KỲ 2: Im lặng là vàng

02:02, 20/02/2013

Bắt nguồn từ Sicily, tấm màn bí mật bao trùm các hoạt động mafia Ý trở thành một luật bất thành văn – “omerta” hay luật im lặng. Các ông trùm mafia sử dụng luật omerta để bảo vệ bản thân không bị can lụy vào các hoạt động tội ác của các cấp thừa hành trong tổ chức.

[links()]Bắt nguồn từ Sicily, tấm màn bí mật bao trùm các hoạt động mafia Ý trở thành một luật bất thành văn – “omerta” hay luật im lặng. Các ông trùm mafia sử dụng luật omerta để bảo vệ bản thân không bị can lụy vào các hoạt động tội ác của các cấp thừa hành trong tổ chức.
 

Cảng Gioia Tauro ở Calabria là cảng vận tải lớn nhất của Ý. Nằm trong quyền kiểm soát của mafia, đây là cửa ngõ nhập khẩu cocaine từ Nam Mỹ vào châu Âu.
Cảng Gioia Tauro ở Calabria là cảng vận tải lớn nhất của Ý. Nằm trong quyền kiểm soát của mafia, đây là cửa ngõ nhập khẩu cocaine từ Nam Mỹ vào châu Âu.

Ở cảng Gioia Tauro thuộc tỉnh Calabria, “mũi giày” của nước Ý, hơn 1.000 nhân viên bốc xếp container hàng hóa liên tục 24 giờ mỗi ngày, bảy ngày mỗi tuần, chỉ nghỉ ngơi vào ngày lễ Giáng Sinh và ngày đầu năm mới. Ban đêm, những ánh đèn pha dọi sáng cầu tàu dài 3,2 km. Cách vận chuyển cocaine đang phổ biến trong những tháng gần đây là cất giấu trong những bao tải. Xác định cho được những bao tải ấy trong hằng hà sa số những kiện hàng lên xuống cảng quả thật chẳng khác gì mò kim đáy bể.

Những con ngựa thành Troy!

Ban quản lý cảng từ chối bình luận về chuyện buôn lậu ma túy. Nhưng các nhân viên điều tra của đội đặc nhiệm Cục Thuế quan Ý cho biết những bao tải chứa đầy cocaine siêu tinh chất này mỗi bao chỉ nặng chừng 40-45 kg, dễ dàng cho một người khuân vác. Những bao tải này có thể được thảy vào một container ở một bến cảng Trung hay Nam Mỹ nào đó và nhanh chóng được tẩu tán ở cảng Gioia Tauro trước khi nhân viên hải quan có cơ hội ngăn chặn. Các container này dễ dàng khằn lại không để lại dấu vết khả nghi nào.

“Các container đó chính là những con ngựa thành Troy!” – sĩ quan Claudio Petrozziello, chỉ huy trưởng đội cảnh sát tài chính ở Calabria – kêu lên khi một chiếc tàu container cưỡi sóng lướt vòng qua bến đậu sau cảng Gioia Tauro. Mỗi bao tải cocaine này trị giá tới 2,25 triệu Euro giá bán sỉ và khoảng 9 triệu Euro giá bán lẻ. Bộ Nội vụ Ý ước tính trong 90% trường hợp thì những người tiếp cận số hàng lậu này trước tiên không phải là lực lượng cảnh sát mà là những tay bốc xếp.

Tuy nhiên, các lực lượng hải quan và cảnh sát tài chính Ý ngày càng gặt hái nhiều thành công. Tháng 6.2012, cảnh sát phát hiện được 17 bao tải chứa cocaine từ Nam Mỹ đã được đóng thành bánh bọc trong bao hút chân không và gói kín trong giấy bạc. Số hàng tịch thu ấy trị giá bán sỉ hơn 38 triệu Euro và tính theo giá bán lẻ thì trị giá ít nhất gấp bốn lần. Nhưng cảnh sát không tìm ra kẻ buôn lậu!

Tổng cộng, cảnh sát đã tịch thu được hơn hai tấn cocaine ở cảng Gioia Tauro trong năm qua, gấp đôi số lượng tịch thu được trong năm 2011. Daniele Testi, người phát ngôn của hãng vận tải container Contship hoạt động ngay cảng này, chỉ nói: “Những gì xảy ra ở cảng Gioia Tauro là những gì đang xảy ra ở mọi cảng lớn trên thế giới. Contship vẫn tin rằng lực lượng cảnh sát phải làm tất cả những gì có thể làm để chống lại tội ác. Còn những gì chúng tôi đang cố gắng thực hiện là bảo đảm sao cho công việc trôi chảy, thành công và tiếp tục tạo ra công ăn việc làm”.

Cảnh sát Ý cũng có những vụ tấn công thắng lợi vào một số hoạt động của tổ chức Ndrangheta ở Calabria và bắt được tên Francesco Pesce, biệt danh “Đầu Mập” – một tên trùm của một chi nhánh tổ chức này ở Rosarno. Pesce “Đầu Mập” lãnh án 20 năm cấm cố trong một nhà tù canh phòng cực kỳ nghiêm ngặt với tội danh buôn lậu và hoạt động mafia. Pesce “Đầu Mập” lãnh án nhưng không hề khai nhận gì và vẫn tiếp tục kháng cáo.

Vươn cao, cắm sâu

Đầu thế kỷ 20, tội ác có tổ chức đã thẩm thấu trong đời sống đảo Sicily tới mức không thể nào tránh né được những tiếp xúc với mafia. Nhà độc tài phát-xít Benito Mussolini (1883-1945) cầm quyền nước Ý thời 1922-1943 đã sử dụng nhiều biện pháp hà khắc, thậm chí tàn bạo để thanh trừng mafia. Nhưng khi quân đội Mỹ chiếm đóng đảo Sicily trong Thế Chiến II, họ lầm tưởng nhiều tên tội phạm đang bị giam cầm là tù chính trị và không những trả tự do cho những tên mafia này mà còn bổ nhiệm chúng làm các thị trưởng và cảnh sát trưởng. Chẳng bao lâu, các tổ chức mafia đã khống chế hoàn toàn hoặc có khả năng chi phối nhiều đảng phái chính trị ở Ý.

Nhiều yếu tố trong quy định của tổ chức mafia Ý đã bắt nguồn từ đời sống của cư dân Sicily hàng nhiều thế kỷ trong giai đoạn chuyển tiếp từ chính quyền phong kiến sang hình thức chính quyền hiện đại. Ngay cả tên gọi “La Cosa Notra” (cách thức của chúng tôi) thường dùng để gọi tổ chức mafia Mỹ gốc Ý cũng từng được dùng để chỉ lối sống của những tay mafia ở đảo Sicily. Bộ luật im lặng omerta và cách chiêu mộ giới thiếu niên vào tổ chức mafia sau một thử thách cuối cùng cũng phát xuất từ đảo Sicily.

Kề bên Sicily là Calabria. Sau khi cơ quan công lực Calabria tống giam tên trùm Francesco Pesce “Đầu Mập” năm 2011, câu lạc bộ bóng đá Rosarno cùng sân vận động mang tên Giáo hoàng John Paul II vốn là sở hữu của tay mafia này trở thành tài sản công. Không còn nguồn tài trợ từ tiền buôn ma túy của Pesce “Đầu Mập” và không ai dám đứng ra tài trợ vì sợ tai vạ với tổ chức mafia Ndrangheta, đội bóng tuột dốc không phanh. Mùa bóng vừa qua, đội tuyển này thua 24 trận, hòa 5 trận và chỉ thắng có 5 trận. Cả đội tuyển bị giải thể.

Việc không tìm ra nhà tài trợ khiến câu lạc bộ bóng đá Rosarno thiệt hại nặng nề. Mafia thường xuyên bào mòn những chiến công của cảnh sát và thường là chúng thành công. Nữ thẩm phán Alessandra Cerreti chính là người đã tịch thu đội bóng từ tay dòng tộc Pesce. Bà nói: “Chính ý đồ của tổ chức Ndrangheta là muốn cho thấy những tài sản bị tịch thu sẽ bị phí hoài như thế nào trong tay chính quyền. Chúng tôi đã đưa ra hàng loạt sáng kiến nhằm ngăn chặn điều này xảy ra nhưng khó khăn là bọn Ndrangheta đổ cả núi tiền đầu tư vào các tài sản hay công ty trong khi nhà nước không thể có những nguồn tài nguyên như thế.”

Sống ở ngay thủ phủ Reggio của tỉnh Calabria, nữ thẩm phán chống mafia này hàng ngày luôn được cận vệ có vũ trang bảo vệ 24/24 giờ. Bà Cerreti nói: “Người của bọn Ndrangheta thâm nhập vào mọi tầng lớp xã hội và chính trị của Calabria. Có cả một đội quân chuyên gia, doanh nhân và đôi khi có cả thẩm phán và nhân viên công lực chỉ vì tư lợi mà đem thân ra phục vụ cho tổ chức mafia này.”

“Ngày nay, mafia ở Calabria là một thế lực quốc gia và quốc tế. Nó làm ô nhiễm nền kinh tế và chi phối mạnh hệ thống chính trị,” – lời ông Pierpaolo Romani, điều phối viên chương trình quốc gia liên kết các thành phố chống lại mafia. Ông cũng là tác giả của cuốn sách xuất bản năm 2012 “Criminal Soccer” (tạm dịch: “Bóng đá tội ác”) viết về mối quan tâm của các tổ chức mafia đối với thể thao. Ông nói: “Với một đội bóng, tổ chức Ndrangheta có thể mở rộng tầm với của chúng về kinh tế cũng như về vị thế chính trị trong cộng đồng.”

Trong lúc này, sân vận động Giáo hoàng John Paul II ở Rosarno lại phục vụ cho một đội bóng nghiệp dư và trở thành thiên đường của lũ thiếu niên sau giờ tan học. Với bọn trẻ này, bóng đá là tất cả. Nhưng với tổ chức mafia, đó lại là một nguồn nhân lực bổ sung.

Trần Đức Tài (lược dịch)
 

Kỳ tới: Con đường nhập khẩu và phát triển “đặc sản” mafia Ý tại Mỹ được rửa bằng máu.