Đơn Dương - Một chặng đường cách mạng của tôi

02:04, 15/04/2012

Nhân kỷ niệm 37 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Báo Lâm Đồng xin giới thiệu một vài chương trong hồi ký phản ánh chân thực về hoàn cảnh, không khí hoạt động cách mạng của huyện Đơn Dương, cửa ngõ Đà Lạt mà ông Huỳnh Minh Xuyến là người trực tiếp tham gia trước và sau năm 1975.

(Trích Hồi ký “Những dấu ấn cuộc đời” (NXB Thanh Niên) của ông Huỳnh Minh Xuyến)
 

Ông Huỳnh Minh Xuyến (1972)
Ông Huỳnh Minh Xuyến (1972)

LTS: Ông Huỳnh Minh Xuyến sinh và lớn lên trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng ở huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Tham gia cách mạng từ những năm đầu thập kỷ 60 thế kỷ XX tại huyện Đơn Dương. Cuộc đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của ông từng trải qua nhiều cương vị và năm 2001, với cương vị Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lâm Đồng khóa VI sau khi hoàn tất công việc tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng khóa VII, ông Huỳnh Minh Xuyến nghỉ hưu. Để lưu lại quá trình làm cách mạng và trưởng thành, năm 2008, ông xuất bản tập hồi ký “Những dấu ấn cuộc đời” (NXB Thanh Niên). Nhân kỷ niệm 37 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Báo Lâm Đồng xin giới thiệu một vài chương trong hồi ký phản ánh chân thực về hoàn cảnh, không khí hoạt động cách mạng của huyện Đơn Dương, cửa ngõ Đà Lạt mà ông Huỳnh Minh Xuyến là người trực tiếp tham gia trước và sau năm 1975.

I. Những ngày bão nổi

Về lại huyện Đơn Dương công tác là niềm mong ước của tôi. Những tưởng về lại quê nhà, gần gũi gia đình và gặp lại nhiều anh chị em thân quen, nhưng khi về đến địa phương tôi vô cùng thất vọng và bàng hoàng trước những diễn biến của gia đình và địa phương. Về gia đình thì cha, chú, anh... đã hy sinh, gia đình ly tán. Về tình hình của địa phương, địch đánh phá gần như tan nát các hệ thống tổ chức của ta. Huyện ủy Đơn Dương hầu như không còn. Đồng chí Tâm, Bí thư Huyện ủy và một số đồng chí khác bị địch đánh vào cơ quan đã hy sinh. Huyện Đơn Dương lúc bấy giờ chỉ còn một số cơ quan nhỏ lẻ gộp lại như Văn phòng Huyện ủy có cả một vài cán bộ Tuyên giáo, Công an và vài nhân viên phục vụ do đồng chí Long, Thường vụ Huyện ủy phụ trách. Cơ quan quân sự có vài đồng chí lãnh đạo và Đại đội 815 có trên chục người. Cơ quan kinh tài và y tế có 4-5 người, đội công tác chỉ còn 2 đội: K2 có 4 người, K4 có 3 người. Thực lực của ta ở huyện Đơn Dương vào cuối năm 1973 đầu năm 1974 chỉ có vậy, trong khi đó địch thường xuyên càn quét đánh phá hậu cứ không lúc nào yên.

Tôi về nhận công tác lúc đầu được đồng chí Long, Thường vụ Huyện ủy phân công phụ trách công tác Đoàn Thanh niên của huyện. Một thời gian ngắn được điều tham gia lãnh đạo đoàn chuyển toàn bộ số bà con có gia đình, người già yếu từ vùng hậu cứ Đơn Dương về vùng căn cứ của Khu 6 ở Nam Bình Thuận. Sau thời gian hơn 1 tháng, tôi đưa đoàn về vùng căn cứ Nam Sơn của khu ở Bình Thuận. Khi bàn giao đoàn xong, chúng tôi quay về lại Đơn Dương.

Về lại Đơn Dương, mọi chuyện đã thay đổi. Các cơ quan ở hậu cứ Đơn Dương giải thể chuyển về các cơ quan của tỉnh Tuyên Đức ở vùng căn cứ Đức Trọng, các đội công tác được sắp xếp lại và chuyển qua đứng chân ở khu Tam Giác. Tôi được điều qua khu Tam Giác nhận nhiệm vụ mới là Đội trưởng Đội Vũ trang công tác, kiêm Bí thư Chi bộ Đội công tác K1. Tôi được đồng chí Nguyễn Lâm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tuyên Đức gặp, giao nhiệm vụ và trao đổi một số tình hình cụ thể của địa phương.

Về tình hình của địa phương, đồng chí cho biết Đơn Dương từ năm 1972 đến cuối năm 1973 gặp rất nhiều khó khăn, đợt chồm lên năm 1972 ta bị tổn thất nặng. Địch thừa thế lấn tới đánh phá vào vùng căn cứ và bóc gỡ cơ sở bên trong. Địa bàn của ta ngày càng bị thu hẹp; đến cuối năm 1973, Huyện ủy Đơn Dương gần như tan rã.

Trước tình hình đó, chủ trương của Khu ủy Khu 6 và Tỉnh ủy Tuyên Đức chỉ đạo là phải giải quyết vùng hậu cứ của Tuyên Đức và Đơn Dương gọn nhẹ, đưa tất cả những người già yếu, trẻ con và một số gia đình về căn cứ của khu và tỉnh Lâm Đồng cũ. Cơ quan lãnh đạo của huyện được sắp xếp lại, để chỉ đạo hoạt động, các đội công tác và lực lượng vũ trang của  huyện có hiệu quả hơn.

Đồng chí Nguyễn Lâm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tuyên Đức được điều về lập lại Ban cán sự Đảng huyện Đơn Dương, vào khoảng tháng 4/1974. Ban cán sự lúc đầu có 3 đồng chí: Đồng chí Nguyễn Lâm làm Bí thư; đồng chí Nguyễn Phú Hộ, Phó Bí thư; đồng chí Nguyễn Mười, Ủy viên phụ trách quân sự. Về sau bổ sung thêm đồng chí Phan Công Chúng, Đội trưởng Đội công tác K2 vào ủy viên. Các đội công tác tổ chức lại còn 3 đội, lấy khu Tam Giác làm bàn đạp đứng chân để hoạt động về các hướng. Đội K2 do đồng chí Phan Công Chúng, Ủy viên Ban cán sự làm đội trưởng, địa bàn hoạt động từ Lạc Xuân ra đến vùng Dran Lạc Nghiệp, Hòa Bình và khu vực Nam sông Đa Nhim thuộc xã Linh Nhân (cũ). Đồng chí Phạm Báng, Đội trưởng Đội công tác Xuân Trường phụ trách địa bàn xã Xuân Trường, Cầu Đất, Phát Chi. Đội K1 được tổ chức lại nhập từ hai đội K4 vùng Ka Đô, Tu Tra và K1 vùng Thạnh Mỹ, Lạc Lâm thành một đội lấy tên K1 do tôi làm đội trưởng. Về lực lượng vũ trang của huyện cũng được tổ chức lại, lấy Đại đội 815 làm nòng cốt, quân số có khoảng 20 anh em cán bộ chiến sĩ. Nhiệm vụ chủ yếu của đơn vị này là hỗ trợ các đội công tác hoạt động trên các địa bàn, đánh địch càn quét lấn chiếm, bảo vệ vùng căn cứ khu Tam Giác.

Đội công tác K1 được thành lập lại, hoạt động trong điều kiện vô cùng khó khăn. Địa bàn hoạt động rất rộng bao gồm địa bàn của hai đội K4 và K1 trước đây, trong khi đó lực lượng của đội rất mỏng chỉ có 6 đồng chí: 4 nam 2 nữ, từng lúc có tăng cường một số anh em đơn vị 815 hỗ trợ hoạt động theo kiểu "thời vụ". Tình hình trên địa bàn từ 1972-1973 địch bung ra lấn chiếm phục kích, gây cho ta tổn thất đáng kể. Đồng chí Thông, Đội trưởng và một số đồng chí hy sinh, một vài đồng chí còn lại bị thương, Đội K1 bị xóa phiên hiệu, địa bàn bỏ trống. Phía Nam sông vùng Kađô, Próh Đội K4 còn duy trì hoạt động. Đến đầu năm 1974, địch phục kích, đồng chí Kình, Đội trưởng hy sinh; đồng chí Thơm (nữ) bị thương, bị địch bắt, Đội K4 cũng bị tan rã.

Bên trong thôn ấp địch tăng cường kìm kẹp chặt quần chúng. Chúng điều bọn chi khu và số hạ sĩ quan, sĩ quan quân đội về trực tiếp nắm phòng vệ dân sự và bộ máy tề ở các thôn ấp những khu vực xung yếu. Cụ thể: Ở 3 thôn dân tộc Ka Đô, đại úy Thủ, phân chi khu trưởng về trực tiếp nắm chỉ huy phòng vệ dân sự và bộ máy tề. Ở vùng Nam Hiệp, chúng đưa trung đội dân vệ người Nùng về nằm tại ấp và tuần tra canh gác cầu 13 Kađô. Ở Nghĩa Hiệp, trung úy Mây, thượng sĩ Sừng và hai phụ tá an ninh về nằm tại ấp, chỉ huy phòng vệ dân sự, bộ máy tề. Chúng đốc thúc bọn này thường xuyên tuần tra lùng sục phục kích gài mìn ban đêm... Vùng Quảng Hiệp, Trung đội Dân vệ 84 về chốt chặt ngày đêm các ngả đường ra vào. Ở các vùng này chúng ra lệnh cho bọn bên dưới độc quyền bắn bỏ tại chỗ những ai nói đến tin chiến thắng của Việt cộng; bắt buộc mọi gia đình người dân tối phải treo đèn trước ngõ. Đốc thúc bọn phòng vệ dân sự đào công sự, hầm hào phòng thủ chiến đấu và tăng cường gài mìn phục kích... Trên tuyến đường 21B địch điều Đại đội 4 thuộc D66 về chốt ở Thạnh Mỹ làm nhiệm vụ bung ra càn quét vào các khu căn cứ của ta. Chúng vừa đánh theo kiểu biệt kích thám báo, vừa tăng cường kìm kẹp bên trong; đưa trung đội dân vệ người dân tộc Suối Thông A đóng chốt ở Suối Thông A, B và Bắc Hội, Phi Vàng. Đội công tác chúng tôi thành lập lại sau một thời gian hoạt động địch cũng đánh hơi được và theo dõi phục kích gài mìn. Nhờ có cơ sở báo, nên nhiều lần tránh được các ổ phục kích của địch. Khoảng tháng 10/1974, địch tập kích vào nơi trú chân của đội và tổ bộ đội 815. Chúng tôi tổ chức chiến đấu chống trả quyết liệt và bảo toàn lực lượng.

(Còn nữa)