Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại - Biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng và thắng lợi của chính nghĩa

02:05, 08/05/2012

Ngày 9 tháng 5 là ngày thiêng liêng đối với các dân tộc trên toàn thế giới. Đó là biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng và lòng dũng cảm, tinh thần cao cả của nhân loại và thắng lợi của chính nghĩa.

Ngày 9 tháng 5 là ngày thiêng liêng đối với các dân tộc trên toàn thế giới. Đó là biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng và lòng dũng cảm, tinh thần cao cả của nhân loại và thắng lợi của chính nghĩa. Chính vào ngày này 67 năm về trước lá cờ đỏ Chiến thắng phấp phới trên tòa nhà Quốc hội Đức, đánh dấu sự kết thúc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại và định trước kết cục của Chiến tranh thế giới thứ Hai - cuộc chiến tranh tàn khốc nhất, đổ máu nhiều nhất và khủng khiếp nhất trong lịch sử nhân loại.

Tại Quảng trường Đỏ ở thủ đô Moscow đã tái hiện cuộc duyệt binh năm 1941 với 6 nghìn người và hàng chục phương tiện kỹ thuật thời Chiến tranh giữ nước vĩ đại.   Ảnh ITAR-TASS
Tại Quảng trường Đỏ ở thủ đô Moscow đã tái hiện cuộc duyệt binh năm 1941 với 6 nghìn người và hàng chục phương tiện kỹ thuật thời Chiến tranh giữ nước vĩ đại. Ảnh ITAR-TASS


Với Chiến tranh thế giới lần thứ Hai, nhân loại đã phải trả một giá vô cùng to lớn cho chiến thắng trong cuộc chiến chống quốc xã. 72 quốc gia đã bị cuốn vào cuộc chiến tranh, nó đã cướp đi sinh mạng của hơn 55 triệu người, trong đó 27 triệu là công dân Liên Xô và gây ra sự tàn phá và thiệt hại khổng lồ về vật chất. Không phải là bí mật vì chính Hồng quân đã giáng những đòn quyết định vào kẻ thù. Hồng quân đã đại phá quân đội hùng mạnh của quốc xã và không chỉ đuổi quân xâm lăng ra khỏi mảnh đất của mình, mà còn đem lại tự do cho châu Âu, tạo điều kiện để giải phóng tiếp các dân tộc châu Á.

Các trận đánh quyết định trước kết thúc cuộc chiến cũng đã diễn ra trên mặt trận Xô-Đức: trận đánh ngoại ô Matxcơva (tháng 12 năm 1941 - tháng 1 năm 1942), phá tan đội quân của Paulus trận ngoại ô thành Stalingrad (tháng 11 năm 1942 - tháng 2 năm 1943) và cuối cùng là trận chiến trên vòng cung Kursk (tháng 7 - tháng 8 năm 1943). Hàng trăm ngàn chiến sỹ và sỹ quan Xô viết đã hy sinh trên các chiến trường. Ngay cả những đối tác phương Tây của chúng tôi cũng không thể không công nhận thực tế hiển nhiên: “Chính quân đội Nga đã thọc vào tận gan ruột cỗ máy chiến tranh của Đức” (W.Churchill).

Chúng tôi không bao giờ chia chiến thắng thành của chính mình và của người khác. Sự đóng góp của mỗi người là vô giá. Chúng ta không quên rằng, vào mùa hè và mùa thu năm 1941 khi diễn ra những trận đánh ác liệt bảo vệ thành Matxcova, đã có những chiến sĩ quốc tế tình nguyện Việt Nam vai kề vai với công dân Liên Xô chiến đấu trong hàng ngũ Hồng quân, năm người trong số họ đã được truy tặng những huân chương cao quý.

Lịch sử Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, trước hết đó là lịch sử chiến công của những người lính bình dị. Không phải chỉ những thống lĩnh thiên tài và những anh hùng huyền thoại đã thắng trong cuộc chiến. Chiến thắng đã trở thành hiện thực nhờ sự hy sinh quên mình hàng ngày, hàng giờ và tinh thần quả cảm của những người lính đã chiến đấu kiên cường giành từng tấc đất, vì quyền độc lập và tự do của Tổ quốc mình.

Nghĩa vụ của những người đương thời là giữ gìn những kỷ niệm về cuộc chiến đã qua, không quên những hy sinh mất mát mà nó để lại. Thiếu sự hiểu biết sâu sắc về những gì đã xảy ra thì không thể xây dựng được một thế giới thực sự an toàn. Chiến tranh thế giới thứ Hai không thể trở thành đối tượng của sự đầu cơ chính trị. Ngày nay không cần thiết phải tầm thường hóa hoặc tô vẽ thêm lịch sử. Mỗi một quốc gia thuộc khối đồng minh chống phát xít đều đeo đuổi mục đích riêng của mình và có các quyền lợi dân tộc riêng. Thật không đơn giản để có được sự tin cậy lẫn nhau vì mục đích chung. Tuy vậy, các nước đồng minh đã có thể đứng cao hơn những bất đồng để giành chiến thắng chung.

Chiến thắng vĩ đại năm 1945 đã làm thay đổi tận gốc bức tranh thế giới, đã mở ra trước nhân loại một trang sử mới. Một trang sử thể hiện tính hiệu quả của các nỗ lực tập thể và cùng tìm kiếm phương hướng giải quyết các vấn đề toàn cầu, không cho phép củng cố nền an ninh của mình bằng an ninh và chủ quyền của các nước khác. Bài học chiến tranh cảnh báo: sự tiếp tay cho bạo hành, thờ ơ và trông chờ sẽ là những hậu quả nguy hại khôn lường.

Những nhân tố của cấu trúc xã hội thời hậu chiến vẫn giữ được ý nghĩa then chốt cho đến tận ngày nay. Ở đây trước hết phải nói đến tổ chức Liên hiệp quốc, mà Hiến chương của tổ chức này là bộ luật pháp quốc tế cơ bản hiện đại được mọi người thừa nhận, là cơ sở không gì thay thế được, hình thành nên trật tự thế giới bình đẳng của thế kỷ XXI.

Mục tiêu chính của chính sách đối ngoại của Nga hiện nay là phối hợp giải quyết những nhiệm vụ hiện đại hóa toàn diện và phát triển đổi mới đất nước. Chúng tôi có khả năng đảm bảo an ninh cho mình. Song nước Nga không cần sự đối địch vô ích kìm hãm những nỗ lực sáng tạo và kéo theo cuộc chạy đua vũ trang tốn kém.

Kỷ niệm ngày chiến thắng mang một ý nghĩa tượng trưng sâu sắc không những cho toàn nước Nga mà còn đối với toàn thể công dân Nga. Như chưa từng có trong lịch sử, những năm tháng chiến tranh bi thảm đã gắn bó những số phận của một đất nước vĩ đại với những con người của đất nước này.

YU.MATERIY- Tổng lãnh sự Nga tại Đà Nẵng