Bác Hồ vẽ và treo ảnh Phật trong ngày Tết

10:01, 02/01/2012

Đặc biệt là với Phật giáo, một tôn giáo đã có lịch sử ở Việt Nam hàng ngàn năm, gắn bó với truyền thống yêu nước, chống ngoại xâm, đồng hành cùng dân tộc, được Người rất quan tâm, coi trọng và luôn tìm cách phát huy những yếu tố tích cực của Phật giáo trong quá trình vận động cách mạng.

Xuất thân trong một gia đình Nho giáo Việt Nam, khi trưởng thành, có ba mươi năm đi tìm đường cứu nước, qua nhiều quốc gia, châu lục, được tiếp xúc với nhiều nguồn tư tưởng, tôn giáo khác nhau, Hồ Chí Minh luôn coi những người sáng lập ra các tôn giáo chính thống của loài người là những bậc hiền triết, có chung một mục đích là làm cho con người sống tốt đẹp hơn, yêu thương và có trách nhiệm với nhau hơn. Đặc biệt là với Phật giáo, một tôn giáo đã có lịch sử ở Việt Nam hàng ngàn năm, gắn bó với truyền thống yêu nước, chống ngoại xâm, đồng hành cùng dân tộc, được Người rất quan tâm, coi trọng và luôn tìm cách phát huy những yếu tố tích cực của Phật giáo trong quá trình vận động cách mạng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp gỡ đồng bào Hà Giang (năm 1961). Ảnh TL
Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp gỡ đồng bào Hà Giang (năm 1961). Ảnh TL

Trong những năm hoạt động ở Thái Lan, Người đã có những việc làm cụ thể. Theo nghị sĩ Thái Lan Siphanôn Vishit Vararon, năm 1927, khi hoạt động ở nước này, ông Thầu Chín (tên của Người ở Thái Lan khi ấy) đã vận động Việt kiều ở Thái Lan xây dựng ngôi chùa lớn ở Phôthisôn, tỉnh Udon, Đông bắc Thái Lan. Cũng thời gian này, chùa Lôkanukho (Băng Cốc) là cơ sở hoạt động cách mạng của Người với sự giúp đỡ tận tình của Hoà thượng trụ trì Thích Bình Lương. Sau khi nước nhà độc lập năm 1945, Hoà thượng Thích Bình Lương về thăm đất nước rồi lâm bệnh, được điều trị tại Bệnh viện Việt-Xô Hà Nội, Bác đã đến thăm và khi Hoà thượng viên tịch, Bác đã gửi vòng hoa trân trọng kính viếng. Trong những dịp Tết hoặc ngày lễ của Phật giáo, Bác cũng đã đến thăm nhiều ngôi chùa, trong đó có chùa Quán Sứ, chúa Bà Đá, chùa Hương... để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp với các tăng ni, phật tử. Hoà thượng Thích Đức Nghiệp, trong bài "Hồ Chủ tịch, một biểu trưng nhân bản Việt Nam" đã ghi lại lời khẳng định của Bác Hồ với một nhà báo nước ngoài: "Nhà nước chúng tôi luôn tôn trọng tự do tín ngưỡng, Phật giáo Việt Nam với dân tộc gắn bó như hình với bóng, tuy hai mà một. Tôi mong các hoà thượng, tăng ni và phật tử hãy tích cực thực hiện tinh thần Từ bi, Vô ngã, Vị tha trong sự nghiệp cứu nước, giữ nước và giữ đạo để cùng toàn dân sống trong độc lập, tự do, hạnh phúc (1).

Hoà thượng Thích Đôn Hậu cảm nhận: "Sự hiểu biết của Người rất uyên bác, không những Người nắm chắc lịch sử yêu nước của Phật giáo Việt Nam trong quá khứ, mà Người còn theo dõi rất cụ thể những hoạt động yêu nước của Phật giáo nước ta hiện nay" (2). Không chỉ với Phật giáo trong nước, mà với Phật giáo thế giới, tiêu biểu là Phật giáo Ấn Độ, khi Người tới thăm đất nước này cũng để lại những ấn tượng thật tốt đẹp. Ngài Mohabođi, Chủ tịch Hội Truyền bá đạo Phật ở Ấn Độ đã nói lên cảm nghĩ của mình trong lần tiếp Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người thăm Ấn Độ năm 1958: "Chúng tôi kính cẩn và nhiệt liệt hoan nghênh Ngài Chủ tịch đã từ bỏ những hào nhoáng lộng lẫy... Cũng như hoàng đế Asoka, một phật tử đầy lòng hy sinh. Chủ tịch đã nêu cao trước thế giới một lý tưởng, mà chỉ có thể thực hiện bởi một người kiêm cả công, nông, trí thức cách mạng với một lòng từ bi là đạo đức quý nhất của tín đồ Phật giáo. Các phật tử Ấn Độ chúng tôi rất lấy làm tự hào, xem Ngài là một con người của đất nước đã có quan hệ mật thiết về văn hoá và tín ngưỡng hơn hai ngàn năm với Ấn Độ chúng tôi" (3).

Chính vì am hiểu Phật giáo từ bản chất cùng truyền thống gắn bó giữa Phật giáo với dân tộc Việt Nam, đặc biệt là sự gắn bó mật thiết giữa Phật giáo và dân tộc trong quá trình dựng nước và giữ nước nên năm 1941 khi về nước trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng, trong dịp Tết Nguyên đán, ngay ở căn cứ Pác Bó, tự tay Người đã vẽ và treo ảnh Phật trên vách đá để bà con các cơ sở cách mạng quanh vùng đến có nơi chiêm ngưỡng và thêm hiểu biết, tin tưởng ở Đảng, ở cách mạng cũng như tín ngưỡng tôn thờ của mình.

(1) Thích Đức Nghiệp - "Hồ Chủ tịch, một biểu trưng nhân bản Việt Nam (tr 321-322)
(2) Bác Hồ trong lòng dân Huế - Thành uỷ Huế (tr 35)
(3) Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hoá - NXB Khoa học Xã hội - Hà Nội, 1990 - tr30

NGUYỄN GIA NÙNG