Nói đến Chủ tịch Hồ Chí Minh, người ta liên tưởng đến “một nhà cách mạng “ chuyên nghiệp” với hệ thống tư tưởng đa dạng, phong phú trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Và, một điều đặc biệt dễ nhận thấy, trong các lĩnh vực mà Chủ tịch Hồ Chí Minh tham gia, đều để lại dấu ấn hết sức sâu sắc, thậm chí có lúc còn vượt xa hơn cả những người được đào tạo chuyên nghiệp trong lĩnh vực đó, nhất là trong phương pháp tư duy và vận dụng sáng tạo theo thực tiễn của đời sống.
Nói đến Chủ tịch Hồ Chí Minh, người ta liên tưởng đến “một nhà cách mạng “ chuyên nghiệp” với hệ thống tư tưởng đa dạng, phong phú trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Và, một điều đặc biệt dễ nhận thấy, trong các lĩnh vực mà Chủ tịch Hồ Chí Minh tham gia, đều để lại dấu ấn hết sức sâu sắc, thậm chí có lúc còn vượt xa hơn cả những người được đào tạo chuyên nghiệp trong lĩnh vực đó, nhất là trong phương pháp tư duy và vận dụng sáng tạo theo thực tiễn của đời sống.
Hồ Chủ tịch giới thiệu Tổng thống Pra – Sad, vị khách quý, sứ giả lớn của Ấn Độ với nhân dân ta, 1959. Ảnh TL |
Trong lĩnh vực ngoại giao, Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà ngoại giao kiệt xuất của Việt Nam trong thế kỷ XX, Người đã sáng lập nền ngoại giao Việt Nam hiện đại. Hồ Chí Minh kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao lần thứ nhất: 28/8/1945 (ngày thành lập Chính phủ lâm thời) đến ngày 02/3/1946 (ngày thành lập Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến). Hồ Chí Minh kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao lần thứ hai: 3/11/1946 (ngày thành lập Chính phủ mới) đến tháng 3/1947.
Với Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, lần đầu tiên nước Việt Nam đã vươn ra bình diện toàn thế giới, tập hợp được lực lượng quốc tế đông đảo và mạnh mẽ chưa từng có ủng hộ nhân dân Việt Nam. Trong suốt 24 năm trên cương vị Chủ tịch nước, Người trực tiếp hoạt động đối ngoại và chỉ đạo sát sao công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta nhằm phát huy sức mạnh của dân tộc và thời đại, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp vẻ vang của dân tộc trong hai cuộc kháng chiến thần thánh chống Pháp và chống Mỹ xâm lược. Hoạt động ngoại giao của chính quyền cách mạng non trẻ năm 1945-1946, dưới dẫn dắt của Người, trong tình thế phải đối phó với thù trong giặc ngoài, vận mệnh dân tộc “ngàn cân treo sợi tóc”, mãi mãi là nét son chói sáng trong lịch sử ngoại giao Việt Nam, là hình tượng mẫu mực về nghệ thuật nhân nhượng dựa trên các nguyên tắc “bất biến”. Với các cương vị Chủ tịch nước và hoạt động quốc tế vô cùng phong phú, từ thực tiễn Việt Nam và thế giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra, phát triển nhiều nguyên lý, luận điểm về thời đại, về đường lối quốc tế và để lại những tư tưởng lớn về các vấn đề quốc tế, đường lối chính sách đối ngoại của Việt Nam, về phương pháp, phong cách và nghệ thuật ngoại giao, đặt nền móng cho quá trình từng bước xây dựng trường phái ngoại giao Việt nam. Người thường xuyên căn dặn cán bộ ngoại giao: “Các chú phải làm sao để mỗi người bạn quốc tế đến nước ta là gần và yêu Việt Nam thêm một chút”, “Ta phải làm cho nước mình ít kẻ thù hơn hết và nhiều bạn đồng minh hơn hết”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh xuất thân trong một gia đình nhà nho yêu nước, gần gũi với nhân dân, cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc, thân phụ của Người là một nhà nho cấp tiến, có lòng yêu nước, thương dân sâu sắc, ở Chủ tịch Hồ Chí Minh những tư tưởng triết học phương Đông, văn hóa phương Đông dường như đã thấm vào huyết mạch, kết hợp với trào lưu tư tưởng mới của thời đại và tinh hoa văn hóa phương Tây đã được Người nâng lên thành tư tưởng cốt lõi trong đường lối chính trị của mình. Điều này, góp phần sâu sắc hình thành nên phong cách ngoại giao Hồ Chí Minh.
Năm 1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm Ấn Độ, trong cuộc mít tinh với hàng vạn người tham gia tại Red Fort ở thủ đô Delhi, về phía Ấn Độ làm sẵn một cái ghế cho Bác Hồ ngồi trên bục danh dự. Chiếc ghế trông như một chiếc ngai vàng lớn. Trong khi đó, Thủ tướng Ấn Độ lúc đó là J.Nehru thì chỉ ngồi một chiếc ghế bình thường như mọi người khác. Khi vị Thủ tướng nước chủ nhà mời Bác Hồ ngồi lên chiếc nghế đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh kiên quyết từ chối. Thấy vậy, Thủ tướng Nehru nói: Ngài là khách danh dự của chúng tôi, việc ngài ngồi lên chiếc ghế này chính là niềm vinh dự của chúng tôi…. Chứng kiến việc này, hàng vạn người dự mít tinh phía dưới quảng trường đứng cả lên xem. Hai vị Lãnh tụ của hai nước cứ nhường nhau, cuối cùng chẳng ai ngồi lên chiếc ghế lớn ấy. Thủ tướng Nehru đành yêu cầu người phục vụ chuyển chiếc ghế ấy đi, thay bằng một chiếc ghế giản dị hơn. Thấy vậy, hàng vạn người dân Ấn Độ dưới quảng trường rất cảm kích vỗ tay vang dội và hô rất to: “Hồ Chí Minh muôn năm! Hồ Chí Minh muôn năm”. Chuyện này được người Ấn Độ sau đó kể lại rất nhiều, và nó gần như trở thành huyền thoại của họ về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cũng trong chuyến đi này, tại buổi tiệc chiêu đãi Chủ tịch Hồ Chí Minh của nước chủ nhà, có món thịt gà địa phương rất nổi tiếng. Người Ấn Độ không dùng thìa, dĩa mà dùng năm ngón tay để bốc thức ăn. Cả Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ cũng muốn dùng tay bốc thức ăn theo thói quen cổ truyền. Nhưng tại buổi tiệc mang tầm quốc tế này, người ta phải dùng dao, thìa, dĩa cho lịch sự. Khi món thịt gà được đưa ra, các vị quan khách Ấn Độ có vẻ không quen dùng dao, thìa, dĩa. Chủ tịch Hồ Chí Minh rất tinh tế, Người nói với Thủ tướng Nehru: thịt gà phải ăn bằng tay thì mới ngon, chứ còn ăn bằng thìa dĩa thì khác nào nói chuyện với người yêu lại phải qua phiên dịch. Nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh nói vậy, cả bàn tiệc cười ầm cả lên, làm cho không khí rất vui vẻ và thân mật.
Sự “khiêm cung” giản dị trong phong cách ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh còn thể hiện không chỉ trong những buổi tiếp đón cấp nhà nước trang trọng, mà còn trong ứng xử cuộc sống hàng ngày với những vị khách quốc tế. Frank Tan và Mac Shin (2 nhân viên của tổ chức OSS - tiền thân của tổ chức CIA của Mỹ sau này) trong những ngày sống gần Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Tân Trào (tháng 3 đến tháng 4 năm 1945) đã nói với các học viên đang theo học lớp kỹ thuật điều khiển điện đài “Hồ Chí Minh của chúng ta là một người vĩ đại. Thật là một niềm vinh dự khi các anh được ở đây với ông ấy, vì vậy các anh phải cố gắng nắm bắt những công nghệ này sao cho có thể phụng sự ông tốt nhất”.
Còn rất nhiều mẩu chuyện về phong cách ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhưng một điều có thể khẳng định: Phong cách ngoại giao Hồ Chí Minh, là sản phẩm của sự kết hợp có chọn lọc giữa chủ nghĩa yêu nước, văn hóa dân tộc và truyền thống ngoại giao Việt Nam, với tinh hoa văn hóa của nhiều dân tộc phương Đông và phương Tây và kinh nghiệm ngoại giao thế giới đã thực sự trở thành ngọn lửa dẫn đường cho hoạt động đối ngoại của Việt Nam nói chung từ trước đến nay và mãi mãi về sau, không những thế, nó mang lại bản sắc riêng cho nền ngoại giao Việt Nam.
TRẦN THANH HOÀI
Tài liệu tham khảo :
1. Chủ tịch Hồ Chí Minh - Ngày này năm xưa. Tác giả: Tạp chí Xưa và Nay. NXB Chính trị quốc gia. Năm 2010.
2. Giáo trình Tư tưởng Hồ Chí Minh. Tác giả: Hội đồng Trung ương chỉ đạo biên soạn giáo trình quốc gia các bộ môn Khoa học Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh. NXB Chính trị Quốc gia. Năm 2010.
3. OSS và Hồ Chí Minh - Đồng minh bất ngờ trong cuộc kháng chiến chống Phát xít Nhật. Tác giả: Dixee R.Batholomew-Feis. NXB Thế giới và Cty Truyền thông. Năm 2008.
4. Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh. Tác giả: Nguyễn Di Niên. NXB Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Năm 2008.
5. Kể chuyện tài ngoại giao của Bác Hồ. tuoitre.vn/Cuoc-doi.../Ke-chuyen-tai-ngoai-giao-cua-Bac-Ho.html.