Paul Doumer - Ba mặt một con người

03:02, 22/02/2012

Nhiều người biết cầu Long Biên bắc qua sông Hồng tại thủ đô Hà Nội trước năm 1945 gọi là cầu Doumer, đặt theo tên viên Toàn quyền Pháp Paul Doumer, người chính thức quyết định xây dựng cầu này. Ông "trị vì" năm xứ Đông Dương những năm bản lề hai thế kỷ 19 và 20 (1897 -1902). Năm 1931, ông được bầu làm Tổng thống thứ 14 nước Cộng hòa Pháp.

Nhiều người biết cầu Long Biên bắc qua sông Hồng tại thủ đô Hà Nội trước năm 1945 gọi là cầu Doumer, đặt theo tên viên Toàn quyền Pháp Paul Doumer, người chính thức quyết định xây dựng cầu này. Ông "trị vì" năm xứ Đông Dương những năm bản lề hai thế kỷ 19 và 20 (1897 -1902). Năm 1931, ông được bầu làm Tổng thống thứ 14 nước Cộng hòa Pháp.

Cầu Long Biên trước 1945 là cầu dài nhất cõi Đông Dương. Ảnh tư liệu
Cầu Long Biên trước 1945 là cầu dài nhất cõi Đông Dương. Ảnh tư liệu


Paul Doumer xuất thân từ một gia đình lao động, bố làm công nhân xe lửa. Mười hai tuổi ông đã phải đi kiếm sống, làm thợ khắc, sau đó vào học trường dạy nghề. Chàng thanh niên Paul là người có nghị lực. Năm hai mươi tuổi, ông đỗ bằng cử nhân toán học, năm sau lấy tiếp bằng cử nhân luật, trở thành chuyên gia tài chính. Sau một thời gian ngắn dạy học, ông ra làm báo, gia nhập Đảng cấp tiến Pháp và được bầu làm Nghị sĩ của đảng này. Từ đó bước vào chính trường.

Cuối thế kỷ 19, Đảng cấp tiến là tổ chức chính trị tương đối tiến bộ ở Pháp. Gia đình Doumer được ngợi ca về lòng yêu nước. Ông có năm con trai thì bốn người chiến đấu và hy sinh trong chiến tranh thế giới thứ nhất. Bản thân Paul Doumer là Quốc vụ khanh, thành viên Hội đồng Chiến tranh do đích thân Tổng thống Pháp chủ trì. Ông làm chủ tịch Ủy ban kinh tế của Hội đồng này.

Từ người viết báo trở thành Nghị sĩ nhờ quan điểm chính trị cấp tiến, Paul Doumer bắt đầu có quan hệ chặt chẽ với các tập đoàn tài chính - công nghiệp. Tham gia chính phủ, ông chuyển lập trường sang phái hữu, tuy trên danh nghĩa không rời bỏ Đảng cấp tiến. Năm 1895, làm Bộ trưởng tài chính, Paul Doumer ban hành thuế thu nhập. Từ những quan hệ chằng chịt nơi hậu trường, ông rời chính phủ sang Đông Dương làm Toàn quyền. Lúc này thực dân Pháp đang lâm vào tình huống cực kỳ khó khăn, đặc biệt tại Việt Nam.

Cuối thế kỷ 19, với việc ép buộc triều đình Huế ký Hiệp ước Giáp Thân 1884, thực dân Pháp về cơ bản coi như áp đặt được chế độ thống trị lên toàn nước Việt Nam, ít lâu sau chiếm gọn hai nước Campuchia và Lào. Chúng chia cắt nước ta thành ba xứ, gộp với hai nước láng giềng, hình thành cái gọi là Đông Dương thuộc Pháp, cai trị theo năm chế độ khác nhau.

Từ Nam chí Bắc, các cuộc nổi dậy vũ trang của dân ta khi sôi động, khi âm ỉ không lúc nào ngừng. Thực dân Pháp một mặt đàn áp vô cùng dã man, mặt khác lôi kéo, mua chuộc một số người cầm đầu thiếu niên định, làm cho các phong trào tạm lắng (trừ cuộc chiến đấu của nghĩa quân Yên Thế kéo dài tới hết thập niên đầu của thế kỷ 20). Tình hình Việt Nam tiếp tục bất ổn cho thực dân. Trong khi đó, gánh nặng tài chính ngày một đè lên ngân sách chính quốc tới mức không chịu đựng nổi. Nhà sử học Pháp, Jean Chesneaux viết: "Duy trì sự chinh phục còn tốn kém hơn nhiều lần bản thân cuộc chinh phục". Số liệu chính thức lưu trữ ở Pháp cho biết, cuộc xâm lược Việt Nam đã buộc nước Pháp từ 1860 đến 1895 tốn phí tới 775 triệu frăng - vàng (FV). Riêng chi tiêu quân sự cho một năm 1888 đó mất tới 43 triệu FV (1) . Phong trào nhân dân Pháp phản đối các cuộc chiến tranh giành thuộc địa vì vậy càng thêm sôi sục.

Nhà chính khách - chuyên gia tự nguyện giã từ ghế Bộ trưởng đi làm một viên chức cấp cao ở thuộc địa nhằm cứu vãn và cải thiện tình hình. Paul Doumer có sứ mệnh: Hoàn thành cuộc "bình định" bằng bất cứ giá nào, xây dựng bộ máy cai trị thực dân thay thế chế độ cai trị của triều đình nhà Nguyễn, và để nhanh chóng đẩy mạnh khai thác tài nguyên, bóc lột sức lao động người bản xứ, lấy tiền bù đắp những hy sinh (xin hiểu là chết người tốn của) của chính quốc nhiều năm trước đó.

Có thể nói trừ sứ mệnh đầu tiên khó làm tròn (bởi cho dù tạm thời lắng xuống, chẳng bao giờ ngoại bang có thể "bình định" cuộc chiến đấu chính nghĩa của dân tộc ta), mấy nhiệm vụ sau quan toàn quyền làm khá tốt. Với chủ trương tập trung hóa quyền lực, xây dựng bộ máy cai trị thống nhất, ông lập các tổng nha chuyên môn lo việc cai trị lý ngành dọc toàn cõi Đông Duơng. Paul Doumer tạo điều kiện thu hút nhân lực đang thất nghiệp ê hề ở chính quốc sang làm việc tại Đông Dương với chế độ cực kỳ ưu đãi, trong khi lại hạn chế đào tạo và sử dụng viên chức người bản xứ, vì "họ khó tin cậy". Việc chia cắt nước Việt Nam được đẩy mạnh cả về danh nghĩa và trên thực tế. Nam Kỳ là thuộc địa. Trung Kỳ là đất bảo hộ, tiếng là do quan lại Nam triều cai trị song viên khâm sứ Pháp rốt cuộc là người quyết định cuối cùng, bởi tên này chủ trì Viện Cơ mật, đứng trên đầu các thượng thư đại thần! Một nhà nghiên cứu Pháp thời ấy đó mỉa mai: "Từ nay các vị trong Viện Cơ mật của triều đình đều trở thành những con rối bọc trong nhung lụa và vàng son, nhưng đều có sợi dây nối với đầu năm ngón tay điều khiển cực kỳ thành thạo của quan khâm sứ"(2). Bắc Kỳ theo Hiệp ước Giáp Thân là xứ bảo hộ, song vai trò quan Kinh Lược sứ thay mặt nhà vua cai quản vùng đất này, cho dù về hình thức, bị bãi bỏ luôn, thay vào đó là vai trò viên thống sứ Pháp. Hệ thống quan lại người bản xứ ở Bắc Kỳ do thống sứ Pháp toàn quyền bổ nhiệm, thuyên chuyển, nhà vua chẳng có quyền hành gì.

Dưới triều đại Paul Doumer, ba sắc thuế được đẩy mạnh hết mức là thuế thuốc phiện, thuế muối và thuế rượu. Của cải bòn rút từ người dân qua ba sắc thuế ấy đóng vào ngân sách thuộc địa, tăng từ 20 triệu đồng Đông Dương (Đ) năm 1899 lên 33 triệu Đ năm 1902, rồi vọt lên 42 triệu năm 1911. Lợi nhuận của ngân hàng Đông Dương tăng theo chiều thuận với tăng thuế, từ 393 FV năm 1885 lên xấp xỉ 2,7 triệu FV năm 1905. Một nhà sử học Pháp viết "Công tích chính của Doumer tại Đông Dương" (l'oeuvre de Doumer) là tăng thuế. Ở Trung Kỳ, thuế thân và thuế ruộng đất trước ngày ông tới Việt Nam nhậm chức mới 83.000 Đ, vọt lên 2 triệu Đ năm 1899, năm thứ 2 nhiệm kỳ toàn quyền. Ở Bắc Kỳ, hai sắc thuế ấy cũng tăng nhanh, đạt gần 5 triệu Đ năm 1907. Trong khi đó mọi loại thuế má người Pháp làm việc tại Đông Dương phải đóng góp vào ngân sách vẻn vẹn có 9.000 Đ/năm! Ở Nam Bộ, công cuộc khai thác và tập trung hóa ruộng đất (tương ứng quá trình bần cùng hóa nông dân) đẩy nhanh hết cỡ: Từ 522.000 hecta (Ha) ruộng lúa năm 1880 tăng vọt lên 1.175.000 Ha mười năm sau. Lúa gạo đồng bằng sông Cửu Long trở thành nguồn xuất khẩu lớn nhất châu Á. Trên thực tế Paul Doumer đó tạo dựng cơ sở để khi chiến tranh thế giới nổ ra, nước Việt Nam nghèo đói phải oằn mình cho "Rồng Nam phun bạc, đánh đổ Đức tặc", phục vụ chiến thắng của mẫu quốc. Có thể dẫn thêm vô vàn thí dụ, tất cả đều dựa vào tư liệu của các nhà kinh tế học và sử học Pháp.

Trong thời gian hơn 5 năm ở Việt Nam, Paul Doumer cho xây dựng một số công trình giao thông vận tải và công nghiệp. Ông hết sức nồng nhiệt với việc thiết lập đường sắt xuyên Đông Dương và từ Hà Nội vươn dài nối với Côn Minh thủ phủ tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), tới mức báo chí Pháp mỉa mai gọi Doumer và thuộc cấp là “Những người theo chủ nghĩa đường sắt”. Toàn quyền Doumer đích thân chỉ đạo quy hoạch, thiết kế và thường xuyên đôn đốc xúc tiến công trình đầy khó khăn kéo dài nhiều năm, mới tới 1937 mới hoàn thành. Cầu Long Biên bắc qua sông Hồng xây nhanh tới mức báo chí Pháp đánh giá “đáng kinh ngạc”. Ba năm chín tháng. Cầu Long Biên trước hết phục vụ vận tải đường sắt (3). Paul Doumer cho mở mang cảng Hải Phòng làm đầu cuối của tuyến đường sắt nối vùng cao Tây Nam Trung Quốc với duyên hải Bắc Bộ Việt Nam. Ông cho lập một số nhà máy điện. Dưới nhiệm kỳ ông, Hà Nội trở thành thành phố đầu tiên ở châu Á phố xá được chiếu sáng bằng ánh điện (cho dù tới năm 1954, công suất của Nhà máy điện Yên Phụ cũng chưa tới 5000KW). Ông khuyến khích nhập giống cây cao su miền Nam nước ta, lập nên những đồn điền lớn do người Pháp làm chủ, tạo nguồn hàng xuất khẩu. Ông nhanh chóng đồng tình kiến nghị của bác sĩ Yersin, người khám phá ra cao nguyên Langbian, lập thành phố Đà Lạt…

Nhờ những công tích ở Đông Dương, sự nghiệp chính trị của Paul Doumer lên như diều được gió. Trở về Pháp, ông được bầu làm Chủ tịch hạ viện, quay lại làm Bộ trưởng tài chính một thời gian, rồi trở thành Chủ tịch Thượng viện trước khi được bầu làm Tổng thống nước Cộng hòa.

Khách quan mà xét, những cấu trúc hạ tầng ông chủ trương xây dựng tại Việt Nam đó góp phần mở mang nước ta về kinh tế, xã hội, văn hóa. Chúng ta ghi công Paul Doumer về những gì hữu ích ông để lại đất nước này.

Tuy nhiên, cần đi sâu tìm hiểu đâu mới thực là những động cơ thôi thúc vị viên chức – chính khách năng nổ đến thế. Paul Doumer từng là thành viên Hội đồng quản trị Tổng công ty Điện lực Pháp CGE. Ông được sự ủng hộ của nhiều tập đoàn công nghiệp và giao thông vận tải, trong số này có Tập đoàn Eiffel, mang tên nhà thiết kế xây dựng tháp Eiffel Paris cùng nhiều công trình khác nổi tiếng thế giới, như cốt thép của tượng Thần Tự do ở New York, cầu xe lửa Bordeaux… Dễ thấy tại sao quan toàn quyền quan tâm việc mở đường sắt, làm cầu sắt, xây nhà máy điện… tại Đông Dương. (Cầu Long Biên do công ty Daydé & Pillé thi công – công ty này sẽ trở thành một công ty con của Tập đoàn Eiffel).

Toàn quyền Paul Doumer chấp nhận kiến nghị của bác sĩ Yersin mở thành phố Đà Lạt là nhằm xây dựng ở nơi khí hậu trong lành một cơ sở nghỉ ngơi cho viên chức, sĩ quan Pháp tại Đông Dương (tên ban đầu theo tiếng Pháp là sanatorium Dalat). Càng dễ hiểu, tại sao Đà Lạt trước năm 1945 có hai thời kỳ phát triển rất nhanh, tương ứng với hai cuộc chiến tranh thế giới, khi các viên chức sĩ, sĩ quan Pháp ở Đông Dương không thể ung dung đáp tàu về chính quốc nghỉ phép hàng năm.

Dù sao, cầu Long Biên là một công trình kỳ vĩ (trước 1945 là cầu dài nhất cõi Đông Dương), tạo thêm một nét đặc trưng cho thủ đô Hà Nội. Cầu Long Biên là công sức của người thợ Việt Nam (4). Nó đã góp phần vào sự phát triển kinh tế thủ đô và của cả nước. Nó lưu giữ những kỷ niệm vô giá, trước hết là máu và mồ hôi của công nhân cầu đường và ruột gan những người dân Việt Nam đóng thuế. Tháng 10-1954, cầu Long Biên chứng kiến những tên lính Pháp cuối cùng sấp mặt đi qua, rút khỏi Hà Nội. Cầu ghi khắc những kỳ tích của thủ đô ta trong xây dựng và chiến đấu, đặc biệt thời chống Mỹ. Một di sản đáng được cả nước trân trọng bảo tồn.

Kỳ sau: Wilfred Burchett luôn có mặt ở điểm nóng.

(1) Jean Chesneaux: Góp phần nghiên cứu lịch sử quốc gia Việt Nam, 1955.

(2) Theo Lubanski trong bài Đông Dương năm 1902, Tạp chí Đông Dương, 1903. Có một chi tiết đáng chú ý: Viên chức Pháp đứng đầu mỗi “xứ” (trừ Nam Kỳ là thuộc địa) tiếng Pháp gọi chung là Le Résident supériuer, tiếng Việt phân biệt Khâm sứ Trung Kỳ và Thống sứ Bắc Kỳ.

(3) P.Doumer sang Đông Dương nhận chức giữa tháng 2-1897, vậy mà 4 tháng sau, dự án lớn như xây cầu sắt bắc ngang sông Hồng đó được toàn quyền duyệt y và tháng 11 chọn nhà thầu chính thức. Có thể hiểu chủ trương xây cầu Long Biên đó được chuẩn bị và thông qua trước ở đâu đó, ông là người ký quyết định chính thức.

(4) Ít nhất 3.000 người. Tổng số người nước ngoài bao gồm chỉ huy, đốc công, giám sát… chỉ có 40 (số liệu của P.Doumer trong Hồi ký: Đông Dương, xuất bản tại Paris, 1905).

Phan Quang