Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm - Danh nhân văn hoá đất Việt

03:09, 28/09/2011

Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm sinh năm Tân Hợi, năm Hồng Đức thứ 21 đời vua Lê Tháng Tông tại làng Trung Am, huyện Vĩnh Lại, phủ Hạ Hồng, trấn Hải Dương, nay là thôn Trung Am, xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo, TP. Hải Phòng.

Tượng Danh nhân văn hoá Nguyễn Bỉnh Khiêm (cao 5,7m, nặng 8,5 tấn) bằng chất liệu đá granít đúc - tượng trong tư thế ngồi, tay cầm bút, tay cầm sách trầm tư về nhân tình thế thái.
Tượng Danh nhân văn hoá Nguyễn Bỉnh Khiêm (cao 5,7m, nặng 8,5 tấn) bằng chất liệu đá granít đúc - tượng trong tư thế ngồi, tay cầm bút, tay cầm sách trầm tư về nhân tình thế thái.
Trung tuần tháng 9 - 2011, nhân ra Đồ Sơn dự hội thảo báo Đảng các tỉnh phía Bắc, trong chương trình nghị sự chúng tôi được đồng nghiệp Báo Hải Phòng tổ chức cho về dâng hương tại đền Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, danh nhân văn hoá, nhà hiền triết, nhà chính khách, nhà sư phạm, nhà dự báo, nhà thơ, là cây đại thụ toả bóng gần suốt cả thế kỷ XVI. Sự nghiệp và tên tuổi của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đã lưu danh mãi cùng đất nước, sống trong lòng mỗi con dân nước Việt.

Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm sinh năm Tân Hợi, năm Hồng Đức thứ 21 đời vua Lê Tháng Tông tại làng Trung Am, huyện Vĩnh Lại, phủ Hạ Hồng, trấn Hải Dương, nay là thôn Trung Am, xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo, TP. Hải Phòng.

Trạng Trình xuất thân trong gia đình có truyền thống khoa bảng. Cụ tổ được tập phong Thiếu bảo, tư quận công; cụ bà được phong Chính phu nhân Phan Thị Huệ Trinh… Phụ thân được phong tước Thái Bảo nghiêm quận công, mỹ tự Văn Định đạo hiệu Cù Xuyên tiên sinh. Cụ Văn Định học rộng tài cao, có đức tốt đã có lần sung chức Thái học sinh đời Lê.

Thân mẫu Trạng là Nhữ Thị Thục - Từ thục phu nhân là con quan Thượng thư Bộ Hộ Nhữ Văn Lan ở làng An Tử (Tiên Lãng). Bà là một phụ nữ có tính cách mạnh mẽ, khác thường, nổi tiếng tinh thông Hán học và giỏi thuật số.

Nguyễn Bỉnh Khiêm còn nhỏ tuổi đã nổi tiếng thần đồng, được bố mẹ hết lòng dạy dỗ, rèn cặp nên năng khiếu thông minh ngày càng bộc lộ. Năm 1497, khi 7 tuổi Nguyễn Bỉnh Khiêm sống với cha. Năm 18 tuổi vào Thanh Hoá theo học Đình nguyên Bảng Nhãn Lương Đắc Bằng, một người nổi tiếng tinh thông Lý học đã đem sở học Dịch lý truyền dạy cho học trò yêu của mình. Sau Trạng về quê mở trường dạy học. Học trò các nơi  Sơn Tây, Kinh Bắc, Thăng Long… theo học rất đông.

Dưới thời nhà Mạc, hai kỳ thi vào năm 1529 – 1532 Nguyễn Bỉnh Khiêm không ra ứng thi. Năm 1535, Trạng đổi tên từ  Nguyễn Văn Đạt thành Nguyễn Bỉnh Khiêm dự thi Hội ở Văn Miếu Mao Điền (Trấn lỵ Hải Dương) và đỗ đầu (Hội nguyên). Tiếp đó vào thi Đình ông lại đỗ đầu ba giáp Tiến sĩ đạt danh hiệu Tiến sĩ cập đệ đệ nhất danh (Trạng nguyên). Với thành tích thi cử ấy, ông được vua Mạc bổ nhiệm chức Đông các hiệu thu, Tả thị lang bộ Hình rồi Đông các Đại học sĩ, Tả thị lang bộ lại.

Tháng 8 năm Nhâm Dần 1542, sau khi dâng sớ chém 18 lộng thần không được vua Mạc chấp thuận, ông treo ấn từ quan về quê mở trường dạy học.

Về quê, ông dựng quán Trung Tân, lập Am Bạch Vân làm trường dạy học, lấy biệt hiệu Bạch Am cư sĩ, sáng tác thơ ca, tập hợp các thi gia sáng tác, xướng hoạ. Bạch Vân Am theo thuyết Ngũ hành ứng với bát quái thì màu trắng (bạch) thuộc quẻ tốn, quẻ của gió, nhờ có gió thổi sạch bụi thì đổi mới trắng, mới sáng ra. Ngụ ý tâm hồn ông, cả đời ông trong trắng cao cả, không vết bẩn nhơ, không hành động gì sai trái. Với biệt hiệu Bạch Vân cư sĩ, từ “cư sĩ” là ngôn ngữ nhà Phật, xuất hiện lần đầu tiên trong văn chương Phật giáo trong Kinh Duy Mật. “Cư sĩ” chỉ người có trí tuệ lớn, tuy không xuất gia nhưng hành đạo Bồ Tát để cứu nhân độ thế. Am Bạch Vân đã trở thành Trung tâm đào tạo nhân tài của đất nước lúc đó với những tên tuổi còn mãi lưu sử sách: Phùng Khắc Khoan, Nguyễn Quyện, Đinh Thời Trung, Lương Hữu Khánh…

Ở Am Bạch Vân, Trạng không chỉ đơn thuần với cuộc “Bàn cờ cuộc rượu vầy hoa cúc / Bổ củi, cần câu trốn nước non” hay “Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ / Người khôn người đến chốn lao xao”… mà là ông đã tập trung sáng tác tập thơ Nôm “Bạch Vân thi tập”. Từ trải nghiệm cuộc đời, thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm ẩn chứa ba cuộc đối thoại: đối thoại với cuộc đời xã hội, với thiên nhiên và với chính bản thân mình. Đó cũng chính là bản chất của thơ trữ tình thế sự đã đạt tới trạng thái nhân thế và trạng thái thế giới. Thơ Trạng Trình thể hiện cốt cách thanh cao: Hãy giữ vẻ đẹp của con người và hãy sợ hãi sự tha hoá của nhân cách!
 
Cụm tượng thể hiện tình cảm dân làng khi đón Danh nhân từ quan về quê mở trường dạy học.
Cụm tượng thể hiện tình cảm dân làng khi đón Danh nhân từ quan về quê mở trường dạy học.

Với tấm lòng trung với nước, yêu dân, Nguyễn Bỉnh Khiêm viết :“Cổ lai quốc dĩ dân vi bản/ Đắc quốc ưng trí tại đắc dân” (Từ xưa đến nay, nước lấy dân làm gốc/ Được nước nên biết là ở chỗ được dân”. Và Trạng cũng từng ao ước: “Dân lầm than khổ cực sẽ được nằm trên nệm chiếu yên ổn/ Quan trọng nhất là bậc đế vương phải nêu cao nhân nghĩa”… 

Kể từ khi ông từ quan đến khi ông qua đời ở tuổi 95 là 43 năm. Trong 43 năm đó, “tiên sinh không tham dự quốc chính nhưng nhà Mạc vẫn kính như bậc thầy”.

Năm 1585 Trạng Trình ốm nặng, vua Mạc cử sứ giả và quan ngự y về thăm hỏi và chạy chữa bệnh. Từ phép biện chứng thô sơ của Dịch kinh và Lý học, Trạng Trình đã thể nghiệm sự đổi thay của hoàn cảnh xã hội giữa sống chết, đầy vơi, lên xuống, danh hư, thăng trầm, thịnh suy… của cuộc đời. Do vậy dân gian tin rằng sấm ký Trạng Trình là những tiên đoán về thời cuộc.

Tương truyền khi biết mình không tránh khỏi quy luật “sinh, lão, bệnh, tử”, ông đã bày kế sách bảo toàn nhà Mạc: “Cao Bằng tuy nhỏ nhưng cũng ở được mấy đời”. Sau thất bại năm 1592, nhà Mạc kéo lên Cao Bằng và tồn tại hơn 70 năm nữa. 

Sau khi Trạng mất, năm 1586 vua Mạc ban cấp cho làng Trung Am ba ngàn quan tiền để lập đền thờ, có gắn biển chính nhà vua đề chữ: Mạc Triều Trạng Nguyên tể tướng từ (Đền thờ quan tể tướng, Trạng nguyên triều Mạc), ban cho địa phương một trăm mẫu ruộng thờ. Và với câu sấm của Trạng “Đầu thu gà gáy xôn xao/ Trăng xưa sáng tỏ lối vào Thăng Long”, nhiều người giải mã rằng: Trăng xưa: cổ nguyệt ghép thành chữ Hồ, Sáng là chữ Minh, tỏ là chữ Chí. Như vậy ý hai câu thơ dự báo Cách mạng tháng Tám năm Ất Dậu 1945 thành công, Hồ Chí Minh vào Thăng Long, Hà Nội; đất nước được độc lập, tự do.

Đền thờ Trạng Trình hiện nay được làm vào thời Nguyễn. Năm 1927 được trùng tu. Theo truyền ngôn đền được dựng trong khu vực Am Bạch Vân xưa, nơi Trạng ngồi dạy học.

Đền xây dựng theo kiến trúc kiểu chữ Đinh có 5 gian tiền đường và 2 gian hậu cung. Năm 1991, nhân kỷ niệm 500 năm ngày sinh danh nhân tổ chức ở Vĩnh Bảo và Văn miếu Quốc tử giám Hà Nội, Bộ Văn hoá – Thông tin (Bộ VH-TT & DL) đã công nhận đền thờ Trình Quốc Công là Di tích lịch sử - văn hoá quốc gia.

Đền thờ được trùng tu, xây dựng nhiều di tích liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, một nhà trí thức rực rỡ một thời và tiêu biểu cho nhiều tầng lớp trí thức Việt Nam là một điểm tham quan, chiêm ngưỡng, nghiên cứu được nhiều khách gần xa tìm đến. Cũng tại đây, hàng năm TP. Hải Phòng đều tổ chức long trọng lễ tôn vinh học sinh, sinh viên xuất sắc của đất Cảng.  

NGUYỄN THANH