Đơn Dương - Một chặng đường cách mạng của tôi (tiếp theo)

02:04, 24/04/2012

(Trích Hồi ký “Những dấu ấn cuộc đời” (NXB Thanh Niên) của ông Huỳnh Minh Xuyến)

(tiếp theo)

[links(right)]… Tình hình các mặt nói chung đã đi vào ổn định. Lúc này, đồng thời với việc củng cố chính quyền giải quyết các tàn dư của chế độ cũ với việc chỉ đạo giải quyết sản xuất ổn định đời sống, chúng tôi bắt tay vào khảo sát điều tra tình hình sản xuất đời sống xã hội, nắm được xã Thạnh Mỹ trước giải phóng có 8.020 người, khi ta tiếp quản còn 6.913 người, có gần 2.000 người cả lính ngụy bỏ chạy chưa về; toàn xã có 1.745 ha đất sản xuất, 2 lò gạch, 1 xưởng cưa; có 406 gia đình sống bằng nghề chạy xe, công nhân làm gạch, xưởng cưa và đi lính. Số phải giải quyết cứu đói 3 - 4 tháng là 95 hộ với gần 300 nhân khẩu, có trên 300 gia đình không có đất sản xuất…

Đơn Dương trên đường đổi mới. Ảnh N.T.N
Đơn Dương trên đường đổi mới. Ảnh N.T.N


Trước tình hình đó, chúng tôi huy động bà con tại chỗ giúp đỡ nhau theo tinh thần “lá lành đùm lá rách” và đề nghị huyện hỗ trợ, đồng thời chỉ đạo đi vào tổ chức sản xuất ngay để chống đói. Tạm mượn 215 ha đất vắng chủ chia cho 300 hộ không có đất sản xuất để sản xuất rau màu chống đói ngay. Khảo sát giãn dân Thạnh Nghĩa ra vùng Nghĩa Hội, Nghĩa Lập hiện nay để khai hoang sản xuất, khôi phục lại các trạm bơm thủy lợi Thạnh Mỹ để phục vụ sản xuất vụ hè thu năm 1975 cho cánh đồng Thạnh Mỹ, M’ Lọn. Thành lập các tổ vần đổi công, tổ đoàn kết sản xuất do tổ chức nông dân làm nòng cốt để giúp đỡ nhau…

Ngày 29/4/1975, tôi được triệu tập về huyện để báo cáo tình hình và nghe phổ biến chủ trương nhiệm vụ mới. Sau khi báo cáo tình hình và nghe triển khai kế hoạch công tác sắp đến của huyện, đồng chí Ba Nghiệp, Bí thư Huyện ủy thông báo quyết định điều chuyển công tác đối với một số đồng chí: Tôi được điều về huyện công tác; đồng chí Phan Công Chúng, Bí thư xã Lạc Nghiệp về Thạnh Mỹ thay tôi; đồng chí Phạm Báng, Bí thư xã Xuân Trường về làm Bí thư xã Lạc Nghiệp; đồng chí Mười Tất, cán bộ cơ sở của ta ở Xuân Sơn lên làm Bí thư xã Xuân Trường thay đồng chí Phạm Báng; đồng chí Ba Loan, Bí thư xã Xuân Thọ; đồng chí Cha Melé Ngèo làm Bí thư xã Tu Tra; đồng chí Ama Lức làm Bí thư xã Linh Nhân. Tôi quay về Thạnh Mỹ triệu tập chi bộ và một số đồng chí trong Ủy ban nhân dân xã để triển khai công tác theo chỉ đạo và thông báo quyết định của cấp trên rút tôi về huyện, đồng chí Chúng về thay tôi làm Bí thư kiêm Chủ tịch xã. Sau đó, tôi bàn giao công việc của xã cho đồng chí Chúng. Tôi thu xếp về huyện nhận công tác.

Về huyện, tôi được các đồng chí phân công làm Ủy viên Thường trực Ủy ban Nhân dân huyện Đơn Dương, bộ máy cơ quan của huyện lúc này mới bắt đầu hình thành. Cơ quan Huyện ủy mới có đồng chí Lưu Minh Nghiệp, Thường vụ Tỉnh ủy làm Bí thư kiêm Chủ tịch Ủy ban Quân quản, giúp việc có đồng chí Huỳnh Ngọc Anh, phụ trách văn phòng và vài ba nhân viên. Cơ quan Ủy ban huyện, đồng chí Nguyễn Phú Hộ được tỉnh điều qua công tác ở huyện Đức Trọng từ những ngày đầu tháng 4/1975. Khi tôi về làm công tác Thường trực Ủy ban, giúp việc có đồng chí Nguyễn Hoa Lư, phụ trách công tác văn phòng; chị Nguyễn Thị Hiền phụ trách công tác xã hội và 3 nhân viên. Ở cơ quan quân sự, đồng chí Nguyễn Mười được tỉnh điều lên Lạc Dương và đồng chí đã hy sinh tại Lạc Dương trong trận Fulro tập kích tháng 4/1975; đồng chí Đào Đức Thuận lên thay đồng chí Mười làm chỉ huy trưởng. Cơ quan công an, cấp trên điều đồng chí Nguyễn Đức Hải về phụ trách. Các cơ quan thương nghiệp, tài chính có các đồng chí Trương Xuân Niên, phụ trách thương nghiệp; đồng chí Đoàn Xuân Diệu sau khi đổi tiền mới về phụ trách Phòng Tài chính. Các đoàn thể Thanh niên, Phụ nữ, Nông dân, Công đoàn có một số cán bộ: đồng chí Cát, cán bộ Nông dân; cô Lê Thị Dưỡng, cán bộ Phụ nữ; anh Đoàn Thắng, cán bộ Thanh niên; anh Quang, cán bộ Công đoàn, nhưng tất cả đều nằm ở thôn xã để xây dựng phong trào.

Hoạt động của lãnh đạo Huyện ủy, Ủy ban lúc này tập trung lo ổn định một bước về công tác tổ chức bộ máy và giải quyết những công việc cấp bách như: Chỉ đạo việc tăng gia sản xuất, giãn dân tập trung đẩy mạnh sản xuất vụ hè thu, cứu đói cho một số nơi không sản xuất lương thực như Xuân Trường, Xuân Thọ và nhiều gia đình khó khăn bị địch gom dồn lại không có đất sản xuất, không có công ăn việc làm… Chuẩn bị các điều kiện để khai giảng năm học mới dưới chế độ mới như sửa sang trường lớp, đón tiếp phân bổ các thầy cô giáo được tăng viện về và số giáo viên tại chỗ. Phục hồi các cơ sở y tế để chăm lo sức khỏe cho nhân dân, đón tiếp đội ngũ cán bộ ngân hàng, tài chính trên tăng cường về để chuẩn bị cho công tác thu đổi tiền năm 1975…

Nói chung, mọi công việc đều phải xây dựng mới từ đầu. Tuy có khó khăn vất vả, có những việc phải mày mò tìm hiểu để làm, ví dụ như một số các thủ tục văn bản hành chính ban hành của chính quyền v.v…, nhưng với khí thế phấn khởi, anh em đều hăng hái tham gia không quản ngày đêm. Một ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo coi như một mệnh lệnh, dù khó khăn đến đâu anh em đều động viên quần chúng tham gia thực hiện vô tư, nghiêm túc và nhanh chóng. Ví dụ, một vài việc làm táo bạo lúc đó đã để lại những ký ức khó quên trong nhân dân là: Thực hiện ý kiến chỉ đạo của anh Ba Nghiệp, Bí thư Huyện ủy là phải mở con đường và đưa điện từ quốc lộ 11 vào ấp Xuân Sơn, xã Xuân Trường, vì đây là vùng đất cách mạng; mở đoạn đường và làm cầu qua cánh đồng Krăng gọ để vào vùng Ka Đơn - Tu Tra; giãn dân Lạc Nghiệp vào khai thác sản xuất vùng Châu Sơn; chuyển dời chợ thị trấn Dran ra khu chợ qui hoạch làm chợ mới, việc này bao nhiêu năm chế độ ngụy không làm được. Thực hiện những công việc này lúc đó thật sự không đơn giản, nhưng với quyết tâm chỉ đạo sát và hào khí cách mạng của quần chúng, chỉ sau một thời gian ngắn huy động tài lực trong quần chúng nhân dân đã hoàn thành các công trình có ý nghĩa lịch sử này…

(Trích Hồi ký “Những dấu ấn cuộc đời” (NXB Thanh Niên) của ông Huỳnh Minh Xuyến)

(Còn nữa)