Câu chuyện về những kỷ vật căn cứ kháng chiến khu VI

03:12, 05/12/2012

Căn cứ kháng chiến khu VI là một trong những căn cứ cách mạng quan trọng của quân và dân ta trong kháng chiến chống Mỹ, được Bộ VHTT&DL công nhận là Di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia năm 2010...

Căn cứ kháng chiến khu VI là một trong những căn cứ cách mạng quan trọng của quân và dân ta trong kháng chiến chống Mỹ, được Bộ VHTT&DL công nhận là Di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia năm 2010. Hiện nay di tích đang khởi công tu bổ, tôn tạo, nhằm phát huy tác dụng trong việc giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ thông qua các hoạt động về nguồn. Để phục vụ công tác trưng bày, giới thiệu cho khách tham quan tìm hiểu và cảm nhận được cuộc sống sinh hoạt, chiến đấu của các chiến sỹ cách mạng trong chiến khu, các cán bộ Bảo tàng Lâm Đồng đã không quản ngại khó khăn để tìm đến các đồng chí lão thành cách mạng từng tham gia hoạt động trong căn cứ kháng chiến khu VI để sưu tầm những tư liệu, hình ảnh và những kỷ vật kháng chiến.

 

Cán bộ, chiến sĩ Văn phòng Khu uỷ Khu VI chụp ảnh kỷ niệm nhân Ngày sinh nhật Đảng 3/2 tại Căn cứ Bóng Tròn
Cán bộ, chiến sĩ Văn phòng Khu uỷ Khu VI chụp ảnh kỷ niệm nhân Ngày sinh nhật Đảng 3/2 tại Căn cứ Bóng Tròn


Trong quá trình sưu tầm hiện vật, chúng tôi đã nhận được nhiều sự ủng hộ, đồng cảm của các cô, các chú từng là cán bộ, chiến sỹ cách mạng tại chiến trường khu VI, tôi không quên những cảm xúc bồi hồi, bịn rịn của các chú khi tặng lại những kỷ vật gắn bó với mình trong suốt những năm tháng chiến đấu.

Những kỷ vật kháng chiến sưu tầm gồm: những cuốn sổ nhật ký cá nhân, sổ học tập công tác, các bức thư, ba lô, nón cối, đèn ló thụt, bọc võng, xâu dép, dép cao su, hình ảnh về Bác Hồ... Đằng sau mỗi kỷ vật lại là những câu chuyện xúc động về một thời bom đạn, ví như những bức thư chúc tết của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi các cán bộ, chiến sỹ cách mạng tại chiến trường khu VI được ông Đinh Sĩ Uẩn - đại tá, nguyên Chủ nhiệm Cục Chính trị Quân khu VI gìn giữ trong suốt những năm hoạt động cách mạng. Giọng ông run run khi kể lại câu chuyện với cán bộ Bảo tàng Lâm Đồng: “Mặc dù trong lửa đạn chiến tranh nhưng cứ mỗi dịp tết đến xuân về, chúng tôi luôn nhận được thư chúc tết của Cụ Hồ gửi động viên mọi người đón tết cổ truyền đầm ấm, vui vẻ song không quên nhiệm vụ phải đoàn kết, thương yêu nhau, đề cao cảnh giác với mọi hành động của kẻ thù...”. Chính vì vậy, ông luôn gìn giữ những kỷ vật này một cách trân trọng, cẩn thận để ghi nhớ những lời dạy của Cụ Hồ.

Khi tiếp nhận bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh của ông Nguyễn Thế Liêm - nguyên Uỷ viên Ban tổ chức khu VI... trao tặng mà chúng tôi không khỏi xúc động, bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh được in trên vải lụa đã nhuốm màu thời gian nhưng tình cảm về Bác còn đọng mãi trong tâm trí của bậc lão thành cách mạng, nhấp một ngụm trà rồi chú kể lại những năm tháng chiến đấu đầy gian khổ, nhưng nhiều kỷ niệm khó quên về tình đồng chí đồng đội. Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh được chú Liêm gìn giữ và nâng niu, luôn được treo trong phòng làm việc của mình, thỉnh thoảng chú lại đem xuống lau sạch bụi, những lúc xuống hầm tránh đạn chú không quên mang theo bên mình.

Ông Nguyễn Đình Tấn - nguyên Phó Văn phòng Khu uỷ khu VI lại cẩn thận mở va li và đưa cho chúng tôi cuốn sách xây dựng Đảng, đây là số đặc biệt về lễ quốc tang Chủ tịch Hồ Chí Minh, cuốn sách tuy đã bạc màu nhưng những nét chữ vẫn rõ nét vì được người chiến sỹ năm xưa lưu giữ cẩn trọng. Ông kể rằng: Mặc dù trong chiến trường đầy gian khổ, bom đạn khốc liệt, những chiến sỹ cách mạng hoạt động tại chiến trường khu VI luôn nhớ mãi lời dạy của Bác Hồ, quyết tâm chiến đấu vì độc lập tự do của Tổ quốc. Ông còn kể về những kỷ vật đã cùng ông vào sinh ra tử suốt từ những năm 1960 cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất đó là chiếc bình bi đông do một chiến sỹ cùng hoạt động tại chiến trường khu VI tặng, chiếc nón cối và bọc võng do quân khu cấp để ông sử dụng. Trong những năm tháng chiến đấu, anh em cán bộ và chiến sỹ cách mạng không đủ lương thực, thiếu thốn thuốc men và vật dụng sinh hoạt nên thường dùng chung của nhau, tuy gian khó nhưng chứa đựng biết bao tình cảm của người lính.

Trong số những kỷ vật về chiến trường khu VI, chúng tôi thật cảm phục khi đọc những dòng nhật ký cũng như những cuốn sổ tay của các chiến sỹ cộng sản kiên trung, bất khuất, nghị lực của các anh, các chị thật kiên cường. Trên chiến trường ác liệt, ranh giới giữa sự sống và cái chết chỉ trong gang tấc, nhưng các anh, các chị không hề lùi bước trước sự đàn áp của kẻ thù, tư tưởng họ luôn hướng theo Đảng, theo cách mạng, luôn tin vào tương lai tươi sáng của dân tộc.

Những kỷ vật kháng chiến do cán bộ Bảo tàng sưu tầm và đang hoàn tất lý lịch ghi lại những câu chuyện sống động tái hiện một thời hào hùng của các cán bộ và chiến sỹ cách mạng khu uỷ khu VI cùng với cả nước vượt lên gian lao thử thách, hiểm nguy và những khó khăn trong cuộc sống để đánh giặc giữ nước, ghi lại những công lao to lớn và sự hy sinh đóng góp của những người chiến sỹ đã kiên cường đấu tranh anh dũng vì nền độc lập, hoà bình của dân tộc ta.

HÀ HẠNH