Kỳ 3: Đặc sản Ý, hương liệu Mỹ

03:02, 27/02/2013

Đi theo dòng người Sicily di cư sang đất Mỹ là một “đặc sản Ý” - mafia. Với tổ chức La Cosa Nostra hay mafia Mỹ gốc Ý, mạng lưới tội ác có tổ chức này đã bành trướng hoạt động toàn cầu.

[links()]Đi theo dòng người Sicily di cư sang đất Mỹ là một “đặc sản Ý” - mafia. Với tổ chức La Cosa Nostra hay mafia Mỹ gốc Ý, mạng lưới tội ác có tổ chức này đã bành trướng hoạt động toàn cầu.

Dân Sicily và dân Ý các nơi khác đã di cư sang Mỹ từ đầu thế kỷ 19 nhưng một làn sóng di cư ào ạt đầu thế kỷ 20 đã làm thay đổi cả đời sống lẫn kinh tế của đất nước Hợp chủng quốc. Trong khi đại đa số di dân Ý nỗ lực lao động để xây dựng cuộc sống mới cho gia đình bằng các phương cách hợp pháp, một số di dân mang theo những phương thức hoạt động của các dòng tộc đảo Sicily. Mafia đã được xuất khẩu sang Mỹ!

Từ khi du nhập vào Mỹ, hoạt động mafia mới can dự vào chính trị và bành trướng quốc tế, đồng thời được lãng mạn hoá bằng điện ảnh
Từ khi du nhập vào Mỹ, hoạt động mafia mới can dự vào chính trị và bành trướng quốc tế, đồng thời được lãng mạn hoá bằng điện ảnh


New Orleans chính là nơi xảy ra biến cố mafia đầu tiên ở Mỹ thu hút sự chú ý ở tầm quốc gia và quốc tế. Ngày 15.10.1890, cảnh sát trưởng New Orleans là David Hennessy bị sát hại theo kiểu tử hình quen thuộc của các dòng tộc mafia ở đảo Sicily. Cho tới nay vẫn chưa xác định được là chính các di dân Ý đã giết Henessy hay đó chỉ là màn gài bẫy của những người Mỹ chủ trương bài ngoại cực đoan đang chống lại dân nhập cư từ Ý. Hàng trăm người gốc Sicily bị bắt giam vì những tội danh không có cơ sở và 19 người cuối cùng bị truy tố vì tội sát nhân. Sau đó, toà xử họ trắng án trong khi dư luận đồn rằng các dòng tộc Sicily di cư đã hối lộ hay đe doạ các nhân chứng. Sau phiên toà, các công dân New Orleans tức giận đã hình thành một đám hành hình tự phát giết chết 11 trong số 19 bị can. hai người bị treo cổ, chín người bị bắn, số còn lại trốn thoát được. Đây chính là cuộc hành hình tự phát lớn nhất trong lịch sử Mỹ.

Tiền và máu

Các dòng tộc mafia lan rộng khắp nước Mỹ trong nửa đầu thế kỷ 20, bắt nguồn từ New York, nơi năm dòng tộc tranh giành nhau quyền kiểm soát. Mục tiêu tối hậu của mafia là kiếm tiền. Một trong những cách phổ biến nhất và đơn giản nhất là bảo kê – dùng đe doạ bạo lực để buộc người dân phải cống nạp tiền để được “bảo vệ” an toàn cho bản thân và cơ sở kinh doanh. Bất kỳ hoạt động phi pháp nào đều đẻ ra tiền. Hàng lậu thường đắt giá, không bị đánh thuế và quản lý. Các băng nhóm gangster Mỹ gốc Ý buôn lậu rượu trong thời kỳ nước này cấm ngặt việc buôn bán, sản xuất và vận chuyển rượu trên toàn quốc từ 1920 đến 1933, mở rộng kinh doanh sang các loại ma tuý, ngành mãi dâm và cờ bạc.

Trộm cướp cũng tạo ra lợi nhuận nhưng các ông trùm đều biết hoạt động của họ phải có quy mô lớn mới bảo đảm lợi nhuận tối đa. Các băng nhóm mafia Mỹ bắt đầu chặn cướp các xe tải và bốc dỡ toàn bộ hàng hoá vận chuyển. Các băng nhóm này còn chi tiền cho các tài xế xe tải hay công nhân bến cảng để họ “đặt nhầm chỗ” các kiện hàng vào tay mafia.

Một trong những mưu đồ khét tiếng nhất của mafia là thâm nhập vào các công đoàn lao động. Suốt nhiều năm, người ta tin rằng mọi công trình xây dựng lớn ở New York là do mafia kiểm soát. Các băng nhóm mafia chi tiền hay đe doạ các thủ lĩnh nghiệp đoàn để được chia phần bất cứ khi nào một nghiệp đoàn có được hợp đồng xây dựng. Và có khi chính các gangster lại leo lên vị trí thủ lĩnh công đoàn. Một khi đã nắm chặt các nghiệp đoàn, mafia có thể điều khiển công nhân làm đình trệ việc xây dựng để gây áp lực với các nhà thầu hay nhà đầu tư. Với thế lực này, mafia có quyền thọc tay sâu vào quỹ lương hưu của các nghiệp đoàn để thao túng. Có thời gian, mafia làm đình trệ mọi công trình xây dựng và vận tải biển trên toàn nước Mỹ. Nhưng trong vòng 20 năm qua, những nỗ lực của cơ quan công lực đã chặt đứt dần các mối liên hệ giữa các công đoàn lao động với mafia.

Thời kỳ toàn quốc cấm rượu đã đem một lượng tiền khổng lồ cho các băng nhóm mafia khi chúng bán rượu lậu trong các câu lạc bộ khắp nước Mỹ. Quyền lực của các băng nhóm tăng nhanh trong thời kỳ này và chiến tranh giữa các dòng tộc bùng nổ. Trong những năm đầu của thập niên 1930, hàng loạt ông trùm bị ám sát liên tục. Ít có ông trùm nào đứng đầu một dòng tộc lâu hơn vài tháng trước khi bị giết. Chỉ riêng một năm 1930, dòng tộc Luchese phải thay ông trùm tới bốn lần.

Giữa cuộc tranh giành đẫm máu ấy, và cũng góp phần “đạo diễn” màn kịch bạo lực ấy, xuất hiện Charles Luciano, biệt danh “May mắn”, ông trùm của các ông trùm. Luciano đã lên tới đỉnh quyền lực của tổ chức tội ác La Cosa Nostra hay mafia Mỹ và lập ra một “hội đồng” đa dòng tộc heo kiểu mafia đảo Sicily để giải quyết những tranh chấp của các băng nhóm gốc Ý trên toàn quốc.

Nghi vấn Kennedy

Những tin đồn về mối liên hệ giữa dòng họ Kennedy và mafia đã có từ thời cha của tổng thống Mỹ John F. Kennedy – ông Joe Kennedy. Người ta cho rằng Joe đã gầy dựng tài sản gia đình phần lớn là nhờ buôn rượu lậu và có nhiều quan hệ với các tay gangster như Meyer Lansky. Khi John F. Kennedy đối đầu với Hubert Humphrey để tranh quyền ứng cử chức tổng thống cho Đảng Dân chủ vào năm 1960, nhiều người cho rằng dòng họ Kennedy đã huy động các quan hệ mafia để bảo đảm số phiếu thuận lợi. Những lời cáo buộc tương tự cũng lan truyền trong cuộc bầu cử tổng thống khi John F. Kennedy chỉ thắng Richard Nixon bằng một số phiếu chênh lệch rất thấp.

Nhiều giả thuyết đã liên hệ việc John F. Kennedy bị ám sát với mafia. Kẻ ám sát Kennedy là Lee Harvey Oswald sau đó bị bắn chết bởi Jack Ruby là một thành viên liên đới của cánh gangster. Một giả thuyết khác cũng gán động cơ mafia cho việc Kennedy ra lệnh đưa quân tấn công Vịnh Con lợn ở Cuba vào tháng 4.1961. Các băng nhóm mafia Mỹ rất thù oán Fidel Castro. Kể từ khi Fidel lên cầm quyền, doanh thu béo bở của mafia Mỹ từ các casino ở Cuba không còn nữa. Kế hoạch xâm lược Cuba của Kennedy thất bại hoàn toàn và một số người cũng gán lý do của thất bại này là vì Kennedy không chịu huy động lực lượng không quân.

Một giả thuyết khác cũng nhằm vào Robert, em trai của John F. Kennedy. Sau khi đắc cử tổng thống, John F. Kennedy đã bổ nhiệm Robert làm Bộ trưởng Tư pháp. Khi được bổ nhiệm, Robert lập tức triển khai một chiến dịch thanh trừng mafia. Robert sau này cũng thiệt mạng vì một viên đạn ám sát.

Một tin đồn khác cũng phổ biến trên giả thuyết là John F. Kennedy có nhiều nhân tình và một số bóng hồng này có liên quan đến tổ chức mafia. Một số chứng cớ, bao gồm băng ghi âm nghe lén điện thoại của FBI cho thấy rằng trên trùm Sam Giancana đã gài bẫy Kennedy với nhiều phụ nữ để ghi lại bằng chứng về những vụ ngoại tình của vị tổng thống này.

Những người đưa ra giả thuyết mưu đồ này cho rằng chính Giancana đã phái sát thủ đến giết tài tử màn bạc Mailyn Monroe, một trong những người tình của tổng thống Kennedy. Còn thực tế thì bản thân Giancana lại bị ám sát ngay trước khi ông ta ra làm chứng về những quan hệ giữa Kennedy và mafia.

Kỳ tới: Lợi nhuận và quyền lực của các băng nhóm mafia được xây dựng bằng những cuộc thanh toán và thôn tính bằng bạo lực.

Trần Đức Tài (lượt dịch)