Sức cảm hóa của Bác Hồ

03:05, 09/05/2012

Có những trường hợp người đối thoại bất đồng được Bác cảm hóa sau vài lần tiếp xúc. Nhà báo, nhà văn, nhà sử học nổi tiếng của nước Pháp ngày nay Jean Lacouture là một thí dụ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh có sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với người khác, hầu như những ai có dịp tiếp xúc Bác đều được Bác thuyết phục một cách tự nhiên bằng đức độ, tài năng và nhân cách của Người. Nhiều nhà văn hóa nước ngoài có cơ hội gặp Bác Hồ, làm việc với Bác, nghe Bác nói chuyện, dự buổi Bác tiếp khách, hay là nhà báo được Bác trả lời phỏng vấn, có người cố tình “cật vấn” bằng những câu hỏi khó khăn nhất, cuối cùng ra về đều thỏa mãn và sẽ lưu lại cho đời một tác phẩm hay. Có những trường hợp người đối thoại bất đồng được Bác cảm hóa sau vài lần tiếp xúc. Nhà báo, nhà văn, nhà sử học nổi tiếng của nước Pháp ngày nay Jean Lacouture là một thí dụ.

Nhà báo, nhà văn, nhà sử học Jean Lacouture.
Nhà báo, nhà văn, nhà sử học Jean Lacouture.


Jean Lacouture đến tháng 6 này tròn 91 tuổi. Cuối Thế chiến thứ hai, ông là tùy viên báo chí của tướng Leclerc, nhà quân sự được dân Pháp tôn vinh “người giải phóng Paris”. Viên tướng xuất sắc ấy được De Gaulle cử làm tổng tư lệnh đạo quân viễn chinh sang áp đặt lại nền đô hộ của Pháp lên Đông Dương. Đầu năm 1946, chàng trai được gặp Bác Hồ trong dịp tướng Leclerc cùng Jean Sainteny đến chào Hồ Chủ tịch, và được Bác trả lời phỏng vấn. Ông kể lại: Mở đầu cuộc gặp, Bác Hồ trầm ngâm: “Lạ thật, ông bạn trẻ à, làm sao một dân tộc như dân tộc các bạn, đã lưu lại cho thế giới cả một nền văn chương bất hủ ca ngợi tự do, lại giao cho những người Pháp như vậy (ám chỉ bọn thực dân) làm đại diện đất nước tại Đông Dương trong bao nhiêu năm!... Này ông bạn, chủ nghĩa thực dân thật quá ư tồi tệ cho nên mới làm biến chất con người ta đến mức ấy!”. Mấy tháng sau, khi chiến hạm Dumont D’Urville đưa thượng khách là Chủ tịch Hồ Chí Minh từ Paris về đến Việt Nam, đô đốc D’Argenglieu Cao ủy Pháp tại Đông Dương thu xếp cuộc gặp riêng với Hồ Chủ tịch trên một tuần dương hạm neo ngoài khơi Vịnh Cam Ranh, Jean Lacouture là một trong mấy nhà báo được phép có mặt trên tàu. Ông thuật lại: Bác Hồ cùng D’Argenlieu từ phòng họp bước ra, các nhà báo xúm lại. Bác Hồ nói: “Ngài đô đốc và tôi cùng nhận thấy báo chí Sài Gòn và Hà Nội, tiếng Pháp cũng như tiếng Việt, đều quá hung hăng. Không phải lúc nào người ta cũng có thể trao hoa cho nhau. Nhưng có ích gì khi cứ ném vào đầu nhau những lời độc địa? Các bạn à, các bạn hãy góp phần làm dịu bớt các đầu óc quá khích…”. Hai lần gặp ấy, đặc biệt cuộc phỏng vấn tại Hà Nội, để lại ấn tượng sâu sắc trong tâm trí nhà báo được đào tạo qua Trường Dòng, nắm trong tay ba bằng đại học: văn chương, luật và khoa học chính trị, và quyết định bước ngoặt của cả cuộc đời và sự nghiệp ông: tự nguyện làm một cây bút dấn thân hết mình vào cuộc đấu chống chủ nghĩa thực dân, hay nói theo cách của bạn, vào “công cuộc phi thực dân hóa”.

Sự “dấn thân” này, tự Jean Lacouture nói và viết ra nhiều lần Ấn tượng về cuộc gặp Bác Hồ lần đầu năm 1946, hai mươi năm sau được ông thuật lại đầy đủ chi tiết tại cuốn Hồ Chí Minh, (Nxb Le Seuil, Paris, 1967, tái bản 1976), tại bài viết ở Paris ngay trong đêm nhận được tin Bác vừa qua đời tại Hà Nội để báo Le Monde mà ông là người phụ trách Ban biên tập Hải ngoại, kịp đăng số sáng hôm sau (5-9-1969), rồi sẽ lại được dẫn vào bài bình luận sự kiện quân ta giải phóng Sài Gòn trưa 30-4-1975, vv.

Năm 1950 Jean Lacouture làm phóng viên báo Combat, nhật báo cánh tả do văn hào Albert Camus, Giải thưởng Nobel văn học, làm chủ bút, sau đó chuyển sang báo Le Monde. Khi cuộc chiến tranh về “Kênh đào Suez” xảy ra, ông làm phóng viên thường trú của báo France Soir tại Ai Cập bốn năm, từ 1953 đến 1956. Trở về Paris, ông làm báo Le Monde một thời gian, rồi chuyển sang làm bình luận viên và phóng viên cao cấp tờ tuần báo của trí thức cánh tả Pháp Le Nouvel Observateur, bởi ông cho tờ Le Monde không có quan điểm chính trị rõ ràng trước những vấn đề nhạy cảm.

Với lập trường kiên trì phản đối chủ nghĩa thực dân cũ cũng như mới, ông là một trong số trí thức Pháp kiên quyết đòi chính phủ Pháp trao trả quyền tự quyết cho nhân dân Algérie, cũng như cho tất cả các thuộc địa mà Pháp còn duy trì ách thống trị sau Điện Biên Phủ.

Quan điểm cấp tiến khiến J.L. từng chịu bao đòn tấn công của cánh hữu, đặc biệt khi họ vịn cớ ông ủng hộ Mặt trận Giải phóng dân tộc Khơme khi phong trào này thừa cơ Sài Gòn sụp đổ, hất nhào chính phủ Campuchia và lên cầm quyền. Thực tế không riêng Jean Lacouture mà nhiều tên tuổi lớn của nước Pháp hồi bấy giờ trong đó có triết gia lừng lẫy Jean- Paul Sartre, đã nồng nhiệt chào mừng sự kiện Phnôm Pênh giải phóng. Khi Khơme đỏ lộ rõ bộ mặt thật, giết hại người dân, gây công phẫn cho toàn thế giới, cánh hữu Pháp tấn công những nhà trí thức tiến bộ. Jean Lacouture buộc phải công khai nhận sai lầm tại một cuộc trả lời phỏng vấn: “Tôi đã sai tại kém cỏi và ngây thơ (về tình hình Campuchia). Tôi đã không có phương tiện kiểm tra thông tin, mà hồi ấy họ lại tự xưng là người mác xít, và chương trình hành động họ công bố thời gian đầu chẳng có gì sai… Tôi xin nhận khuyết điểm thiếu sâu sắc về chính trị”.

Về Việt Nam, mặc dù cũng có bài viết của ông có điểm chưa phù hợp thực tế, và cũng giống không ít nhà trí thức tiến bộ khác, tấm lòng đối với dân chủ, nhân quyền đáng trân trọng song cái nhìn của họ thường bị hạn chế bởi định kiến. Tuy nhiên J.L. trước sau một lòng trân trọng dân tộc ta. Vào thập niên 1980, khi phương Tây hồ đồ công kích “Việt Nam chiếm đóng Campuchia quá lâu”, người viết bài này được đọc trên tuần báo Le Nouvel Obs. một bài bình luận ký Jean Lacouture, tại đó ông nêu quan điểm: “… phương Tây chúng ta phải có sự công bằng tối thiểu đối với Việt Nam. Khi dân tộc Campuchia lâm vào nguy cơ diệt vong do bọn Khơme đỏ gây nên, thử hỏi có quốc gia nào trong các cường quốc vẫn tự hào là mình kiên trì bảo vệ các giá trị dân chủ, nhân quyền lúc đó có bất cứ hành động nào ngăn chặn (tội ác diệt chủng), ngoại trừ Việt Nam?”.

Nhà báo Jean Lacouture đã làm nên sự nghiệp lớn. Ông được coi là nhà sử học lớn chuyên viết tiểu sử các danh nhân, từng đoạt giải thưởng lớn của Viện Hàn lâm Văn học Pháp, giải thưởng lớn của thành phố Bordeaux… về thể loại này. Danh mục các tác phẩm của ông trên các mạng thương mại điện tử không dưới 70 đề sách, trong đó có nhiều bộ dày hai, ba ngàn trang. Khoảng mươi năm trước đây, Đoàn Quốc hội ta sang Maroc tham dự một Hội nghị Nghị sĩ toàn cầu. Chủ tịch Quốc hội nước chủ nhà tiếp đoàn Việt Nam. Bắt tay nhau, vừa ngồi xuống ghế, ông nói luôn: “Thời còn là sinh viên du học tại Paris, tôi thường xuyên xuống đường biểu tình chống Mỹ xâm lược Việt Nam. Hai nước chúng ta xa cách về địa lý song lại rất gần nhau. Nhà lãnh đạo nước Maroc chúng tôi được giới thiệu cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong một tập sách”. Ấy là ông nói đến cuốn của Jean Lacouture, nhan đề Năm nhân vật và nước Pháp (Nxb Le Seuil, 1961), giới thiệu đời hoạt động của năm nhà lãnh đạo giải phóng dân tộc châu Á, châu Phi; phía Maroc là nhà vua Mohammed V (1909-1961).

Các nhà nghiên cứu đều ghi nhận tấm lòng trân trọng của J.L. đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh khi ông cho ra đời cuốn Hồ Chí Minh năm 1967, đúng vào lúc máy bay Mỹ oanh tạc thủ đô Hà Nội, trước nhiều bộ sách về các danh nhân Pháp như Léon Blum, De Gaulle, Francois Mitterrand... Tác giả ngợi ca công lao và tài lãnh đạo của Hồ Chủ tịch, và khẳng định đế quốc Mỹ chắc chắn thất bại tại Việt Nam, cho dù đến ngày ta thắng lợi hoàn toàn Bác Hồ còn tại thế hay Bác đã đi xa, bởi Hồ Chí Minh đã để lại một lớp học trò xuất sắc sẽ kế tục thành công sự nghiệp của Người.

Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh được UNESCO vinh danh Anh hùng dân tộc và Danh nhân văn hóa thế giới (1990), J. L. được ít nhất hai bộ Đại bách khoa toàn thư lớn của thế giới là Encyclopedia Britanica (Anh), Encyclopedia Universalis (Pháp) đặt viết về Hồ Chí Minh. Không che giấu lòng cảm phục Bác Hồ, trong một bài chiếm tới bốn trang từ điển khổ lớn, ông trình bày đầy đủ, khách quan cuộc đời và sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh “một trong những người làm nên thế kỷ XX”.

Lời dẫn mục từ Hồ Chí Minh tại Đại bách khoa toàn thư Universalis mở đầu như sau: “Trong lịch sử các cuộc cách mạng thế kỷ XX trên toàn thế giới, Hồ Chí Minh Nhà sáng lập và Chủ tịch đầu tiên của nước Việt Nam DCCH, giữ vị thế đặc biệt. Ông là người tiến hành cuộc chiến đấu dài lâu nhất so với bất kỳ nhà lãnh đạo nào khác trong thời đại ngày nay chống bá quyền và đế quốc thực dân. Khi Mao Trạch Đông còn là một viên thủ thư trẻ (ở thư viện) chưa hề thoáng ý cách mạng trong đầu, khi Josip Briz của Nam Tư chưa nghĩ ra việc dùng biệt danh Tito kêu gọi nhân dân nổi dậy, khi Fidel Castro (Cu Ba), Abdel Nasser (Ai Cập) và Che Guevara (Mỹ la tinh) gần như vừa mới chào đời thì Nguyễn Ái Quốc từ năm 1919 đã đặt vấn đề giải phóng thuộc địa ra trước Hội nghị Hòa bình họp tại Điện Versailles (Pháp).

“Những điều làm nên sự độc đáo của Hồ Chí Minh, vượt lên cả vị thế của ông ở giao lộ, nơi con đường lịch sử các nhà cách mạng châu Âu gặp các nhà cách mạng châu Á, mà là ở chỗ ông kết nối phong trào công nhân châu Âu bắt nguồn từ tập trung hóa công nghiệp với cuộc nổi dậy của đông đảo nông dân châu Á thoạt đầu chưa định hình, được hợp lý hóa dần dần nhờ chủ nghĩa Mác (…). Là nhân vật bản lề, vừa là nhà hòa giải vừa là người khơi gợi (cuộc chiến đấu vì tự do), cho dù máu có phải đổ ra, Hồ Chí Minh vẫn là nhà cách mạng duy nhất của thời đại này, mà sự từ trần làm tổn thất và xúc động tâm can đông đảo người dân nhất, cho dù không phải tất cả mọi người trong họ cho đến lúc đó tự coi mình là người cách mạng” (E.U., 1996, tập 11, trang 529-532).

Bức thư của Jean Lacoutute gửi tác giả Phan Quang
Bức thư của Jean Lacoutute gửi tác giả Phan Quang


Đã lâu không thấy Jean Lacouture trở lại Việt Nam, tuy nhiên chúng tôi biết ông lão tuổi ngoại chín mươi vẫn đang miệt mài lao động. Mới năm ngoái đây, mừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp thọ 100 tuổi, tạp chí La Revue xuất bản tại Paris có đăng bài viết của Jean Lacouture, đầu đề: Giáp, một thế kỷ làm cách mạng. Bài cùng ảnh và tư liệu trải suốt 7 trang tạp chí khổ rộng giới thiệu cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng theo quan điểm: “Võ Nguyên Giáp, một người học trò xuất sắc của Hồ Chí Minh” (tr. 102-110, số đặc biệt tháng 1/2011).

Phan Quang