Một trong những minh chứng còn lại cho một thời hào hùng trên quê hương Quảng Trị là tòa thành cổ uy nghi đã chứng kiến những trận đánh ác liệt với quân thù trong 81 ngày đêm “mùa hè đỏ lửa năm 1972”.
Quảng Trị - nơi có hai dòng sông lịch sử (Thạch Hãn và Bến Hải), nơi có hai nghĩa trang liệt sỹ quốc gia (Nghĩa trang Trường Sơn và Nghĩa trang Đường 9). Chiến tranh đã lùi vào ký ức, thế nhưng dấu tích cuộc chiến tàn khốc mà quân xâm lược để lại vẫn còn âm ỷ trên mảnh đất Quảng Trị anh hùng đầy cát trắng và gió Lào. Một trong những minh chứng còn lại cho một thời hào hùng trên quê hương Quảng Trị là tòa thành cổ uy nghi đã chứng kiến những trận đánh ác liệt với quân thù trong 81 ngày đêm “mùa hè đỏ lửa năm 1972”. Trong những ngày đầu năm, đến thành cổ, ta như vẫn cảm nhận được hình ảnh những chiến sỹ anh hùng đang hăng say chiến đấu trong lửa đạn của quân thù.
Một góc thành cổ Quảng Trị |
Soi mình bên dòng Thạch Hãn hiền hòa, Thành cổ Quảng Trị vẫn đứng hiên ngang với vẻ uy nghi, trầm mặc. Đây được xem là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng với khát vọng tự do, độc lập. Nơi đây, dưới lớp cỏ non, lòng đất thành cổ đã thấm đậm máu của hàng ngàn chiến sỹ và đồng bào ta với tinh thần không nhân nhượng cho quân thù từng tấc đất thành cổ. Đến thành cổ, không ai không bồi hồi xúc động khi nghĩ đến những trận chiến ác liệt của các chiến sỹ cách mạng đã quên mình chiến đấu cho độc lập tự do của tổ quốc, các anh đã đặt nghĩa vụ của đất nước lên trên lợi ích của bản thân, để rồi nhiều chiến sỹ anh hùng đã gửi lại tấm thân và mãi mãi nằm lại dưới những lớp đất của thành cổ để lại những niềm tiếc thương cho đồng đội và người thân.
Bước vào thành cổ, hiện ra trước mắt là đài tưởng niệm với một cây nhang khổng lồ nằm giữa đài tưởng niệm nhằm tưởng nhớ cho các chiến sỹ đã hy sinh. Xung quanh lễ đài là 81 viên đá vuông tượng trưng cho 81 ngày đêm “mùa hè đỏ lửa 1972” tại thành cổ từ ngày 28 tháng 6 đến ngày 16 tháng 9 năm 1972. Hàng ngày, khu di tích thành cổ đón hàng trăm du khách trong nước và quốc tế đến tham quan. Một điều dể nhận thấy trong lòng mỗi người khi đặt chân vào thành cổ là cảm giác bùi ngùi nhưng khâm phục những người lính Bộ đội Cụ Hồ trong những trận đánh quyết liệt với quân thù trong thành cổ. Có nhiều du khách nước ngoài đã rơi lệ khi vừa bước chân đến đài tưởng niệm. Không xúc động làm sao được bởi những gì đã diễn ra cách đây 40 năm. Đó là những khoảnh khắc không thể phai mờ trong trận chiến mà chiến thắng mà thuộc về chính nghĩa.
Cuộc tấn công và nổi dậy mùa xuân năm 1972 của quân và dân ta đã giải phóng được Quảng Trị. Đây là một chiến công góp phần thắng lợi trên bàn hội nghị Pari. Cũng từ mùa hè năm ấy, Mỹ – Ngụy đã tập trung các lực lượng tối đa của chúng hòng tái chiếm Quảng Trị với mục tiêu “Sẽ sử dụng tối đa hỏa lực không quân và pháo binh để nghiền nát cổ thành Quảng Trị”. Tại thành cổ này, địch đã dội xuống biết bao bom đạn. Mỗi ngày trung bình mỗi chiến sỹ phải hứng chịu trên 100 quả bom, 200 quả pháo. 3km trong khu vực thị xã Quảng Trị và vùng ven có ngày chịu tới 2 vạn quả đại bác cỡ lớn. Nhiều báo chí Phương Tây bình luận và so sánh số bom đạn mà địch đã thả xuống Quảng Trị tương đương với 7 quả bom nguyên tử mà Mỹ đã ném xuống Hirosima và Nagasaki trong chiến tranh thế giới lần thứ 2 (1945). Thế nhưng bom đạn không khuất phục được ý chí chiến đấu của quân và dân ta bởi khát vọng độc lập tự do luôn cháy bỏng trong mỗi con người Việt Nam. Chúng ta đã chịu nhiều hy sinh mất mát nhưng chúng ta không thể mất được cứ điểm quan trọng này. Với tinh thần không nhường cho kẻ thù một tấc đất thành cổ, chiến sỹ ta và nhân dân Quảng Trị đã làm cho kẻ thù phải thất bại để rồi chúng ta đã dành được một chiến thắng bản lề trong cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược. Cuộc chiến 81 ngày đêm bảo vệ thành cổ Quảng Trị đã kết thúc: 26.400 tên địch bị xóa sổ, trong đó có 10.000 tên phơi xác dưới chân thành cổ, 200 xe tăng và 200 khẩu pháo bị phá hủy, 250 máy bay bị bắn rơi.
Dòng sông Thạch Hãn – dòng sông của một thời đỏ lửa đã chứng kiến biết bao nhiêu thăng trầm, dòng nước ấy đã hòa tan cùng với dòng máu nóng của các anh hùng khi vượt sông. Để vào được thành cổ, những chiến sỹ phải vượt dòng sông Thạch Hãn dưới mưa bom bão đạn của kẻ thù. Có những khi 10 người vượt sông mới có 1 – 2 người qua được thành cổ, còn đa số những người còn lại phải gửi lại tấm thân dưới dòng sông. Đến hôm nay, vẫn còn có những chiến sỹ hy sinh trên mảnh đất thành cổ này nhưng chưa tìm được hài cốt hoặc là những bộ hài cốt vô danh. Có những người cha, người mẹ vẫn ngày đêm vẫn mong được tìm thấy con mình ở đây. Máu của chiến sỹ đồng bào ta đổ xuống, tô thắm cho trang sử vẻ vang của dân tộc để xanh ngời cỏ non thành cổ hôm nay.
Trong thành cổ hôm nay có một bảo tàng trưng bày những hiện vật và hình ảnh nói về trận chiến tại thành cổ. Hình ảnh những chiến sỹ cộng sản kiên trung vẫn được hiện lên qua những hiện vật và hình ảnh dưới nhiều góc độ. Khi bước chân vào bảo tàng trong thành cổ, hiện ra ngay trước mắt ta là câu nói của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn được treo trang trọng: “Chúng ta đã chịu đựng được không phải chúng ta là gang thép, vì gang thép cũng chảy với bom đạn của chúng. Mà chính chúng ta là những con người, những con người thực sự, những con người Việt Nam với truyền thống 4.000 năm đã giác ngộ sâu sắc trách nhiệm trọng đại trước Tổ quốc, trước thời đại”. Câu nói đó như phác họa tất cả về trận chiến tại thành cổ để rồi hôm nay nhiều người Việt Nam tự hào vì những chiến sỹ đã chiến đấu dành từng tấc đất thành cổ.
Thành cổ trong quá khứ đau thương, khốc liệt, khói lửa và đổ nát thì hôm nay nó được con người khắp nơi biết đến như một chứng tích lịch sử hào hùng, một mảnh đất tâm linh. Với chúng tôi – những thế hệ người Việt Nam sau này, dù chỉ một lần được đến thành cổ vẫn tin rằng thời gian có thể làm mờ đi tất cả nhưng không thể xóa nhòa đi hình ảnh “Một thời hoa lửa của chiến trường xưa”. Bởi đó là thiên anh hùng ca bất tử đã được quân và dân ta viết nên tại mảnh đất thành cổ anh hùng. Thành cổ Quảng Trị là nơi mọi người dân Việt Nam hướng về với lòng tri ân những người đã ngã xuống cho độc lập – tự do của tổ quốc. Thành cổ ôm trong mình tinh thần yêu nước, lòng tự hào và ý chí kiên cường của dân tộc. Lê Bá Dương – người từng có những năm tháng chiến đấu trong lòng thành cổ đã có những vần thơ thể hiện nỗi nhớ đồng đồng đội, đồng thời đem đến cho chúng ta một thông điệp chiến thắng thành cổ đã có nhiều chiến sỹ đã gửi lại tuổi xuân trên mảnh đất Quảng Trị anh hùng: “Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ./ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm./ Có tuổi hai mươi thành sóng nước./ Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm”.
LÊ KHẮC NIÊN