Lặng lẽ một “Thứ phi” Mộng Điệp

03:07, 06/07/2011

Trong những năm còn ở Việt Nam và gắn cuộc đời mình với cựu hoàng Bảo Đại, “thứ phi” Mộng Điệp có cả một quãng thời gian dài sống ở hoàng triều cương thổ (Tây Nguyên), đặc biệt là hai địa phương Đà Lạt và Buôn Ma Thuột (của Lâm Đồng và Đắc Lắc ngày nay).

Ngày 2.7, chúng tôi bấm điện thoại di động cho nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Đắc Xuân đang ở Huế. Anh nói ngay: “Hôm qua – 1.7, anh vừa làm nhiệm vụ tổ chức buổi lễ cầu siêu cho “thứ phi” Mộng Điệp, người vừa qua đời tại Pháp mới đây. Chúng tôi ngỏ lời xin anh Xuân một vài bức ảnh và một số tư liệu về người phụ nữ có nhiều gắn bó với vị vua cuối cùng của triều Nguyễn – cựu hoàng Bảo Đại, anh Xuân đồng ý ngay.

Trong những năm còn ở Việt Nam và gắn cuộc đời mình với cựu hoàng Bảo Đại, “thứ phi” Mộng Điệp có cả một quãng thời gian dài sống ở hoàng triều cương thổ (Tây Nguyên), đặc biệt là hai địa phương Đà Lạt và Buôn Ma Thuột (của Lâm Đồng và Đắc Lắc ngày nay). Tại Đà Lạt, “thứ phi” Mộng Điệp được cựu hoàng Bảo Đại tặng riêng một ngôi biệt thự gần dinh I – một trong 3 dinh thự nổi tiếng của quốc trưởng Bảo Đại.
 
“Thứ phi” Mộng Điệp trước một căn nhà gỗ tại Tây Nguyên
“Thứ phi” Mộng Điệp trước một căn nhà gỗ tại Tây Nguyên


Nhà Huế học – nhà văn Nguyễn Đắc Xuân cho biết: Theo thông tin ông nhận từ gia đình bà Mộng Điệp, cụ thể là từ hoàng nữ Phương Thảo – con gái của cựu hoàng Bảo Đại, hiện đang sống tại Pháp thì mẹ của hoàng nữ là “thứ phi” Mộng Điệp sau một ca phẫu thuật tim không thành công đã qua đời tại bệnh viện Saint Antonie Pháp ngày 26.6.2011, thọ 87 tuổi. Cũng theo thông tin từ hoàng nữ Phương Thảo qua trao đổi với nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, ngày 1.7, thi thể của bà Mộng Điệp được mai táng tại nghĩa trang Thiais ở Paris – nơi có mộ phần của hai con trai của bà là Bảo Hoàng (1954 – 1955) và Bảo Sơn (1955 – 1987). Bà Mộng Điệp có tên đầy đủ là Bùi Mộng Điệp, sinh năm 1924, quê ở Bắc Ninh. Mặc dầu đã từng có chồng (là bác sỹ Nguyễn Văn Phán, một người khá nổi tiếng ở Hà Nội lúc bấy giờ) nhưng với sắc đẹp trời phú và khả năng giao tiếp khéo léo, bà Mộng Điệp đã làm nên “tiếng sét ái tình” ngay lần gặp gỡ đầu tiên với cựu hoàng Bảo Đại khi ông ra Hà Nội nhận chức cố vấn tối cao của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.

Tuy không xuất thân từ giới hoàng tộc và lại làm “dâu” nhà Nguyễn vào thời kỳ suy tàn nhưng “thứ phi” Mộng Điệp trước sau vẫn giữ cung cách của một “bà phi”. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, người từng nhiều lần sang Pháp gặp bà Mộng Điệp thì tuy sống tại nước ngoài xa xôi, lại sống cuộc sống khá cô độc nhưng trong phòng khách của ngôi nhà “thứ phi” Mộng Điệp ở quận 12 (Paris) lúc nào cũng được trang trí một bức tranh lớn do một họa sỹ người Pháp vẽ vua Bảo Đại khi ông mới lên làm vua cùng một số đồ cổ của triều Nguyễn. Đặc biệt, ở vị trí trung tâm của bàn thờ tổ tiên, “thứ phi” Mộng Điệp dành vị trí rất trang trọng để thờ bà Từ Cung – thân mẫu vua Bảo Đại – và vua Bảo Đại cùng hai người con trai của mình.

Theo nghiên cứu của tác giả Nguyễn Đắc Xuân, với “thứ phi” Mộng Điệp, những ngày sống ở Tây Nguyên (chủ yếu là Đà Lạt và Buôn Ma Thuột) trong những năm 1949 – 1953 là quãng thời gian rất có ý nghĩa đối với cựu hoàng Bảo Đại. Tại Đà Lạt, cựu hoàng Bảo Đại dành tặng riêng cho “thứ phi” Mộng Điệp một ngôi biệt thự ở góc đường Hùng Vương – Trần Quang Diệu (nhà 14, Hùng Vương sau này), rất gần với dinh I – một trong 3 dinh thự rất nổi tiếng của cựu hoàng Bảo Đại trên xứ sở sương mù thuộc đất hoàng triều cương thổ. Cũng trong quãng thời gian sống ở Tây Nguyên này (1949 – 1953), không chỉ chăm lo cho cựu hoàng chu tất mà “thứ phi” Mộng Điệp còn dành thời gian để về Huế thăm hỏi bà Từ Cung nên được đức Từ Cung rất yêu quý. Từ tình cảm đó, bà Từ Cung đã “ban phát mão áo” và cho phép thắp nhang lạy tổ tiên để bà Mộng Điệp trở thành “thứ phi” duy nhất bên cạnh chánh phi Nam Phương hoàng hậu. “Tuy nhiên, do lúc này, triều Nguyễn đã bị phế truất nên về hoàng tộc thì Mộng Điệp là thứ phi được công nhận nhưng về mặt xã hội thì danh xưng “thứ phi” không còn tồn tại. Do vậy, khi nhắc đến Mộng Điệp với danh xưng “thứ phi” thì phải để trong ngoặc kép” – nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân lưu ý chúng tôi.

Nhà Huế học Nguyễn Đắc Xuân còn cho biết thêm: Bà Mộng Điệp là người còn lưu giữ khá nhiều tài liệu quý về cựu hoàng Bảo Đại. Vào những năm tháng cuối đời, “thứ phi” Mộng Điệp có mong ước được trở về sống ở quê hương để khi đi vào cõi vĩnh hằng sẽ được an táng gần lăng mộ đức Từ Cung tại Huế nhưng bởi nhiều lý do, mong ước của bà đã không trở thành hiện thực.

Khắc Dũng