Trong lúc các băng nhóm và dòng tộc mafia ở Sicily thanh toán nhau để tranh giành quyền lực, các tổ chức mafia khác ở Puglia và Naples không bỏ lỡ thời cơ tăng cường hoạt động. Các tổ chức này lại đẩy mạnh mạng lưới hoạt động toàn cầu.
[links()]Trong lúc các băng nhóm và dòng tộc mafia ở Sicily thanh toán nhau để tranh giành quyền lực, các tổ chức mafia khác ở Puglia và Naples không bỏ lỡ thời cơ tăng cường hoạt động. Các tổ chức này lại đẩy mạnh mạng lưới hoạt động toàn cầu.
Tổ chức Sacra Corona Unita (SCU) hình thành vào cuối những năm 1970. Khác với các tổ chức mafia Ý khác vốn có nguồn gốc từ thế kỷ 18, SCU lại là kết quả của một sự ly khai. Ông trùm Raffaele Cutolo, người lập ra SCU vốn là một thành viên của tổ chức mafia Camorra ở Naples. Muốn bành trướng hoạt động sang khu vực bán đảo Puglia ở cực đông nam nước Ý, Cutolo quy tụ các dòng tộc địa phương dưới trướng mình để cát cứ và hoạt động độc lập.
Thành phố biển Naples là đại bản doanh của mafia Camorra. Cảng Naples trở thành bến trung chuyển của các tổ chức buôn lậu và buôn người |
Từ “gót giày” của nước Ý
Nhìn trên bản đồ, nước Ý giống hình chiếc giày cao gót đang đặt vào quả bóng. Quả bóng chính là Sicily, mũi giày là Calabria, gót giày chính là Puglia. Tên trùm Cutolo đã xây dựng đế chế của hắn tại đây.
SCU bao gồm khoảng 50 dòng tộc với ước chừng 2.000 thành viên. Hoạt động đặc thù của tổ chức mafia này là buôn lậu thuốc lá và ma tuý. Kiểm soát những cảng biển quan trọng phía đông nam, SCU thu tiền “mãi lộ” của bất kỳ tổ chức tội phạm nào muốn cập bến nước Ý ở hướng này. Lãnh địa này là đường giao thông tự nhiên cho các chuyến tàu chở hàng lậu đi và đến từ Nam Âu.
Sau khi tên trùm Cutolo bị hạ bệ, SCU dưới quyền điều hành của Giuseppe Rogoli đã thay đổi chiến lược. Thay vì cát cứ, SCU lại chọn hoạt động liên minh. Rogoli kết hợp những quyền lợi của khu vực Puglia với các cơ hội hợp tác với tổ chức mafia Ndrangheta ở “mũi giày” Calabria và tổ chức Camorra ở Naples. Lúc đầu SCU chỉ khai thác từ các ngành công nghiệp rượu và dầu ô-liu rất thịnh vượng ở Puglia. Dần dần, tổ chức này lấn sang các hoạt động rửa tiền, tống tiền và đầu cơ chính trị. Không từ bỏ cơ hội kiếm tiền nào, SCU hoạt động luôn trong lãnh vực buôn lậu vũ khí và buôn người và bắt tay với các tổ chức tội ác quốc tế của Nga và Đông Âu, các tập đoàn ma tuý Nam Mỹ, Hội Tam hoàng của Trung Quốc và cả tổ chức Yakuza của Nhật.
Hoạt động của SCU phát triển mạnh nhất vào giữa thập niên 1990 nhưng rồi suy yếu dần sau đó. Những thay đổi về địa chính trị khiến hành lang giao thương quốc tế tự nhiên của biển Adriatic phía đông nước Ý mất dần tầm quan trọng khi khu vực vùng biển Balkan đã bình thường hoá. Hàng loạt cuộc tấn công thắng lợi của cơ quan công lực và pháp lý đã khiến SCU suy yếu thêm. Và chính SCU cũng trở thành nạn nhân của một thế lực mafia mạnh mẽ hơn từng là liên minh – tổ chức Camorra ở Naples.
Bạch tuộc Naples
Năm 1983, cơ quan công lực Ý ước tính chỉ có chừng một chục dòng tộc Camorra. Đến 1987, con số này tăng lên 26 và chỉ một năm sau nhảy lên 32. Hiện nay, tổ chức Camorra có khoảng 111 dòng tộc với 6.700 thành viên ở Naples và vùng lân cận. Nhà báo điều tra Roberto Saviano cho rằng mạng lưới của Camorra hiện nay đã lớn mạnh hơn cả ba tổ chức mafia Ý còn lại về số lượng băng nhóm có tổ chức, về quyền lực kinh tế và về mức độ tàn bạo.
Trong các năm 2004 và 2005, hai dòng tộc của tổ chức này là Di Lauro và Scissionisti đã có một trận chiến đẫm máu mà báo chí Ý gọi là “mối thù truyền kiếp Scampia”. Kết quả là hơn 100 vụ bắn giết trên đường phố. Cuối tháng 10/2006, một loạt vụ sát hại nữa diễn ra ở Naples suốt 10 ngày giữa 20 dòng tộc tranh chấp. Bộ trưởng Nội vụ Ý Giuliano Amato phải quyết định huy động hơn 1.000 cảnh sát và quân cảnh bổ sung cho Naples để chống lại tội ác và bảo vệ du khách. Lực lượng tăng cường này cũng không góp phần ổn định trật tự được bao nhiêu. Chỉ riêng năm sau đó, ở Naples đã xảy ra 120 vụ án mạng.
Trong những năm gần đây, nhiều dòng tộc Camorra đã liên minh với các băng đảng buôn ma tuý ở Nigeria và các tổ chức tội ác Albania. Liên minh này biến Naples thành cảng trung chuyển cocaine và các phụ nữ bị bán làm nô lệ tình dục và từ đó “hàng” được chuyển đi khắp châu Âu.
Tiền từ rác thải
Từ giữa thập niên 1990, tổ chức Camorra đã kiểm soát việc thải rác ở khu vực Campania với nhiều hệ luỵ nguy hiểm cho môi trường và sức khoẻ cộng đồng. Kim loại nặng, chất thải công nghiệp, hoá chất và rác từ hộ gia đình thường được trộn lẫn với nhau và đổ bừa gần các đường lộ rồi đốt để tránh phát hiện, khiến đất đai và không khí bị ô nhiễm trầm trọng.
Với sự trợ giúp của các doanh nghiệp tư nhân môi giới, nhiều dòng tộc Camorra có thể thu lợi nhuận khổng lồ từ những hợp đồng “dưới gầm bàn” thoả thuận với các công ty hợp pháp. Các trung gian môi giới này có thể cung cấp cho các công ty những hợp đồng xử lý rác thải với giá hết sức thấp. Đây lại là món hàng lợi nhuận cực kỳ cao vì các dòng tộc Camorra không hề tốn hay chỉ tốn rất ít chi phí. Theo tác giả Roberto Saviano, mafia Camorra thuê trẻ em vận chuyển rác với giá cực kỳ rẻ và trẻ em lại không hề ta thán vì những nguy cơ sức khoẻ như là các tài xế xe tải lớn tuổi.
Tính đến 2007, khu vực này không còn một bãi rác nào có thể phục vụ cộng đồng và không thể tìm ra nơi thải rác thay thế. Cùng với các quan chức tham nhũng địa phương và những nhà công nghiệp vô lương tâm khắp nước Ý, tổ chức Camorra đã tạo ra một liên minh ma quỷ mà cho tới nay các cơ quan công lực vẫn phải vất vả đương đầu.
Nỗ lực bền bỉ
Bất chấp vấn đề nan giải khi những chiếc vòi bạch tuộc của Camorra đã luồn lõi và kiểm soát nhiều tầng lớp xã hội, cảnh sát Ý vẫn không ngừng phối hợp với Europol và Interpol để tiêu diệt mafia ở cả cấp độ quốc gia và quốc tế. Các lực lượng quân cảnh và cảnh sát kinh tế cũng tiến hành nhiều chiến dịch chống các hoạt động tội ác trong các lãnh vực thuế quan, kiểm soát biên giới và rửa tiền.
Năm 1998, cảnh sát Ý bắt được một nhân vật hàng đầu của tổ chức mafia Camorra: Francesco Schiavone. Tên trùm này bị bắt khi đang ẩn náu trong phòng bí mật sau một bức tường trượt bằng đá cẩm thạch trong một căn hộ ở Naples. Schiavone hiện đang lãnh án chung thân với hàng loạt tội danh bao gồm buôn lậu, tấn công bằng bom, cướp có vũ trang và giết người. Năm 2011, một tên trùm Camorra khác bị bắt sau 16 năm trốn tránh cảnh sát: Michele Zagaria. Hắn cũng bị bắt khi đang trốn trong một căn hầm bí mật ở Casapesenna, ngoại ô Naples.
Những chiến công đó đã khiến Gennaro Monaco, Cục trưởng Cảnh sát hình sự Ý hài lòng và gọi là “những kết quả ấn tượng” chống mafia Camorra trong những năm qua. Những chiếc vòi bạch tuộc tội ác không thể ngang nhiên tung hoành bất chấp pháp luật. Tuy nhiên, đó chỉ là những tiến triển chậm chạp và những chiến công nói trên cũng chưa có tác động gì để nới lỏng những mối cương toả chằng chịt mà con bạch tuộc Camorra đang khống chế thành phố biển Naples. Và những chiếc vòi mà mafia Ý cắm ở nước ngoài vẫn không thể chặt đứt lìa.
Kỳ tới: Khi mafia đã trở thành một thế lực kinh tế chiếm tới 7% GDP của nước Ý thì chống mafia là cuộc chiến không cân sức.
Trần Đức Tài (lượt dịch)