(LĐ online) - Chuyện về vua Chàm cùng các kho báu từ lâu đã được thêu dệt thành huyền thoại và đã đi vào truyền thuyết của đồng bào các dân tộc Lâm Đồng. Song sự tồn tại, biến mất cũng như những điều bí ẩn khác xung quanh những kho báu này luôn là vấn đề được xã hội quan tâm, đặc biệt là giới nghiên cứu lịch sử.
(LĐ online) - Chuyện về vua Chàm cùng các kho báu từ lâu đã được thêu dệt thành huyền thoại và đã đi vào truyền thuyết của đồng bào các dân tộc Lâm Đồng. Song sự tồn tại, biến mất cũng như những điều bí ẩn khác xung quanh những kho báu này luôn là vấn đề được xã hội quan tâm, đặc biệt là giới nghiên cứu lịch sử.
Toàn cảnh đền cũ Karyo bị bom mỹ đánh sập năm 1969 |
Theo các tài liệu cũ, trước đây ở Lâm Đồng có 3 địa điểm chứa bảo vật của các vua Chàm. Đó là làng Lơbui, đền Krayo và đền Sópmadronhay. Tất cả đều nằm trên địa phận của quận Dran, tỉnh Tuyên Đức cũ. Đây là nơi sinh sống tập trung của đồng bào dân tộc Churu.
Cũng như các kho tàng bảo vật của các vua Chàm ở Bình Thuận, các kho tàng chứa bảo vật Chàm ở Lâm Đồng (Tuyên Đức cũ) cũng đã nhiều lần được các nhà bác học Pháp tới thăm trong những năm cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20.
Năm 1905, qua bài khảo cứu Letresor des Rois Chams trong tập kỷ yếu EC cole Francaise Détrêeme Orient, tập 5, tác giả Hparcentier. I.M. E Durand đã viết về các kho tàng nói trên. Theo tài liệu này thì ông gọi kho tàng Krayo là Kjon và kho tàng Sópmadronhay là kho tàng Lavan.
Năm 1929 - 1930, ông Mner có tới thăm các kho tàng trên đã viết về các bảo vật trong tờ trình đăng ký trong kỷ yếu của EF. EO, tập XXX.
Năm 1955 trong cuốn sách của tác giả Jacques Doumes, En sui vant la piste des hounes sur les hauts plateaux du Vietnam, cũng có nói đến những kho tàng này.
Đến giữa tháng 12/1957, ông Nghiêm Thẩm - Chánh sự vụ, Viện Khảo cổ phụ trách Bảo tồn cổ tích của Việt Nam Cộng Hòa cùng một số chuyên viên được cử đến Tuyên Đức để xem xét các bảo vật của các vua Chàm.
Trong chuyến đi khảo sát thực tế này, đoàn của ông Nghiêm Thẩm đã tới cả 3 địa điểm: làng Lơbui, đền Krayo và đền Sópmadronhay.
Theo sự miêu tả của ông Nghiêm Thẩm thì ở Lơbui có 3 điểm cất giữ các báu vật Chàm: một nơi chứa các đồ vật quý, một nơi để đồ sứ và một nơi để y phục.
Bảo vật ở đây cũng không có nhiều. Đựng trong một giỏ tre đan có 4 cái chén bằng bạc, hai cái có chân, hai cái không có chân và mấy chiếc chén nhỏ bằng đồng và bằng ngà. Ngoài ra còn có 2 cái vành mũ của vua, một cái bằng bạc và một cái bằng vàng pha nhiều đồng.
Một số cổ vật còn lại của đền Sopmaronhay |
Các đồ sứ: chén, bát, đĩa được đặt trong một cái hố đào sẵn ở trong một căn nhà riêng biệt. Chủ yếu ở đây là những chén bát sứ thông dụng của người Chàm. Còn y phục, quần áo thì phần nhiều bị mục nát. Trái với các nơi khác những y phục quần áo này được để ngay trong nhà đồng bào Churu.
Bảo vật ở đền Krayo, tức là kho tàng Kajon thì chỉ có ông I.M.E. Durand tới xem qua loa vào năm 1903. Khi đoàn của ông Nghiêm Thẩm tới đây khảo sát và kiểm kê các báu vật đã so sánh đối chiếu với số liệu của I.M.E. Durand đã viết trước đây thì thấy có một số không khớp.
Trong khi I.M.E Durand thấy có 7 chiếc hộp Klon bằng vàng và khoảng 60 đồ bạc, thì trái lại đoàn khảo cổ thấy tới 20 hộp Klon bằng vàng. Có lẽ tại I.M.E Durand không được xem hết những hộp vàng trong đó đựng những hộp nhỏ hơn. Theo I.M.E Durand thì có 8 giỏ tre đựng đồ vàng bạc nhưng lúc này chỉ còn 6 giỏ (1957). Ngoài ra còn có 3 miếng vàng lá hình chữ nhật có chạm trổ hoa văn, trong đó có một miếng chạm trổ rất đẹp và tinh vi để phủ lên trên hia và một số đồ vật dụng khác bằng kim khí gồm 56 chiếc và 24 khẩu súng thần công dài và 1 khẩu thần công ngắn.
Súng thần công ở đền Karyo |
Ngoài các đồ kim khí kể trên còn có nhiều đồ vải vóc gồm có triều phục Việt Nam và áo kiểu Chàm đựng trong 3 chiếc rương gỗ.
Riêng kho tàng Sópmadronhay, theo các báo cáo của ông Nghiêm Thẩm thì các bảo vật ở đây có thể chia làm 5 loại: binh khí, tự khí (trong loại này có những đồ bằng vàng bạc có trạm trổ), dụng cụ giao thông và y phục, trong đó có đồ Chàm và triều phục của triều đình Việt Nam màu lam và màu hoa lý.
Sau khi so sánh thực tế với tài liệu Le tresor des Rois Cham của I.M.E Durand thì đoàn đã khẳng định kho tàng này chính là kho tàng Lavan mà hai nhà bác học đã tới thăm hồi 1902. Đối chiếu với tài liệu trên, phái đoàn Viện Khảo cổ còn phát hiện thiếu 6 hay 7 đồ vàng. Nhưng những đồ vàng này mất trong trường hợp nào thì dân làng Sóp cũng không ai nhớ rõ.
Ngoài các báu vật kể trên ở đền Sópmadronhay còn thấy có một số con dấu và triện khắc bằng chữ Hán.
Từ những thông tin trên các con dấu và ấn tín tìm thấy trên đền Sóp, sau khi tra cứu sử liệu phái đoàn Khảo cổ của ông Nghiêm Thẩm đã cho rằng những con dấu và ấn tín trên đây là của một phiên vương Chàm tên là Môn Lai Phu Tử sau được lấy tên Việt là Nguyễn Văn Chiêu.
Từ xa xưa các bảo vật Chàm vẫn do con cháu các vua Chàm giữ. Nhưng khi Lê Văn Khôi cùng dư đảng nổi lên chống lại triều đình nhà Nguyễn vào năm 1831, chiếm cứ 3 tỉnh Phan Rang, Phan Rí và Phan Thiết. Một số đông con cháu của vua Chàm đã cộng tác với Lê Văn Khôi, quân triều đình đã thẳng tay đàn áp dân Chàm. Bởi thế cho nên một phần người Chàm phải di cư sang Campuchia, còn một phần đã dẫn nhau lên núi sống với đồng bào Churu và mang theo các bảo vật của vua Chàm tổ tiên của họ. Đến năm 1840 vua Thiệu Trị mới ra chiếu chiêu an và truy phong cho một dòng dõi vua Chàm là Poklongkahul.
Tuy vậy con cháu vua Chàm vẫn gửi cho đồng bào Churu ở đây cất giữ các của cải nói trên cùng những hộp Klon.
Sau một thời gian nghiên cứu tìm hiểu sử liệu, kết hợp với việc điều tra trên thực tế được biết những địa điểm chứa báu vật Chàm ở làng Lơbui không còn nữa nhưng hai ngôi đền cổ là Sóp và Krayo vẫn còn và nay hai ngôi đền này lại thuộc vùng Tà In, Tà Năng của huyện Đức Trọng nơi tiếp giáp với huyện Đơn Dương (quận Dran cũ)...
Tháng 4/1992 đoàn cán bộ bảo tàng Lâm Đồng đã phối hợp với Phòng Văn hóa huyện Đức Trọng tiến hành khảo sát, kiểm kê phổ thông đối với 2 ngôi đền Sóp và Krayo. Được sự giúp đỡ của UBND và bà con dân tộc Chu ru xã Tà In chúng tôi đã đến được đền Sópmadronhay và đền Karayo.
Toàn cảnh bên trong của đền Sopmaronhay |
Đền Sópmadronhay nằm ở lưng chừng một ngọn đồi, xung quanh cây cối rậm rạp. Đền được làm bằng những cây gỗ tròn nhỏ, mái lợp lá tranh. Xung quanh được che bằng những liếp lồ ô đan rất sơ sài, trông giống như một chiếc lán nhỏ giữa rừng. Phía trong đền có hai gian, có gác ở hai bên (bên phải thờ ông, bên trái thờ bà). Ngăn giữa không có gác, được kê một tấm phản ván mỏng để bày đồ thờ.
Ở đây chúng tôi thấy ngoài hai cái bát lớn (trông giống như hai cái nắp) bằng đồng màu đen thường dùng để đựng nước cúng, còn có tới 15 hiện vật bằng gốm sứ (chủ yếu là gốm hoa lam). Đặc biệt trong đó có một tô bên ngoài có những ô viết chữ Hán (có thể là một bài thơ vịnh) và một liễn sứ men trắng vẽ lam.
Thầy cúng Za Tang còn kể rằng, trước đây còn có nhiều đồ dùng bằng vàng bạc của vua Chàm, có cả kho y phục bằng lụa của người Chàm.
Chúng tôi còn được biết trước khi đến địa điểm này đền Sóp đã được chuyển chỗ đến 5 lần. Vào năm 1960 chính quyền Ngụy đã cho xây đền mới bằng gạch lợp tôn ở một địa điểm cách Đà Loan chừng 3km. Nhưng rồi cuối năm 1968 Sư đoàn 203 của Mỹ ngụy đã tới càn quét cướp đi những hiện vật quý trong đền, đồng thời chúng còn cho máy bay thả bom xăng đốt đền. Sau sự kiện này đồng bào đã gom lại những hiện vật còn sót (những thứ mà chúng coi là không có giá trị) và làm lại đền thời bây giờ.
Đến thôn Klongbông , chúng tôi được dẫn đến gặp già làng và thầy cúng Za Theng, người phụ trách việc cúng lễ ở đền Krayo. Cũng giống như đền Sóp, đền Krayo được làm từ các loại vật liệu tự nhiên: gỗ, tre, là và kiến trúc khá sơ sài. Đền có 2 nhà, nhà lớn rộng chừng 24m2. Bên trong đền cũng có hai bàn thờ đơn giản ở hai bên…
Bên cạnh nhà lớn này là một nhà sàn nhỏ, hai gian được nối với nhau bằng hai thanh gác sàn bằng gỗ. Ở mỗi gian có một rương bằng gỗ đựng đồ đạc của vua và hoàng hậu.
Đền Krayo thờ vua Chàm Poklongkahul và hoàng hậu Poklongnaiqua. Theo lời kể của dân làng và thầy cúng Za Theng thì trước đây đền có cả kho đựng đồ bạc và y phục của vua Chàm. Ngày đó có những hộp Klon bằng vàng, mỗi hộp có 3 lớp từ lớn đến nhỏ đựng tro và xương trán của vua và hoàng hậu, 500 chén và bốn mâm thờ bằng bạc. Một vương miện bằng vàng, ngoài ra còn có 4 rương quần áo có viền vàng và 52 cây súng. Nhưng tất cả đều bị mất dần. Đặc biệt sau năm 1968 - 1969 đền bị bọn Mỹ ngụy cướp phá và cho máy bay ném bom sập đền (lúc này đền đã được xây lại và cố định ở đồi Kryo). Những báu vật quý giá của vua Chàm đã mất từ ngày đó. Khi chúng tôi tiến hành kiểm kê, chỉ thấy 18 cây súng dài và ngắn (chỉ còn lại phần nòng sắt). Một chiếc bình bằng bạc bị bẹp rúm, 5 cái bát lớn nhỏ men trắng vẽ lam. Đặc biệt có một chén nhỏ men màu trắng đục xung quanh có trang trí hoa văn hình cánh sen, giữa thân có vẽ rồng ba móng. Ngoài ra không còn vật nào có giá trị nữa.
Những báu vật của các vua Chàm tuy không còn, nhưng đền Krayo và Sópmadronhay vẫn được bà con dân tộc Churu coi sóc và cúng lễ hàng năm.
Đền được tổ chức cúng lớn vào 15 tháng 5 dương lịch. Vào những ngày này dân làng tụ tập đông đủ, thầy cúng đều bận y phục tế lễ theo phong tục của người Chàm.
Thật đáng tiếc, giá như năm 1968-1969 những báu vật trong hai ngôi đền cổ này không bị Mỹ ngụy cướp đi thì những kho tàng cổ vật đó vẫn được đồng bào Churu Lâm Đồng gìn giữ và bảo tồn cho tới hôm nay và chúng ta cũng sẽ được chiêm ngưỡng những di sản văn hóa quý báu đó của dân tộc Chàm.
Cảnh giết Dê hiến sinh trong lễ cúng đền Sopmaronnhay |
Quang cảnh cúng đền Karyo |
ĐOÀN BÍCH NGỌ