Bí mật các thiên đường trốn thuế

03:04, 24/04/2013

Từ đầu tháng 4 vừa qua, việc Bộ trưởng Ngân sách Pháp Jérôme Cahuzac thú nhận sở hữu một tài khoản ở nước ngoài từ hơn 20 năm nay đang làm cho chính trường Pháp không ngừng biến động. Uy tín của chính phủ và bản thân Tổng thống Pháp François Hollande bị phương hại nghiêm trọng. Tất cả bắt nguồn từ nỗ lực toàn cầu mang tên “OffshoreLeaks” của 86 nhà báo tham gia Liên minh Quốc tế các Nhà báo Điều tra.

Từ đầu tháng 4 vừa qua, việc Bộ trưởng Ngân sách Pháp Jérôme Cahuzac thú nhận sở hữu một tài khoản ở nước ngoài từ hơn 20 năm nay đang làm cho chính trường Pháp không ngừng biến động. Uy tín của chính phủ và bản thân Tổng thống Pháp François Hollande bị phương hại nghiêm trọng. Tất cả bắt nguồn từ nỗ lực toàn cầu mang tên “OffshoreLeaks” của 86 nhà báo tham gia Liên minh Quốc tế các Nhà báo Điều tra.

Bộ trưởng Ngân sách Pháp Jérôme Cahuzac buộc phải từ chức vì đã có tài khoản bí mật trong một ngân hàng Thụy Sĩ và hiện đang bị điều tra vì tội trốn thuế
Bộ trưởng Ngân sách Pháp Jérôme Cahuzac buộc phải từ chức vì đã có tài khoản bí mật trong một ngân hàng Thụy Sĩ và hiện đang bị điều tra vì tội trốn thuế


Kỳ 1: Hồ sơ OffshoreLeaks

“Quả bom Cahuzac”, theo cách gọi của báo chí Pháp, đặt lại vấn đề đạo đức trong giới chính khách. Bên cạnh đó, vấn đề chống trốn thuế cũng là một câu hỏi hóc búa. Nhật báo L’Humanité tố cáo sự thông đồng giữa tiền bạc và chính trị. Theo tờ báo này, hàng năm Pháp thất thu đến 40 tỷ euro do nạn trốn thuế. Biến động chính trường ở Pháp chỉ là khúc dạo đầu.

Từ đầu tháng 4, nhiều tờ báo lớn Âu-Mỹ đồng loạt tung ra những bài điều tra về các mưu đồ rửa tiền thông qua hình thức trốn thuế ở các lãnh thổ xa khuất tầm kiểm soát của cơ quan chức trách quốc tế. “Quả bom Cahuzac” trở thành xì-căng-đan tài chánh mang tên “OffshoreLeaks” nổ tung thế giới tài chính-ngân hàng.

Trốn thuế “xa bờ”

“OffshoreLeaks” là hồ sơ lật tẩy 120.000 tài khoản kếch sù của những công ty bình phong đăng ký ở các ngân hàng xa xôi – thường là các hòn đảo hoặc đảo quốc như quần đảo Virgin giữa biển Carribe và Đại Tây Dương với chủ quyền lãnh thổ được phân chia giữa hai nước Mỹ và Anh, quần đảo Cayman ở vùng biển Carribe thuộc Anh, hay đảo quốc Singapore của khu vực Đông Nam Á.

Hoạt động điều tra này bắt nguồn từ một tổ chức báo chí phi lợi nhuận ở Washington DC, Mỹ – Liên minh Quốc tế các Nhà báo Điều tra (International Consortium of Investigative Journalists – ICIJ). Tổ chức này đã lưu trữ được 2,5 triệu hồ sơ mật về tài sản ký gửi ở các ngân hàng “xa bờ” của nhiều cá nhân và pháp nhân từ 170 quốc gia và vùng lãnh thổ. Số thông tin đó được thu thập từ các cựu nhân viên của hai doanh nghiệp chuyên cung cấp dịch vụ tài chính là Portcullis TrustNet và Commonwealth Trust Limited. Đây là nơi lưu trữ các nguồn thông tin tài chính mật của hàng trăm nghìn tập đoàn được thành lập vào cuối thập niên 90 và trong suốt thập niên 2000 tại các thiên đường trốn thuế.

Để có thể hoàn tất kho dữ liệu “tài khoản xa bờ” khổng lồ có tên gọi là Offshore Main Entity Tables (OMET), Liên minh ICIJ đã mất hơn 15 tháng điều tra và tổng hợp. Các hãng thông tấn có thể tiếp cận cơ sở dữ liệu này nhờ mật mã dành riêng cho mỗi hãng. Tại đây, báo giới có thể tìm thấy các dữ liệu dưới dạng Word, Excel hay PDF bao gồm: các thư điện tử trao đổi giữa các doanh nghiệp Portcullis TrustNet và Commonwealth Trust Limited và các luật sư từ nhiều quốc gia khác nhau, địa chỉ liên lạc của luật sư riêng của khách hàng, chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, các hoạt động giao dịch và các loại giấy tờ cá nhân…

Liên minh ICIJ ước tính từ 21 đến 31 nghìn tỷ đô-la đã được cất giấu ở các ngân hàng hẻo lánh, nơi được hưởng thuế suất ưu đãi rất lớn so với mức thuế chính quốc. Tổng số tiền này tương đương giá trị của cả hai nền kinh tế Mỹ và Nhật hợp lại. Với 86 nhà báo từ 46 nước đã tham gia vào cuộc điều tra của ICIJ, bao gồm nhà báo của các cơ quan thông tấn lớn như BBC và The Guardian của Anh, Washington Post của Mỹ, Le Monde của Pháp, SonntagsZeitung của Thụy Sĩ và Süddeutsche Zeitung của Đức.

Núi tài liệu mật

Chiến dịch OffshoreLeaks có quy mô lớn gấp trăm lần so với vụ rò rỉ thông tin ngoại giao của WikiLeaks năm 2010. Lượng thông tin thu thập được lưu trữ trong máy vi tính chiếm đến 260 GB. Các phóng viên điều tra phải mày mò tìm kiếm các thông tin chính xác, thường được mã hóa, về nhân thân các nhà quản lý và các cổ đông của các tập đoàn được thiết lập trên các thiên đường thuế như các quần đảo Virgin, Cayman, Cook, hay tại các đảo quốc Samoa và Singapore.

Từ hồ sơ OffshoreLeaks, báo Le Monde mô tả cặn kẽ làm cách nào lấy được danh sách 130 công dân Pháp trốn thuế, trong đó có tên ông cựu Bộ trưởng Ngân sách vừa từ chức và người quản lý tài chính chiến dịch vận động tranh cử tổng thống của ông Francois Hollande năm 2012. Theo tờ Le Monde, thường thì các thông tin mà các chính phủ hay các cơ quan thuế nhận được chỉ là những mẩu thông tin vụn vặt. Các dấu hiệu cho thấy việc truy tìm các tài khoản không kê khai ở nước ngoài thường vấp phải bí mật ngân hàng. Với khối lượng thông tin khổng lồ như một đám rừng rậm, các phóng viên điều tra thuộc các hãng thông tấn lớn trên toàn cầu, đồng thời cũng là cộng tác viên của ICIJ, cũng liên tục gặp nhiều khó khăn.

Các tài liệu của vụ Wikileaks trước đây đều dựa vào nguồn thông tin của các đại sứ quán, những mẩu trao đổi bằng thư điện tử…, nên nhìn chung là những tài liệu hiển nhiên, rõ ràng, có thể khai thác ngay tức thì. Nhưng với OffshoreLeaks thì khác. Công tác điều tra dữ liệu của ICIJ đòi hỏi rất nhiều công đoạn như phải được giải mã, so sánh, kết hợp, phân tích. Các phóng viên phải trải qua hàng giờ trước màn ảnh vi tính trước khi có thể bắt đầu nghiệp vụ công tác điều tra báo chí: tìm hiểu các doanh nghiệp và các cá nhân khác nhau, sau đó gọi điện thoại, xin hẹn…

Chỉ riêng với tờ Le Monde, để dò tìm ra danh sách các công dân Pháp trốn thuế, tác giả bài điều tra cùng với một nữ đồng nghiệp Tây Ban Nha đã phải cùng nhau làm việc suốt ba ngày ba đêm. Do khối lượng thông tin to lớn, hai nhà báo này phải mất nhiều thời gian để sàng lọc những thông tin họ cần trong trùng trùng thông tin từ 120.000 thông tin tài khoản cá nhân và pháp nhân, cùng danh tánh của 140.000 người đã từng có những giao dịch chuyển khoản lớn đến các thiên đường thuế xa bờ này.

Phối hợp của báo chí quốc tế tham gia điều tra cùng ICIJ lần lượt lôi ra tên nhiều chính khách, người nổi tiếng, trùm buôn vũ khí, tài phiệt cùng nhiều thành phần khác. Nếu như tờ Le Monde của Pháp lần ra danh sách 130 người Pháp thì các báo SonntagsZeitung và Süddeutsche Zeitung của Thụy Sĩ và Đức hợp tác với ICIJ cũng tổng hợp được danh sách hàng trăm công dân nước này.

Kỳ tới: Những điều tra của hồ sơ OffshoreLeaks đã tiết lộ đường đi của những đồng tiền bẩn.

HOÀNG THẢO