Wilfred Burchett Luôn có mặt ở điểm nóng

03:02, 29/02/2012

Tên tuổi Wilfred Burchett không xa lạ đối với bạn đọc Việt Nam. Với các nhà báo nước ta, ông không chỉ là một đồng nghiệp lớn, giàu kinh nghiệm, mà còn là một người bạn chung thủy, chân tình.

Tên tuổi Wilfred Burchett không xa lạ đối với bạn đọc Việt Nam. Với các nhà báo nước ta, ông không chỉ là một đồng nghiệp lớn, giàu kinh nghiệm, mà còn là một người bạn chung thủy, chân tình.

Du kích miền Nam khoảng năm 1963 - 1964
Du kích miền Nam khoảng năm 1963 - 1964


Wilfred Burchett sinh năm 1911 tại thành phố cảng Melbourne (Australia). Năm 1936, chàng trai rời quê hương sang Luân Đôn, với hy vọng có cơ hội trở thành phóng viên Báo Tin nhanh hằng ngày. Một cuộc đời sôi động, một sự nghiệp lớn khởi đầu từ công việc cực kỳ khiêm tốn trong tòa báo. Với thời gian, rồi đây ông sẽ được các đồng nghiệp công nhận là một chứng nhân của nhiều sự kiện quốc tế trọng đại nhất thế kỷ 20. Ông là nhà báo đã có mặt tại Đức lúc chủ nghĩa phát xít bắt đầu chuẩn bị đại chiến thế giới thứ hai, tại Trung Quốc khi nổ ra cuộc chiến tranh Trung Nhật, tại Miến Điện, Ấn Độ và nhiều nơi khác ở châu Á thời mà nhân dân châu lục này nỗ lực đấu tranh chống sự bành trướng quân sự của quân phiệt Nhật… Ông để lại rất nhiều bài báo thực sự có giá trị về các sự kiện ấy.

Ngay sau khi quân đội Mỹ ném quả bom nguyên tử đầu tiên xuống thành phố Hirosima vào cuối chiến tranh thế giới, ông là nhà báo nước ngoài đầu tiên đặt chân tới thành phố chết chóc, nơi vừa diễn ra tấn thảm kịch khó tưởng tượng nổi do chính con người gây nên. Khi cuộc chiến tranh lạnh giữa Mỹ và Liên Xô tới hồi gây cấn nhất, quân đội Mỹ và đồng minh bị cô lập trong thành phố Berlin, ông có mặt ngay ở đây để kịp đưa tin về cái “cầu hàng không” do Mỹ vừa thiết lập để tiếp tế cho đạo quân Mỹ trong thành phố. Sau đó, ông sang Budapest (Hungari) làm phóng viên thường trú cho các Báo Tin nhanh hằng ngày và Thời đại của Anh tại Trung Âu.

Chiến tranh Triều Tiên bùng nổ đã đưa nhà báo trở lại châu Á. Ông sang châu lục này làm phóng viên mặt trận, rồi khi hai đối thủ cuối cùng phải ngồi vào bàn đàm phán, W.Burchett trở thành phái viên báo chí châu Âu theo dõi Hội nghị Panmungjung (Bàn Môn Điếm). Khi chiến dịch Điện Biên Phủ thu hút sự quan tâm tập trung của cộng đồng quốc tế, ông đến Việt Nam, tiêu điểm mới của thời cuộc và lần đầu tiên ông được gặp và phỏng vấn Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đến thời gian này (1954), trong mục liệt kê tác phẩm “Cùng một tác giả” in ở đầu các tác phẩm ông xuất bản, đã có ít nhất mười lăm đầu sách viết về các nước Trung Quốc, Triều Tiên và một số nơi ở Đông Nam châu Á… Tuy nhiên chiến thắng Điện Biên Phủ của nhân dân Việt Nam và lần ông được gặp Bác Hồ trong chuyến đi ấy đã để lại dấu ấn sâu đậm nhất trong cả cuộc đời của nhà ký giả lớn. Nó mở ra cho W.Burchett một thời kỳ hoạt động thật sôi động, hào hứng, giúp ông liên tiếp cho ra đời những tác phẩm đặc sắc hơn nữa của một sự nghiệp vốn đã lẫy lừng trên thế giới.

Tạp chí Người viết báo dân chủ của Tổ chức quốc tế các nhà báo OIJ trong một bài viết về ông, đã quả quyết: “Trong cuộc đời sôi động của mình, ông từng xuất bản nhiều cuốn sách tựu trung nổi tiếng nhất vẫn là các cuốn viết về Việt Nam: Phía Bắc vĩ tuyến 17, Ngược dòng sông Mêkông, và Cuộc chiến tranh không tuyên bố (của Mỹ)… W.Burchett làm phóng viên cho Tờ báo tiến bộ của Mỹ The National Guadian (Người bảo vệ dân tộc) cả một phần tư thế kỷ, vậy mà vẫn không được phép đặt chân vào Mỹ, cho mãi đến năm 1979 lần đầu chính quyền Mỹ mới không còn có lý do khước từ không cấp visa, vì ông đến Mỹ với tư cách nhà báo quốc tế đưa tin về kỳ họp đặc biệt của Đại hội đồng Liên hợp quốc sẽ diễn ra năm ấy tại New York. Nhà báo James Aronson, người sáng lập và Chủ bút Báo The National Guardian cho chúng ta biết nhiều chi tiết rất hay về cách làm việc và những cống hiến của ông.

Thời gian Mỹ can thiệp và sa lầy vào Việt Nam, W.Burchett đang có mặt tại Hà Nội. Từ Việt Nam, ông gửi về Mỹ nhiều bài báo chân thực, xúc động nhằm báo động dư luận Mỹ, hãy quan tâm và dè chừng các bước phiêu lưu của nhà cầm quyền Mỹ. Bài của ông chỉ được tờ báo duy nhất Người bảo vệ dân tộc đăng. Còn báo chí lớn, trong đó có cả tờ The New York Times vốn tự hào với truyền thống “khách quan”, chưa một lần chịu trích lại nguồn đăng tin trên báo Người bảo vệ…, bởi lẽ đây là một tờ báo có xu hướng tự do cấp tiến. Nhưng họ lại lấy nguồn tin từ Báo Manichi Simbun của Nhật Bản cho dù bài ở đấy cũng do chính W.Burchett cung cấp chứ chẳng phải ai, chỉ vì lý do đây là nguồn tin dùng lại từ một tờ báo lớn ở một nước cùng phe cánh với Mỹ, do đó “đáng tin cậy” hơn nguồn tin lấy từ một tờ báo Mỹ có quan điểm chống đối chính sách của nhà cầm quyền. James Aronson viết:

“Vào giữa những năm 60, khi những chủ bút có lương tâm nhất biết chắc rằng công chúng Mỹ (cho đến nay vẫn bị bưng bít) không hề nhận được những thông tin chân thực về tình hình nóng bỏng ở Việt Nam, và W.Burchett là phóng viên phương Tây duy nhất nắm được cái chìa khóa về những thông tin đáng tin cậy ở nước ấy, thì hãng thông tấn AP thi thoảng mới cậy W.B. Viết và trực tiếp gửi tin về cho hãng mình. Tuy nhiên, bất kỳ bài nào có ký tên Wilfred Burchett, cho dù đó chỉ là một thông tấn giản đơn về một số sự kiện cụ thể không kèm theo bình luận, hãng thông tấn cũng đặt lên trước bài ấy một lời mào đầu in bằng chữ nghiêng, cảnh báo người đọc rằng tác giả bài dưới đây là “một nhà báo cộng sản” và khuyên bạn đọc “hãy cảnh giác” (!) khi đọc nội dung những dòng tin này.

Việc làm bỉ ổi của hãng AP xâm phạm quyền thông tin bị nhiều nhà báo, kể cả nhà báo Mỹ có lương tri, cực lực lên án. Hãng AP đành thay đổi cái mào đầu bằng một công thức ghi chú khác, rằng “tác giả là một nhà báo có nhiều liên hệ với các nhà lãnh đạo cộng sản” (!), hàm ý độc giả hãy dè chừng.

Wilfred Burchet là một trong số ít nhà báo nước ngoài đầu tiên đến vùng giải phóng miền Nam Việt Nam, ông có dịp đặt chân lên đường mòn Hồ Chí Minh ngay từ những năm 60. Ông đã đi nhiều nơi, kể cả đến huyện Củ Chi thuộc vùng phụ cận Sài Gòn bằng xe đạp, để cùng nhân dân địa phương qua một cái Tết Nguyên đán tại một nơi “đêm đêm ông nhìn thấy rõ ánh đèn điện từ nội thành Sài Gòn hắt sáng lên trời”. Bộ phim ông quay được qua mấy chuyến đi ấy gửi ra nước ngoài, tháng 2 năm 1965 được 24 hệ thống truyền hình lớn trên thế giới cùng phát sóng. Đồng thời, tập phóng sự lớn về cuộc kháng chiến anh dũng của nhân dân các vùng giải phóng miền Nam Việt Nam của tác giả được xuất bản bằng tiếng Anh, nhan đề Việt Nam - Câu chuyện từ bên trong cuộc chiến tranh du kích. Cũng ngay trong năm 1965, cuốn sách ấy phát hành bản tiếng Pháp do Gallimard, một nhà xuất bản lớn tại Paris ấn hành với đầu đề có được thay đổi chút ít: Cuộc kháng chiến lần thứ hai - Việt Nam 1965. Tại Hà Nội, chúng tôi đã hào hứng đón nhận cuốn sách dày 353 trang khổ lớn này, bên trong có in nhiều bức ảnh có giá trị. Đây là một tác phẩm chân thực, sống động, ngồn ngộn chi tiết, đầy sức thuyết phục, vô cùng đáng ngạc nhiên đối với độc giả nước ngoài. Nó trở thành một tài liệu không thể thiếu cho bất kỳ ai muốn nghiên cứu về chiến tranh Việt Nam thời ấy và ngay cả bây giờ.

Cuốn sách mở đầu với chương Khẩu cabin mẹ và các con của nó giới thiệu cuộc nổi dậy của nhân dân một huyện miền Nam cướp vũ khí địch ở bốt Tua Hai để làm tăng thêm vốn vũ trang cho mình đánh lại địch, một sự khởi đầu khá ư nhỏ bé nhưng rồi mau chóng phát triển không ngừng. Cuốn sách, tác giả sớm khẳng định chiến thắng tất yếu của nhân dân Việt Nam và tiên đoán thất bại thảm hại không thể nào tránh khỏi của quân đội Mỹ cho dù quân đội ấy hết sức hùng mạnh, trang bị cực kỳ tối tân, tổ chức chỉ huy thật khoa học,… Nhà xuất bản Gallimard trân trọng giới thiệu với bạn đọc: “Vào thời điểm nguy hại của cuộc chiến tranh leo thang, đây là chiếc chìa khóa để hiểu rõ tấn thảm kịch (đang diễn ra) ở Việt Nam”. Còn tác giả thì kết thúc tác phẩm của mình bằng mấy dòng quả quyết như đinh đóng cột: “Trừ phi Mỹ phải dùng đến bom khinh khí để tiêu diệt hết mọi người Việt Nam, và cùng với họ, tiêu diệt nhiều người khác nữa thuộc các nước láng giềng, người Mỹ sẽ chẳng bao giờ có thể áp đặt nổi một giải pháp quân sự cho vấn đề miền Nam Việt Nam”.

Năm 1968, Hội nghị Paris về Việt Nam khai mạc. Wilfred Burchett bay sang Pháp theo dõi và đưa tin về cuộc đàm phán 4 bên. Ông nhiều lần trở lại Việt Nam, nơi mà ông hết sức gắn bó và đã ủng hộ hết mình sự nghiệp chính nghĩa. Khi diễn ra những biến cố mới diễn ra tại Campuchia năm 1973, ông đang ở châu Âu. Lúc này đã khá cao tuổi, nhưng ông đã xông xáo đến tận nơi, hầu như ngay tức khắc, để viết nhiều bài báo, ra thêm một số sách và thực hiện một vài bộ phim hiếm có về đất nước vừa trải qua cơn ác mộng nhờ sự giúp đỡ của Việt Nam, đang chật vật hồi sinh…

Thành công của Wilfred Burchett trong sự nghiệp báo chí không chỉ bắt nguồn ở chỗ ông sớm tiếp thu tư tưởng tiên tiến của thời đại, có cái nhìn sâu sắc, giàu tri thức thực tiễn và thật sự có tài năng, mà còn ở cách làm việc cần cù và khoa học. Ông lúc nào cũng tỏ ra ý thức trách nhiệm rất cao đối với bạn đọc trên cơ sở nhận thức rõ ràng, đầy đủ về cái đức quan trọng nhất của người làm báo: Trung thực, vì sự thực trước hết và trên hết. James Aronon kể lại:

Trong đống giấy tờ của ông được cơ quan mật vụ Mỹ trả lại cho tòa báo, có một bức thư của W.B. Đề ngày 29/10/1962 viết từ Moscou gửi tòa soạn, nét chữ hầu như không thể nào đọc rõ. Trong thư, ông xin lỗi vì đã không thực hiện được công việc tòa báo giao cho là viết ngay một bài về phản ứng của Moscou trước thái độ hung hăng của Mỹ trong cái gọi là cuộc khủng hoảng về vấn đề tên lửa Liên Xô bố trí tại Cuba thời gian ấy. Ông đau cột sống nặng, đang phải nằm điều trị tại bệnh viện, không thể nào nhúc nhích. Ông viết: “Chưa bao giờ tôi cảm thấy mình vô tích sự trong lao động như lúc này”.

Nhưng sang hôm sau, cảm thấy người đỡ đau hơn một chút, ông dừng một tấm bìa cứng đặt lên bụng, và cứ nằm ngửa trên giường mà viết bình luận, thỉnh thoảng cố ngóc đầu lên xem chữ mình viết ra người khác có đọc được hay không; trong khi tai vẫn không rời chiếc máy thu thanh bán dẫn đặt ngay trên chiếc gối đầu để theo dõi diễn biến về sự kiện này trên trường quốc tế. Bài báo của ông vẫn được gửi kịp thời về tòa báo và được đăng tải ở Mỹ.

Bất kỳ ở đâu, đi đâu: Châu Á, châu Phi, châu Âu hay châu Mỹ Latinh, ông vẫn không rời các “công cụ bất ly thân”: Cuốn sổ tay, cây bút chì, chiếc máy chữ, máy ghi âm và ghi hình. Có thể nói không ngày nào ông không làm việc. Tôi nhớ một lần, vào khoảng giữa thập niên 60, ông vừa từ vùng giải phóng miền Nam trở về Hà Nội. Cánh nhà báo chúng tôi tụ họp ở Câu lạc bộ Đoàn Kết (gần Nhà hát thành phố ngày nay) nghe người đồng nghiệp nói chuyện nghề nghiệp. Trả lời câu hỏi của một bạn Việt Nam, ông cho biết trong hoàn cảnh khó khăn nhất, ông vẫn cố gắng không từ bỏ thói quen của mình: Ban ngày quan sát, hỏi han, lắng nghe và ghi chép. Ban đêm, đọc lại, sắp xếp những gì thu lượm được trong ngày, đánh máy lại sạch sẽ, cố gắng hoàn chỉnh không chỉ về ý và cả về văn, để sau này khi cần khỏi phải chỉnh lý nhiều dưới dạng tin, bài thì tìm cách gửi đi luôn; những gì chưa thể hoặc chưa tiện dùng được vì nguyên nhân nào đó (chẳng hạn để giữ bí mật địa điểm, chưa công bố ngay) thì giữ gìn cẩn thận; đó sẽ là những trang viết, thậm chí những chương sách khá hoàn chỉnh trong một tác phẩm sẽ thực hiện sau này. Cách làm việc ấy tự nó lý giải tại sao sau mỗi chuyến đi, nhà báo đều có tác phẩm trình làng. Rất nhiều bài của ông được viết ngay tại “điểm nóng”, vì vậy không ít bản thảo của ông tòa soạn nhận được, rất khó đọc vì viết vội vã bằng bút chì, thấm đậm mồ hôi tay hay loang lổ vệt cà phê.

Các đồng nghiệp đều công nhận ông là một “nhà báo quốc tế”. Bạn bè thân thiết thì gọi ông là con người “toàn cầu”. Chẳng mấy ai biết chắc ông là người nước nào. Ông đi nhiều nơi, lưu trú tại nhiều nước, sử dụng thành thạo ít nhất sáu ngôn ngữ. Một lần tôi dẫn ông về thăm một hợp tác xã nông nghiệp ở ngoại thành Hà Nội. Một xã viên ghé tai tôi hỏi: Ông Tây này người nước nào mà thành thạo công việc làm ăn của dân ta vậy. Tôi lúng túng không biết trả lời thế nào cho đúng. Bởi ông sinh ra ở Australia, nhưng suốt đời làm việc cho nhiều tờ báo châu Âu, châu Mỹ. Vợ ông là người Bungari. Ông có ba con, thì một người sinh tại Trung Quốc, một người sinh tại Hà Nội và người con út làm giấy khai sinh ở Moscou. Và rồi ông trút hơi thở cuối cùng tại quê hương tươi đẹp của vợ ông bên bờ Hắc Hải, vào ngày 26/3/1983, thọ bảy hai tuổi.

Đi rất nhiều nơi trên thế giới để làm việc, để phục vụ lợi ích con người, đến đâu ông cũng dễ dàng và mau chóng hòa nhập với nơi cư trú, tuy vậy dù không nói ra ông vẫn da diết nghĩ tới quê hương. Từ năm 1960, nhiều lần ông làm đơn xin trở về thăm Tổ quốc, ở đó ông còn khá nhiều người thân thích, song các vị Thủ tướng bảo thủ của xứ sở nổi tiếng rộng rãi đối với dân nhập cư này lại khước từ không cấp lại hộ chiếu hoặc thị thực nhập cảnh cho công dân Burchett, chỉ vì công dân này “có quá nhiều cảm tình và liên hệ thường xuyên với chủ nghĩa cộng sản” (!). Rất nhiều lần, ông đến làm việc tại các nước xã hội chủ nghĩa, trong tay chỉ có chiếc giấy thông hành do nhà chức trách Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cấp. Mãi cho đến khi chính trường Australia có sự thay đổi cơ bản, sinh hoạt dân chủ nước ấy mở rộng, Công đảng lên cầm quyền, Wilfred Burchett mới được phép trở về thăm quê.

Kỳ sau: “Nhật ký một cuộc bắt cóc” – Một tác phẩm khó phân thể loại.

PHAN QUANG