai thuyền tuần tiễu của bản tấn, chở nước ngọt ra khơi tìm kiếm. Giờ ngọ gặp Đô Ô Chi Ly và phái viên cùng thủy thủ, gồm 15 viên, hiện đã vào cửa tấn. Người và bạc đều được an toàn. Châu phê: "Đã xem".
Quốc triều chính biên toát yếu cho biết thêm: “Tháng 12, tàu buôn nước Anh Cát Lợi qua bãi Hoàng Sa bị cạn, ghé vào bãi biển Bình Định hơn 90 người. Việc ấy tâu lên, Ngài sai lựa nơi cho ở và hậu cấp tiền gạo; người chủ tàu và mấy người đầu mục ngó bộ cảm ơn lắm. Ngài sai Phái bộ Nguyễn Tri Phương đem mấy người ấy xuống tàu theo qua Hạ Châu đặng về Anh Cát lợi”.
Cũng trong tờ Châu bản số 092, Stt 070, quyển 054 triều Minh Mạng ghi việc sai phái quân đội ra Hoàng Sa đo đạc và vẽ bản đồ nhưng vì chậm trễ nên bị trách tội: “Chúng thần Hà Tôn Quyền, Hoàng Quýnh ở Nội các phụng thượng dụ: Viên được phái ra Hoàng Sa là Cai đội Phạm Văn Nguyên trở về chậm trễ, vừa qua đã có chỉ giao cho Bộ trị tội. Nhưng đã tra chưa thấy rõ có tình tội riêng. Vả lại lần đó phái đi ra biển, đã hoàn thành công việc lẽ ra được dự thưởng chỉ có quản viên Phạm Văn Nguyên lúc về lại dám tự ý giữ chức thật là không hợp, trước đây đã có chỉ cách chức giam cùm, nay truyền đánh ngay 80 gậy và gia ân khai phục nguyên chức. Vẽ bản đồ chưa được rõ ràng là các Giám thành Trần Văn Vân, Nguyễn Văn Tiện và Nguyễn Văn Hoằng đều đánh 80 gậy chuẩn cho thả tất cả. 2 tên hướng dẫn là Vũ Văn Hùng, Phạm Văn Sinh đều thưởng cho 3 mai tiền bằng bạc hạng nhỏ. Các binh thợ tham gia đều thưởng cho mỗi người 1 quan tiền, rồi cho về đơn vị và cục. Dân phu do tỉnh phái, trừ 2 tên hướng dẫn ra, còn lại đều thưởng cho mỗi người 1 quan tiền”.
Trong tờ Châu bản số 245, stt 161, quyển 057 triều Minh Mạng cũng ghi việc sai phái quân đội đi đo đạc Hoàng Sa: “Bốn tên ấy đã có chỉ phạt gậy. Ngoài ra binh dân trong hàng ngũ phải xông pha đường biển cũng gian lao nên lượng thưởng cấp... Lại phạm binh Trương Viết Soái thuộc Giám Thành trước can tội sơ ý trong khi đôn đốc làm thuốc súng bị trảm giam hậu. Năm ngoái đã từng phái đi Hoàng Sa và thành Gia Định hiệu lực chuộc tội, nay lại phái theo cùng đi đo đạc. Tuy đã qua 11 nơi, vẽ bản đồ chưa chu đáo nhưng qua nhiều lần khổ sai cũng thuộc loại có chút biết xấu hổ mà phấn đấu. Gia ân cho Trương Viết Soái được lập tức phóng thích, vẫn giao cho vệ giám thành làm lính, để sau sẽ tùy việc sai phái chuộc tội trước. Lại phụng xét binh đinh tại hàng ngũ 22 tên, dân phu 31 tên đều gồm lại trình bày rõ ràng. Châu điểm”.
Thần Hà Duy Phiên, Lý Văn Phức vâng Thượng dụ: Trước đã phái xuất Thủy Sư Giám Thành cùng dân binh thuyền bè hai tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định đi đảo Hoàng Sa đo đạc nay hiện đã trở về. Trừ những người đi về chậm trễ là các viên do kinh phái thủy sư suất đội Phạm Văn Biện, tỉnh phái hướng dẫn Vũ Văn Hùng, Phạm Văn Sênh, thủy thủ Lưu Đức Trị. Bốn tên ấy đã có chỉ phạt gậy. Ngoài ra binh dân trong hàng ngũ phải xông pha đường biển cũng gian lao nên lượng thưởng cấp... Lại phạm binh Trương Viết Soái thuộc Giám Thành trước can tội sơ ý trong khi đôn đốc làm thuốc súng bị trảm giam hậu. Năm ngoái đã từng phái đi Hoàng Sa và thành Gia Định hiệu lực chuộc tội, nay lại phái theo cùng đi đo đạc. Tuy đã qua 11 nơi, vẽ bản đồ chưa chu đáo nhưng qua nhiều lần khổ sai cũng thuộc loại có chút biết xấu hổ mà phấn đấu. Gia ân cho Trương Viết Soái được lập tức phóng thích, vẫn giao cho vệ giám thành làm lính, để sau sẽ tùy việc sai phái chuộc tội trước. Lại phụng xét binh đinh tại hàng ngũ 22 tên, dân phu 31 tên đều gồm lại trình bày rõ ràng. Châu điểm.
Trong tờ Châu bản số 244, stt 160, quyển 057 triều Minh Mạng: Bộ Công tâu: “Lần này phái đi đảo Hoàng Sa mà công vụ trở về. Vì việc đi về chậm trễ nên viên do Kinh phái là suất đội Thủy sự Phạm Văn Biện, tỉnh phái các hướng dẫn viên Vũ Văn Hùng, Phạm Văn Sênh, thủy thủ Lưu Đức Trị đã vâng minh chỉ phạt gậy rồi. Tất cả binh dân thuyền bè nguyên phái đi nên cho trở về chỗ cũ đơn vị cũ. Bộ thần đã tra xét, năm ngoái được phái đi đảo Hoàng Sa làm công vụ gồm các quản suất, hướng dẫn, khi trở về không có bản đồ đều bị tội. Còn như các binh đinh được thưởng 1 tháng lương bằng tiền, dân phu được thưởng hai quan tiền. Lần này đi làm công vụ trở về trừ những người đã được phân xử là bọn Phạm Văn Biện gồm 4 người, không cần bàn nữa. Ngoài ra binh dân tại hàng ngũ nên chiểu theo lệ xét thưởng. Lại phạm nhân hiệu lực bị giam Trương Viết Soái thuộc giám thành năm ngoái từng phái đi Hoàng Sa hiệu lực, nhân không có bản đồ đệ về, kính vâng minh chỉ chuân y nguyên án trảm giam hậu. Lần này tên đó nên định đoạt thế nào kính cẩn trình bày rõ đợi chỉ. Châu điểm”.
Trong tờ Châu bản số 021, stt 013, quyển 068 triều Minh Mạng: Bộ công tâu:“Vâng xét việc cử đi Hoàng Sa, Bộ thần đã bàn xin hạ tuần tháng 3 ra khơi, tới nơi đo đạc xung quanh xong đến hạ tuần tháng 6 thì quay trở về. Vâng được phê chuẩn ngay tại văn bản. Chúng thần đã sao lục ngay cho các tỉnh Bình Định , Quảng Ngãi thi hành và chọn cử thị vệ ở các Bộ đi Khâm thiên giám cùng binh thuyền Thủy sư ra đi rồi. Sau đó theo phái viên trình rõ: Từ ngày 10 đến ngày 26 tháng 4 liên tiếp có gió đông, chưa tiện ra khơi xin đợi đến hôm nào gió Nam thuận tiện, thuyền này ra khơi sẽ tiếp tục báo. Chúng thần vâng xét, thuyền này đến hạ tuần tháng 4 mà vẫn chưa đi là đã quá hạn, vậy dám xin tâu trình rõ. Châu Điểm”.
Chỉ mới điểm qua một số Châu bản có kí hiệu, xuất xứ rõ ràng, có thể cung cấp thêm một số những tư liệu lịch sử về biển đảo Việt Nam dưới thời vua Minh Mạng, hi vọng các nhà nghiên cứu các nhà báo có thêm thông tin để viết tiếp những bài báo hay về biển đảo quê hương.