Lần theo vòi bạch tuộc

04:02, 15/02/2013

Được các bộ phim truyền hình và điện ảnh lãng mạn hóa, bị các nhân viên công lực săn lùng, bị các kẻ thù truy sát, những tên gangster sống bạo lực và thường chết thảm khốc. Chúng hợp thành một mạng lưới tội ác toàn cầu kiểm soát mọi thứ từ những phi vụ buôn ma tuý nhỏ lẻ ở góc đường cho tới những chức vụ cao cấp nhất của nhiều chính phủ. Đó là mafia.

Được các bộ phim truyền hình và điện ảnh lãng mạn hóa, bị các nhân viên công lực săn lùng, bị các kẻ thù truy sát, những tên gangster sống bạo lực và thường chết thảm khốc. Chúng hợp thành một mạng lưới tội ác toàn cầu kiểm soát mọi thứ từ những phi vụ buôn ma tuý nhỏ lẻ ở góc đường cho tới những chức vụ cao cấp nhất của nhiều chính phủ. Đó là mafia. Báo Lâm Đồng khởi đăng hồ sơ “Lần theo vòi bạch tuộc” do nhà báo Trần Đức Tài lược dịch qua các nguồn thông tin nước ngoài, xin trân trọng giới thiệu cùng độc giả quan tâm đến vấn đề “nóng” của toàn cầu này.

KỲ 1: Thế lực ngầm

Một trong những trung tâm đầu não của cuộc chiến chống buôn lậu ở nước Ý – đội đặc nhiệm của Cục Thuế quan – nằm một tầng hầm ở ngoại ô thành phố Rome. Một nhóm 15 chuyên gia, bao gồm các chuyên viên máy tính, một nhà toán học, một chuyên viên thống kê và một kỹ sư điện, chiếm ngụ một căn phòng với 10 chiếc màn hình phẳng cực đại hiển thị một bản đồ “sống” của các tuyến đường vận tải tấp nập nhất thế giới.
 

 Đảo Sieily hữu tình này lại là nơi khai sinh ra mafia Ý và cội nguồn của mọi hoạt động tội ác có tổ chức trên toàn thế giới.
Đảo Sieily hữu tình này lại là nơi khai sinh ra mafia Ý và cội nguồn của mọi hoạt động tội ác có tổ chức trên toàn thế giới.

Thông tin và tọa độ của các con tàu đang ngược xuôi trên đại dương được cập nhật tức thì và liên tục qua hệ thống định vị vệ tinh. Các nhân viên điều tra của Cục thuế quan Ý đang sử dụng các phép toán phân tích phức tạp và hệ thống cơ sở dữ liệu máy tính để cố xác định những chiếc tàu container nào đang hướng về nước Ý có khả năng vận tải những món hàng quốc cấm.

Đặc biệt, đội đặc nhiệm này theo dõi những con tàu đang đi tới cảng Gioia Tauro thuộc tỉnh Calabria. Nhìn trên bản đồ, nước Ý giống hình dạng một chiếc giày cao gót đang sút vào một quả bóng. Mũi của chiếc giày đó chính là Calabria, và nằm ngay vị trí “ngón chân cái” của chiếc giày Ý chính là cảng Gioia Tauro. Mọi thông tin về những tàu hàng đi tới Gioia Tauro đều được chuyển cho cơ quan cảnh sát kinh tế Calabria để cơ quan này tổng hợp với các thông tin tình báo thu thập từ các nguồn tin điều tra truyền thống như đặt máy nghe trộm trong các ô-tô, nghe lén qua điện thoại và theo dõi địa bàn. Mục tiêu của họ là một chuyến hàng ma tuý lớn. Và đằng sau đó là một tổ chức mafia.

Cái nôi của mafia

Cơ cấu của các tổ chức mafia phải mất nhiều thế kỷ mới phát triển như ngày nay. Tất cả bắt đầu trên hòn đảo Sicily - quả bóng trước mũi giày Calabria. Mặc dù có nhiều nhóm tội ác có tổ chức lớn ở khắp nước Ý, mafia ở đảo Sicily thường được xem là thiết kế kiểu mẫu cho mọi tổ chức mafia khác.

Tội ác có tổ chức ở Sicily phát triển nhờ sự đóng góp của nhiều yếu tố đặc biệt. Hòn đảo này nằm ở một vị trí dễ tiếp cận và có địa thế chiến lược quan trọng ở vùng biển Địa Trung Hải. Hệ quả của sự “thiên thời, địa lợi” ấy là suốt lịch sử, đảo Sicily đã nhiều lần bị xâm lược, chinh phục và chiếm đóng. Những biến động lịch sử ấy đã khai sinh ra lòng ngờ vực hoàn toàn của cư dân Sicily dành cho hệ thống công quyền và pháp luật. Trung tâm đời sống của Sicily do đó không phải là chính quyền mà là các dòng tộc. Mọi tranh chấp đều được dàn xếp thông qua một hệ thống mà với hệ thống đó, các hình phạt đều nằm ngoài các giới hạn của luật pháp.

Trong thế kỷ 19, hệ thống phong kiến châu Âu cuối cùng đã sụp đổ ở Sicily. Khi không còn một chính quyền thực tế nào hay bất kỳ hình thức thẩm quyền nào thực sự vận hành, hòn đảo này nhanh chóng rơi vào tình trạng vô luật lệ. Một vài chủ đất và một số người có quyền lực khác bắt đầu xây dựng uy tín và cuối cùng được xem như những người thủ lĩnh của địa phương. Họ được gọi là các “capo”. Giống như các lãnh chúa phong kiến, các “capo” này dùng quyền lực của mình để thu cống nạp từ các nông dân thuộc quyền cai quản của họ. Quyền thế của họ được củng cố bằng các đe doạ sử dụng bạo lực. Những hoạt động có tính chất tội ác của các “capo” này không bao giờ được tường trình. Ngay cả các nạn nhân cũng không dám tố cáo vì sợ trả thù. Đó là khởi đầu của mafia đảo Sicily.

Phân vùng cát cứ

Tuy gọi là “tổ chức”, mafia lại không hoạt động theo cơ cấu thông thường của mọi tổ chức. Mafia không hề có người đứng đầu hay chỉ huy. Thực tế, “mafia” là một thuật ngữ chung để gọi bất kỳ băng nhóm gangster nào có nguồn gốc từ nước Ý hay phát xuất từ đảo Sicily. Còn các tổ chức tội ác khác ở Nam Mỹ hay các khu vực khác trên thế giới dù có hoạt động tương tự không được gọi là mafia. Giống như món mì spaghetti hay cà phê kiểu cappuccino, mafia là một đặc sản Ý.

Nhìn chung, có thể phân loại mafia Ý thành năm “tổ chức”, xác định chủ yếu bằng địa bàn các nhóm này hoạt động hay từ các khu vực phát sinh đầu tiên. Cả năm tổ chức này đều nhúng tay vào nhiều hoạt động tội ác có quy mô toàn cầu và đã thiết lập các mạng lưới ở nhiều quốc gia khác nhau. Mafia Sicily bắt nguồn từ đảo Sicily. Mafia Camorra phát xuất từ Naples, vùng duyên hải phía tây nam. Còn mafia Ndrangheta hoạt động ở “mũi giày” Calabria. Trong khi đó, Sacra Corona Unita là một tổ chức mới nổi gần đây, hoạt động ở khu vực Puglia, “gót giày” của nước Ý. Cả bốn khu vực này đều là các thành phố đảo, bán đảo hay thành phố cảng. Cuối cùng, La Cosa Nostra là mafia Mỹ, mặc dù tổ chức này có nguồn gốc từ các dòng tộc ở đảo Sicily cũng như một số nơi khác trên đất Ý.

Đối với các dòng tộc mafia, không có quy ước rõ ràng nào cho việc đặt tên. Các dòng tộc đầu tiên được đặt tên theo khu vực hay thành phố quê hương của họ. Có khi, tên của dòng tộc sẽ đổi thay theo tên của ông trùm, đặc biệt nếu đó là một ông trùm đầy quyền lực hay tồn tại lâu dài. Năm dòng tộc chính ở thành phố New York, Mỹ, có tên là Bonanno, Genovese, Gambino, Luchese và Profaci. Theo lời khai của tay mafia chỉ điểm Joe Valachi (1903-1971) trước một tiểu ban điều tra của Thượng Viện Mỹ trong những năm 1962 và 1963, các dòng tộc này được đặt tên theo các ông trùm hiện hành.

Mấy năm sau đó, dòng tộc Profaci được ông trùm Joseph Colombo tiếp quản và hắn ta nổi tiếng đến mức dòng tộc mang luôn tên Colombo. Điều tương tự xảy ra với dòng tộc Gambino khi ông trùm John Gotti tiếp quản. Tuy nhiên, Gotti đã bị bắt với tội danh buôn lậu và giết người vì một tay nội gián trước khi dòng tộc Gambino mang tên Gotti. Hầu hết các nhóm mafia Mỹ gốc Ý khác chỉ đơn thuần gọi tên theo địa bàn hoạt động.

Quyền lực kinh tế

Mùa hè 2011, khi cảnh sát Ý truy bắt tên trùm Francesco Pesce, biệt danh “Đầu Mập” ở miền nam nước Ý, họ được thêm một “món quà khuyến mãi” không chờ đợi: đội tuyển bóng đá địa phương của tay mafia – đội bóng Rosarno. Đội bóng bán chuyên nghiệp này do dòng tộc Pesce kiểm soát nhiều năm qua từ đó được giao cho cơ quan pháp luật tạm quản lý và tiếp tục kêu gọi các nhà tài trợ.

Dù bóng đá gần như là một tôn giáo ở Ý, không một ai dám đứng ra tài trợ vì sợ chọc giận Ndrangheta, mạng lưới mafia quyền lực ở Calabria. Đội bóng này chỉ là một tài sản nhỏ trong tổng số 220 triệu Euro mà cơ quan công lực đã tịch thu được từ dòng tộc Pesce. Và Pesce chỉ là một chi nhánh của tổ chức Ndrangheta. Quyền lực kinh tế của tổ chức này bây giờ đã qua mặt người anh em Sicily.

Kề bên Rosarno, nơi đóng đô của đội bóng, là cảng vận tải biển Gioia Tauro, nơi phát hiện gần phân nửa toàn bộ lượng cocaine mà cảnh sát Ý đã tịch thu được trong các năm qua. Tổ chức Ndrangheta phất mạnh nhờ chiến lược kinh doanh tập trung vào cocaine. Nằm ngay giữa eo biển Gibralta và Kênh đào Suez, cảng này là trục thương mại chính và đã trở thành động mạch chủ cho Ndrangheta tiếp nhận nguồn ma tuý từ Nam Mỹ và các hàng buôn lậu khác, ẩn giấu trong dòng chảy của hàng hoá hợp pháp.

Bất kể những cuộc tấn công trực diện hay vào các chi nhánh, những tài sản thu được không có nghĩa gì nếu so với sức mạnh kinh tế mà các tổ chức mafia Ý đang nắm giữ. Và kèm theo sức mạnh đồng tiền là lá phiếu bầu cử quốc hội mới sẽ tổ chức vào cuối tháng 2.2013. Theo số liệu của Cơ quan chống Ma tuý và Tội ác của Liên Hợp Quốc, chỉ ba tổ chức mafia Ý hiện hoạt động ở Sicily, Calabria và Naples đã có tổng kim ngạch hàng năm là 116 tỷ Euro, lớn hơn doanh thu hàng năm của công ty lớn nhất nước Ý là tập đoàn dầu khí Eni.

Kỳ tới: Những chiếc vòi bạch tuộc của Mafia đã vươn cao và cắm sâu trong các tầng lớp xã hội Ý như thế nào ?