Kỳ III - Con đường giao thương

03:10, 03/10/2012

Các hiện vật tìm được ở các di chỉ khảo cổ Đại Làng, Đại Lào cho thấy cư dân trên đất Blao xưa, có giao thương với bên ngoài, nhưng họ có quan hệ với tộc người nào, những lối mòn xuyên rừng nào, dẫn người bản địa Blao đến với các tộc người lân cận.

[links()]Các hiện vật tìm được ở các di chỉ khảo cổ Đại Làng, Đại Lào cho thấy cư dân trên đất Blao xưa, có giao thương với bên ngoài, nhưng họ có quan hệ với tộc người nào, những lối mòn xuyên rừng nào, dẫn người bản địa Blao đến với các tộc người lân cận.

Tưng bừng Lễ hội Văn hóa Trà 2010. Ảnh: BÙI TRƯỞNG
Tưng bừng Lễ hội Văn hóa Trà 2010. Ảnh: BÙI TRƯỞNG


Sau mùa thu hoạch, đúng giữa mùa khô, người Mạ Blao bước vào mùa lữ hành, những chuyến đi theo gung Bjai xuống Phan Thiết đổi muối, đi đến các buôn làng khác, đến vùng của người Stiêng, người M’nông để đổi chác. Bằng phương cách này, người Mạ có được những sản phẩm mà họ không có. Họ mang theo các tấm khăn mới dệt, mang theo cái ngà voi mới tìm được, để đổi lấy những thứ mà họ cho là có giá trị cao như muối, ché cổ, như ching Lào. Mùa buôn bán đổi chác là mùa lữ hành, mùa của những chuyến đi.

Con đường mua muối của người Blao xưa

Trong suốt thời gian từ đầu công nguyên, vùng Blao là đất sinh sống của người Mạ, cùng thời gian đó, vương quốc Chăm Pa hình thành ở ven biển, đến thế kỷ IV vương quốc Phù Nam  xuất hiện ở đồng bằng sông  Cửu Long, ảnh hưởng bao trùm lên cả vùng Nam Tây Nguyên.

Người Mạ phải từ bỏ vùng đất ven biển, theo sông Đồng Nai đi dần lên phía thượng nguồn. Nhờ vào sự hiểm trở, khó xâm nhập của các vách núi cao Trường Sơn, ngăn cách miền biển và miền núi, ngăn cách đồng bằng Đông Nam Bộ và cao nguyên, phía tây và phía bắc lại có sông mẹ Đạ Đờng che chắn, nên người Mạ gần như tránh được sự cai trị của các vương quốc liền kề, trở thành vùng trái độn giữa Chăm Pa và Chân Lạp. Có thể họ đã có một tiểu quốc, mà nhà thám hiểm Henri Maitre hồi đầu thế kỷ XX và giáo sư Trần Quốc Vượng hồi cuối thế kỷ XX gọi là Vương quốc Mạ.

Vùng cư trú của người Mạ  không còn ở sát biển nữa, giữa họ và biển có địa bàn cư trú của các tộc người khác ngăn cách, vì vậy, muối trở nên hiếm hoi, thành nhu cầu quan trọng trong đời sống của người ở vùng núi cao.

Hàng năm sau mùa phát rẫy, sau khi cúng Nhu Rhe xong, người Mạ vùng Blao xếp vào gùi những tấm thổ cẩm dệt được, dẫn theo con heo, con dê đã vỗ béo trong năm, mang sừng nai, ngà voi tìm được, về miền biển đổi muối, mà họ gọi là đi chợ-lòt drà. Họ đi thành từng đoàn từ buôn này sang buôn khác, đoàn người mỗi lúc một đông hơn. Cuộc đi trở thành một cuộc du hành đầy lý thú, việc ấy làm cho người Mạ trở thành những lữ khách bẩm sinh. Sau mùa nương rẫy, không đi không chịu được, nhưng bị các dãy núi cao, hiểm trở ngăn chặn, họ đi Bình Thuận, tỉnh ven biển gần họ nhất bằng những đường nào?

Già làng K’Sung ở buôn Han Kar - Lộc Bắc, huyện Bảo Lâm kể rằng: Ngày trước, khi đi Phan Thiết, ông đã đi theo đường mòn từ buôn này sang buôn khác. Từ Han Kar, vượt dãy Pang Per, ông sang buôn Blá, về Buôn Jirai sang Kon Hin Đăng, Kon Tẻh, sau đó sang vùng người K’Yòn, đến La Dạ, La Dày về buôn Đạch, buôn Quao là đến vùng người Kinh có chợ để đổi muối. Như vậy, con đường này gần trùng với tỉnh lộ ĐT 725 từ Lộc  Bắc ra Bảo Lộc và quốc lộ 55 từ Bảo Lộc sang Ma Lâm về Phan Thiết hiện nay. Nếu tính từ buôn Han Kar thì con đường này đi hết hơn mười đêm đường. Có lẽ con đường này là đường chính của người Mạ Blao đi xuống Phan Thiết, họ gọi là gung Bjai.

Theo ông K’Tệu ở xã Đạ Ploa, có một con đường khác cũng được các tộc người Mạ Blao dùng. Con đường ấy khởi đi từ buôn Tơng Klòng Đạ Mri ở ngọn suối Đạ Mri theo dòng nước đến buôn Blao K’long Trou ở chân đèo Blao, hết ba đêm đi đường; sang buôn Blao K’long Ner, qua buôn Đạ Săpó, hết hai đêm đi đường; từ đó đi về Mê Pu ra Võ Đắc, thêm hai đêm đường nữa, ở đó cũng có chợ bán muối. Con đường này gần trùng với tỉnh lộ ĐT 721 từ ngã ba B’Sar  ở quốc lộ 20 đi ngã ba 46 trên quốc lộ 1 hiện nay.

Nhưng trong thời gian người Chăm Pa cai trị vùng Răc Lay, K’Yòn, người Mạ chống lại quân Chăm, nên chỉ còn đi mua muối ở vùng của người K’Yòn mà thôi, không xuống Phan Thiết, ra sát biển được nữa, con đường lữ hành ngắn hơn gần một nửa.

Có thể nhu cầu về muối và các sản vật từ biển, mà người Mạ vốn ở sâu trong nội địa luôn cần, làm cho họ phải tổ chức những chuyến đi, biến họ thành những lữ khách mỗi khi nông nhàn, lâu dần thành tính cách thích đi đây đó, của người Mạ Blao chăng.

Con đường của chiêng

Người Mạ coi chiêng là tài sản có giá trị lớn; một thời, mức độ giàu có, danh giá trong buôn làng, trong cộng đồng của một chủ nhà được đánh giá bằng bộ chiêng mà người đó có. Chiêng của người Mạ Blao là một bộ sáu cái gồm ching me, ching r’dơm, ching n’đơn, ching thong, ching trơ, ching the.

Trong bộ chiêng, luôn có một chiêng chính: ching me - chiêng mẹ. Có khi, một chiêng mẹ có giá bằng ba bốn con trâu, hay hai chiếc ché cổ ba tay. Chiêng của người Mạ được dùng rất nhiều dịp trong năm, có khi trong lễ cúng Giàng, có khi trong đêm uống rượu cần tiếp người bạn từ buôn xa tới, có khi trong lễ cưới của một người con, người cháu trong nhà. Trong câu chuyện vãn bên ché rượu cần, cạnh bếp lửa reo tí tách, không thể thiếu tiếng trống da nai bập bùng, tiếng chiêng ngân u u…, qua mái ngôi nhà dài bên sườn đồi.

Chiêng quan trọng trong đời sống vật chất và tinh thần của người Mạ Blao như thế, nhưng hình như, người Mạ không biết đúc chiêng, trong các câu chuyện kể truyền miệng trong các buôn làng, có câu chuyện kể về loại đất làm chiêng: “Bung và những người đầu tiên săn con Min, họ bắn nó bằng ná, nhưng bắn trật. Trong khi chạy, với 4 chân mạnh mẽ, con Min làm văng lên những cục đất lớn, chính những loại đất đó được dùng làm chiêng.”(Dam bo - Miền Đất huyền ảo). Đến nay, không thấy có dấu vết nào của kỹ thuật đúc đồng hay kỹ thuật làm chiêng còn lưu lại, dù người Mạ Blao là những thợ rèn sắt bậc thầy.

Các bộ chiêng hiện đang có trong các buôn Mạ Blao xuất xứ từ nhiều nguồn khác nhau. Có chiêng nguồn gốc từ Lào, Miến Điện, là loại chiêng giá trị rất cao gọi là Ching Lào. Loại xuất xứ từ Campuchia gọi là Ching Kur, còn loại chiêng gốc từ miền ven biển của người Kinh làm ra gọi là Ching Doan, loại chiêng này phải chỉnh âm lại mới dùng được.

Người Mạ Blao không đi đến những nơi sản xuất chiêng để mua, họ không mua tận gốc, mà thường  đổi từ những buôn làng kế cận, có khi từ người M’Nông, người Stiêng, thậm chí của người Rắc Lay thông qua những lần đi bán thổ cẩm, thăm viếng bạn bè hoặc có khi chỉ là nhân một lần đi chơi. Nhưng các cuộc đổi chác đó không nhiều, thỉnh thoảng mới xảy ra, phần lớn các bộ chiêng mua được do những người buôn  bán đưa tới. Các lái buôn đi từ buôn này sang buôn khác, lập thành một đoàn, có thể coi là chuyên nghiệp, họ là người Hoa, người Kinh, người Lào, có khi có người Miên nữa.

Con đường họ đi đến vùng Mạ Blao chủ yếu theo hai hướng. Phía bắc, từ vùng người M’Nông ở Đắc Lắc vượt sông Đồng Nai vùng Kil Đạ, Đinh Trang Thượng, huyện Di Linh ngày nay sang buôn Gung Rang Đờng. Từ đó đi xuống buôn Hang Ho, Hàng Blang, sang Jirai về M’rong Sre Kang rồi sang  buôn Blao Kon Hin. Chiêng theo đường này là chiêng Doan, có xuất xứ từ vùng Quảng Nam. Lái buôn chủ yếu là người Hoa, cũng có người Ê Đê, Banar nhưng không nhiều, thường họ đi ngựa, có người gồng gánh theo sau.

Con đường này cũng là con đường xâm nhập của những toán cướp sang vùng Mạ bắt người về bán sang Lào, nên các buôn vùng Kil Đạ thường chỉ cho các lái buôn quen biết đi qua. Ở phía nam, từ vùng Stiêng, M’Nông, các lái buôn vượt sông Đạ Đờng ở chỗ bãi Cát Tiên bây giờ. Từ đó đến B’sar Lú Siêng về B’Dơr, sang Hang Kar, B’Lá rồi ra các buôn Blao. Những người theo con đường này bán chiêng Kur của Campuchia, Thái Lan, thường đi bằng voi và thành một đoàn đông người, có khi họ đi cả năm mới trở về.

Quá trình  giao thương giữa người Mạ Blao và các tộc người lân cận ở vùng ven biển và với các thương nhân từ nơi khác đến, dĩ nhiên không chỉ đơn thuần có muối, có chiêng mà còn có các sản phẩm như đồ gốm, đồ sắt, thủy tinh, đồ trang sức, chính vì vậy mà các di chỉ Đại Làng, Đại Lào mới có hiện vật từ nhiều nơi đến vậy.

(còn nữa)

Ghi chép: NINH THẾ HÙNG