Nhiều tên tuổi đã quen thuộc với bạn đọc Việt Nam nhưng thông qua ngòi bút sắc sảo của nhà báo Phan Quang, người đọc sẽ hiểu thêm về những con người không chỉ nổi tiếng với những bài thơ, những tiểu thuyết, những trận đánh… mà còn về cuộc sống rất đời thường của họ.
Nhà báo lão thành Phan Quang |
LTS: Nhà báo Phan Quang, sinh năm Mậu Thìn 1928, tại Quảng Trị. Làm báo, viết văn từ năm 1948 đến nay. Từng đảm nhận các chức trách Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, công tác đối ngoại của Quốc Hội… và nổi tiếng với nhiều tác phẩm dịch văn học nước ngoài, trong đó có bản dịch “Nghìn lẻ một đêm” nên đọc văn của Phan Quang, người đọc cảm nhận rõ nét sự uyên bác, lịch lãm, cẩn trọng và khách quan của tác giả. Hiện sống ở Hà Nội, nhà báo lão thành Phan Quang ở tuổi ngoài tám mươi vẫn trăn trở với nghề viết, trăn trở với việc “ Đi - Nghĩ - Đọc - Viết”. “Cho đến khi giã từ trần thế” (NXB Phụ nữ 2011) là cuốn sách phác họa chân dung các nhà thơ, nhà văn, nhà sử học, các nhà văn hóa, các chính khách nổi tiếng nước ngoài như hoàng đế Napoléon, tướng De Gaulle, Tổng thống Francoise, nhà báo Wilfred Burchett… Nhiều tên tuổi đó đã quen thuộc với bạn đọc Việt Nam nhưng thông qua ngòi bút sắc sảo của nhà báo Phan Quang, người đọc sẽ hiểu thêm về những con người không chỉ nổi tiếng với những bài thơ, những tiểu thuyết, những trận đánh… mà còn về cuộc sống rất đời thường của họ.
Từ số này, chuyên mục “Hồ sơ - Tư liệu” Báo Lâm Đồng cuối tuần sẽ khởi đăng giới thiệu với độc giả một số tác phẩm trong tuyển tập “Cho đến khi giã từ trần thế” của nhà báo lão thành Phan Quang.
NGUYỄN THANH (Giới thiệu)
Jean Lacouture được người Pháp đánh giá là một trong những nhà văn chuyên viết tiểu sử nổi tiếng nhất nước Pháp hiện nay.
Sau khi tập I bộ De Gaulle được nhà xuất bản Le Seuil cho ra mắt bạn đọc tháng 9 năm 1984, nhà phê bình văn học Henri Guillemin viết trên báo Le Monde (Thế giới): "Tôi có thể thề về điều này. Chừng hai mươi hoặc ba mươi năm nữa, khi một sinh viên hỏi vị giáo sư hướng dẫn mình: Nghiên cứu về De Gaulle, em nên tìm đọc tác phẩm nào là cơ bản, thì chắc chắn anh ta sẽ được trả lời: Về De Gaulle, em hãy đọc Jean Lacouture". Trên báo Le Matin (Buổi sáng), nhà văn Pierre Nora khẳng định: Sau tám trăm cuốn sách đã xuất bản viết về De Gaulle, đây là cuốn số một". Trên báo Sud Ouest (Tây Nam), tác giả Claude Mauriac đánh giá: "Một cuốn tiểu sử mẫu mực". Tuần báo L'Express (Nhanh) dưới tên ký của người điểm sách René Rémond nhận xét: "Đó là một cuốn sách tuyệt vời. Chưa bao giờ ở Pháp, tài năng của một người viết tiểu sử tỏ rõ ở trình độ cao như vậy".
Hơn một năm sau, tập II phát hành. Lại rộ lên những lời khen ngợi nồng nhiệt. Henri Guillemin hạ một từ: "Bậc thầy!" Tuần báo L'Express nhường lời cho một cây bút khác, Fred Kupferman. Ông này viết: "Lacouture rồi sẽ được tấn phong là nhà văn viết tiểu sử giỏi nhất nước Pháp". Cựu Bộ trưởng Alain Peyrefitte, một người thân cận của Tướng De Gaulle - ông này gần đây vừa cho ra một tác phẩm riêng của mình về nhà sáng lập nền cộng hòa thứ năm của nước Pháp - ca ngợi trên tờ Le Figaro: "Một cuốn sách mang tính tổng hợp cho đến nay chưa có cuốn nào sánh bằng".
Những nhận định trên đây không chỉ là chuyện thông thường vẫn diễn ra trong sinh hoạt báo chí, văn học khi có một tác phẩm lớn vừa ra mắt bạn đọc. Gần đây - tức là mười lăm năm sau ngày xuất bản - trên tuần báo Le Nouvel Observateur (Người quan sát mới), nhân một sự kiện gì đó về De Gaulle, một nhà làm sử trích dẫn: "Jean Lacouture, người viết tiểu sử hay nhất về De Gaulle, đã nhận xét về vấn đề này như sau...".
Đúng như nhà phê bình Yves Florenne đã nhận định trên báo Le Monde diplomatique (Thế giới ngoại giao): Tác phẩm của Jean Lacouture là "một công trình đồ sộ về thể loại tiểu sử". Đồ sộ trước hết về quy mô. Bộ sách ba tập dày tổng cộng 2.470 trang khổ 16x24cm với những dòng chữ in cỡ nhỏ cứ như quấn sít vào nhau. Nếu nó không chuyển tải nội dung phong phú với cách hành văn lôi cuốn do tài năng của người khéo kể chuyện thì độc giả thật khó mà đọc hết từ đầu chí cuối. Jean Lacouture đã bỏ ra bốn năm để viết nên tác phẩm, và như lời ông thú nhận, ông đã không khỏi cảm thấy kinh hoàng sau khi nhỡ bắt tay vào công trình này, bởi càng làm việc ông càng cảm thấy mình đuối sức trước tầm vóc nhân vật cũng như trước sự rối rắm về bối cảnh vốn là đặc điểm của lịch sử thế kỷ 20.
Mà Jean đâu phải là người ngoài cuộc, hơn nữa thể loại tiểu sử vốn là một sở trường của ông.
*
Jean Lacouture sinh năm 1921. Tốt nghiệp cử nhân luật, cử nhân văn chương, Viện Khoa học Chính trị Paris. Trong chiến tranh chống phát xít, ông tham gia Lực lượng kháng chiến nội địa (FFI) mà nòng cốt là Đảng Cộng sản Pháp. Tháng 10/1945 ông được phái sang Đông Dương với tư cách tùy viên báo chí của Tướng Leclerc, Tổng tư lệnh Đạo quân viễn chinh Pháp. Nhưng rồi ông sớm từ giã binh nghiệp để trở thành biên tập viên chính trị của báo Combat (Chiến đấu) do Albert Camus làm chủ bút đồng thời là phóng viên của báo Le Monde. Trong cuộc chiến tranh Kênh đào Suez, ông sang Cairo làm phóng viên thường trú báo France-Soir (Nước Pháp buổi chiều). Từ 1957, ông phụ trách Ban biên tập hải ngoại của báo Le Monde, rồi phóng viên cao cấp của báo này (thuật ngữ báo chí Pháp gọi là "phóng viên lớn" - grand reporter), đồng thời giảng dạy tại Viện khoa học chính trị. Chính trị đối ngoại là môn sở trường của ông. Những tác phẩm chính và được nhiều người biết nhất của ông do đó là những cuốn viết về những sự kiện thời sự quốc tế nổi bật và những nhân vật lừng danh mà ông từng có dịp tiếp xúc.
Trong những tác phẩm trên, bộ sách về De Gaulle là tác phẩm có lẽ được tác giả đầu tư nhiều công sức hơn cả và cũng thành công vang dội nhất.
Một lần gặp Jean Lacouture, tôi trêu ông bằng lời phàn nàn bộ sách Các giáo sĩ dòng Tên của ông anh khó đọc quá. Tôi đã cố gắng nhưng không nuốt nổi một nghìn trang sách của anh, mặc dù nội dung có những phần khá hấp dẫn vì liên quan đến lịch sử Việt Nam. Jean cười:
- Chắc anh chưa biết, tôi đã theo học Trường Dòng chín năm, nhưng tôi vẫn là một người vô thần. Tôi viết về những nhà truyền giáo nhưng trước hết là viết tiểu sử những con người có yêu có ghét, như phụ đề in trên bìa sách đã nói rõ. Nó rối rắm bởi cái thời kỳ ấy rối rắm... Mà xét đến cùng cũng chẳng phải tại thời kỳ. Thế kỷ 20 còn phức tạp hơn. Anh đã đọc De Gaulle rồi chứ? - anh nói tiếp.
Tôi đáp tôi không có sách, chỉ mới được đọc qua những bài giới thiệu tác phẩm trên báo. Jean nồng nhiệt:
- Tôi sẽ gửi biếu anh. Thế nào tôi cũng gửi cho anh. Vấn đề là ở chỗ gửi cách nào cho tiện...
Ít lâu sau, đang giờ làm việc tôi nhận được điện thoại, giọng rất vui của một người bạn:
- Philippe đây. Tôi mới đến Hà Nội và đã biến thành một con lừa mất rồi. Jean Lacouture bắt con lừa này phải còng lưng vác trên vai năm ki lô sách của cậu ấy từ Paris sang đây biếu anh. Con lừa kiệt sức sau mười bốn giờ bay rồi, không làm sao lê chân nổi đến chỗ anh nữa. Tôi đang ở khách sạn S. Anh sang hoặc cho người sang nhận hộ...
Lời đề tặng của Jean Lacouture ở đầu bộ sách khá ngộ nghĩnh, làm tôi nhớ đến những dòng anh ghi tặng tôi trên cuốn Tiểu sử Chủ tịch Hồ Chí Minh trong lần đầu gặp nhau.
*
Tôi biết tiếng Jean Lacouture từ lâu và cũng đã đọc vài ba cuốn sách cùng nhiều bài báo của ông nhưng chưa có dịp gặp. Cách đây dễ cả chục năm, một hôm tôi được mời đến dự bữa cơm trưa thân mật do một nhà ngoại ở Hà Nội thết đãi nhân có một chính khách Pháp từng làm việc nhiều năm trong ngành phát thanh vừa sang. Vốn rất ngại những buổi tiếp tân thế này - lại vào chính giữa trưa nữa chứ - tôi đã nhờ người trả lời là có việc bận không đến được. Nhưng đích thân chủ nhà sau đó gọi điện thoại khẩn khoản mời, mà nói thêm có một vài người quen biết nữa muốn gặp tôi.
Thế là đúng mười hai giờ trưa hôm đó, tôi đến nơi hẹn. Trong phòng khách đã có nhiều vị đến trước, tây có ta có. Đúng là có một người bạn quen, Philippe Sainteny, con trai Jean Sainteny, nguyên Cao ủy Pháp tại Việt Nam những năm 1946-1947, tác giả cuốn Một nền hòa bình bị bỏ lỡ. Philippe làm việc tại Đài phát thanh Pháp, tôi có đôi lần gặp anh ở Paris hoặc ở Hà Nội. Hồi còn bé, Philippe nhiều dịp được gặp Bác Hồ, trong thời gian Người sang thăm Pháp, và cha ông được chính phủ Pháp cử đi tháp từng Người. Có lẽ tại những kỷ niệm ấy mà ông rất yêu mến Việt Nam. Dĩ nhiên chúng tôi rất mừng khi gặp lại nhau.
Đại sứ Pháp tủm tỉm cười, giới thiệu tiếp người đứng bên cạnh Philippe:
- Ông Jean Lacouture:
Một con người tầm thước, không còn trẻ nhưng rất khỏe mạnh, da mặt đỏ au vì nắng nhiệt đới, vẻ mặt cởi mở. Cái xiết tay của ông khá mạnh mẽ. Rất vui được làm quen với một người mình nghe tiếng từ lâu, tôi nói thật lòng:
- Tên ông không phải xa lạ đối với chúng tôi.
Jean Lacouture quay lại nhìn chủ nhà:
- Ông cứ than phiền cho sự giảm sút của Francophonie (1). Thế mà sang Việt Nam tôi toàn gặp những người nói tiếng Pháp tuyệt vời.
Tôi vội dặn mình hãy cảnh giác với lời khen. Bởi lúc này tôi chưa biết là ngay sáng hôm ấy, Jean đã được trò chuyện và phỏng vấn hai người mà ông hằng ngưỡng mộ: Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Tuy gọi là một bữa tiếp khách đối ngoại song cũng khá thân tình, mọi người chuyện trò thoải mái. Tôi hỏi Jean tối nay có bận gì không. Anh cho biết chắc là phải đến dự buổi tiếp đáp lễ vị Bộ trưởng Việt Nam đã khoản đãi ông chính khách này. Tôi rỉ tai anh: "Anh còn lạ gì những buổi tiếp tân chính thức loại ấy. Sự có mặt của cánh nhà báo chúng ta vừa có vẻ không thể thiếu lại vừa rất thừa. Thực chất là thừa. Nếu anh tin lời tôi thì anh chỉ nên tạt qua, bắt tay ông Bộ trưởng cho phải đạo rồi đến chỗ này cùng Philippe và tôi. Bởi các anh là những người gắn bó với Việt Nam, và đã lâu chưa có dịp trở lại, tôi sẽ mời các anh cùng dùng một bữa cơm xoàng nhưng cơm Việt Nam đích thực. Chúng ta sẽ có nhiều thời giờ chuyện trò thoải mái hơn".
Jean nháy mắt và chìa ngay bàn tay mạnh mẽ ra nắm tay tôi. Tôi đưa cho anh mảnh giấy ghi một địa chỉ và giờ hẹn. Vậy là tối hôm ấy ba chúng tôi cùng có mặt tại một hiệu ăn không sang trọng nhưng không đến nỗi quá tuềnh toàng. Được nhất là khung cảnh rất hợp gu tây.
Vừa ngồi vào bàn, Jean đã ghé tai người phục vụ nói gì đó. Anh này ngẩn người, có vẻ ngạc nhiên hơn là không hiểu. Jean nhắc lại, rành rọt hơn bằng tiếng Việt:
- Nước mắm. Cho tôi nước mắm nguyên chất.
Trong bữa ăn, tôi nói Jean nghe cảm tưởng khi lần đầu đọc cuốn sách anh viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thời ấy cả nước Việt Nam đang bừng bừng khí thế đánh Mỹ. Quân dân ta đã bắn rơi chiếc máy bay thứ hai nghìn... Thành thật mà nói, những tư liệu anh viết về Bác Hồ đối với chúng tôi không có gì mới. Nhưng sách của anh là cuốn tiểu sử hoàn chỉnh đầu tiên về Hồ Chí Minh. Trước anh, mới có cuốn sách mỏng của Thủ tướng Phạm Văn Đồng xuất bản ở Liên khu 5 từ thời kháng Pháp, bài báo của đồng chí Trường Chinh và một số hồi ký của các nhà cách mạng... Hơn nữa tác phẩm được thực hiện và xuất bản khi Người còn khỏe (1967). Chúng tôi rất biết ơn những lời tốt đẹp anh viết về Việt Nam. Có phải anh đã viết: "Ai muốn học bài học về chủ nghĩa lạc quan, hãy đến Việt Nam"?...
Jean Lacouture chăm chú nghe và tỏ ra rất thú vị. Anh hỏi:
- Hồi ấy sách xuất bản ở Paris vẫn đến được Việt Nam ư?
- Có chứ, tuy không nhiều. Chúng tôi chuyền tay nhau những cuốn thú vị. Tôi có một cuốn Hồ Chí Minh của anh, tôi đã cho bạn mượn, và thế là nó đi luôn, không trở về với chủ nữa. Tôi không bao giờ tha thứ cho mình sự dại dột ấy.
Philippe cười lớn:
- Thế nào, Jean? Cậu nghe chưa? Và chẳng nhẽ cậu không sẵn sàng đền bù sự thiệt thòi của ông bạn chúng ta?
Jean nhăn nhó:
- Đúng là cuốn sách có được tái bản sau khi đất nước các bạn thống nhất. Khổ cái hôm nay tôi không mang theo bản nào...
- Không sao. Vậy thì tôi, Philippe đây, tôi có mang theo đây. Cuốn sách của tôi hơi cũ. Tớ sẵn sàng cho cậu mượn để tặng anh P.Q, với điều kiện về Paris cậu phải cho tớ bản khác.
Trước khi giã từ Hà Nội, Jean Lacouture nhờ người mang đến tận cơ quan cho tôi cuốn Hồ Chí Minh với lời đề tặng tinh nghịch của cả hai anh bạn nhà báo:
Cuốn sách (có hơi cũ nát) này của Philippe Sainteny. Ngày... tháng... năm... tại Hà Nội, tôi đã giao tận tay cho tác giả của nó là Jean Lacouture... Ký tên Philippe.
... để tác giả trân trọng và thân ái trao tặng ông Phan Quang, ghi nhớ một buổi tối tuyệt vời tại Hà Nội... Ký tên Jean.
Ở trang giấy còn để trắng của cuốn sách ở bên trái, Jean vẽ nguệch ngoạc một ông mặt trời giống như ông mặt trời các cháu mẫu giáo thường vẽ, có tóc có râu.
Cuốn tiểu sử của Jean Lacouture viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh, như đã nói, không có nhiều tư liệu mới và độc đáo như phần lớn các tác phẩm khác của anh. Nguyên nhân có lẽ tại thời điểm ra đời quá sớm. Tuy nhiên, như tác giả thổ lộ, anh không thể không viết về một người anh hằng khâm phục, một con người anh đã có dịp tiếp xúc ngay từ ngày mới sang Đông Dương làm tùy viên cho Tướng Leclerc.
Tư liệu không phong phú lắm nhưng được tác giả trình bày khéo léo, mạnh lạc, điểm xuyết những điều mắt thấy tai nghe cùng những nhận xét và kiến giải mang dấu ấn cá nhân. Chẳng hạn trong cách anh phân tích vì sao nhân dân Việt Nam ai cũng quý yêu và trân trọng gọi vị Chủ tịch Nước là Bác, Bác Hồ; vì sao bất kỳ ở đâu hễ Bác Hồ xuất hiện thì cũng đều vang lên, bật ra từ trái tim những người có mặt, lời hô
Hồ Chủ tịch muôn năm, như anh được nhiều lần chứng kiến. Hay là, khi anh nhấn mạnh một nét mà anh cho là nổi bật trong nhân cách Bác Hồ, ấy là "nỗi đam mê thuyết phục (người khác), một khát vọng rất dân chủ ở Bác Hồ...". Chính cái khát vọng mạnh mẽ muốn thuyết phục nhân dân, muốn đi thẳng vào con tim của quần chúng đã khiến Người luôn luôn coi trọng việc dùng những lời lẽ phổ thông, giản dị nhất để nói với quần chúng, cụ thể như trong lần Bác Hồ giải thích với nhân dân về Tạm ước 6/3/1946 ngay sau khi Người từ Pháp trở về...
Cuốn sách được viết vào thời gian có sự bất đồng sâu sắc giữa hai nước lớn trong phong trào cộng sản quốc tế. Jean Lacouture không thoát khỏi cái thói thời thượng của các nhà báo phương Tây hồi ấy là đến đâu cũng soi mói và đoán mò xem trong nội bộ lãnh đạo nước ấy đâu là những người thân Liên Xô, ai là những người thân Trung Quốc. Đến Việt Nam cũng vậy, trừ Bác Hồ, dĩ nhiên. Dù sao Jean vẫn giữ được cho toàn tác phẩm cái tinh thần quán xuyến là niềm tin vào phẩm chất của nhân dân Việt Nam dưới sự dẫn dắt của Bác Hồ, tin tưởng vào thắng lợi tất yếu của nhân dân ta trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước.
Mô tả bầu không khí chính trị ở miền Bắc nước ta những năm 1965-1966, tác giả viết: (Việt Nam nghiêng về bên nào?) "Moscou ư? Bắc Kinh? Không, Hà Nội, đơn giản thế thôi. Hà Nội, nơi mà các nhà làm công tác thư viện đang tranh thủ chụp bằng micrôphim những tác phẩm chép tay lưu lại từ thế kỷ 17 mà không thể mang đi sơ tán hết về các tỉnh, phòng sau này gặp trường hợp các chiến sĩ đang chiến đấu trong rừng nhỡ ra có cần tra cứu về văn hóa dân tộc hoặc về Nguyễn Du chăng (thì đã có sẵn tư liệu), trong khi ở Trung Quốc lúc này các hồng vệ binh đang đốt sách ngay trước Quảng trường Thiên An Môn. Hà Nội, nơi mà giữa hai hồi còi báo động máy bay Mỹ, thanh niên nam nữ vẫn thoải mái làm dáng, vẫn thoải mái buông mình cho những tình cảm nồng ấm theo những làn tóc dài bay bay trong gió của các thiếu nữ...
"Moscou ư? Bắc Kinh ư? Không. Khi có ai hỏi Bác Hồ về mục tiêu cuộc chiến đấu của Người, Bác Hồ một mực trả lời: "Đối với nhân dân Việt Nam, không có gì quý hơn độc lập và phẩm giá con người".
*
Jean Lacouture kể lại một kỷ niệm. Hôm ấy, tại Hà Nội giữa hai làn bom Mỹ, tác giả đang phỏng vấn Thủ tướng Phạm Văn Đồng thì cửa phòng hé mở và Bác Hồ nhẹ nhàng bước vào. "Cũng như mười lăm năm trước, anh viết, tiếng chân Người bước đi vẫn rất nhẹ, còn nhẹ hơn tiếng sột soạt của bộ áo quần ka ki Bác mặc trên người. Bác Hồ mỉm cười, đưa tay ra hiệu bảo chúng tôi cứ ngồi yên và nói: Thủ tướng nói về chính sách của chính phủ hay hơn tôi. Tôi đến đây chỉ như một người bạn cũ để chuyện trò với nhau về những ngày đã qua thôi. Thế nào, Paris có gì mới nào, anh bạn?".
*
"Bác Hồ trông có khác đi nhiều - anh viết. Tóc bạc nhiều hơn. Bộ râu dường như có đỡ thưa thớt hơn lần anh được gặp trước. Dáng người của Bác vẫn dong dỏng trong bộ quần áo ka-ki, tuy khuôn mặt có đầy đặn hơn một chút so với hồi trước...".
Để kết thúc tác phẩm của mình, Jean Lacouture thuật lại một mẩu chuyện khác: "Tháng 9 năm 1966, tại thủ đô Washington, tôi có gặp một trong số những người Mỹ thông minh nhất, thạo tin nhất về các vấn đề châu Á, cụ thể là về Đông Dương. Ông ta nghĩ rằng cần phải đi đến một thỏa hiệp (giữa hai bên cho cuộc chiến tranh Việt Nam). Chúng tôi nói chuyện về ông Hồ. Chính kiến của ông người Mỹ ấy có vẻ chẳng mấy khác ý kiến của tôi. Nhưng đột nhiên con người học rộng và nhạy cảm ấy chợt nổi máu cường quốc Hoa Kỳ lên. Ông nói với tôi Jean Lacouture:
"Cũng như ông, tôi khâm phục ông Hồ Chí Minh. Đó là một nhân cách hấp dẫn, có thể nói là quyến rũ nữa, một nhà yêu nước không bao giờ nghĩ tới lợi ích riêng tư. Nhưng ước mơ của cả cuộc đời ông Hồ là thống nhất nước Việt Nam dưới quyền lực của mình, ước mơ ấy ông ta sẽ không thực hiện được. Chúng tôi đã quyết định là không để cho ông làm việc đó. Chúng tôi không cho phép miền Nam Việt Nam rơi vào ảnh hưởng của ông ta. Tôi rất tiếc cho ông Hồ, nhưng việc đó sẽ không xảy ra đâu...".
Và tác giả kết thúc cuốn tiểu sử bằng ý kiến riêng của mình với những dòng sau:
"Ai mà biết được? Bác Hồ bây giờ là một người cao tuổi. Đời Bác đã trải qua cả nửa thế kỷ đấu tranh cách mạng... Nhưng nếu cậu bé Cung, trở thành Nguyễn Tất Thành, trở thành anh Ba, trở thành Nguyễn Ái Quốc, trở thành Vương, trở thành Line, rồi trở thành Hồ Chí Minh không được tự mắt nhìn thấy nước Việt Nam độc lập và thống nhất từ Mục Nam quan đến mũi Cà Mau, thì những người Việt Nam khác, những người được Bác Hồ đào tạo nên và cũng đều được tôi luyện trong chiến đấu, họ sẽ thay mặt Người mà chứng kiến điều ấy trở thành hiện thực".
Trên bìa bốn cuốn sách là một câu khái quát giới thiệu nội dung tác phẩm:
Từ nửa thế kỷ nay,
dưới hai mươi bí danh khác nhau,
Người Sáng lập nước Việt Nam
vẫn giương cao ngọn cờ
của những người dân thuộc địa.
Từ khu phố Mouffetard đến Quảng trường Đỏ,
từ Điện Biên Phủ
đến cuộc chiến tranh chống Mỹ leo thang.
Đấy là con người đã tiến hành
cuộc đấu tranh lâu dài nhất
chống lại cái trật tự mà các cường quốc áp đặt nên (2)
(1)Francophonie: Tiếng Pháp chung cho nhiều nước. Nay quen gọi là"Phong trào Pháp ngữ", "Hội nghị cấp cao Pháp ngữ"...
(2) Hồ Chí Minh, Nxb Le Seuil, Paris 1967, tr.251
Kỳ sau: Paul Doumer – Ba mặt một con người.
PHAN QUANG