Hình tượng rồng trong các sắc phong thời Lê – Nguyễn

05:12, 28/12/2011

Trên mỗi tờ sắc phong của mỗi triều đại, hình tượng con rồng đều được in, vẽ ẩn trong mỗi tờ sắc rất lộng lẫy, uy nghi và là con vật linh thiêng tượng trưng cho hoàng đế.

Sắc phong là những chiếu chỉ của vua chúa nhưng không liên quan đến một nội dung nhất định nào. Các vấn đề trong sắc phong bao gồm để tặng phong chức vị, tặng mĩ hiệu cho các quan và thần linh. Ngoài sắc phong chúng ta còn thấy có nhưng cụm từ liên quan như sắc chỉ, sắc lệnh, sắc thư, sắc tặng... Trong các loại sắc này thì có nhiều sắc của các triều đại vua khác nhau, đó là về hình thức hoa văn, kích thước sắc, và nội dung cũng khác nhau. Đặc biệt, trên mỗi sắc phong đều có những hình tượng của con rồng trên mỗi tờ sắc.

Trên mỗi tờ sắc phong của mỗi triều đại, hình tượng con rồng đều được in, vẽ ẩn trong mỗi tờ sắc rất lộng lẫy, uy nghi và là con vật linh thiêng tượng trưng cho hoàng đế. Hình tượng con rồng trên sắc phong còn có một ý nghĩa hết sức quan trọng, đó chính là thể hiện sự nghiêm trang trong việc ban sắc, và chống việc làm giả sắc thời phong kiến. Mỗi một sắc phong của mỗi một triều đại có khác nhau, ngay cả trong một triều đại nhưng ở những thời điểm các vị vua cũng khác nhau.

Thời Lê, rồng là một con vật mình dài uốn lượn đều đặn ở trong nhiều tư thế khác nhau. Đầu rồng to, bờm lớn ngược ra sau, mào lửa mất hẳn, thay vào đó là một chiếc mũi to. Mép trên của miệng rồng vẫn kéo dài nhưng được vuốt gần như thẳng ra, bao quanh có một hàng vải răng cưa kết lại như hình chiếc lá. Răng nanh cũng được kéo dài lên phía trên và uốn xoăn thừng ở gốc. Trên lông mày và chiếc sừng hai chạc, đầu sừng cuộn tròn lại. Rồng có râu ngắn và một chân trước thường đưa lên đỡ râu, tư thế thướng thấy ở các con rồng đời sau. Cổ rồng thường nhỏ hơn thân, một hiện tượng ít thấy ở những con rồng trước đó.

Trong sắc phong đề năm Vĩnh Khánh nhị niên 1730, thời Lê Đế Duy Phường,  hình tượng con rồng thật uy nghiêm nhả ngọc, xen lẫn vào trong đám mây, đuôi dài nhọn, móng vuốt sắc, sừng dày, bờm cao mình uốn nhiều khúc bao bọc toàn bộ sắc phong.

Thời Nguyễn con rồng trở lại vẻ uy nghi tượng trưng cho sức mạnh thiêng liêng. Rồng được thể hiện ở nhiều tư thế, ẩn mình trong đám mây, hoặc ngậm chữ thọ, hai rồng chầu mặt trời, chầu hoa cúc, chầu chữ thọ… Phần lớn mình rồng không dài ngoằn mà uốn lượn vài lần với độ cong lớn. Đầu rồng to, sừng giống sừng hươu chĩa ngược ra sau. Mắt rồng lộ to, mũi sư tử, miệng há lộ răng nanh. Vậy trên lưng rồng có tia, phân bố dài ngắn đều đặn. Râu rồng uốn sóng từ dưới mắt chìa ra cân xứng hai bên.

Trong tờ sắc phong thời Tự Đức, chúng ta thấy con rồng nằm trải dài khắp cả tờ sắc, mình có nhiều vảy như cá sấu, kết hợp các đốm hoa đầu ngoái lại đằng sau, mình uốn khúc ít hơn rồng thời Lê.

Nhìn chung, hình tượng con rồng là một biểu tượng không thể thiếu trong các văn bản sắc phong của triều đình phong kiến. Rồng biểu thị cho hoàng đế, biểu thị cho uy quyền tối thượng, vừa uy nghiêm trang trọng lại vừa mang đến một ân huệ cho dân chúng. Rồng theo quan niệm có thể phun mưa cứu tai ương cho nơi hạn hán, vì thế mà ngoài sắc phong ra, hình tượng con rồng còn được nhân dân khắc, vẽ trong nhiều mô típ nghệ thuật ở các kiến trúc văn hóa dân gian.

NGUYỄN HUY KHUYẾN