Kỳ 4: Mafia đại chiến

03:03, 06/03/2013

Mafia Sicily đã có một lịch sử tranh chấp lâu dài giữa các dòng tộc kình địch nhưng những cuộc tàn sát đẫm máu giữa các băng nhóm mafia khắp nước Ý thời hậu chiến đã vẽ ra bức tranh toàn cầu về hoạt động tội ác của các tổ chức này.

Mafia Sicily đã có một lịch sử tranh chấp lâu dài giữa các dòng tộc kình địch nhưng những cuộc tàn sát đẫm máu giữa các băng nhóm mafia khắp nước Ý thời hậu chiến đã vẽ ra bức tranh toàn cầu về hoạt động tội ác của các tổ chức này.

Năm 1962, tên trùm mafia Cesare Manzella tổ chức một đường dây vận chuyển ma tuý sang Mỹ với sự trợ giúp của hai dòng tộc Sicily là Greco và La Barbera. Manzella uỷ thác cho một tên trùm khác - Calcedonio Di Pisa - xử lý nguồn hàng heroin. Tuy nhiên, khi chuyến hàng đến Mỹ, phía đối tác mua hàng cho rằng một lượng heroin đã thất thoát và thanh toán cho Di Pisa số tiền ít hơn mức đã thoả thuận. Di Pisa đổ lỗi cho phe mafia Mỹ đã lừa gạt mình trong khi phe dòng tộc La Barbera buộc tội Di Pisa đã biển thủ số hàng thất thoát. Hội đồng mafia Sicily lại đứng về phe Di Pisa. Sau đó cả Di Pisa lẫn Manzella đều bị sát hại. Biến cố này châm ngòi cho một cuộc đại chiến giữa các băng nhóm.


Vụ thảm sát Ciaculli

Trong những năm 1950, mafia đã đầu tư vào các lĩnh vực bất động sản, xây dựng công trình công cộng, vận tải thương mại và bán sỉ thực phẩm và nông hải sản phục vụ cho thành phố Palermo mới hình thành ở đảo Sicily. Ở Palermo đã phát triển mối quan hệ mật thiết giữa các thành viên mafia và thế hệ chính khách mới. Trong số các thành viên mafia có Angelo La Barbera và Tommaso Buscetta.

Cái chết thảm khốc của Di Pisa và Manzella tháng 12.1962 sau vụ giải quyết bất đồng về phi vụ buôn lậu ma tuý sang Mỹ đã hướng mọi nghi ngờ về dòng tộc La Barbera. Hàng loạt vụ đánh bom và bắn giết trên đường phố bùng nổ ở Palermo khiến nhiều thường dân vô tội bị vạ lây. Các thành viên dòng tộc La Barbera bị truy sát ráo riết. Tháng 5 năm ấy chính Angelo La Barbera đã may mắn thoát chết trong một mưu đồ ám sát tại Milan.

Vụ thảm sát Ciaculli cuối tháng 6.1963 phát xuất từ một chiếc ô-tô có cài bom đậu ở ngoại ô Palermo. Một cú điện thoại nặc danh đã thông báo cho cảnh sát. Bảy sĩ quan an ninh và quân đội được cử tới tháo bom và chiếc ô-tô phát nổ giết chết tất cả. Quả bom này được cho là nhằm giết Salvatore Greco, người đứng đầu Hội đồng mafia Sicily và ông trùm của dòng tộc Ciaculli. Greco cũng là đồng minh của tên trùm Manzella đã bị giết sau phi vụ thất thoát ma tuý nói trên.

Những biến cố ấy khiến cả nước Ý phẫn nộ và chính phủ Ý lần đầu tiên lập ra một uỷ ban chống mafia. Gần 2.000 tội phạm tình nghi đã bị bắt giữ. Hoạt động mafia của các dòng tộc phải giải tán và các thành viên phải lẩn trốn. Hội đồng Sicily cũng tan tác, mãi đến năm 1969 mới tái tổ chức được. Trong năm 1968, hơn 100 nghi can đã bị truy tố nhưng hầu hết đều trắng án hay lãnh án nhẹ. Do không thể hoạt động và mất tiền lo án phí, nhiều thành viên mafia lâm vào cảnh túng bấn.

Cũng là thành viên mafia nhưng Tommaso Buscetta sau này hợp tác với cơ quan công lực làm nhân chứng. Theo Buscetta, chính Michele Cavataio – ông trùm của khu vực Acquasanta ở Palermo – chính là kẻ chịu trách nhiệm cho vụ đặt bom ở Ciaculli. Phe Cavataio đã thua phe Greco trong cuộc chiến tranh giành thị trường bán sỉ ở Parlermo trong những năm 1950. Cavataio được ủng hộ bởi các dòng tộc mafia khác vốn uất ức trước thế lực ngày càng mạnh của tổ chức mafia Sicily. Chính Cavataio đã giết Di Pisa để phe Greco sẽ quy trách nhiệm cho phe La Barbera và đại chiến sẽ xảy ra. Cavataio không ngừng châm ngòi cho cuộc chiến này bằng cách dàn dựng những cuộc tấn công bằng bom và bắn giết.

Một trong những quyết định đầu tiên của Hội đồng Sicily khi tái lập vào năm 1969 là cử một đội gồm năm tay sát thủ đi giết Cavataio để trả thù cho những cuộc tương tàn năm 1963. Cavataio và ba thủ hạ bị giết chết ngày 10.12.1969 tại một văn phòng trên đường phố Lazio ở Palermo. Một tay sát thủ cũng thiệt mạng. Cuộc bắn giết giữa hai nhóm đã để lại trong văn phòng vấy máu này 108 vỏ đạn.

Soán đoạt quyền lực

Các thập niên 1950 và 1960 là những giai đoạn khó khăn cho mafia Ý nhưng đến thập niên 1970 thì các mạng lưới hoạt động của thế giới ngầm này lại phát triển mạnh, đặc biệt là những đường dây buôn lậu siêu lợi nhuận. Lãnh vực béo bở nhất của thập niên 1970 chính là buôn lậu thuốc lá. Các ông trùm mafia đảo Sicily và tổ chức Camorra ở Naples thoả thuận một độc quyền chung với đường dây buôn lậu thuốc lá đến Naples.

Khi các nhà máy tinh chế heroin do các gangster gốc Corse ở Marseilles bị cơ quan công lực Pháp triệt tiêu, các nhóm buôn lậu morphine bèn tìm tới Sicily. Từ năm 1975, mafia Sicily đã lập ra các nhà máy tinh chế heroin ngay trên đảo. Mafia Sicily vừa sản xuất vừa kiểm soát việc phân phối mặt hàng này. Mafia Sicily chuyển hẳn một bộ phận sang Mỹ để đích thân điều hành mạng lưới phân phối ở đó với mọi chi phí được đài thọ bởi đối tác La Cosa Nostra – mafia Mỹ gốc Ý. Đến 1982, mafia Sicily đã kiểm soát 80% các thương vụ heroin ở miền đông bắc nước Mỹ. Heroin được phân phối cho các mối bán lẻ trong hệ thống chuỗi tiệm bánh pizza do mafia làm chủ và doanh thu từ heroin có thể nguỵ tạo như là lợi nhuận từ kinh doanh nhà hàng.

Đầu những năm 1970, Luciano Leggio – ông trùm dòng tộc Corleone và thành viên Hội đồng Sicily – đã thiết lập một liên minh nhiều dòng tộc gọi là Corleonesi do hắn làm thủ lĩnh. Leggio phát động chiến dịch chế ngự mafia Sicily và hoạt động kinh doanh ma tuý của tổ chức này. Vì Leggio bị bắt giam từ 1974, hắn giao quyền cho Salvatore Riina điều hành và thực thi các mưu đồ của mình. Phe Corleonesi dùng tiền để thu phục các dòng tộc Palermo đang khó khăn về dưới trướng, lật đổ nhiều ông trùm của các dòng tộc khác và lén lút chiêu mộ thành viên mới.

Năm 1970, phe Corleonesi đã tống khứ Gaetano Badalamenti ra khỏi Hội đồng Sicily với vu cáo đã giấu giếm doanh thu ma tuý. Tháng 4.1981, phe Corleonesi sát hại một thành viên đối nghịch trong Hội đồng là Stefano Bontade và thế là đại chiến mafia bùng nổ lần thứ hai. Hàng trăm thành viên mafia thù địch cùng gia quyến đã bị sát hại, nhiều khi bị giết bởi chính những kẻ phản bội trong cùng dòng tộc. Bằng cách thao túng các luật lệ mafia và trừ khử đối thủ, phe Corleonesi hoàn toàn chi phối Hội đồng Sicily. Riina sử dụng quyền lực của hắn trong Hội đồng để thay thế ông trùm của nhiều dòng tộc bằng những người khác do hắn tuyển lựa. Cuối cùng phe cánh Corleonesi chiến thắng và Riina thực tế trở thành “ông trùm của các ông trùm”.

Trong lúc phe Corleonesi đẩy mạnh mưu đồ thống trị mafia Sicily, chúng cũng phát động chiến dịch sát hại những nhà báo, quan chức và nhân viên công lực nào dám cản đường. Cảnh sát tuyệt vọng vì không nhận được giúp đỡ nào từ các nhân chứng và chính khách. Tại đám tang của một cảnh sát bị mafia sát hại trong năm 1985, giới cảnh sát đã nhục mạ và nhổ nước bọt vào hai chính khách đến dự tang lễ này.

Những năm 1980 cũng là giai đoạn cuộc chiến chống mafia ở Ý lên đến cao điểm. Hai công tố viên lỗi lạc của chính phủ từng gây nhiều tổn thất cho các tổ chức mafia đã bị ám sát bằng bom. Trước sự phẫn nộ của dân chúng, chính phủ Ý cuối cùng đáp ứng bằng vụ án Maxi. Hơn 400 tên mafia bị đưa ra xét xử. Một dãy xà lim phía sau phòng xử án giam giữ các bị cáo, những kẻ thường xuyên quát tháo và đe doạ các nhân chứng trong suốt phiên xử. Cuối cùng 338 tên bị kết tội.

Tuy nhiên, điều đó cũng không có hiệu lực dẹp tan tổ chức mafia ở Sicily. Năm 1992, chính phủ Ý phái 7.000 binh sĩ đến đảo này. Quân đội trấn giữ Sicily cho đến 1998. Hoạt động của mafia Sicily từ đó kín đáo và ít bạo lực hơn.

Kỳ tới: Khi hoạt động của mafia Sicily tạm lắng dịu thì các tổ chức mafia Ý khác như Sacra Corona Unita và Camorra lại bùng phát.

Trần Đức Tài (lượt dịch)