Từ lễ tế trời núi bản triều Tây Sơn đến đàn tế nam giao triều Nguyễn qua mộc bản triều Nguyễn

02:09, 14/09/2011

Trong các triều đại phong kiến Việt Nam, từ thời nhà Lý ở kinh đô đã thiết lập đàn Nam Giao để tế trời đất. Qua thời nhà Trần, Hồ, Hậu Lê, đàn Nam Giao đã ngày càng được chỉnh đốn và lễ tế Nam Giao cũng ngày càng quy củ hơn.

Đàn Nam Giao của triều Nguyễn mà chúng ta đang thấy ngày nay được xây dựng năm 1806, tại làng Dương Xuân ở phía Nam kinh thành Huế. Tuy nhiên, nguyên trước lúc chưa xây dựng, ở địa điểm này có rất nhiều mồ mả của tư nhân, và khi xây dựng đàn toàn bộ những ngôi mộ này đều được thiên thố đến địa điểm mới, được chôn cất tập thể vào 2 ngôi mộ lớn ở gần khu vực Ba Đồn. Vì vậy, theo nhiều người dân cho biết đàn Nam Giao này vừa là nơi tôn nghiêm để tế trời đất và cũng là nơi rất linh thiêng.
 
Thành nội Huế
Thành nội Huế

Trong các triều đại phong kiến Việt Nam, từ thời nhà Lý ở kinh đô đã thiết lập đàn Nam Giao để tế trời đất. Qua thời nhà Trần, Hồ, Hậu Lê, đàn Nam Giao đã ngày càng được chỉnh đốn và lễ tế Nam Giao cũng ngày càng quy củ hơn.

Riêng mảnh đất cố đô Huế, theo các nhà nghiên cứu cho biết có đến 4 địa điểm được xây dựng đàn Nam Giao qua các đời. Dưới thời chúa Nguyễn Phúc Lan (1635 - 1648), đàn Nam Giao được xây dựng ở Kim Long. Qua triều Tây Sơn (1788 - 1801), đàn Nam Giao được xây dựng trên một ngọn đồi gọi là Hòn Thiên dân gian thường gọi là núi Bân. Đến thời các vua nhà Nguyễn đàn Nam Giao cũng được xây dựng, lúc đầu vua Gia Long cho xây dựng ở làng An Ninh năm 1803, những 3 năm sau, năm 1806, nhà vua lại cho xây dựng đàn Nam Giao mới tại làng Dương Xuân. Đến nay, trải qua hơn 60 năm (1945 - 2008), đàn Nam Giao vẫn còn đó, uy nghiêm và trầm lặng, cổ kính và yên lành, nhưng không thể thiếu trong hành trình của những du khách lạc lối ghé thăm.

Năm 2006, lần đầu tiên Thừa Thiên Huế đã cho phục dựng lại lễ tế Nam Giao, một lễ không thể thiếu dưới sự trị vì của các vua nhà Nguyễn. Tuy nhiên Festival năm 2008, Huế đã phục dựng thêm một lễ hội nữa là lễ Đăng Quang của Hoàng đế Quang Trung tại Núi Bân. Nơi đây vào năm 1788, trước khi ra Bắc đánh dẹp giặc Thanh, Nguyễn Huệ đã làm lễ tế trời và lên ngôi hoàng đế. Núi Bân có độ cao 41m, diện tích khoảng 8,1 ha, độ dốc khoảng 15 – 20%. Hiện nay tại đây đang là điểm mà lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế lựa chọn để nhằm xây dựng một khu tưởng niệm Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ. Nếu dự án này được thực hiện thì Huế sẽ có thêm một điểm đến cho nhiều du khách và những nhà nghiên cứu về triều đại Tây Sơn. Một triều đại tồn tại chỉ với thời gian hơn 70 năm, nhưng từ lễ lên ngôi của hoàng đế Quang Trung cho đến những biến thiên thăng trầm của lịch sử, thì sự kiện ấy vẫn còn âm hưởng hào khí sục sôi của binh sĩ thề quét sạch giặc Thanh năm nào.

Từ Núi Bân khi vua Quang Trung làm lễ tế trời cho đến địa phận đàn Nam Giao triều Nguyễn cách nhau khoảng 3km, theo nhiều người dân cho biết nơi đây là những nơi địa linh phát tích. Chẳng thế mà nơi đây lại được các hoàng đế thời phong kiến lựa chọn để xây dựng những hạng mục quan trọng và những nghi lễ tôn nghiêm đến như vậy.

Dưới triều Nguyễn, lễ tế Nam Giao luôn được tổ chức vào mùa xuân. Từ khi đàn được xây dựng xong đến năm Thành Thái thứ 2 (1890), cứ mỗi năm triều Nguyễn tổ chức lễ tế Nam Giao một lần. Từ năm 1890 trở đi, cứ 3 năm lễ tế Nam Giao mới được tổ chức. Theo sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhất kỷ, quyển 28 có cho biết về việc xây đàn Nam Giao: “Tháng 2, ngày Giáp thân, bắt đầu dựng đàn Nam Giao (ở xã Dương Xuân về phía nam Kinh thành). Đàn làm ba tầng (tầng thứ nhất đàn tròn, cao 6 thước 8 tấc, chu vi 30 trượng 3 thước 5 tấc ; tầng thứ hai đàn vuông ; cao 2 thước 5 tấc, mỗi chiều 19 trượng 5 thước 7 tấc ; tầng thứ ba đàn vuông, cao 1 thước 9 tấc, mỗi bề 37 trượng 5 thước ; chung quanh ba tầng đều có lan can).

Đàn tròn tầng thứ nhất để tế Trời [Hiệu thiên thượng đế], Đất [Hoàng địa kỳ]. Đàn vuông tầng thứ hai tế tám tòng vị [tám vị được dự thờ] ở tả nhất là Mặt trời, tả nhị là các Tinh Tú, tả tam là các thần Gió, Mưa, Mây, Sấm ; tả tứ là sao Thái tuế, thần Nguyệt tướng, hữu nhất là Mặt trăng, hữu nhị là các thần Núi, Biển, Sông, Chằm [Sơn Hải Xuyên Trạch] (năm Minh Mệnh thứ 9 đổi làm Sơn Hải Giang Trạch), hữu tam là các thần Cồn, Gò, Bờ nước, Bãi bằng, hữu tứ là các thần kỳ trong cả nước. Tầng thứ ba, phía đông nam đặt sở Phần sài, phía tây bắc đặt sở Ế khảm. Ở ngoài ba tầng thì làm nền vuông, trồng thông khắp cả, ngoài nền vuông thì xây tường chung quanh. Cửa bốn mặt xây cột gạch. Ở ngoài đàn về phía hữu thì đặt Trai cung làm nơi vua ăn chay”.

Đến năm 1945, sau sự cáo chung của triều Nguyễn, đàn Nam Giao cũng như lễ tế Nam Giao dần đi vào lãng quên. Song trong những năm vừa qua, tỉnh Thừa Thiên Huế đã cho phục dựng lại nghi lễ này, cũng như việc quản lý, trùng tu, tôn tạo khu vực đàn Nam Giao một cách quy mô chưa từng có.

Quy trình của một lễ tế giao theo các nhà nghiên cứu cho biết bao gồm rất nhiều công đoạn, từ khi chuẩn bị đến khi kết thúc lễ tế , các chi tiết được sắp đặt rất tỉ mỉ, việc chuẩn bị rất lâu dài. gồm có việc: Loan báo tế trời đất,  Báo cáo tế lễ lên các tiên đế, Tuyên bố lễ tế, nội dung của cuộc tế, đây là phần chính cũng là phần quan trọng nhất trong việc kính cáo trời đất.
   
Giữa những dãy thông reo vi vu như ca hát, trên một gò đất cao như quả núi nhỏ, trong một ngôi đền với những ngọn lửa cháy bập bùng, lễ tế Nam Giao được tổ chức tại đây.
        
Để thỉnh cầu trời đất, thánh thần về dự ngày lễ thì một tháng trước ngày lễ, giữa đêm một viên quan phẩm hàm cao của Triều đình mặc triều phục gồm có: áo, mũ, lên mô đất cao nơi đặt làm lễ tế Nam Giao đốt những thanh gỗ thơm và cầu khấn vong hồn của các vị tổ tiên của Hoàng đế coi như các đấng thần linh bảo hộ được thỉnh mời về dự lễ tế Nam Giao; trên bàn thờ đặt các đồ cúng lễ như: hương, nến, rượu, trầu, tiền vàng...
   
Lễ tế Nam Giao chính là thể hiện sự tôn sùng uy quyền của trời đất đã ăn sâu bám rễ trong tâm thức tôn giáo của người Việt. Vì vậy, người ta đến với trời, để cầu mong cho quốc thái dân an, nhà nhà ấm no hạnh phúc, đôi khi trong sự tuyệt vọng người ta cũng tìm đến trời như một lẽ thường tình, và lễ tế Nam Giao đã đáp ứng được những mong ước này của con người. Trong đại lễ Nam Giao này, việc cúng mang một ý nghĩa to lớn, để tương xứng với đấng trời đất mà mọi người tôn thờ. Vì vậy, những nghi thức trong một cuộc tế rất cầu kỳ, nghiêm trang nhưng cũng không kém phần long trọng.
   
Ngày nay, những du khách đến thăm đàn Nam Giao vẫn còn được chiêm ngưỡng những cây thông trên đàn Nam Giao của các hoàng đế đầu triều Nguyễn trồng. Trước đây, sau khi cho xây dựng đàn xong, các vua nhà Nguyễn đã tự mình trồng những cây thông. Trên mỗi cây thông có làm một bài đồng treo ở trên cây, trong bài đồng này lại khắc những bài minh của vua. Trong ngoài thành cung, hoàng thân, công tử, đình thần… mỗi người cũng trồng 1 cây thông và đều có treo bài đồng.
   
Lễ tế Nam Giao mở đầu bằng việc vua rời Trai Cung và đoàn Ngự giá rời Hoàng Cung để đến đàn Nam Giao. Đoàn Ngự giá này bao gồm Tiền Đạo, Trung Đạo và Hạ Đạo, trong 3 đoàn này thì Trung đạo là quan trọng nhất do có nhiều xe và các đồ lễ cúng phải chuyển lên Nam Giao, ngoài ra thì có Hoàng đế, các hoàng tử và các quan đại thần tham gia.
   
Về phần nghi lễ tế gồm có những mục như: Vua đến bàn thờ rửa tay, Thui trâu nghé; chôn vùi lông và huyết; Cúng hương lễ dâng hương; Các thần giáng xuống; Lễ dâng ngọc và lụa; Lễ cúng sanh và các thức ăn; Đọc tuyên chúc; Lễ phân hiến; lễ á hiến; Lễ dâng rượu lần ba; Lễ từ phúc tộ; Đem đi và đốt một số vật lễ, sớ, bài vị; và cuối cùng là Vua hồi cung.

Nhìn chung lễ tế Nam Giao là một trong những lễ hội rất lớn và quan trọng của triều Nguyễn. Vì vậy, yếu tố thiêng hóa được đặt lên hàng đầu trong việc kính cáo trời đất. Ngày nay, song song với việc trùng tu bảo tồn và phục dựng lại những nghi lễ quan trọng này, mảnh đất cố đô sẽ thu hút nhiều hơn nữa những du khách trong và ngoài nước tới tham quan.

Nguyễn Huy Khuyến - Nguyễn Lê Thảo