Đơn Dương - Một chặng đường cách mạng của tôi

04:04, 19/04/2012

Chuyện kể rằng ngày xưa có hai người yêu nhau là chàng Lang và nàng Bian nhưng không lấy được nhau do mâu thuẫn giữa hai bộ tộc. Bộ tộc chàng Lang thách cưới quá cao, gia đình và bộ tộc nàng Bian do nghèo không sắm đủ lễ vật và từ đó hai dòng tộc cấm không cho hai người đến với nhau.

(Tiếp theo)

… Sông Đa Nhim là dòng sông mang truyền thuyết, huyền thoại về câu chuyện tình của người dân tộc Lạch. Chuyện kể rằng ngày xưa có hai người yêu nhau là chàng Lang và nàng Bian nhưng không lấy được nhau do mâu thuẫn giữa hai bộ tộc. Bộ tộc chàng Lang thách cưới quá cao, gia đình và bộ tộc nàng Bian do nghèo không sắm đủ lễ vật và từ đó hai dòng tộc cấm không cho hai người đến với nhau. Một hôm chàng Lang và nàng Bian trốn buôn làng dẫn nhau vào rừng ôm nhau than khóc. Nước mắt hai người chảy thành dòng suối Đạ Nhim (theo tiếng dân tộc Đạ là nước, Nhim là mắt, có nghĩa Đạ Nhim là suối nước mắt, từ Đa Nhim do người Kinh đến sinh sống ven sông này và nói trại ra thành). Hai người đều chết và hóa thành hai ngọn núi một cao, một thấp thường gọi là đỉnh Lang Bian hoặc núi Ông, núi Bà ở độ cao 1.900m đến 2.100m so với mặt nước biển.
 

Nhân dân Xuân Thọ về Đơn Dương dự lễ kỷ niệm 2/9/1975
Nhân dân Xuân Thọ về Đơn Dương dự lễ kỷ niệm 2/9/1975

Dòng suối Đạ Nhim bắt nguồn từ dãy núi Lang Bian thuộc huyện Lạc Dương kết hợp với nhiều nhánh suối khác tạo thành dòng sông Đa Nhim chảy từ huyện Lạc Dương xuyên suốt từ đầu đến cuối huyện Đơn Dương. Năm 1960-1962 dưới chế độ Ngô Đình Diệm, ba nhà thầu của Nhật xây dựng thủy điện, đắp đập ngăn đoạn đầu sông Đa Nhim làm hồ chứa để đưa nước về nhà máy thủy điện Krongpha. Thời gian sau này từ 1968-1974 ta đánh phá đường ống dẫn do đó nước không đưa được về nhà máy. Địch lợi dụng nguồn nước này, ban ngày chúng buộc công nhân đóng cửa xả, ban đêm  chúng cho tháo cửa xả hồ để nước tràn về ngập hạ lưu sông gây khó khăn cản trở cho việc đi lại hoạt động của ta ở vùng Nam, Bắc sông. Khí hậu mùa khô ở đây lạnh khủng khiếp, ban đêm có lúc còn 5-6 độ ở ngoài trời. Dù vậy, trong thời kỳ cao điểm này, anh em đội công tác luôn hăng hái làm nhiệm vụ, không ai né tránh dòng nước chảy xiết giá buốt cắt da cắt thịt này. Mặc dù dòng sông đã có lúc nhấn chìm nhiều đồng chí bộ đội và một số anh em đội công tác hy sinh do bị tê cóng nên nước cuốn trôi.

Đêm 1/4/1975, đội công tác phối hợp với một tổ bộ đội 815 đột ấp Suối Thông B rải truyền đơn và lập ra các chướng ngại vật trên đường 21 (đoạn Suối Thông B đi Thạnh Mỹ). Anh em triển khai chưa kịp gài mìn thì phát hiện có nhiều xe địch chạy từ Đà Lạt xuống. Đội công tác chúng tôi rút lui, vào thôn Ròn nắm tình hình và được biết địch đã tháo chạy từ Đà Lạt xuống Nha Trang. Tuy nhiên, ở địa phương bọn lính bảo an thuộc D66 đóng ở Thạnh Mỹ và Trung đội dân vệ Suối Thông A vẫn còn đóng chốt ở các điểm.

Ngày 2/4/1975, tôi và 2 đồng chí bộ đội 815 tăng cường cho đội về Khu Tam giác để báo cáo tình hình và xin ý kiến chỉ đạo theo chỉ thị trước đây của anh Lâm. Khi chúng tôi về đến Tam giác thì các đồng chí lãnh đạo đã xuống Đội công tác K2 phía Lạc Xuân và đã ra tiếp quản ở Lạc Xuân. Tình hình diễn biến quá nhanh, chỉ sau 1 ngày địch ở Đà Lạt tháo chạy, thì đêm 1 rạng sáng 2/4/1975 địch ở Đơn Dương cũng tan rã và tháo chạy theo. Có thể nói, thời gian này mặc dù có sự chuẩn bị trước nhưng ta không theo kịp với sự phát triển của diễn biến tình hình. Tôi theo các đồng chí lãnh đạo và Đội công tác K2 xuống Lạc Xuân và bắt xe vào Thạnh Mỹ. Anh em trong đội công tác của tôi ở nhà cùng một số đồng chí bộ đội 815 tăng cường cũng bám sát địa bàn và vào thôn Đạ Ròn bám trụ lại ở đó. Khi về đến xã Thạnh Mỹ, tôi thông báo cho các lực lượng trên địa bàn tập trung về trụ sở xã để triển khai công tác tiếp quản ở xã và tất cả các thôn, các vị trí trọng yếu khác.

Ngày 2/4/1975, chúng tôi tiếp quản và lập ngay Chính quyền xã Thạnh Mỹ do tôi làm Chủ tịch Quân quản. Sau đó, họp tất cả các anh em trong đội và các lực lượng trên địa bàn, phân công giao nhiệm vụ cho mọi người về các thôn, các cơ sở đồn bốt của địch để tiếp quản và lập chính quyền tự quản thôn, quản lý các cơ sở. Tình hình lúc này ngổn ngang trăm thứ và vô cùng khẩn cấp, trong khi đội công tác của chúng tôi về tiếp quản kể cả lực lượng 815 tăng cường tất cả chỉ có 10 người. Lực lượng là vậy nhưng phải giải quyết một núi công việc: Tiếp quản, lập chính quyền 14 thôn của xã Thạnh Mỹ và quản lý một số cơ sở cảnh sát, đồn bảo an, các chốt của quân ngụy và toàn bộ xã Lạc Lâm. Thu gom súng đạn của địch bỏ chạy và còn lại trong dân. Kêu gọi hàng nghìn tề ngụy kê khai trình diện, trấn áp bọn phản động chống đối và côn đồ lợi dụng hôi của, bảo vệ tính mạng tài sản của một số dân bỏ chạy theo địch v.v… Đúng như nhận định và chỉ đạo của anh Lâm, với khí thế xung thiên, chúng tôi đã vận dụng mọi năng lực trong quần chúng để giải quyết mọi công việc. Tuy nhiên, đã hơn một tuần trôi qua, chúng tôi mới thành lập được bộ máy chính quyền quân quản xã và chính quyền 10 thôn của xã Thạnh Mỹ. Ở xã Lạc Lâm chỉ phân công cán bộ về nắm tình hình chưa có chính quyền; vũ khí súng đạn thu gom chưa hết. Trong lúc chúng tôi đang tập trung bàn các biện pháp để đẩy nhanh tiến độ lập chính quyền các thôn còn lại, củng cố chính quyền một số nơi hoạt động yếu, ổn định tình hình trật tự xã hội thì được tin đồng chí Trần Lê, Bí thư Khu ủy Khu 6 trên đường đi kiểm tra từ Đran vào thăm, tôi vô cùng phấn khởi gặp lại đồng chí lãnh đạo tối cao của Khu ủy mà tôi đã từng phục vụ khi công tác ở Văn phòng Khu 6 gần 8 năm.

Sau một hồi chào mừng thăm hỏi thân tình, đồng chí hỏi ngay tình hình của địa phương. Tôi báo cáo tóm tắt tình hình và những kết quả công việc đã giải quyết từ ngày tiếp quản đến nay; những khó khăn vướng mắc trong việc lập chính quyền ở các vùng trắng trước đây… Chăm chú theo dõi các nội dung báo cáo và trầm ngâm suy nghĩ một lúc, đồng chí Trần Lê hỏi tôi: “Như rứa cậu định đến bao giờ mới thành lập xong chính quyền  trong toàn xã và đặc biệt là vùng Lạc Lâm?”. Tôi báo cáo: “Thưa chú, chắc một tuần nữa mới giải quyết xong cơ bản”. Đồng chí tỏ ra không đồng tình và nói: “Thắng lợi của chúng ta vừa qua do thoái động từ chiến trường Tây Nguyên. Thắng lợi đó như một trận bão tràn qua, cây cối đều ngã rạp, nhưng sau đó chúng sẽ hồi phục lại. Tình hình hiện nay của địa phương, địch đang hoang mang tháo chạy, nhưng cả một bộ máy tề còn đó, súng đạn còn trong dân chưa thu gom hết, trong khi đó Phan Rang, Sài Gòn ta chưa giải phóng, bọn phản động mới lăm le ngóc đầu dậy tranh giành chính quyền với ta. Nếu ta không khẩn trương nắm lấy chính quyền một cách triệt để, khi địch tại chỗ hoàn hồn lại và bọn phản động mới nhảy vô, e rằng khó khăn khôn lường”. Suy nghĩ một lúc, đồng chí nói tiếp: “Phải quan niệm chính quyền hiện nay của chúng ta như cái lưỡi hái cùn. Tuy cùn nhưng ta nắm chắc cái cán, thằng nào nhào vô không đứt cổ cũng đổ máu. Từ đó, chúng có muốn làm gì cũng phải dè chừng. Những nơi khó khăn quá thì dùng lực lượng cốt cán nơi khác đưa đến nắm chính quyền, sau đó củng cố dần. Nhiệm vụ của chính quyền các cấp lúc này là tập trung một số công việc cấp bách trước mắt: Thu gom bằng hết số vũ khí của địch còn lại, kêu gọi tề ngụy trình diện và nắm chắc phân loại số này, trấn áp bọn ngoan cố chống đối, tuyên truyền chính sách 10 điểm của Chính phủ cách mạng, động viên nhân dân sản xuất ổn định cuộc sống…”.

Sau một hồi chỉ đạo công việc, đồng chí Trần Lê động viên tôi cố gắng vươn lên, vì một ngày lúc này bằng bao nhiêu năm gian khổ hy sinh. Đồng chí dặn dò chúng tôi phải hết sức cảnh giác, không chỉ với địch các loại mà ngay cả đối với bản thân, không được chủ quan thỏa mãn và ham muốn sống gấp, tầm thường. Đồng chí nói thêm, quần chúng ở đây bao nhiêu năm sống trong vùng địch, họ bị lừa mị xuyên tạc của địch về người cách mạng. Do đó, lúc này đòi hỏi phải nâng cao phẩm chất cách mạng trong mỗi chúng ta lên một tầm cao mới. Được vậy thì mới có sức thuyết phục và lãnh đạo họ cùng với chúng ta làm tốt bao nhiêu công việc trước mắt này.

Chia tay đồng chí Trần Lê trong niềm hân hoan kính trọng và xúc động. Những lời chỉ đạo của đồng chí tuy ngắn gọn nhưng đã làm tôi mở ra nhiều nhận thức mới. Sau đó, chúng tôi tiếp tục họp bàn với anh em triển khai công việc theo hướng cụ thể hóa các ý kiến chỉ đạo của đồng chí Trần Lê. Lực lượng của chúng tôi lúc này được tăng thêm. Một số đồng chí cán bộ bị địch bắt tù trao trả về bổ sung vào. Chỉ sau một thời gian, tình hình triển khai thực hiện các nhiệm vụ trên địa bàn của chúng tôi tiến triển rất tích cực. Những nhiệm vụ trọng tâm, như xây dựng và củng cố chính quyền các thôn, xã, lập các tổ chức đoàn thể và thu gom vũ khí, kêu gọi tề ngụy trình diện… đều làm khá tốt.

(Trích Hồi ký “Những dấu ấn cuộc đời” (NXB Thanh Niên) của ông Huỳnh Minh Xuyến)