Kỳ V: Các địa danh ở Blao

03:10, 17/10/2012

Trải qua gần một thế kỷ, thành phố Bảo Lộc bây giờ với hơn 130 ngàn người đã là một đô thị lớn phía nam tỉnh Lâm Đồng. Còn vùng Blao xưa, bây giờ dân số phải hơn 400 ngàn.

Trải qua gần một thế kỷ, thành phố Bảo Lộc bây giờ với hơn 130 ngàn người đã là một đô thị lớn phía nam tỉnh Lâm Đồng. Còn vùng Blao xưa, bây giờ dân số phải hơn 400 ngàn với hai đợt đông di dân đến vào năm 1954 và sau năm 1975, các vùng núi non âm u, hoang vắng ngày trước, được khai khẩn gần hết, chỉ còn sót lại các ngọn núi cao, từ đó xóm làng mọc lên khắp các sườn đồi, hẻm núi với những tên gọi phản ánh của từng thời kỳ.

Trên nương chè Đạm Bri (Bảo Lộc) Ảnh: Ngọc Minh
Trên nương chè Đạm Bri (Bảo Lộc) Ảnh: Ngọc Minh


Tên gọi: Nơi thời gian lắng đọng

Tại nơi bây giờ là thành phố Bảo Lộc, hồi năm 1930, chỉ có một xóm 8 gia đình người Kinh vốn là người vùng Phan Thiết lên buôn bán rồi ở lại lập nghiệp. Năm 1936 mới có 20 nóc gia, rồi những người gốc miền Bắc, miền Trung đi công tra hết hợp đồng tìm đến, công nhân của các đồn điền mới lập và cả lưu dân đi tìm đất mới tụ hội về, lập thành một cụm cư dân ven quốc lộ 20, gọi là xóm Làng. Cuối xóm có khoảng rừng thưa chừng hơn một mẫu tây, một đôi cọp thường ngủ ngày dưới gốc cây đa lớn ở đấy, bà con xóm Làng lập đình thờ Sơn thần, gọi là đình làng Công Hinh. Về sau cọp không còn, nhưng ngôi đình vẫn còn đó dù diện tích bò thu hẹp nhiều và  chuyển thành đền Hùng Vương. Cư dân trong vùng dần dần đông lên, khoảng năm 1950 thành một xã, mang tên Công Hinh, lấy từ tên Blao Kon Hin của buôn người Mạ vốn là chủ vùng đất ấy.

[links(right)]Trước khi người Kinh đặt chân đến, người Mạ bản địa hay dùng những đặc điểm của vùng đất mình cư ngụ để đặt tên buôn làng, như B’su Đăng Lú - buôn B’su trên đồi đá, buôn B’Tạch – buôn ở vùng cây mâm xôi, buôn Blao Klong Ner- buôn Blao ở chỗ hục suối hình cái nia... Đến nay, nhiều đơn vị hành chánh vẫn dùng những tên bản địa như Đạ Ploa - suối ngà voi, Đạ Kho, đúng ra phải là Đạ Koh- suối trắng, Đạ Mbri - suối có người hoá cọp… với những tên bản địa, nó như một trang lịch sử của vùng đất.

Cách ghi nhớ của người xưa, khi không có chữ viết quả là đặc biệt, con cháu những thế hệ sau, căn cứ vào các bài hát truyền miệng và các địa danh để có những hiểu biết về buôn làng mình, cho dù chẳng có là bao, nhưng như vậy cũng là đáng quý rồi, nó cho chúng ta ngày nay, hé mở được một chút về thời xưa xa, mà thời gian đã làm nhạt nhoà dấu vết.

Khi về vùng Blao lập nghiệp sau năm 1954, những cư dân gốc Bắc đã lấy tên nơi gốc cũ ghép thêm chữ tân, để đặt tên cho nơi ở mới như Tân Hoá, Tân Thanh: Thanh Hoá mới, Tân Phát: Phát Diệm mới, Tân Hà: Hà Nội mới… với mong muốn bảo lưu được các nét đẹp văn hoá của quê xưa trên vùng đất và còn tiềm ẩn nỗi nhớ quê hương bản quán, của người Việt xưa.

Cùng thời điểm này, một số nơi trong vùng người Mạ, các đơn vị hành chánh mới lập cũng mang chữ Tân như Tân Lú, Tân Rai, Tân Đồn,… nhưng theo ông K’Tùi, một trí thức ở buôn B’su Đang Lú thì chữ tân này là chuyển âm sang tiếng Việt của chữ tơng hay thơng trong tiếng Mạ nghĩa là thung lũng. Nếu đúng là như thế, thì cách đặt tên này kế thừa được truyền thống đặt tên của người bản địa: Tân Lú- Tơng Lú - thung lũng đá, Tân Đồn - Tơng Dờng - thung lũng mẹ - Tân Long - Tơng Klong - thung lũng cây dầu.

Sau ngày đất nước thống nhất , vùng Blao xưa lại đón thêm nhiều đợt di dân kinh tế mới từ miền Trung, miền Bắc vào. Họ  mang theo bản sắc, phong tục tập quán và hoài niệm quê hương, nên thường đặt tên làng xã mới bằng tên nơi quê cũ như Gia Viễn, Tiên Hoàng,  Phước Cát… làm cho Blao ngày càng thêm đa dạng và mang cả dấu ấn các vùng miền.

Chính quyền cách mạng trong những năm giữa thập niên 70 thế kỷ trước, khi sắp xếp lại các đơn vị hành chánh đã ghép với chữ Lộc  lấy từ tên  huyện Bảo Lộc vào tên các đơn vị hành chánh cũ thành tên mới như Lộc Châu, Lộc Phát, Lộc Thanh,… hoặc dùng các đặc điểm địa lý bản địa để đặt tên như Lộc Bắc, Lộc Nam, Lộc Lâm, Lộc Trung… đã làm phong phú thêm các địa danh trên đất Blao xưa, nhưng cũng không làm mất đi gốc gác của các địa danh có từ trước.

Bên cạnh các tên gọi chính thức, là địa danh hành chánh trong từng thời kỳ, vẫn tồn tại những địa danh có nguồn gốc dân dã, xuất phát từ nhu cầu thực tiễn trong quá trình sinh sống, làm ăn của dân cư từng vùng như: Ngã ba Blao phẹc, đèo B40, Dốc Ánh Mai, Đồi Dổi, Suối Cát, Dốc Đỏ, xóm Bắc… hàng trăm cái tên như thế, do dân gian tự đặt, chẳng được ai công nhận cả nhưng nó vẫn tồn tại và khi nói đến, mọi người đều biết nó ở đâu.

 Các địa danh của nhiều thời kỳ, dù có gốc gác, xuất xứ thế nào, giờ vẫn tồn tại song song nhau, phản ảnh tính đa dạng của một vùng đất mới, như một chút dấu vết lịch sử còn lắng đọng lại trên khắp đất Blao xưa.

Khi đến xứ Blao, vừa qua khỏi đỉnh đèo Blao, đã thấy bạt ngàn màu xanh của trà, các đồi trà chập chùng kế tiếp nhau, làm cả vùng thành một màu xanh đậm.Cũng như nhiều nơi khác trên Tây Nguyên, Blao trồng cây công nghiệp, nhưng không phải cà phê như Buôn Ma Thuột, Di Linh hay điều, tiêu, cao su như Đắc Nông, Gia Lai, Blao trung thành với cây trà. Trải bao thăng trầm trong cơn lốc chuyển đổi vật nuôi cây trồng, cây cà phê, cây dâu tằm có thời tưởng đã chen vào thay thế, nhưng đến bây giờ, cây trà vẫn đứng vững và khẳng định vị thế  của mình trên cao nguyên đất đỏ này. Chính người Pháp, khi chủ trương khai thác vùng Nam Tây Nguyên, đã thử nghiệm và sau đó phát triển trồng trà trên đất Blao, từ đầu thập niên 30 thế kỷ trước, với các đồn điền của chủ tư bản Pháp, tư bản Hoa kiều, có lúc đã lên đến hơn 50 đồn điền lớn nhỏ. Đến khi cư dân đàng ngoài vào lập nghiệp, trà được trồng nhiều hơn, trở thành cây trồng chủ lực của cả vùng, rồi dần dà công nghiệp chế biến trà hình thành, cùng lúc với sự ra đời của ngành ướp trà hương, tạo thành một trường phái chế biến và uống trà khác hẳn vùng trà phía bắc.

 Ngày trước, khi lên  đỉnh Spung từ thành phố Bảo Lộc phải đi bộ cả ngày đường, vì phải đi qua các cánh rừng dầu hàng trăm năm tuổi, các trảng cỏ tranh trải dài, hết sườn đồi này sang sườn đồi khác, nhiều khi phải men theo con nước róc rách chảy ra từ khe đá giữa cánh rừng già nguyên sinh. Nhưng khi lên đến đỉnh, trong làn gió mát lạnh thổi đến từ khe núi nào đó,  có thể nhìn thấy toàn cảnh của phía nam Bảo Lộc, một phần của đất Blao xưa, có thể thấy dãy núi dài chia đôi đất Blao, Bun Trao - Kon Klang  với đỉnh Pàng Per có hai ngọn nhìn như hai người đang chụm đầu thì thầm nói chuyện ở phía bắc, với những cánh rừng thông nhựa có màu xanh nhạt trải rộng, hay dãy núi ở bên trái suối Đạ Giam chạy dài từ Di Linh xuống nối với vòng cung núi phía tả ngạn sông La Ngà. Gần đó, thấp thoáng xa xa mờ mờ trong làn sương là ngọn Xà Lùng, ngọn núi cô độc nổi lên ở giữa cao nguyên, hay ngọn núi Vú có năm đỉnh như cô gái nằm xoã tóc ở rặng núi ven sông La Ngà ở phía Nam. Ngay dưới chân Spung có thể thấy mấy căn nhà dài của buôn Kon Tẻh ở phía đông, buôn B’Lao Sré ven con nước Đạ Bin hay cả làn khói lam chiều từ buôn B’su Đăng Lú, B’Su Đạ Lào.

 Nhưng khung cảnh đại ngàn hoang sơ đó, giờ chỉ còn trong ký ức, trong các câu chuyện kể. Rồi cũng sẽ chẳng còn mấy người từng lên đỉnh Spung những ngày xưa ấy, để mà kể chuyện, bụi thời gian sẽ phủ dần lên, cây trà đang dần leo lên đến đỉnh núi và từ đó một vùng đất với các đồi trà xanh thẳm, làm nền cho một đô thị mới sẽ dần lớn lên mãi.

Ghi chép: Ninh Thế Hùng

Tài liệu tham khảo:
- Địa chí Lâm Đồng, NXB Văn hoá Dân tộc , HN 2001.
- Địa phương chí tỉnh Lâm Đồng, Toà Hành chánh Lâm Đồng 1972.
- Rừng người Thượng, Henri Maitre, NXB Tri thức - 2008, Lưu Đình Tuân dịch, Nguyên Ngọc hiệu đính.
- Về vùng đất cổ miền Đông Nam Bộ, Vương Liêm, NXB Lao Động-2005