Huyền thoại đường Hồ Chí Minh trên biển, mãi mãi là thiên anh hùng ca bất tử

02:10, 19/10/2011

Đường Hồ Chí Minh trên biển đã trở thành một bộ phận quan trọng trong hệ thống vận tải quân sự chiến lược của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, góp phần thắng lợi vào sự nghiệp giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước.

Ban mai trên biển Trường Sa. Ảnh: Nguyễn Thanh
Ban mai trên biển Trường Sa. Ảnh: Nguyễn Thanh
Đường Hồ Chí Minh trên biển đã trở thành một bộ phận quan trọng trong hệ thống vận tải quân sự chiến lược của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, góp phần thắng lợi vào sự nghiệp giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước.
 
Năm 1954, Hiệp định Giơnevơ về Đông Dương được ký kết, các nước tham gia hội nghị đã long trọng tuyên bố tôn trọng độc lập chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Lào và Campuchia. Mỹ là nước trực tiếp giúp Pháp trong cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương và là thành viên của Hội nghị Giơnevơ nhưng lại trắng trợn tuyên bố: “Mỹ không bị nội dung này ràng buộc”, từ đó ráo riết hất cẳng thực dân Pháp ra khỏi Đông Dương, lấy vĩ tuyến 17 của Việt Nam làm giới tuyến quân sự tạm thời, áp đặt chủ nghĩa thực dân mới ở miền Nam, biến miền Nam thành căn cứ quân sự của Mỹ, chia cắt lâu dài đất nước ta, ngăn chặn và đẩy lùi phong trào giải phóng dân tộc ở châu Á và trên thế giới, uy hiếp các nước xã hội chủ nghĩa.

Trước tình hình đó, Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa II) họp tại Hà Nội, xác định nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới, Nghị quyết xác định con đường giải phóng miền Nam là “Con đường cách mạng bạo lực”. Thực hiện chủ trương của Đảng và Quân ủy Trung ương, 19 - 5 năm 1959, “Đoàn công tác quân sự đặc biệt” (đơn vị tiền thân của Đoàn 559) được thành lập. Đến  tháng 7 - 1959, Tiểu đoàn 603 được thành lập, có nhiệm vụ nghiên cứu tìm phương thức vận chuyển bằng đường biển chi viện vũ khí cho chiến trường miền Nam. Đầu năm 1960, cùng với Phong trào Đồng khởi Bến Tre, cách mạng của các tỉnh đồng bằng Nam Bộ chuyển mạnh lên thế tiến công và trở thành cao trào đồng khởi rộng khắp; trước tình hình đó, yêu cầu về vũ khí trang bị, đạn và thuốc chữa bệnh trở thành vấn đề sống còn, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chiến đấu và phát triển lực lượng của các tỉnh Nam Bộ và Nam Trung Bộ. Yêu cầu cấp bách là phải nhanh chóng vận chuyển vũ khí, hàng hóa để chi viện cho chiến trường Nam Bộ; lúc này, tuyến đường bộ trên dãy Trường Sơn đã mở và hoạt động có hiệu quả, nhưng chưa vươn tới các địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng. Ngày 23 tháng 10 năm 1961, Bộ Tổng Tư lệnh ra Quyết định số 97/QP thành lập Đoàn 759 vận tải thủy. Quyết định thành lập Đoàn 759 thể hiện tầm nhìn chiến lược và sáng tạo của Bộ Chính trị mà trực tiếp là Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh, sự ra đời của Đoàn 759 đánh dấu mốc lịch sử quan trọng, mở ra bước phát triển mới của tuyến đường vận tải chiến lược trên biển. Ngày 23 tháng 10 trở thành ngày truyền thống của Đoàn 759 trước đây, Lữ đoàn 125 Hải quân ngày nay, đồng thời là Ngày mở Đường Hồ Chí Minh trên biển.

Đường Hồ Chí Minh trên biển đã hoàn thành trọn vẹn và đặc biệt xuất sắc nhiệm vụ chi viện chiến lược cho chiến trường miền Nam. Từ 1961 đến năm 1975, cán bộ, chiến sỹ trên tuyến vận tải biển đã vượt qua muôn vàn gian khổ, khắc phục khó khăn, mưu trí, dũng cảm, táo bạo; vượt qua sóng to, gió lớn; vượt qua sự phong tỏa ác liệt, vây ráp gắt gao của kẻ thù. Hàng trăm lượt tàu đã ra khơi, hàng ngàn tấn vũ khí, hàng hóa, thuốc chữa bệnh và hàng chục ngàn lượt người đã từ hậu phương lớn vào tiền tuyến lớn, nhiều con tàu ra đi không trở lại, nhiều đồng chí, đồng đội đã vĩnh viễn yên nghỉ nơi biển cả mênh mông. Đếm sao hết số lần phải thi gan, đấu trí với địch; kể sao hết những tấm gương dũng cảm, đức hy sinh cao quý; mỗi lần ra đi là một lần quyết tử, gặp địch là sẵn sàng chiến đấu, chấp nhận hủy tàu, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ bí mật con đường. Địch chặn lối này, ta mở lối đi khác; phương thức này không thành, ta tìm ra phương thức khác… Con đường vận chuyển trên biển trở thành một kỳ tích, huyền thoại, góp phần làm thất bại về căn bản chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ - ngụy trên chiến trường miền Nam, cùng quân và dân miền Nam đánh thắng Chiến lược “Chiến tranh cục bộ” và “Việt Nam hóa chiến tranh”. Đồng thời đã trực tiếp góp phần đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta đến thắng lợi hoàn toàn. Những sự tích anh hùng, những huyền thoại của “Đoàn tàu không số”, xâu chuỗi thành con đường bất tử - Đường Hồ Chí Minh trên biển, mãi mãi lưu truyền trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam.

Cùng với Đường mòn Hồ Chí Minh trên dãy Trường Sơn, Đường Hồ Chí Minh trên biển là một nét độc đáo, đặc sắc, sáng tạo của đường lối chiến tranh nhân dân, thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh; trở thành biểu tượng tự hào của cả dân tộc Việt Nam, hiện thân của ý chí khát vọng độc lập, tự do và thống nhất Tổ quốc; là trí tuệ, ý chí quyết chiến, quyết thắng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Thời gian sẽ qua đi, nhưng huyền thoại về Đường Hồ Chí Minh trên biển vẫn mãi mãi ngời sáng trong trang sử oanh liệt của dân tộc ta như một thiên anh hùng ca bất tử, tô thắm truyền thống đánh giặc, giữ nước của dân tộc, Quân đội và Quân chủng Hải quân nhân dân Việt Nam anh hùng.

Phát huy truyền thống đường Hồ Chí Minh trên biển trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, chúng ta tin tưởng rằng: Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh, đất nước ta sẽ trở thành một quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển theo như tinh thần Nghị quyết Trung ương lần thứ IV (khóa X): “Phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, phát triển toàn diện các ngành, nghề biển gắn với cơ cấu phong phú, hiện đại, tạo ra tốc độ phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả cao với tầm nhìn dài hạn. Phấn đấu đến năm 2020 kinh tế biển đóng góp khoảng 53%-55% GDP, 55%-60% kim ngạch xuất khẩu của cả nước, giải quyết tốt các vấn đề xã hội, cải thiện một bước đáng kể đời sống của nhân dân vùng biển và ven biển”. Đồng thời phải bảo đảm vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển, đảo; cũng như môi trường hòa bình, ổn định trên các vùng biển, đảo; thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc trên tinh thần Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 và Tuyên bố năm 2002 giữa ASEAN và Trung Quốc về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC).

PHAN VĂN PHẤN (Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)