Hoạt động của các tổ chức mafia Ý đã chiếm tới 7% GDP của nước Ý, nhưng chỉ riêng tổ chức Ndrangheta ở Calabria đã chiếm đến 3,5%. Mafia Ndrangheta đang mạnh lên trong những năm gần đây ở Rosarno và đương đầu với cả mạng lưới tội ác này là một phụ nữ.
[links()]Hoạt động của các tổ chức mafia Ý đã chiếm tới 7% GDP của nước Ý, nhưng chỉ riêng tổ chức Ndrangheta ở Calabria đã chiếm đến 3,5%. Mafia Ndrangheta đang mạnh lên trong những năm gần đây ở Rosarno và đương đầu với cả mạng lưới tội ác này là một phụ nữ.
Các cơ quan công lực Calabria đã ráo riết điều tra và tiêu trừ các băng nhóm mafia Ndrangheta trong những năm gần đây. Năm 2008, họ đặt máy nghe trộm trong một tiệm giặt ủi ở Rosarno và ghi được đối thoại giữa Domenico Oppedisano, một trùm tội ác, với một nghi can mafia khác. Theo băng ghi âm này, Oppedisano đã nói trong thành phố Rosarno chỉ có không tới 15.000 dân này, số lượng thành viên mafia đã là 250 tên.
Khi bị bắt, Oppedisano đã 82 tuổi. Hắn chính là “ông trùm của các ông trùm” của tổ chức Ndrangheta với 150 dòng tộc. Oppedisano lãnh bản án 10 năm tù giam với tội danh “thành viên mafia” – một tội hình sự ở Ý. Dù ngồi tù, Oppedisano vẫn một mực không nhận tội và vẫn tiếp tục kháng cáo.
Bà Elisabetta Tripodi trở thành nhân vật của báo chí Ý khi đắc cử chức thị trưởng Rosarno và sau đó chỉ huy hàng loạt chiến dịch truy bắt mafia |
Nữ thị trưởng can trường
Tháng 10.2012, sau nhiều tháng điều tra từ chính quyền trung ương, toàn bộ Hội đồng thành phố Reggio, thủ phủ của tỉnh Calabria, đứng đầu là thị trưởng Demetrio Arena bị giải tán vì những nghi vấn cấu kết với mafia Ndrangheta. Arena cùng 30 ủy viên hội đồng bị sa thải khỏi guồng máy công quyền để ngăn ngừa mọi “mầm mống mafia” trong chính quyền địa phương. Đây là lần đầu tiên toàn bộ chính quyền của một thủ phủ bị bãi nhiệm. Ba người điều hành do trung ương bổ nhiệm sẽ tạm thời cầm quyền Reggio trong vòng 18 tháng để chờ đợt bầu cử tới.
Ở Rosarno cũng diễn ra điều tương tự từ trước. Quyết định từ Rome cũng đã giải tán toàn bộ hội đồng thành phố ở đây vì những quan hệ mật thiết với tổ chức mafia Ndrangheta. Đắc cử vào vai trò thị trưởng mới của Reggio trong năm 2010 là một phụ nữ, Elisabetta Tripodi, người trước đây chỉ là một thư ký ở tòa thị chính.
Trả lời hãng tin Reuters về lý do đảm nhận cương vị khó khăn này, bà Tripodi nói: “Tôi không muốn Rosarno mang tai tiếng là một thành phố của bè lũ gangster và phân biệt chủng tộc”. Ngoài chuyện kiệt quệ vì mafia, hình ảnh thành phố này còn bị hoen ố vì những xung đột đầy bạo lực giữa dân địa phương và công nhân nhập cư từ châu Phi vào tháng 1.2010.
Từ khi giữ chức thị trưởng, bà Tripodi đã giữ vững lập trường chưa từng có tiền lệ ở Rosarno: tiêu diệt tận gốc bè lũ mafia Ndrangheta. Bà đã điều phối truy bắt bằng được tên trùm Francesco Pesce, biệt danh “Đầu Mập”, và đưa hắn ra tòa. Pesce “Đầu Mập” lãnh án 20 năm cấm cố trong một nhà tù canh phòng cực kỳ nghiêm ngặt với tội danh buôn lậu và hoạt động mafia.
Để trả đũa, tổ chức Ndrangheta phá hoại nhiều tài sản công cộng của thành phố và thường xuyên gửi cho bà Tripody những lá thư hăm dọa. không hề sợ hãi. Người phụ nữ đã có hai con này nói: “Những lời đe dọa này càng làm chúng tôi thêm tin rằng mình đã đi đúng đường. Bởi vì nó có nghĩa là những gì chúng tôi đang làm đã khiến bọn chúng lo ngại”.
Thách thức công lý
Cho đến năm 1975, tổ chức Ndrangheta chỉ các hoạt động nội địa ở Calabria, chủ yếu là tống tiền. Sau đó các băng nhóm này bắt đầu mở rộng địa bàn lên phía bắc nước Ý và bắt cóc những người giàu có để đòi tiền chuộc. Đến những năm 1990, Ndrangheta đầu tư vào ngành kinh doanh ma túy quốc tế, chủ yếu là nhập khẩu cocaine từ Colombia.
Tổ chức rất tích cực phát triển các vệ tinh ở ngoài nước Ý, chủ yếu qua con đường di dân. Báo cáo của Interpol cho biết mạng lưới Ndrangheta đã hoạt động ở Đức, Bỉ, Hà Lan, Pháp, Đông Âu, Mỹ, Canada và Úc. Nhiều thẩm phán ở Calabria từ mấy năm trước đã báo động về quy mô quốc tế của các hoạt động mafia do tổ chức Ndrangheta kiểm soát. Người ta cho rằng quyền lực của Ndrangheta bây giờ đã lớn mạnh hơn trục liên kết truyền thống giữa mafia Sicily và mafia Mỹ La Cosda Nostra. Tổ chức Ndrangheta đã trở thành nguồn nhập khẩu cocaine chính cho cả châu Âu.
Số liệu của các cơ quan công lực Ý ước tính là đến năm 2007, tổng thu nhập hàng năm của tổ chức Ndrangheta vào khoảng 35-40 tỷ Euro (khoảng 50-60 tỷ USD), chiếm khoảng 3,5% GDP của nước Ý. Tổ chức Ndrangheta kiểm soát toàn bộ nền kinh tế và chính quyền cùng các đảng phái ở Calabria.
Không chỉ chi phối chính trị ở Calabria, Ndrangheta còn dùng tiền và bạo lực để thao túng chính quyền ở các địa phương khác. Tháng 10.2012, Domenico Zambetti, một ủy viên hội đồng thành phố Milan, đã bị bắt giữ với cáo buộc ông này đã chi cho tổ chức Ndrangheta 200.000 Euro để được đắc cử vào hội đồng và giành được nhiều hợp đồng xây dựng công trình cho hội chợ quốc tế World Expo 2015 sẽ tổ chức ở Milan. Những điều tra về thao túng chính trị của Ndrangheta còn cho thấy chiếc vòi bạch tuộc của Ndrangheta vươn tới thành phố Lombardy. Vụ bắt giữ Zambetti ở Milan là màn thao túng chính trị cấp cao nhất được biết tới do tổ chức Ndrangheta chi phối ở miền bắc Ý. Vụ này cũng đánh động tới chính quyền Lombardy và ngay sau khi Zambetti bị bắt thì thị trưởng thành phố này là Roberto Formigoni cũng hấp tấp xin từ chức vì “lý do sức khỏe”.
“Hãy giết hết chúng tôi đi!”
Với quyền lực của Ndrangheta, mọi hành động chống mafia ở Calabria đều là những nỗ lực sớm bị dập tắt bằng bạo lực. Một trong những nạn nhân là Francesco Fortugno. Vốn là bác sĩ, ông đắc cử phó chủ tịch nghị viện Calabria. Fortugno nổi tiếng vì những lời kêu gọi thanh niên Calabria chống lại tổ chức Ndrangheta.
Ngày 16.10.2005, Fortugno bị sát hại bằng năm viên đạn trước mắt hàng chục người qua lại trong khi ông đang bỏ phiếu cho cuộc bầu cử hiệp thương các đảng phái trung tả. Những sát thủ đeo mặt nạ trùm kín bình thản đi bộ qua lối ra của phòng bầu cử nơi có một chiếc ô-tô chờ sẵn đón chúng.
Cái chết của Fortugno đã khiến thanh niên và sinh viên Calabria phẫn nộ xuống đường tuần hành phản đối. Họ giương biểu ngữ mang dòng chữ “Ammazzateci tutti!” (Hãy giết hết chúng tôi đi!) để tỏ thái độ chống đối mafia. Làn sóng phẫn nộ lan rộng trong công chúng khiến chính quyền trung ương phải nỗ lực mở nhiều chiến dịch tấn công vào các mạng lưới Ndrangheta ở Calabria và thanh lọc chính quyền địa phương.
Cái chết của Fortugno không làm cho bà thị trưởng Tripodi e ngại. Bà tin vào lý tưởng chống mafia của mình và tin vào sự ủng hộ của dân chúng. Bà sống và làm việc với sự bảo vệ túc trực của cảnh sát 24/24 giờ. Ngay cả văn phòng của bà trong tòa thị chính, bức tường phía sau bàn làm việc của bà cũng được bọc thép để bảo vệ bà chống lại súng đạn và chất nổ.
“Các cận vệ luôn ở bên tôi suốt 14 tháng nay. Mọi thứ trong cuộc sống của tôi đều thay đổi,” – bà thị trưởng can trường nói. Người dân Rosarno càng yêu quý và kính trọng bà Tripodi hơn vì họ biết bà còn có hai con trai 12 và 16 tuổi. Trong khi bà mẹ cống hiến hết thời gian cho công cuộc chống mafia thì hai người con chỉ ao ước duy nhất một điều: “Hy vọng rằng mẹ chỉ làm thị trưởng một nhiệm kỳ thôi và không bị giết trước khi nhiệm kỳ kết thúc”.
Trần Đức Tài (lượt dịch)