Đơn Dương - Một chặng đường cách mạng của tôi (tiếp theo)

03:04, 22/04/2012

Ngày 10/4/1975, tôi được triệu tập về huyện họp và báo cáo tình hình. Đồng chí Nguyễn Lâm, Bí thư Ban cán sự chủ trì cuộc họp. Trước tiên, đồng chí thông báo quyết định của Tỉnh ủy Tuyên Đức chuyển Ban cán sự Đảng huyện Đơn Dương thành Huyện ủy lâm thời để lãnh đạo, điều hành toàn diện các mặt công tác của huyện...

(Trích Hồi ký “Những dấu ấn cuộc đời” (NXB Thanh Niên) của ông Huỳnh Minh Xuyến)

(Tiếp theo)

II. Những ngày đầu xây dựng chính quyền

Nhân dân Xuân Thọ về Đơn Dương dự lễ kỷ niệm 2/9/1975
Nhân dân Xuân Thọ về Đơn Dương dự lễ kỷ niệm 2/9/1975

… Ngày 10/4/1975, tôi được triệu tập về huyện họp và báo cáo tình hình. Đồng chí Nguyễn Lâm, Bí thư Ban cán sự chủ trì cuộc họp. Trước tiên, đồng chí thông báo quyết định của Tỉnh ủy Tuyên Đức chuyển Ban cán sự Đảng huyện Đơn Dương thành Huyện ủy lâm thời để lãnh đạo, điều hành toàn diện các mặt công tác của huyện. Đồng chí Lưu Minh Nghiệp, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tuyên Đức thay đồng chí Nguyễn Lâm làm Bí thư; đồng chí Nguyễn Lâm được điều về tỉnh nhận công tác khác. Ban Chấp hành Huyện ủy lâm thời gồm có các đồng chí ủy viên Ban cán sự cũ: đồng chí Nguyễn Phú Hộ làm Phó Bí thư Huyện ủy; đồng chí Nguyễn Mười, Ủy viên Ban Thường vụ; đồng chí Phan Công Chúng, Huyện ủy viên, Bí thư xã Lạc Nghiệp. Chỉ định bổ sung đồng chí Chama Lé Ngèo từ K67 qua, vào Ủy viên Ban Thường vụ huyện; Huỳnh Minh Xuyến, Bí thư xã Thạnh Mỹ, Ủy viên Ban Chấp hành; đồng chí Phạm Báng, Bí thư xã Xuân Trường, Ủy viên Ban Chấp hành; đồng chí Đào Đức Thuận từ cơ quan quân sự K67 chuyển qua, vào Huyện ủy.

Đồng chí Nguyễn Lâm yêu cầu các xã, các lực lượng vũ trang báo cáo tình hình. Lúc này, huyện Đơn Dương đã hình thành các xã: Xuân Thọ, Xuân Trường, Lạc Nghiệp, Linh Nhân, Lạc Lâm, Thạnh Mỹ, Tu Tra. Nhìn chung, tình hình ở các xã cũng gặp khó khăn trong công tác lập chính quyền ở thôn ấp, nhiều nơi chưa xây dựng được chính quyền. Nghe xong các báo cáo, đồng chí Nguyễn Lâm nhận xét, đánh giá việc lập chính quyền như vậy là chậm, không đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ cấp bách là nắm chính quyền. Đồng chí biểu dương chúng tôi và yêu cầu các đơn vị rút kinh nghiệm việc lập chính quyền của xã Thạnh Mỹ, một xã đã làm nhanh chóng, kịp thời không chỉ lập chính quyền các thôn trong xã, mà còn xây dựng được chính quyền toàn xã Lạc Lâm là vùng có đông bà con Công giáo di cư. Đồng chí gút lại một số việc phải làm ngay. Những nơi chưa lập chính quyền xong, phải khẩn trương giải quyết, đồng thời xây dựng các lực lượng cách mạng tại chỗ như các đoàn thể, các đội dân quân du kích. Những nơi đã có chính quyền rồi phải tiếp tục rà soát đánh giá, củng cố bảo đảm tin cậy, phát triển các lực lượng rộng mạnh hơn; dùng lực lượng cốt cán nơi có phong trào và tin cậy chi viện cho những nơi vùng trắng trước đây. Tập trung giải quyết dứt điểm việc thu gom súng đạn, vũ khí các loại; nắm chắc lực lượng vũ trang, kịp thời trấn áp xử lý những phần tử tề Ngụy chống đối không giao nộp vũ khí, không ra trình diện và bọn phản động mới. Tuyên truyền giải thích chính sách 10 điểm của Mặt trận, động viên nhân dân tập trung sản xuất lương thực…

Chúng tôi về lại địa bàn làm việc với xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng bàn giao 2 thôn Bồng Lai, Bắc Hội từ xã Thạnh Mỹ cho Hiệp Thạnh theo quyết định của trên; tiếp tục triển khai thực hiện các công việc đạt được nhiều kết quả: Số ngụy quân, ngụy quyền từ ấp trưởng, ấp phó, toán trưởng phòng vệ dân sự trở lên ra trình diện trên 800 người. Phân loại và chuyển về huyện số thám báo, phượng hoàng, toán trưởng bình định nông thôn, loại ác ôn có nợ máu trên 20 tên; thu gom xong cơ bản các loại vũ khí quân trang, quân dụng của địch trên địa bàn.

Về thực lực cách mạng phát triển được nhiều cốt cán trong thanh niên, phụ nữ, nông dân, xây dựng hình thành 10 ban vận động thanh niên, gồm: 1 ở xã, 9 ở thôn, tập hợp trên 600 thanh niên; 15 ban vận động phụ nữ: ở xã 1,14 ban ở các thôn, tập hợp trên 700 chị em, chia thành 68 tổ để sinh hoạt; nông dân hình thành 1 ban vận động ở xã và 16 ban vận động ở các thôn, tập hợp gần 1.000 hội viên sinh hoạt trong 78 tổ. Xây dựng 1 đội du kích tập trung ở xã Thạnh Mỹ với 30 người; 7 đội du kích thôn có 120 người. Số anh em này, khi cần cũng điều động tập trung, và tất cả đều được trang bị vũ khí. Số anh em du kích ở xã tuy mới thành lập, nhưng rất hăng hái dũng cảm, đã tổ chức đánh bọn Fulro có vũ trang ở Campute 1 Tu Tra. Trong trận này, anh em hy sinh 1 đồng chí. Trấn áp tại chỗ bọn càn quấy hôi của và bọn tề ngụy ngoan cố không ra trình diện chính quyền, trong số này đã bắt đưa về huyện 9 tên để tập trung cải tạo. Những ngày này, anh em trong đội công tác cũ và số cán bộ tăng cường đều phân công bám nằm ở các thôn ấp, liên tục mở nhiều đợt mittinh tuyên truyền, giải thích chính sách 10 điểm của chính quyền cách mạng, phát động quần chúng thực hiện các nhiệm vụ tăng gia sản xuất, giữ vững an ninh trật tự, tố cáo các phần tử chống đối, tham gia đóng góp sức người sức của để góp phần vào chiến dịch giải phóng Sài Gòn và những nơi địch còn chiếm đóng. Qua các đợt phát động, đã có hàng trăm thanh niên đăng ký thoát ly đi bộ đội, hàng chục xe tải dân dụng tham gia chuyển tải bộ đội và hậu cần từ miền Trung Tây Nguyên vào giải phóng Sài Gòn và nhiều lương thực, thực phẩm giúp cho lực lượng du kích tập trung làm nhiệm vụ tại xã, thôn…

(Còn nữa)