Con đường huyền thoại Nam Tây Nguyên

04:07, 18/07/2012

Giữa núi rừng ven sông Đồng Nai, nơi tiếp giáp của bốn tỉnh Lâm Đồng, Đắc Lắc, Phước Long, Biên Hòa, trong thời kháng chiến cũng có một con đường như vậy...

Rừng núi đại ngàn Nam Tây Nguyên thâm u mà bí hiểm. Dòng sông Đồng Nai uốn khúc, quanh co trong những hẻm núi, khi hiền hòa giữa hai dãy đồi thoai thoải, khi hung dữ, cuồng nộ trước những bậc đá cao chắn ngang, tạo thành các thác nước. Giữa những rừng sao, rừng dầu hàng trăm năm tuổi, con đường của những buôn làng bản địa quanh co dưới những tán rừng, mất hút đâu đó sau  những bụi cây mua, cây sim đang mùa trổ hoa, tím cả một khoảng rừng. Những con đường ấy là lối mòn mà những người Mạ bản địa đi qua. Dấu chân người đi sau, đè lên dấu chân người đi trước, lâu ngày thành lối đi. Đó là con đường nối buôn này với buôn khác, là con đường cả buôn đi ra rẫy. Đó là con đường, mà mỗi khi lúa trên rẫy đã cất vào chòi xong, đã “nhu rhe”, uống mừng lúa mới xong, cả buôn kéo nhau đi xuống miền biển đổi muối, đổi sắt.

Minh họa: Ngọc Minh
Minh họa: Ngọc Minh


Giữa núi rừng ven sông Đồng Nai, nơi tiếp giáp của bốn tỉnh Lâm Đồng, Đắc Lắc, Phước Long, Biên Hòa, trong thời kháng chiến cũng có một con đường như vậy. Đó là con đường giao liên Bắc - Nam từ Đắc Lắc vượt sông Đồng Nai sang Lâm Đồng; một nhánh từ Lâm Đồng cắt ngang đường 20 đi Bình Tuy, Bình Thuận, Ninh Thuận; một nhánh từ Lâm Đồng về vùng chiến khu Đ sang Tây Ninh, Sông Bé. Các cung đường làm thành một hệ thống hành lang giao liên, nối vùng Cực Nam Trung bộ với rừng Trường Sơn mạn ba biên giới, là phần nối dài của đường Trường Sơn Đông. Ngã ba các nhánh đường ấy nằm ở căn cứ bắc đường 20 của tỉnh Lâm Đồng cũ.

Đường Trường Sơn nối dài

Cho đến cuối năm 1959, phong trào cách mạng ở vùng phía bắc đường 20 của tỉnh Lâm Đồng cũ còn trắng, chỉ có Huyện ủy Di Linh trực thuộc Tỉnh ủy Bình Thuận chịu trách nhiệm phía nam đường 20. Để xây dựng Tây Nguyên thành căn cứ cách mạng của miền Nam, Trung ương Đảng chủ trương nối dài đường Trường Sơn từ Đắc Lắc sang Lâm Đồng để phá thế cô lập của các tỉnh cực Nam Trung bộ. Vì thế, các Liên tỉnh 3, Liên tỉnh 4 lúc ấy và các khu VI, khu X sau này, ở liền kề vùng giáp ranh đã tìm cách nối thông đường liên lạc.

Ngày 25/5/1959, Bộ Quốc phòng lựa chọn một số cán bộ trung kiên của miền Nam tập kết ra Bắc nay bí mật quay trở về Nam hoạt động, thành lập Đoàn B90 do ông Ba Thọ làm trưởng đoàn, với nhiệm vụ mở đường từ Đắc Lắc sang Lâm Đồng để nối thông đường hành lang với chiến khu Đ miền Đông Nam bộ và các tỉnh cực Nam Trung bộ. Ngày 30/6/1960 Đoàn B90 vào tới tỉnh Quảng Đức cũ, nay là tỉnh Đắc Nông.

Ông Ba Đen
Ông Ba Đen

Tháng 6 năm 1960, một tổ vũ trang tuyên truyền của Đoàn B90, có 4 thành viên do ông Tư Lạc làm tổ trưởng với y sĩ Thời người gốc miệt Đồng Tháp, ông Định người  dân tộc Stiêng, ông Ba Đen người Châu Ro, xuất phát từ Đắc Min, mở đường hành lang xuống phía nam, qua vùng của người Mnông sang vùng người Mạ, vừa đi vừa tuyên truyền vận động giác ngộ cách mạng cho các buôn làng. Tháng 8 mới đến được bờ sông Đồng Nai, đang mùa nước lớn, tổ vượt sông nhưng thất bại, y sĩ Thời bị lũ cuốn trôi mất tích. Ông Tư Lạc kể lại:

Y sĩ Trần Văn Thời vốn là dân sông nước nên bơi lội giỏi, nghe nói có lần, đã  bơi vượt sông Vàm Cỏ Đông trong thời kháng chiến chống Pháp. Thấy nước sông Đồng Nai chảy quá xiết, cả đội đã ngần ngại, định chờ lúc nước rút, nhưng y sĩ Thời thuyết phục đồng đội phải vượt sông đúng thời gian, không thể để mất cơ hội bắt liên lạc, vả lại sông tuy chảy mạnh nhưng hẹp nên có thể vượt qua được, vì vậy cả đội chuẩn bị cho y sĩ Thời vượt sông. Khi ra đến gần giữa dòng, nước lũ quá mạnh, sợi dây dù bảo hiểm cột một đầu vào gốc cây cù lần, một đầu vào thắt lưng y sĩ Thời bị nước kéo quá mạnh, sút ra khỏi gốc cây, lũ cuốn người trong phút chốc xuống ghềnh đá mất tích. Cả đội chạy theo tìm nhưng không thấy, đành phải gạt nước mắt quay trở về.

Phải đến tháng 10, sau khi được bổ sung thêm ông Năm Nhường, tổ công tác đã vượt sông thành công và nối được liên lạc với đội công tác của Đoàn C200 từ Đông Nam bộ phát triển ra.

Đường hành lang Đông Nam bộ - Nam Tây Nguyên

Tháng 7/1959, Đoàn C200 vũ trang tuyên truyền của Xứ ủy Nam kỳ xuất phát từ chiến khu Đ, miền Đông Nam bộ, theo dòng Đồng Nai, phát triển lên thượng nguồn với nhiệm vụ vũ trang tuyên truyền, xây dựng cơ sở cách mạng trong vùng đồng bào Mạ, Stiêng dọc sông Đồng Nai, mở rộng căn cứ chiến khu Đ về phía tiếp giáp tỉnh Lâm Đồng.

Tháng 6/ 1960, Đoàn C200 tách một bộ phận ra làm nhiệm vụ mở đường, đông đến 17 người, tìm cách bắt liên lạc với Đoàn B90 vừa vào đến Nam Tây Nguyên. Hơn một tháng gian khổ, trèo núi vượt sông, đi qua vùng của người Stiêng, đoàn công tác đến rẫy của người Mạ ở buôn Brun, thuộc huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng ngày nay. Dân buôn chưa tiếp xúc với cách mạng bao giờ nên sợ hãi, bỏ chạy hết vào rừng, trong chòi rẫy, chỉ còn lại một ông già, bị sốt rét nặng. Đó là già làng K’Tranh, không đủ sức ngồi dậy, người trong buôn và cả ông nữa đều cho là “Giàng sắp bắt”, đàng nào cũng chết, chạy không nổi thì chết trong chòi vẫn hơn, nên ông gặp cách mạng.

Y sĩ của đội công tác đã chữa dứt cơn sốt rét rừng, bao năm đeo đẳng, hành hạ ông, lại còn chăm sóc bồi dưỡng cho ông hơn chục ngày. Cảm ơn cứu mạng ấy, ông K’Tranh tự coi mình là người của cách mạng, khi đã khỏe, ông vào rừng gọi dân buôn trở về. Dân Brun theo cách mạng từ đấy.        Đội công tác đã có được bàn đạp để thâm nhập vùng người Mạ. Cũng chính ông K’Tranh, ít ngày sau, dẫn đường cho đội công tác lần lượt đến các buôn dọc sông Đồng Nai, dùng uy tín của mình để thuyết phục các già làng tham gia cách mạng.

Trải mấy tháng trường, đến được hơn 20 buôn, đội công tác dừng chân ở buôn Đinh Xiết - ở xã Lộc Bảo, huyện Bảo Lâm bây giờ và được đồng bào Mạ ở đây đưa đi gặp đội công tác từ Đắc Min vào, ở ngã ba suối Đạ R’Tý, bên hữu ngạn sông Đồng Nai. Hôm ấy là ngày 30/10/1960, sau đó cả hai tổ công tác cùng về buôn B’sar Đạ R’Yal để họp, hình thành đường dây thống nhất, lập các trạm hành lang và xây dựng cơ sở cách mạng trong vùng.

Một thành viên của tổ công tác Đoàn B90, ông Ba Đen hồi tưởng:

Gần một tháng từ sau khi mở được bàn đạp ở buôn Đinh Xiết, thắc thỏm chờ bắt liên lạc, không biết mũi công tác của Đông Nam bộ đi được tới đâu, còn hay mất. Mãi đến khi gặp được nhau, trao đổi ám hiệu, biết là các đồng chí của mình, mới òa lên niềm vui khôn tả, biết rằng mình đã hoàn thành được bước đầu của nhiệm vụ, anh em đồng chí của hai tổ ôm nhau vui mừng không bút nào tả xiết.

Vậy là từ chiến khu Đ đường hành lang nối với Liên tỉnh 4 được khai thông, đường Trường Sơn Đông được nối dài vào đến Lâm Đồng, nối Nam Tây Nguyên với miền Đông Nam bộ.

Sau khi hai tổ công tác gặp nhau, tổ từ Đắc Min vào cử ông Năm Nhường theo tổ công tác của C200 về miền Đông Nam bộ báo cáo Xứ ủy; cử ông Ba Đen ở lại, xây dựng địa bàn đứng chân, làm điểm nối thông hành lang Bắc - Nam, đoạn từ Đắc Lắc sang Lâm Đồng. Trải qua nhiều ngày vận động giác ngộ cách mạng cho dân các buôn, ông Ba Đen tổ chức được trạm giao liên đầu mối ở buôn Đinh Xiết, đặt cách bờ sông Đồng Nai khoảng 2km, giao cho ông K’Xia phụ trách. Sau đó, dùng buôn B’sar Niar làm bàn đạp, chỉ gần ba tháng, ông Ba Đen đã mở rộng phong trào cách mạng ra được 18 trong số 19 buôn Mạ ven sông Đồng Nai, mở được bến vượt sông, vận động bà con các buôn Đinh Xiết, B’sar, B’sar Niar dùng nứa, lồ ô làm hai chiếc bè qua lại sông Đồng Nai, bảo đảm an toàn cho các đoàn công tác từ khu V vào Lâm Đồng. Đến giữa năm 1961, ông cùng đồng đội vận động được hơn 30 buôn đồng bào Mạ theo cách mạng tham gia kháng chiến, hình thành một vùng căn cứ rộng lớn phía bắc Blao. Mở thông đường hành lang về Đông Nam bộ, lập được các trạm ở B’sar Đạ R’Yal, B’Sar Lu Siên, B’ Khiêu.

Từ đó, vùng căn cứ Bắc Lâm Đồng là nơi che chở, nuôi dưỡng cán bộ của Tỉnh ủy Lâm Đồng, Khu ủy và lực lượng vũ trang quân khu VI, đồng thời là nơi dừng chân của những đoàn quân từ hậu phương miền bắc chi viện vào các tỉnh cực Nam Trung bộ. Nghe kể rằng, trong những khách qua cung đường ngày mới mở, có một cán bộ cao cấp với lực lượng bảo vệ mạnh của quân khu, dân vùng căn cứ không biết là ai, nhưng sau này, khi xem hình của Đoàn Chủ tịch Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam, mọi người bảo vị khách ngày ấy chính là luật sư Nguyễn Hữu Thọ.

Hành lang vượt đường 20
 
Tháng 5-1961, sau hơn nửa năm vận động quần chúng, xây dựng phong trào, từ vùng người K’Yòn lên vùng dân tộc Kơ Ho, đội công tác Hoành Sơn của Tỉnh ủy Bình Thuận thuộc Liên tỉnh 3, do ông Tám Cảnh, người chỉ huy của phân ban Tỉnh ủy Nam Lâm Đồng T14 về sau, lập được đường giao liên từ Bình Thuận lên Lâm Đồng vượt đường 20 ở đoạn giữa Di Linh và BLao qua các buôn vùng chân núi Xà Lùng sang đường 14b để bắt liên lạc với đội vũ trang của Đoàn B90. Đội Hoành Sơn đã cử một tổ công tác, trang bị đúng như người Kơ Ho bản địa, công khai đi từ phía nam đường 20 sang phía bắc, đến xã Đinh Túc, theo đường 14b lên vùng Kin Đạ tìm cách bắt liên lạc với đội công tác từ Quảng Đức sang. Cuối tháng 5, tổ công tác tìm được cơ sở đầu mối liên lạc do ông Ba Đen để lại, tại rẫy buôn Gung Răng Gia xã Đinh Trang Thượng, huyện Di Linh bây giờ. Tháng 8/1961, ông Tư Do của đội công tác Hoành Sơn và ông Ba Đen của Đoàn B90 đã gặp nhau tại vùng rừng Đinh Trang Thượng, hai mảng bắc và nam đường 20 của tỉnh Lâm Đồng cũ nối thông được liên lạc. Từ đó, Ban Cán sự Đảng tỉnh Lâm Đồng, phiên hiệu B7 được thành lập, đây chính là tiền thân của Tỉnh ủy Lâm Đồng sau này. Sau khi nối thông được liên lạc, phân ban Tỉnh ủy phía nam Lâm Đồng mở được hành lang giao liên đi từ buôn B’Lá ở căn cứ bắc, đi qua B’su Pàng Le về Lò Than Đại Lào, cắt qua đường 20 ngay sát thị xã Bảo Lộc, về núi S’Pung, Tà Ngào ở phía nam đường.

Một cửa khẩu khác vượt đường 20 ở khu vực ranh giới tỉnh Lâm Đồng và Long Khánh cũ do đội công tác K4 đảm nhiệm cũng trở thành hành lang giao liên khá an toàn, từ đó nối thông với cung đường từ Cát Tiên, Vùng Ba sang.

Từ buôn Brun, một đội công tác được cử tìm đường về hướng đông, vượt qua vùng trảng thấp ven sông Đồng Nai. Đội vận động các buôn Mạ quanh vùng tham gia cách mạng, thành lập được 3 xã Vùng Ba sau này: Lú Tôn, Xi Nhen và Hợp Vong. Tiếp tục tiến về hướng đông, sau nhiều lần thất bại, do lạc vào vùng núi non hiểm trở ở đèo Blao, đội công tác này nối được hành lang giao liên với cửa khẩu K4 và nối được con đường hành lang chiến lược đi từ chiến khu Đ qua căn cứ nam đường 20 của Lâm Đồng sang các chiến khu ở rừng Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Tuy. Từ đó, các tỉnh cực Nam Trung bộ phá được thế cô lập, liên lạc được với Trung ương Cục qua chiến khu Đ và cũng nhờ đó tiếp nhận được sự chi viện từ miền Bắc vào.

Các nhánh đường hành lang chiến lược này tồn tại đến ngày giải phóng. Đến nay tuyến tỉnh lộ mang tên ĐT 721 vượt sông Đồng Nai ở xã Phước Cát 1 huyện Cát Tiên, nối đường 20 với đường 14, gần trùng với hành lang giao liên ngày trước. Một nhánh khác là một phần của tỉnh lộ ĐT 725 từ thị trấn Đạ Tẻh  kéo dài qua Lộc Bắc, Lộc Bảo của huyện Bảo Lâm, lên tận xã Tân Lâm ở huyện Di Linh là những con đường mới mở, dựa trên cung đường hành lang huyền thoại thời kháng chiến.

Ghi chép: Ninh Thế Hùng