Kỳ IV: Blao - vùng đất mới

03:10, 10/10/2012

So với những nơi khác duyên hải Nam Trung Bộ và vùng Đông Nam Bộ liền kề, Blao là một vùng đất mới. Khi Bình Thuận, Đồng Nai đã là những nơi có làng mạc, phố xá, cư dân đông đúc và quan trọng hơn hết, ở đó đã có hệ thống tổ chức chính quyền hoàn chỉnh, thì Blao vẫn còn là vùng đất hoang vu, chỉ có những buôn làng người bản địa sinh sống.

So với những nơi khác duyên hải Nam Trung Bộ và vùng Đông Nam Bộ liền kề, Blao là một vùng đất mới. Khi Bình Thuận, Đồng Nai đã là những nơi có làng mạc, phố xá, cư dân đông đúc và quan trọng hơn hết, ở đó đã có hệ thống tổ chức chính quyền hoàn chỉnh, thì Blao vẫn còn là vùng đất hoang vu, chỉ có những buôn làng người bản địa sinh sống.

Núi Spung ở Blao
Núi Spung ở Blao


Blao qua các thời kỳ
                
Thời vua Tự Đức triều Nguyễn, đã có một đoàn thám hiểm vùng núi, từ Bình Thuận đi lên nhưng không thu được kết quả gì và cũng không chắc đoàn người này có đặt chân đến Blao không.

Nguyễn Thông khi làm Điền nông phó sứ tỉnh Bình Thuận, tìm cách khai khẩn Thượng du Sơn quốc cũng không chắc có đến vùng Blao?

[links(right)]Cuối thế kỷ XIX, người Pháp tổ chức các đoàn thám hiểm Tây Nguyên  và có đoàn đã đến vùng Blao. Đến năm 1899, khi thành lập tỉnh Haut Donnai thì tên Blao chưa được mọi người biết đến, vẫn chỉ là tên của một bộ tộc người Mạ bản địa. Phải đến năm 1920 khi tái lập tỉnh Haut Donnai thì Blao mới được biết đến với tư cách là một đại lý hành chánh.

Hồi đó, đại lý hành chánh Blao có các tổng: Tổng Mạ Blao, Tổng Mạ Đạ Đờng, Tổng Mạ Đạ Gouil và có thể có Tổng La Ngà nữa, nhưng đến nay không tìm được dấu tích gì về tổng ấy. Trong các tổng, chỉ có các buôn làng ở rải rác, có khi cách nhau đến cả ngày đường.

Từ năm 1950, Blao thuộc tỉnh Đồng Nai Thượng nằm trong Hoàng Triều Cương Thổ.

Sau năm 1954, Blao là một quận của tỉnh Đồng Nai Thượng.

Ngày 19 tháng 8 năm 1958 tỉnh  Đồng Nai Thượng đổi tên thành tỉnh Lâm Đồng, sau đó ngày 19 tháng 2  năm 1959, quận Blao đổi tên là Bảo Lộc. Từ đó Blao không còn xuất hiện trên giấy tờ hành chính, chỉ còn trong cách gọi dân dã của người Bảo Lộc.

Quận Bảo Lộc được điều chỉnh lại về địa giới: cắt phần đất phía nam quốc lộ 20 vùng giữa đèo Blao và đèo Chuối giao cho quận Tánh Linh của tỉnh Bình Tuy, phần phía đông sông La Ngà giao cho quận Định Quán của tỉnh Long Khánh. Quận Bảo Lộc còn từ suối Đạ Gouil sang đến tả ngạn sông Đồng Nai trở lên. Sang năm 1965, xã B’Sar thuộc quận Tánh Linh tỉnh Bình Tuy, là một phần của vùng đất đã giao cho tỉnh Bình Tuy trước kia, nay sát nhập về lại Bảo Lộc.

Quận Bảo Lộc khi đó có ba tổng Đại Hoà, Đại Thuận, Tân Mạ và một xã trực thuộc quận, diện tích lên đến gần 3350 km2. Địa giới ấy được giữ nguyên cho huyện Bảo Lộc đến cuối năm 1978. Vì vậy, khi đề cập đến Blao xưa, có lẽ nên giới hạn trong vùng đất thuộc huyện Bảo Lộc trước năm 1979, là năm chia tách Bảo Lộc thành hai huyện Bảo Lộc và Đạ Huoai, vì những yếu tố địa lý, lịch sử, văn hoá trên vùng đất này có những mối liên hệ hữu cơ với nhau, nhưng vùng lõi của Blao xưa chính là phần đất từ đèo Blao lên ven núi Spung sang đến dãy núi Bun Trao - Pang Per ở phía bắc và dọc sông Đạ R’gna ở phía đông và nên chăng, lấy thời điểm năm 1920 khi người Pháp tái lập lại tỉnh Lâm Đồng, làm thời điểm chính thức có tên Blao với tư cách là một đơn vị hành chánh cấp huyện. Nếu như thế, năm 2020 sẽ là một mốc lịch sử quan trọng với Blao xưa và Bảo Lộc ngày nay.

Mãi đến năm 1979, khi chính quyền cách mạng sắp xếp lại hệ thống hành chính, Blao mới xuất hiện chính thức trở lại, thành tên thị trấn huyện lỵ của Bảo Lộc.

Khi thành lập thị xã Bảo Lộc, Blao là tên một phường, phường B’lao, trên đó có xóm làng, khu dân cư người Kinh đầu tiên ở Bảo Lộc.

Theo ông K’Hành, già làng ở buôn B’Dơr, xã Lộc An, huyện Bảo Lâm, chữ Blao không có dấu phẩy sau chữ B, nhưng chẳng biết từ bao giờ nó có trên chữ viết tên của vùng đất này.

Nhưng dù tách nhập thế nào qua các thời kỳ, Blao luôn là một vùng đất trầm mặc, yên ả, thời tiết ôn hoà dễ chịu, sáng chiều lãng đãng sương núi, mây phủ chập chùng đỉnh Spung với đồi chè xanh ngắt trải dài, hương chè ngan ngát thoang thoảng hoà lẫn vào hương hoa cây cỏ đồng nội và đi vào tâm thức người Việt như một vùng trà có tiếng ở Nam Tây Nguyên.

Người Kinh và người Tây Phương đặt chân đến Blao khi nào?

Theo Đại Nam Nhất Thống chí, năm Tự Đức thứ 19 (1866), triều đình có phái người đi thăm dò vùng núi thuộc phủ Bình Thuận, nhưng người Thượng tránh né, không dẫn đường, nên phải trở về.

Năm 1877, khi làm Điền nông phó sứ tỉnh Bình Thuận, cụ Nguyễn Thông đã tổ chức thám hiểm vùng giữa ba con sông La Ngà, Đạ Huoai, Đồng Nai tức khu vực đèo Chuối, đèo Blao, Madagoui vào đến sông Đồng Nai với dự định lập đồn điền khẩn hoang.

Năm Tự Đức thứ 30(1877) cụ Nguyễn đã làm tờ trình trong đó có viết “Đạ Đưng người Việt gọi là sông Dã Dương, đất bằng, địa thế rộng rãi, khoảng khoát, có thể thám sát để lập  đồn điền khẩn hoang” (Đà Lạt năm xưa - NXB TPHCM – 2001 - T 51). Như thế đoàn khảo sát của cụ Nguyễn đã đi đến vùng phía nam của Blao, có thể là vùng Đạ Huoai, Đạ Tẻh ngày nay chăng.

Nhưng dự định lập đồn điền của cụ Nguyễn không thành và chuyến đi thời ấy cũng không đem lại một thành quả nào.

Mấy năm sau, năm 1880, thống đốc Nam Kỳ giao nhiệm vụ tìm hiểu vùng thượng du sông Đồng Nai cho viên bác sĩ hải quân Pháp tên Paul Néis. Xuất phát từ cù lao Phố, thành phố Biên Hoà ngày nay, Paul Néis dùng thuyền đi ngược dòng sông Đồng Nai đến Tà Lài rồi đến được ngã ba sông Đạ Huoai nhập vào sông Đồng Nai. Theo sông Đạ Huoai, đoàn thám hiểm đi qua nhiều buôn của người Mạ.

Tháng 2 năm 1881, Paul Néis cùng trung uý Septans, thám hiểm sông Đạ Mri, một phụ lưu của sông Đạ Huoai và lên được thượng nguồn của con nước này, tức vùng phía bắc của Blao, đây là địa điểm cao nhất và xa nhất trong các chuyến thám hiểm của Paul Néis tìm đường lên cao nguyên từ phía Nam.

Như vậy có thể nói, Paul Néis là người Pháp đầu tiên đặt chân đến Blao, theo con đường từ tây sang đông và đến được vùng trung tâm của đất Blao xưa.

Cùng trong năm này, Trung uý Gautier tổ chức thám sát vùng thượng nguồn sông Đồng Nai và sông Đạ Oai, tức vùng phía nam của Blao.

Năm 1884, đại uý hải quân Pháp Humann tổ chức thám sát thượng lưu sông Đạ Mri từ đó đi lên đến thượng nguồn sông Lagna rồi lại theo sông này về vùng Phan Thiết. Có lẽ, chính ông này là người đã cắt ngang đất Blao xưa, từ bắc xuống nam, từ ngọn sông Lagna ở chân rặng Bun Trao đến phần hạ lưu sông La Ngà ở vùng Tánh Linh, Hoài Đức bây giờ.

Những chuyến đi thám hiểm vùng Blao của người Pháp mở ra việc khai thác vùng đất rộng lớn, lúc đó vẫn còn hoang dã và đầy bí ẩn. Khởi đầu là việc làm con đường nối Đà Lạt và Sài Gòn, mà Blao ở đoạn lưng chừng, từ đó làm bộc lộ tiềm năng của vùng đất được thiên nhiên dành cho cây công nghiệp này, mở rộng cửa ngõ đất Blao để về sau đón hàng vạn cư dân mới, từ khắp mọi miền đất nước tụ về lập nghiệp và từ đó thành phố Bảo Lộc hình thành, không ngừng lớn lên mãi, được mọi người biết đến như thủ phủ của vương quốc trà Blao.

(còn nữa)

Ghi chép: Ninh Thế Hùng