Về thăm quê hương “nữ chúa rừng xanh”

03:08, 08/08/2012

“Nữ chúa rừng xanh” là tên gọi trìu mến, kính trọng mà mọi người vẫn dùng khi nhắc tới Mộ Cọ (K’Nhòi), thủ lĩnh của dân tộc K’Ho tại vùng Di Linh trong phong trào chống Pháp của đồng bào Thượng ở Tây Nguyên vào những năm 30 của thế kỷ XX.

“Nữ chúa rừng xanh” là tên gọi trìu mến, kính trọng mà mọi người vẫn dùng khi nhắc tới Mộ Cọ (K’Nhòi), thủ lĩnh của dân tộc K’Ho tại vùng Di Linh trong phong trào chống Pháp của đồng bào Thượng ở Tây Nguyên vào những năm 30 của thế kỷ XX.

Mộ Cọ trước ngôi nhà của mình tại thôn Đồng Đò
Bà Ka Tiềm - Cháu "Nữ chúa rừng xanh" trước ngôi nhà của mình ở thôn Đòng Đò


Chúng tôi về lại Dongrdor (Đòng Đò) vào một sáng tháng năm khi nương rẫy cà phê đã vào mùa ngậm hạt, lúa cũng ruộm vàng trên cánh đồng Đạ Brăng. Núi rừng hoang vu xưa đã nhường chỗ cho những rẫy cà phê xanh tốt với những ngôi nhà xây, nhà sàn mái ngói của một làng định canh trù phú với gần 300 hộ bà con dân tộc K’Ho. Theo chân già làng và sự hướng dẫn của đồng chí cán bộ phụ trách văn hóa của xã, chúng tôi đã đến thung lũng Đạ Sar - một địa danh lịch sử đáng tự hào của đồng bào dân tộc K’Ho ở Lâm Đồng. Nơi đã làm điên đầu bọn giặc Pháp và tay sai 75 năm về trước(1).

Men theo con đường nhỏ len giữa những dãy cà phê xanh tốt của đồng bào K’Ho thôn Dongrdor chừng 1km, chúng tôi có mặt ở phía Tây thung lũng Đạ Sar. Nhà cúng Đạ Sar đây ư? Trước mặt chúng tôi là một khoảng đất trống rộng chừng vài trăm mét vuông nổi lên trên bề mặt thung lũng trải vàng lúa chín. Trên nền nhà xưa, cỏ lau mọc um tùm, đây đó còn sót lại vài hòn đá mài lớn nằm im lìm bên những bụi cây dại. Một người già trong thôn Dongrdor đã chỉ một giếng nước trong xanh ngay bên cạnh và cho chúng tôi biết chính giếng này đã được đồng bào đào từ dạo ấy để lấy nước sử dụng trong 7 ngày 7 đêm làm lễ cúng.

Với giọng âm trầm chậm rãi, ông già K’Ho đã kể cho chúng tôi nghe về thung lũng Đạ Sar, về khu rừng thiêng đầy huyền thoại. Phải, thung lũng Đạ Sar hôm nay khác xưa nhiều lắm. Ngày ấy nơi đây còn là khu rừng già linh thiêng, dân K’Ho không ai dám đụng rìu nên có nhiều cây to, người ôm vài sải tay không hết. Tới một ngày nghe theo lời kêu gọi của Mộ Cọ (Bà Trắng) và K’Voai, đồng bào K’Ho trong vùng đã ra đây bí mật dựng nhà cúng giữa lòng thung lũng Đạ Sar, cùng nhau thề nguyện giết Tây bảo vệ yên vui cho núi rừng. Nhà cúng ngày ấy đựơc làm theo kiểu nhà sàn dài bằng cây rừng, lợp lá. Nhà cúng đủ sức chứa tới 200 người nhưng dân làng chỉ làm 1 ngày là xong. Người K’Ho ở các buôn lân cận cũng tụ tập về đây đông như hội để được đi theo K’Voai, K’Nhòi đánh đuổi giặc Tây.

Thời gian trôi qua, đất nước đã thanh bình, buôn làng nơi đây đã có nhiều khởi sắc. Nhưng mỗi khi nhắc tới Mộ Cọ, đồng bào K’Ho từ già trẻ, gái trai đều một lòng kính trọng và tự hào.

Được mùa trên quê hương Mộ Cọ
Được mùa trên quê hương Mộ Cọ


Ngược dòng lịch sử về với năm 1937, khi phong trào chống thực dân Pháp đang sôi động trong đồng bào các dân tộc Đồng Nai Thượng. Mộ Cọ tên thật là K’Nhòi – người phụ nữ K’Ho có làn da trắng, tóc trắng (2) ấy đã băng rừng đến với A Ma Trang Lơng, với phong trào chống Pháp ở Buôn Ma Thuột để học hỏi. Sau đó, bà trở về  mang theo “nước thánh” Đạ Sar phân phát cho đồng bào dân tộc ở vùng Di Linh và tổ chức những hội kín quyên góp xu đồng để đúc làm đầu mũi tên đánh Pháp. Ngày 15-6-1938, tại nhà cúng Đạ Sar, Mộ Cọ và dân làng đã tổ chức lễ cúng Giàng và cũng là để những người tham gia phong trào cùng tuyên thệ.

Lời cầu nguyện đọc trong lễ cúng đã thể hiện rất rõ ước vọng và quyết tâm của mỗi thành viên: “Hỡi thần linh núi Gung Ré, thần linh núi Can Rang, hỡi thần linh núi Đạ Sar; Hỡi các thần hãy đốt hết người Pháp, chém đầu người Pháp, để cho người Chàm, người Thượng, người An Nam cùng sống chung, đừng đánh đập chúng nó, đừng giết chúng nó. Hãy để chúng nó ăn cháo cùng nhau, ăn cơm cùng nhau”(3).

Với những nội dung yêu nước, đoàn kết chống ngoại xâm, phong trào Mộ Cọ đã tập hợp được đông đảo quần chúng các dân tộc ở các tổng Đinh Trang Thượng, Gung Ré tham gia chống Pháp.

Mộ Cọ lúc bấy giờ là người trực tiếp vận động nhân dân trong buôn và nhân dân ở các buôn khác chống Pháp, quyên góp xu đồng. Bà còn bày cho nhân dân cách đánh Pháp rất thông minh mà lại phù hợp với hoàn cảnh lúc đó: “Con gái mặc váy ngắn xuống suối tắm, con trai cầm ống thụt nước ớt. Khi đám Pháp mê gái xuống suối ghẹo, con trai thụt nước ớt cay vào mắt Pháp và lấy dao đâm nó”.

Vào cuối năm 1938, phong trào đang phát triển mạnh thì bị địch phát hiện. Thực dân Pháp đã đốt nhà cúng Đạ Sar, bắt giam và tra khảo những người tham gia, trong đó có hai thủ lĩnh K’Voai và K’Nhòi (Mộ Cọ). Sau đó, chúng lập tòa án ở Di Linh để xét xử. Mộ Cọ và 11 người lãnh đạo phong trào vào tội “Âm mưu làm loạn chống lại chính quyền Pháp”, và đã kết án từ 8 – 20 năm khổ sai rồi đưa đi giam ở Côn Đảo và Lao Bảo. Năm 1945, Nhật đảo chính Pháp, Mộ Cọ được chúng thả ra. Bà trở về Dongrdor (Đòng Đò) và sống tại quê hương cho tới khi qua đời (1969).

Mộ Cọ - “Nữ chúa rừng xanh” không còn nữa, nhưng hình ảnh của bà, người con gái ưu tú của dân tộc K’Ho với buổi tuyên thệ đầy khí phách ở thung lũng Đạ Sar ngày nào vẫn còn sống mãi trong lòng đồng bào các dân tộc ở Lâm Đồng.

(1) Thôn Dongrdor (Đòng Đò) nay thuộc xã Tân Nghĩa, huyện Di Linh.
(2) Theo lời kể của đồng bào dân tộc thì Mộ Cọ bị bạch tạng nên có làn da trắng, tóc trắng khác thường.
(3) Trích lời dịch báo cáo mật của công sứ Pháp tỉnh Đồng Nai Thượng gửi Khâm sứ Trung Kỳ ngày 12/5/1937.

Ghi chép: ĐOÀN BÍCH NGỌ