Đơn Dương - Một chặng đường cách mạng của tôi (tiếp theo)

04:04, 26/04/2012

… Ngày 25/6/1975, tôi được điều đi học lớp ngắn ngày 1 tháng về công tác chính quyền khu Nam Trung bộ mở tại Bảo Lộc. Qua lớp bồi dưỡng này đã giúp tôi nhiều kiến thức mới về công tác chính quyền.

(tiếp theo)

… Ngày 25/6/1975, tôi được điều đi học lớp ngắn ngày 1 tháng về công tác chính quyền khu Nam Trung bộ mở tại Bảo Lộc. Qua lớp bồi dưỡng này đã giúp tôi nhiều kiến thức mới về công tác chính quyền.

Ông Huỳnh Minh Xuyến (giữa) cùng một số đại biểu dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII
Ông Huỳnh Minh Xuyến (giữa) cùng một số đại biểu dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII


[links(right)]Về lại huyện, tôi được tiếp tục nghiên cứu học tập Nghị quyết 16 của Trung ương Cục và Chỉ thị 23/74 của Bộ Chính trị về tình hình và nhiệm vụ mới của cách mạng miền Nam sau khi được giải phóng. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý tiếp tục phát triển tích cực. Lúc này, mọi hoạt động của chính quyền bước đầu đi dần vào nề nếp, vì đã có cơ sở nhận thức Nghị quyết 16 của Trung ương Cục và một số kiến thức cơ bản qua lớp chính quyền  ở khu. Thực hiện chỉ đạo của cấp trên, chúng tôi tập trung chuẩn bị cho cuộc mít tinh kỷ niệm Ngày Quốc khánh 2/9 và chào mừng Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam 30/4/1975. Đây là cuộc mít tinh có qui mô lớn toàn huyện, huy động cả nghìn người từ các xã trong huyện tham gia, với khí thế tưng bừng phấn khởi thật sự là ngày hội lớn độc lập dân tộc. Do đó, yêu cầu công tác chuẩn bị mọi mặt từ nội dung, hình thức, công tác an ninh bảo vệ, phân bổ lực lượng quần chúng tham gia cho các xã… phải thật chi tiết, phối hợp chặt chẽ. Và mọi việc được diễn ra như mong muốn.

Sau cuộc mít tinh, đã dấy lên một không khí sục sôi tiến công cách mạng trong quần chúng. Bà con tham gia thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng sau này, như đẩy mạnh sản xuất trên các mặt nông, công nghiệp; gắn liền với tổ chức lại sản xuất như công ty hợp doanh trong công nghiệp, tổ đoàn kết, tập đoàn sản xuất trong nông nghiệp, hợp tác xã mua bán trong thương nghiệp… Mặt khác, đẩy mạnh công tác giữ gìn an ninh chính trị trật tự xã hội; bảo vệ, củng cố và xây dựng chính quyền cách mạng vững mạnh, đập tan âm mưu phá hoại của các loại phản động. Tuy nhiên, trong thời gian này, xảy ra nhiều vấn đề phức tạp mới gây chấn động tình hình của địa phương. Vào khoảng tháng 8/1975, tại cuộc họp để củng cố chính quyền thôn Phát Chi, xã Xuân Trường, tên ấp trưởng ngụy cho nổ lựu đạn làm chị Mười Tất, Bí thư xã; đồng chí Á, Xã đội trưởng hy sinh và một số đồng bào dự họp bị thương.

Trong năm 1975 này, đồng chí Phan Công Chúng thay tôi làm Bí thư xã Thạnh Mỹ cũng bị fulro bắt và thủ tiêu; đồng chí Nguyễn Mười, Huyện đội trưởng lên Lạc Dương bị fulro tập kích hi sinh cùng đồng chí Thanh, Tỉnh đội trưởng Tuyên Đức và một số anh em Tiểu đoàn 810. Như vậy cho thấy tình hình sau khi tiếp quản còn rất phức tạp, nơi nào mất cảnh giác là sẽ bị tổn thất, có lúc rất nặng như các vụ fulro tập kích ở Lạc Dương. Riêng ở Đơn Dương, chỉ mấy tháng sau giải phóng đã hy sinh 1 huyện đội trưởng, 2 bí thư xã, 1 xã đội trưởng và 1 du kích xã.

Ngày 18/9/1975, đồng chí Ba Nghiệp, Bí thư Huyện ủy huyện Đơn Dương được triệu tập về tỉnh ở Đức Trọng để tiếp thu chủ trương mới của cấp trên (lúc này Đà Lạt tách ra thành thành phố trực thuộc Trung ương; tỉnh Tuyên Đức cũ gồm: Đơn Dương, Đức Trọng, Lạc Dương chuyển về đóng ở Đức Trọng). Khi quay về, đồng chí Ba Nghiệp cho mời tôi đến chỗ đồng chí để trao đổi công việc gấp. Đêm đó, đồng chí thông báo cho tôi phải chuẩn bị triển khai thực hiện nhiệm vụ đặc biệt khẩn cấp. Đồng chí  không nói rõ nhiệm vụ gì, chỉ yêu cầu tôi thống nhất cùng đồng chí thành lập ban chỉ đạo của huyện do đồng chí làm trưởng ban, tôi phó ban; các cơ quan Ngân hàng thường trực, Công an, Quân sự làm ủy viên. Với ý thức tổ chức kỷ luật và chấp hành nguyên tắc từ trong chiến tranh, tôi không truy hỏi nhưng cũng đoán được sẽ có sự kiện đổi tiền diễn ra. Sau một hồi trao đổi đồng chí cũng biết tôi đã hiểu công việc khẩn cấp đó, nên đồng chí nói luôn chủ trương mới của Bộ Chính trị là đổi tiền: “Đây là việc hệ trọng, tôi báo để đồng chí biết và cùng lo chuẩn bị nếu để sơ suất lộ ra không chỉ chúng ta bị xử lý mà hậu quả cho kinh tế, xã hội rất nghiêm trọng” - đồng chí Ba Nghiệp nhấn mạnh. Chúng tôi cùng bàn bạc lên danh sách cán bộ nhân viên trong các ngành, các xã để điều động về huyện tập huấn khi có lệnh; các phương tiện xe vận tải, loa phát thanh, lực lượng bảo vệ cơ động và tại các điểm thu đổi tiền. Mọi việc chuẩn bị cơ bản, ngày hôm sau tôi cùng anh Ba Nghiệp đi khảo sát một vòng qua các xã, sau đó về thống nhất một vài nội dung xác định sẽ có 33 bàn thu đổi trên toàn huyện.

Công tác tuyên truyền cũng phải chuẩn bị các nội dung và phân công cắt chữ riêng lẻ ở từng cơ quan khi có yêu cầu thì ráp lại thành khẩu hiệu cổ động; xem xét địa điểm có sức chứa vài trăm người trong huyện để tập huấn, mọi việc đều chuẩn bị trong vòng bí mật và khẩn trương.

Ngày 20/9/1975, chúng tôi được lệnh triển khai thực hiện chủ trương mới.

Ngày 21/9/1975, chúng tôi họp ban chỉ đạo phân công nhiệm vụ.

Ngày 22/9/1975, thông báo mời tất cả cán bộ nhân viên đã được lập danh sách trước đây yêu cầu ngày 23/9/1975 về Trường Dân tộc ở xã Thạnh Mỹ (nay là trụ sở Công an huyện) để học tập nghị quyết của trên, trưng tập các phương tiện vận tải để đưa đi. Tại đây, chúng tôi được nghe phổ biến Chỉ thị của Trung ương, cụ thể về tính tất yếu cấp bách phải thực hiện công tác thu đổi tiền từ tiền của chế độ cũ qua tiền của Chính phủ Cách mạng miền Nam. Yêu cầu thực hiện nhiệm vụ này là khẩn trương, nhanh gọn, chính xác, chỉ trong vòng một ngày phải thu đổi xong trên toàn miền Nam; nhưng phải tuyệt đối bí mật bất ngờ và an toàn. Sau đó, đi vào công tác tập huấn cụ thể phân công Bàn trưởng và các bàn về các địa điểm đổi tiền.

4 giờ sáng ngày 24/9/1975, tất cả các bàn đều về các địa điểm thu đổi trên toàn huyện. Mọi việc diễn ra sôi nổi, anh chị em làm việc ở các bàn hăng say liên tục không có giờ nghỉ. Đến 24 giờ đêm 24/9/1975, tất cả 33 bàn thu đổi đã thu gom về huyện, tập trung ở Trường Trung học cơ sở Dran và cơ quan chi nhánh Ngân hàng Dran để tiếp tục kiểm tra tổng hợp báo cáo và bàn giao cho cơ quan ngân hàng. Đến ngày 26/9/1975, công tác đối chiếu tổng hợp bàn giao về tỉnh mới giải quyết cơ bản. Sau đó, chúng tôi họp ban chỉ đạo cùng các ngành, các xã đánh giá kết quả việc thu đổi tiền và bàn các biện pháp chỉ đạo giải quyết ổn định sau khi đổi tiền. Những tháng ngày sau đó, mọi việc đều đi vào ổn định, các cơ quan chuyên môn của huyện được hình thành và phát triển như Tài chính, Ngân hàng, Thương nghiệp, Lương thực, Nông nghiệp, Văn hóa - Thông tin, Y tế, Giáo dục.
    
Tháng 10/1975, tôi nhận được thông báo của cấp trên cử tôi đi học đào tạo dài ngày tại Trường Tuyên huấn Trung ương ở Hà Nội. Nhận được tin này, tôi lo thu xếp để bàn giao công việc và chuẩn bị các điều kiện để lên đường ra Hà Nội.

Hết

(Trích Hồi ký “Những dấu ấn cuộc đời” (NXB Thanh Niên) của ông Huỳnh Minh Xuyến)