“Nhật ký một cuộc bắt cóc” - Một tác phẩm khó phân thể loại

02:03, 07/03/2012

Cuốn sách “Nhật ký một cuộc bắt cóc” của Gabriel Garcia Marquez, ngôi sao sáng nhất văn học hiện thực huyền ảo, là một tác phẩm khó phân thể loại...

Cuốn sách “Nhật ký một cuộc bắt cóc” của Gabriel Garcia Marquez, ngôi sao sáng nhất văn học hiện thực huyền ảo, là một tác phẩm khó phân thể loại. Nhiều người gọi nó là tiểu thuyết. Những người khác bảo phóng sự. Có người cho là ký sự. Tác giả, có đủ thẩm quyền nhất, lại lặng im. Trên bìa chỉ ghi đề sách: Nhật ký một cuộc bắt cóc, nguyên văn tiếng Tây Ban Nha là Noticia de un secuestro. Tôi để ý, trong Lời cảm ơn in ở đầu tác phẩm, ba lần tác giả gọi trống không là “cuốn sách này”.

"Trăm năm cô đơn" - tác phẩm đoạt giải Nobel Văn học 1982 của Gabriel Garcia Marquez được xuất bản nhiều lần ở Việt Nam


Điều không ai phủ nhận, nội dung tác phẩm dựa vào chuyện có thật trăm phần trăm. Năm 1993, Maruja Pa Chón - một nhà báo có tên tuổi ở Bogota, thủ đô Colombia, và chồng là Alberto Villamizar tìm gặp nhà văn, đề nghị ông viết một cuốn sách dựa câu chuyện họ vừa trải qua; bà với tư cách một con tin bị bắt cóc và bị cầm giữ sáu tháng trời, còn chồng bà, người tiến hành cuộc vận động gian nan nhằm giải thoát vợ. Một tác phẩm viết về chủ đề ấy ký tên nhà văn đạt Giải thưởng Nobel sẽ là tiếng nói có trọng lượng góp vào cuộc chiến chống Mafia.

Theo lời tác giả, ông thực hiện cuốn sách được khá nhiều trang rồi, chợt nhận ra không thể tách trường hợp này ra khỏi chín vụ bắt cóc nhà báo khác diễn ra cùng một lúc ở Colombi. Bởi đấy không phải là những vụ riêng lẻ mà nằm trong kế hoạch chung, có tính toán, có phối hợp của cùng một tổ chức tội ác. Lại càng không thể tách khỏi bối cảnh chính trị đất nước Colombi và châu Mỹ ngày nay. Tên trùm Mafia khét tiếng Pablo Escobar cầm đầu tổ chức ma túy quốc tế Medellin, ông chủ vô hình một tập đoàn vô hình có tài sản khổng lồ ba tỉ đôla, biết đã đến lúc y không thể không ra đầu thú vì bị săn đuổi tới cùng bởi chính quyền của một Tổng thống trẻ vừa được bầu lên với lời hứa tiêu diệt Mafia, và nhờ vậy nhận được sự hậu thuẫn của toàn dân, đặc biệt hơn nữa là khi người Mỹ cũng đã bắt đầu vào cuộc. Qua những mối liên hệ đặc biệt, y thông báo sẵn sàng đầu hàng và chịu án tù với điều kiện không bị dẫn độ sang Mỹ để xét xử, đối với y cũng như với mọi đồng phạm của y sẽ bị bắt hoặc tự nguyện ra đầu thú sau này.

Để có sự bảo đảm cao nhất bằng pháp luật, y đòi nghị viện Colombi phải thông qua trước một đạo luật, trong đó khẳng định, chính phủ Colombi không được phép dẫn độ công dân phạm tội bị bắt ở trong nước ra xét xử ở nước ngoài. Tòa án phải thu xếp cho y được “thi hành cái án” mà y sẽ chịu xử phạt trong một nhà tù đặc biệt xây ở một vùng biệt lập, an toàn, do quân đội (chứ không phải do cảnh sát) canh gác vòng ngoài, còn an ninh ở vòng trong thì do chúng tự tổ chức lấy. Cái nhà tù này Escobar và đồng bọn sẽ biến hóa để thành một chốn an dưỡng sang trọng đầy đủ tiện nghi hơn cả khách sạn năm sao.

Thế là Gabo (biệt danh quen thuộc của G.G. Marquez) xé bỏ bản thảo đang viết dở và bắt tay làm lại từ đầu. Cùng hai trợ lý, một nhà báo nữ và người thư ký riêng, ông tiến hành phỏng vấn những người bị bắt cóc và vô số người hữu quan, rồi sắp xếp, gạn lọc cái mớ tư liệu hỗn độn ấy lại, viết nên chừng 330 trang sách.

Cuốn sách có cấu trúc chặt chẽ, văn phong súc tích. Tác giả lôi cuốn và cầm giữ độc giả trong tình trạng căng thẳng, chờ đợi đến phần tiếp theo, ít ai bỏ cuốn sách dở chừng. Một nhà phê bình nhận xét trên báo Le Monde (Pháp): “Mọi sự kiện được mô tả với tính chuẩn xác cao và kiệm lời tới mức mỗi tính từ được tác giả cân nhắc đều có trọng lượng riêng, làm cho văn xuôi của ông gần đạt tới một hình thức thơ ca nào đó”.

Nhật ký một cuộc bắt cóc gồm mười một chương và phần vĩ thanh. Các chương có độ dài xấp xỉ như nhau và xen kẽ vào nhau. Những chương mang số lẻ mô tả cuộc sống và tâm trạng con tin trong nhà giam, cùng động thái và tâm lý những tên canh giữ. Những chương đánh số chẵn đề cập khung cảnh chính trị - xã hội, quá trình vận động ở hậu trường chính trị, cuộc thương thuyết tối mật giữa Mafia với nhà cầm quyền thông qua một vị linh mục… Chẵn lẻ đan xen. Y hệt một cuốn tiểu thuyết trinh thám bậc thầy. Sự căng thẳng hiện ra ngay từ trang đầu, tại dòng đầu: “Trước khi bước lên xe, nàng khẽ nghiêng đầu nhìn lại xem có ai bám theo mình hay không. Lúc này là mười chín giờ năm phút, đêm đã sụp xuống trùm phủ thành phố Bogota được một tiếng đồng hồ rồi…”.

“Mệt mỏi sau một ngày làm việc trong bầu không khí nặng nề với nhiều biến cố chính trị phức tạp và bất ngờ, nhà báo Maruja cùng cô trợ lý trở về nhà với linh cảm lo âu. Qua các con đường chật hẹp trong khu phố cổ, bà con chợt nhận ra có một chiếc Mercedes màu xanh sẫm, chắc mang biển số giả và một chiếc taxi màu vàng có lẽ vừa lấy trộm ở đâu đấy ra, bám sát theo sau. Khi chiếc xe riêng của bà leo lên đoạn dốc, chỉ cách nhà riêng của bà có vài trăm mét nữa thôi thì bị chiếc taxi vọt lên ép sát vào hè. Người tài xế đạp vội phanh để tránh va quệt. Lập tức, chiếc Mercedes xộc tới, khoá chặt đuôi. Ba tên có vũ trang xuống taxi. Tên cao lớn nhất trang bị khẩu súng nòng to như chiếc ống nhòm, gắn bộ phận giảm thanh, súng này có thể bắn từng phát lẻ hoặc hàng loạt mười lăm viên liền trong một giây. Hai tên kia lăm lăm súng lục và tiểu liên. Cùng một lúc hai tên mở cửa xe hai bên, phía Maruja và phía chị trợ lý ngồi. Tên đứng ngoài chĩa nòng súng bắn một phát vào đầu tài xế, giết chết anh ta tại chỗ, kéo xác anh ta hắt xuống đường, còn bồi thêm ba phát nữa. Một tên nữa từ xe sau tiến lên nói: “Bà chính là người chúng tôi tìm hôm nay, thưa bà. Mời bà xuống xe cho”. Vừa nói, những bàn tay thép thít chặt hai cánh tay nữ nhà báo, nhấc ra khỏi xe hơi, kéo lê mấy bước trên đường rồi ném vào chiếc Mercedes. Người trợ lý bị tống lên chiếc xe taxi kia…”.

Chương I thuật vụ bắt cóc dữ dội như vậy. Trang cuối chương vĩ thanh lại nhẹ nhàng êm đẹp, như đoạn kết một cuốn tiểu thuyết diễm tình có hậu: “Một trưa chủ nhật, Maruja cùng chồng sắp dùng bữa thì có tiếng chuông gọi cửa. Tưởng cậu con trai vừa đi ra quay trở lại chắc là để lấy chìa khoá xe hơi bỏ quên chưa cầm theo. Trong nhà lúc này không có ai, ông chủ Villamizar thân hành ra mở cửa. Xuất hiện một chàng trai ăn mặc lịch sự, lễ phép trao cho ông một gói tặng phẩm bọc giấy sang trọng, có thắt nơ với dải lụa vàng. Ông vừa đưa tay đón món quà, cậu đã biến luôn khỏi cầu thang, chẳng để cho ông kịp hỏi một lời. Villamizar nghĩ ngay, đây chắc hẳn là một quả bom, và bàng hoàng nhớ lại vụ bắt cóc mà vợ ông vừa thoát khỏi. Ông mang gói quà sang một chỗ xa phòng ăn, cẩn thận khều mở tờ giấy bọc. Hiện ra một chiếc túi nhỏ bằng da, bên trong đựng một chiếc nhẫn vàng đặt trên nền bọc lụa. Đấy chính là chiếc nhẫn bọn hung thủ đã tước của Maruja đang đeo trên tay vào đêm nàng bị bắt cóc. Quả là có thiếu mất hạt kim cương lấp lánh nhất, song đúng là chiếc nhẫn của nàng. Câu cuốn sách như sau: “Maruja không thể nào tin được. Nàng luồn chiếc nhẫn vào ngón tay và nhận ra (sau mấy ngày về nhà) mình đã mau chóng lấy lại cân, chiếc nhẫn vừa vặn khít ngón tay như nàng vẫn đeo ngày trước”.

Nhiều năm rồi, Gabriel Marquez không sống tại quê hương ông, nơi có cái làng Macondo huyền thoại, vì tình hình chính trị xã hội Colombi mất ổn định. Người ta gặp ông khi ở Mehico, khi ở Habana, Caracas hoặc Cartagena nơi ông viết cuốn Nhật ký một cuộc bắt cóc này. Mấy năm gần đây, ông thường sống tại Mehico, mải miết chạy đua với thời gian để hoàn thành ba tập hồi ký. Một nhà văn viết: “Gabo chuyển dịch thường xuyên trong cuộc sống. Cũng như ông chuyển dịch nhiều trong văn chương”. Ý nhà văn này muốn nói, Gabo đột ngột từ thể loại này chuyển sang thể loại khác một cách dễ dàng. Ai cũng biết Marquez nổi danh toàn thế giới với tiểu thuyết Trăm năm cô đơn, cuốn sách khi mới ra đời đã được nhà thơ lớn Pablo Neruda chào đón như là “sự thể hiện vĩ đại nhất ngôn ngữ Tây Ban Nha kể từ Don Quichote của Cervantes cho đến nay”. Từ những tiểu thuyết rất thành công, Gabo trở lại viết tập phóng sự này (tạm gọi như vậy). Phải chăng là sự quay trở về nghề báo, bước khởi nghiệp của ông? Dù viết thể loại nào, Gabo vẫn khẳng định: “Mọi chuyện tôi viết ra đều rút từ cuộc sống”.

Gabriel Garcia Marquez sinh năm 1928 (có tư liệu nói là 1927). Hồi trẻ, làm báo, ông đi lại nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt thân thuộc châu Âu nơi ông từng nhiều năm làm phóng viên thường trú cho nhiều tờ báo tiếng Tây Ban Nha. Là một cây bút sắc sảo về phóng sự, bút ký - mà ông luôn khẳng định cũng là một thể loại lớn của văn học - ông được các nước Mỹ la tinh coi như là một nhà báo tiêu biểu cho châu lục này.

Gabo thành danh cả trên hai lĩnh vực văn học và báo chí. Ông quan niệm văn học và báo chí nếu không thuộc một thể thống nhất, ít ra cũng có những tương đồng cơ bản. Chính vì lẽ đó những ký giả từng bị bắt cóc đã tìm đến nhà văn lớn như đến với một đồng nghiệp, đề nghị ông mang tất cả trọng lượng tên tuổi và tài năng văn chương ra hỗ trợ họ.

Nhật báo Le Monde đưa lên tít: G.G. Marquez trộn lẫn ngòi bút tiểu thuyết gia với ngòi bút nhà báo để viết nên câu chuyện bắt cóc. Một nhà phê bình khác nhận xét: “Nhật ký một cuộc bắt cóc là một tác phẩm thách thức sự phân loại. Nó đúng là một thiên phóng sự, với tư liệu dày dặn, mạnh mẽ và trang nhã đến ngây ngất. Nhưng là một thiên phóng sự giống tiểu thuyết hơn nhiều cuốn tiểu thuyết đích thực”.

Trên đây chúng tôi có giới thiệu câu mở đầu và đoạn kết cuốn sách. Xen kẽ trong tác phẩm nhiều trang như vậy. Khi là tiểu thuyết đích thực, khi là thông tấn trăm phần trăm. Tiểu thuyết, như những trang tác giả tả diễn biến tâm lý các con tin, mối quan hệ giữa Maruja và cậu thanh niên có nhiệm vụ canh giữ bà. Bà kinh hãi tên khủng bố lúc nào cũng lăm lăm khẩu súng ở tay. Tên khủng bố có vẻ thô bạo, hắn từng chĩa súng doạ bắn bỏ mỗi khi bà làm trái ý hắn. Cậu thanh niên thì thần kinh luôn căng thẳng, nghe tiếng động nhỏ đã nghĩ cảnh sát ập đến. Qua sáu tháng không rời nhau một bước, tên gác không giấu được lòng mến trọng người đàn bà, còn bà thì đôi khi tưởng cậu như đứa con trai ruột thịt của mình… Những trang bút đầy sáng tạo. Ấy thế mà tác giả qua Lời cảm ơn viết thay cho Lời nói đầu cuốn sách, vẫn bày tỏ áy náy về “sự kém cỏi” của mình đã không đủ sức mô tả hết nỗi đau, lòng kiên nhẫn cũng như cơn giận của những người bị bắt làm con tin.

Bên cạnh những trang viết của tiểu thuyết gia, người đọc nhận ra ngòi bút nhà báo lão luyện biết lẩy chọn những chi tiết để cuốn hút người đọc báo vốn hiếu kỳ cái cụ thể. Để có thể tống giam tên trùm khủng bố khi hắn ra đầu thú, phù hợp với quy định trong luật tố tụng hình sự, công tố viên có trách nhiệm kiểm tra căn cước người bị bắt giam. Nhưng, bao năm rồi luôn thay tên đổi họ, dùng toàn là hộ chiếu và giấy tờ giả, Pablo Escobar làm gì còn có Giấy căn cước cấp theo đúng luật như tất cả mọi người? Với sự đồng thuận ngầm của ai đó, tên trùm Mafia làm tờ khai mình vừa bị kẻ cắp móc túi lấy mất ví, giống hệt như y là một nông dân lớ ngớ vừa từ quê ra tỉnh lần đầu. Một viên cảnh sát bất kỳ ở một đồn cảnh sát bất kỳ, nơi người bị mất cắp đến thưa trình, sẽ ký tên đóng dấu xác nhận công dân P.E. Ngày … tháng… có đến khai báo tại đồn bị mất giấy tờ; bản khai có in vân tay đương sự trước mặt nhà chức trách này, đương sự được phép tạm dùng tờ giấy có in vân tay này thay cho giấy căn cước…

Cuốn Nhật ký một vụ bắt cóc  nguyên bản tiếng Tây Ban Nha, được Nhà xuất bản Mondadori ở Barcelona tung ra thị trường cuối năm 1996. Tháng ba năm 1977, Nhà Xuất bản Grasset và Fasquelle, Paris phát hành bản dịch tiếng Pháp của Annie Morvan. Báo chí lớn và truyền hình, phát thanh Pháp coi việc này như một sự kiện văn học của chính mình. Kênh truyền hình Arte (một kênh chuyên về văn hoá) thông báo sẽ dành trọn một chương trình chuyên đề giới thiệu tác phẩm mới xuất bản, với sự có mặt của tác giả… Dạo ấy tôi có việc ghé qua Paris hay tin chạy vội ra siêu thị văn hoá phẩm FNAC tìm sách, tự mắt tôi nhìn thấy nhiều người cũng đang xếp hàng mua cuốn sách còn thơm mùi mực in. Tối hôm ấy, chúng tôi cùng nhất trí rút gọn chương trình làm việc để kịp trở về nơi nghỉ mà theo dõi kênh tivi Arte giới thiệu tác phẩm mới, có sự giao lưu của tác giả với khán giả truyền hình.

Chương trình mang tên: Gabriel Garcia Marquez, nhà thuật sĩ vùng Caraibes bắt đầu từ 21 giờ 40. Nhà văn hào xuất hiện trước ống kính tươi tỉnh, khoẻ mạnh, nước da rám nắng sau làn áo sơ mi mỏng màu xanh nước biển, túi áo ngực cài cây bút máy và cái kính lão như mọi ông già… Ông khẳng định: “Tất cả mọi câu chuyện tôi viết ra đều rút từ cuộc sống”.

Người dẫn chương trình nói: Nhật ký một vụ bắt cóc minh chứng vai trò quan trọng của báo chí và văn học trong cuộc đấu tranh loại trừ ma tuý và các hiểm hoạ khác như khủng bố quốc tế và buôn lậu xuyên biên giới…” Tôi nhớ ai đó phát biểu một câu rất hay: “G. G. Marquez không viết sử ký. Cuốn sách ông là thiên phóng sự (nhưng là phóng sự) của một tiểu thuyết gia. Nó vẫn là một món quà đẹp cống hiến vào lịch sử”.

Một điều tối hôm ấy không diễn giả nào đề cập, nhưng người xem đều cảm nhận được. Nhà văn bậc thầy về hiện thực huyền ảo trước sau vẫn gắn bó với thực tế đúng như lời ông quả quyết, trước sau ông vẫn phản đối chủ nghĩa đế quốc dưới mọi hình thức. Rất ít có, nếu không nói chưa có nhà văn nào như ông, dành một phần bài diễn văn truyền thống đọc tại Lễ nhận Giải Nobel để mạnh mẽ chỉ trích chủ nghĩa đế quốc, dù không gọi đích danh ai cũng biết đấy chính là Mỹ: “Châu Mỹ Latinh không muốn, và cũng không có lý do trở thành con cờ trong tay người khác sắp đặt”. Và trước một cử toạ gồm những nhân vật uy danh chứng kiến buổi trao giải, ông kết luận theo cách mà bất kỳ ai nghe cũng có thể hiểu ông muốn ám chỉ ai: “Chúng ta, những người tạo ra ngụ ngôn, chúng ta cảm nhận mình có quyền tin rằng, bây giờ bắt tay sáng tạo một hiện thực khác với utopie (không tưởng vẫn là không muộn. Trong hiện thực ấy, không có bất kỳ người nào có quyền quyết định cách thức sống và chết của người khác, trong hiện thực ấy tình yêu sẽ trở thành thực tế vô cùng chân xác, hạnh phúc sẽ biến thành một khả năng đầy tính hiện thực; đến lúc ấy những gia tộc mà số mệnh đã định sẵn là phải chịu cảnh trăm năm cô đơn, cuối cùng rồi cũng sẽ có một cơ hội thứ hai để vĩnh viễn sinh tồn trên Trái đất”.

Kỳ sau: Jean - Paul Sartre - con người của sự tự do.

PHAN QUANG