Bác sĩ Yersin đã được nhân dân Việt Nam tôn trọng như một người có công lớn, góp sức vào nền y học nước nhà.
Ngoài sự nổi tiếng lừng lẫy khắp thế giới về y học, như người khám phá ra trực khuẩn gây bệnh dịch hạch, người tham gia việc phát triển huyết thanh ngừa bệnh dại, người khám phá ra độc tố bạch hầu và hàng trăm công trình khoa học đồ sộ khác vv… Bác sĩ Yersin đã được nhân dân Việt Nam tôn trọng như một người có công lớn, góp sức vào nền y học nước nhà. Đặc biệt, sự kính trọng càng tăng lên gấp bội ở hai nơi mà ông đã gắn bó là Nha Trang và Đà Lạt. Nếu Đà Lạt là nơi ông đã có công tìm ra, thì Nha Trang là nơi ông chọn để an nghỉ nghìn thu. Người dân yêu quý ông đã gọi là ông Năm, một cái tên Việt mộc mạc, đầy trìu mến như một người dân bản địa chính hiệu…
Bác sĩ Yersin. |
Bác sĩ Yersin sinh ngày 22/9/1863 tại Thụy Sĩ, có quốc tịch Pháp. Mất ngày 1/3/1943 tại Suối Dầu thuộc bán đảo Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa. Có thể kể ông là người sáng lập, và là Hiệu trưởng đầu tiên của Trường Đại học Y Hà Nội (1902-1904). Trong lĩnh vực nông nghiệp, ông là người khởi xướng cho việc nhập cây cao su từ Brasil về trồng tại Việt Nam. Toàn quyền Đông Dương lúc đó là Paul Doumer, đã đồng ý cho ông thành lập một nông trại ở Suối Dầu. Sau đó là Hòn Bà năm 1915, nơi đây ông đã cho trồng cây canh-ki-na đầu tiên để sản xuất ra thuốc ký ninh chữa trị bệnh sốt rét.
Vịnh Cam Ranh, nơi tôi có bà con ở đấy, nên địa danh Bãi Giếng, Suối Dầu đã quá quen thuộc. Tuy nhiên, phải thật thà mà nói rằng cái tên ông Năm Yersin, và cả con đường Yersin ở Nha Trang, thời trai trẻ nhiều lần tôi tự hỏi ông là ai. Đến khi được về Đà Lạt, được dự những lễ hội 100 năm Đà Lạt và những Festival Hoa hoành tráng, thì tôi mới biết ông Năm Yersin có công như thế nào với Đà Lạt, với Việt Nam… Vì thế, hành trình đi tìm lại ông nhân dịp du xuân Suối Dầu, là việc khá dễ dàng.
Địa danh Suối Dầu thuộc xã Suối Cát, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa, cách Đà Lạt chừng 190km và cách thành phố Nha Trang 22km. Nơi đây, người hướng dẫn sẽ nói với bạn là nơi yên nghỉ của một nhân cách lớn, một bác sĩ lừng danh và một ông Năm đầy lòng nhân ái. Mộ ông nằm trên một ngọn đồi nhỏ, phải đi qua con đường rợp bóng cây canh-ki-na và cây cao su, dài chưa đầy một cây số theo tấm biển ghi “Tombeau du Dr. Yersin” (Khu mộ Bác sĩ Yersin). Đứng trước mộ ông thắp nén hương lòng tôi không khỏi bâng khuâng thắc mắc, là tại sao một người nước ngoài lại yêu Việt Nam đến thế! Nếu ngày 29/7/1891 ông đặt bước chân đầu tiên vào bờ biển Nha Trang, thì chỉ 2 năm sau đó vào ngày 21/6/1893 ông khám phá ra Đà Lạt, để rồi Đà Lạt mãi mãi ghi tên ông vào trang sử hình thành và phát triển của mình. Hiện Đà Lạt đã có đường Yersin, Trường Đại học Yersin và vài năm trước đây thành phố Đà Lạt đã có công viên mang tên Yersin, có tượng bán thân nhìn ra bờ hồ Xuân Hương đẹp và thanh thoát biết nhường nào! Đó là niềm tri ân sâu sắc của Đà Lạt dành cho ông, một nhà thám hiểm tài ba đã không ngại gian khổ và mạng sống của mình để tìm ra những vùng đất mới lạ. Còn ở xóm Cồn Nha Trang, du khách không khỏi ngạc nhiên thấy người dân ngưỡng mộ ông như vị Bồ Tát cứu khổ. Cũng đúng thôi, truyền thống Việt Nam là thế, ai cứu giúp dân nghèo, chữa bệnh tật cho họ, sống giản dị với họ đều được họ kính trọng. Cả cuộc đời 80 năm sinh ra và lớn lên của ông Năm, thì gần 50 năm cống hiến cho sự nghiệp khoa học. Ông cũng là người đầu tiên đưa hàng chục giống hoa mới, quý hiếm vào trồng tại Đà Lạt. Thật ngưỡng mộ, với ý tưởng đầu tiên đặt nền móng cho thành phố Đà Lạt. Ngày nay, Đà Lạt là một trong những nơi nghĩ dưỡng tốt nhất trong khu vực và thế giới. Tháng 3, nhớ về ông, người Đà Lạt lại tìm đến Khánh Hòa - Nha Trang thắp nén hương tưởng niệm. Và ngày 1/3 hàng năm là ngày giỗ của ông, người đến thắp hương như trẩy hội. Tôi đã gặp nhiều người dân, họ kể rằng ông được coi như một vị tiền hiền, được thờ như một vị thành hoàng làng, và được đưa vào chùa thờ như một vị Bồ Tát. Năm 1991 hội thảo quốc tế về Yersin đã được tổ chức tại Nha Trang, khẳng định sự nghiệp khoa học đồ sộ và vô giá của ông đóng góp cho Việt Nam và cho nhân loại.
Thế đấy, đến với Việt Nam, có lẽ ông Năm là ông Tây duy nhất, ông Năm duy nhất sống cống hiến vô tư, gắn bó yêu thương và được tôn thờ, cúng bái theo phong tục cúng đình ở Việt Nam.
Trở lại với Đà Lạt trong những ngày này, mùa xuân vẫn còn đó huy hoàng, rực rỡ. Ngồi giữa công viên Yersin đầy hoa, bốn mùa khoe sắc, tôi lại nghĩ đến ngôi mộ ông Năm ở Suối Dầu. Một ngôi mộ giản dị như hàng ngàn ngôi mộ khác, chỉ có khác chăng là trái tim ông bao la hơn thế. Quả thật, ngôi mộ nhỏ và đơn sơ kia đã lưu giữ một nhân cách lớn, một lương y lừng danh đúng nghĩa. Khi đọc dòng di chúc này của ông, người đời càng thêm nể phục: “Khi tôi chết, ước muốn được chôn ở Suối Dầu. Yêu cầu Phương hãy giữ tôi lại với Nha Trang đừng cho ai lấy tôi đi. Mọi tài sản còn lại xin tặng hết cho viện Pasteur Nha Trang và một số người giúp việc lâu năm. Tôi muốn được an táng đơn giản, không phô trương, không điếu văn, điếu từ gì cả”. Những dòng này, chỉ có ở tâm hồn của một nhà nhân văn lớn. Tôi chợt nghĩ, người Việt mình thật nghĩa tình khi gọi ông đơn giản là ông Năm thôi, một cái tên đã xóa nhòa bao ranh giới, hợp với tấm lòng nhân ái của ông. Và tôi cũng chợt nghĩ tại sao Đà Lạt chưa có một hội thảo mang tầm quốc tế về Yersin?.
NGUYỄN THÁNH NGÃ