N’Trang Lơng - thủ lĩnh giữa đại ngàn Tây Nguyên hùng vĩ

03:07, 04/07/2012

Trong các cuộc đấu tranh đánh đuổi giặc ngoại xâm, núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ đã sản sinh ra rất nhiều người con ưu tú giàu lòng yêu nước, trong đó có N’Trang Lơng - vị thủ lĩnh của phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp trên Cao nguyên M’Nông...

Trong các cuộc đấu tranh đánh đuổi giặc ngoại xâm, núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ đã sản sinh ra rất nhiều người con ưu tú giàu lòng yêu nước, trong đó có N’Trang Lơng - vị thủ lĩnh của phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp trên Cao nguyên M’Nông. Đây là phong trào khởi nghĩa có quy mô lớn, kéo dài suốt một phần tư thế kỷ (1912-1936) do Tù trưởng N’Trang Lơng khởi xướng, tập hợp được nhiều đồng bào có lòng yêu nước trên Cao nguyên M’Nông và một phần Tây Nguyên, làm nên những chiến thắng vang dội, giải phóng được nhiều buôn làng khỏi ách thống trị của thực dân Pháp.

Là người con của núi rừng Tây Nguyên hẳn ai cũng biết N’Trang Lơng là một người anh hùng, một vị thủ lĩnh của đồng bào M’Nông trong phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược. Sinh ra và lớn lên tại buôn Bu Par, một làng M’Nông Biết dưới chân núi Nam Drôn thuộc khu vực suối Đắk Nha, phía Bắc cao nguyên M’Nông. Thủa nhỏ N’Trang Lơng (sinh năm 1870) được biết đến là một cậu bé hoạt bát, tháo vát, hay giúp đỡ người và dũng cảm. Khi N’Trang Lơng bước vào cái tuổi ngũ tuần (năm 1911), thì cũng là thời điểm quân Pháp do Hinri Maitre chỉ huy tiến hành đốt phá làng và hiếp hãm dân lành, giết chết vợ con ông. Trước cảnh nợ nước, thù nhà, giữa mùa mưa năm 1912, N’Trang Lơng đã đứng lên tập hợp đồng bào các dân tộc trong vùng đứng lên khởi nghĩa đánh thực dân Pháp. Mùa mưa năm 1912, phong trào khởi nghĩa N’Trang Lơng bắt đầu diễn ra bằng việc nghĩa quân dùng hỏa công thiêu trụi đồn Pu Sra, mở đầu cho cuộc khởi nghĩa kéo dài suốt một phần tư thế kỷ. Rồi rất nhiều trận đánh sau đó nghĩa quân đã chiến đấu oanh liệt và gặt hái được nhiều chiến công hiển hách, đặc biệt là trận đánh vào ngày 2/8/1914, đã tiêu diệt toàn bộ đồn Bu Mêra - Bu Bong và giết chết Henri Maitre, kẻ đã chỉ huy đốt phá buôn làng và hãm hiếp dân lành, giết chết vợ con ông. Phong trào khởi nghĩa do N’Trang Lơng lãnh đạo kéo dài một phần tư thế kỷ đã bị kẻ thù đàn áp, dập tắt sau khi ông bị trọng thương và hy sinh vào ngày 23/5/1935, những ý chí kiên cường, tinh thần đoàn kết các dân tộc trong cuộc chiến đấu chống kẻ thù chung của N’Trang Lơng và nghĩa quân đã khích lệ các thế hệ đồng bào dân tộc thiểu số trên mảnh đất Tây Nguyên hùng vĩ kế tiếp nhau đứng lên chống bọn xâm lược và tay sai.

Cuộc đấu tranh kiên cường do Tù trưởng N’Trang Lơng làm thủ lĩnh được xem là ngọn cờ tiêu biểu nhất trong phong trào chống thực dân Pháp trên mảnh đất Tây Nguyên, là một trang sử vẻ vang trong truyền thống đánh giặc giữ nước của cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên nói riêng và nhân dân cả nước nói chung trong cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược. Đây là một bằng chứng cho thấy, mặc dù đã hao công tổn sức rất nhiều, bỏ ra rất nhiều tiền bạc và sinh mạng, nhưng thực dân Pháp vẫn chưa khi nào bình định được hoàn toàn vùng đất Tây Nguyên trong suốt thời gian cai trị Đông Dương. Và, để ghi nhớ công lao và những chiến công oanh liệt của vị thủ lĩnh người M’Nông này, tỉnh Đắk Nông đã và đang triển khai xây dựng Tượng đài Anh hùng dân tộc N’Trang Lơng và các dân tộc Tây Nguyên tại trung tâm thị xã Gia Nghĩa; triển khai thực hiện dự án phục dựng di tích các địa điểm về phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp của đồng bào M’Nông do N’Trang Lơng lãnh đạo tại xã Đắk R’tih và xã Đắk Buk So, huyện Tuy Đức. Theo ông Tô Đình Tuấn - Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Nông, nhân kỷ niệm 100 năm Khởi nghĩa N’Trang Lơng, từ ngày 17/6-25/7/2012, tại Đắk Nông sẽ diễn ra nhiều hoạt động thiết thực chào mừng sự kiện này như: Giải Bóng chuyền trẻ toàn quốc và giải vô địch Quần vợt thanh thiếu niên toàn quốc năm 2012; Đại lễ cầu siêu; Lễ báo công, thắp nến tri ân và trao giải cuộc thi tìm hiểu "100 năm phong trào khởi nghĩa N’Trang Lơng", tổ chức gặp mặt người có công với cách mạng; Diễn đàn hợp tác xúc tiến đầu tư “Đắk Nông - tiềm năng hợp tác và phát triển”; Chương trình nghệ thuật “Những người con của núi”...

Có thể nói, việc tỉnh Đắk Nông đang dồn hết trí và lực để tổ chức các hoạt động kỷ niệm 100 năm khởi nghĩa N’Trang Lơng là nhằm tuyên truyền đến toàn xã hội nhận thức sâu sắc về cuộc khởi nghĩa N’Trang Lơng trên quê hương Đắk Nông, đồng thời giáo dục sâu rộng tới mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là các thế hệ trẻ về tinh thần yêu nước, ý chí đấu tranh kiên cường vì độc lập dân tộc của người anh hùng N’Trang Lơng, những chiến công oanh liệt, truyền thống đấu tranh bất khuất của đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên nói riêng và của nhân dân Việt Nam nói chung trong cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm.

Hồng Hải