Mộc bản triều Nguyễn là một dạng tài liệu đặc biệt được khắc trên gỗ dùng để nhân bản tài liệu. Ngày 30 tháng 7 năm 2009, mộc bản triều Nguyễn đã được đưa vào chương trình “Ký ức thế giới” và được UNESCO công nhận là di sản tư liệu của nhân loại...
Mộc bản triều Nguyễn là một dạng tài liệu đặc biệt được khắc trên gỗ dùng để nhân bản tài liệu. Ngày 30 tháng 7 năm 2009, mộc bản triều Nguyễn đã được đưa vào chương trình “Ký ức thế giới” và được UNESCO công nhận là di sản tư liệu của nhân loại. Đây là di sản đầu tiên của Việt Nam được công nhận là di sản tư liệu thế giới. Đó là niềm tự hào không của riêng ai mà là của toàn thể dân tộc. Khối mộc bản triều Nguyễn đang bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV (Đà Lạt) có nội dung rất phong phú thể hiện nhiều mặt trong cuộc sống xã hội triều Nguyễn cũng như các triều đại khác. Mộc bản triều Nguyễn có tính chân thật lịch sử, là nguồn tư liệu đáng tin cậy. Trong 34.619 tấm mộc bản, chúng tôi xin đề cập bản khắc bài “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi trong khối tài liệu này.
Bản gốc và bản dập mộc bản triều Nguyễn bài “Bình Ngô đại cáo” |
Nguyễn Trãi là một công thần của triều hậu Lê. Sau khi cuộc kháng chiến chống quân Minh (1418 - 1427) mà đỉnh cao là cuộc khởi nghĩa Lam Sơn dưới sự chỉ đạo của Lê Lợi toàn thắng, Nguyễn Trãi đã thay mặt cho Lê Lợi viết bài “Bình Ngô đại cáo” để thông báo cho toàn thể nhân dân và các nước lân bang được biết. Hiện bản khắc bài “Bình Ngô đại cáo” đang được bảo quản cẩn thận.
Bài “Bình Ngô đại cáo” trong mộc bản triều Nguyễn thuộc chủ đề lịch sử, nằm trong bộ sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, tập 10, nói về thời vua Lê Thái Tổ (tức Lê Lợi). “Đại Việt sử ký toàn thư” là một bộ sách lịch sử nổi tiếng vẫn còn giá trị to lớn cho đến ngày hôm nay. Bản khắc bài “Bình Ngô đại cáo” vẫn còn tình trạng vật lý tốt và còn rất rõ ràng. “Bình Ngô đại cáo” là bài cáo mà Nguyễn Trãi viết bằng chữ Hán vào mùa xuân năm 1428, thay lời Bình Định vương Lê Lợi để tuyên cáo kết thúc cuộc kháng chiến chống quân Minh, giành lại độc lập cho Đại Việt. Về mặt văn chương, tác phẩm được hậu thế rất thán phục và được coi là áng thiên cổ hùng văn. Có nhiều ý kiến cho rằng: đây được coi là bản tuyên ngôn độc lập thứ 2 của Việt Nam (sau bài thơ Nam quốc sơn hà của Lý Thường Kiệt và trước bản Tuyên ngôn độc lập năm 1945 của Chủ tịch Hồ Chí Minh). Bài cáo gồm có 4 phần. Phần 1: Nêu Luận đề chính nghĩa. Phần 2: Tố cáo tội ác, vạch trần âm mưu xâm lược Đại Việt của giặc. Phần 3: Quá trình chinh phạt gian khổ và tất thắng của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Phần 4: Bài học lịch sử và khẳng định chính nghĩa sẽ thắng phi nghĩa.
Bản khắc trong mộc bản triều Nguyễn là bản khắc có niên đại lâu nhất của bài “Bình Ngô đại cáo” còn lại đến nay, vì “Đại Việt sử ký toàn thư” ra đời từ triều hậu Lê nhiều khả năng những ván khắc bộ sách này được nhà Nguyễn cho chuyển từ Quốc tử giám ngoài Thăng Long về kinh đô Phú Xuân (Huế ngày nay) dưới hai triều vua Minh Mạng và Thiệu Trị, hoặc được nhà Nguyễn cho khắc lại nguyên văn. Bên cạnh đó, bản khắc bài “Bình Ngô đại cáo” còn có ý nghĩa trọng đại vì nó như là một bản tuyên ngôn độc lập của đất nước vẫn còn nguyên giá trị. Từ trước đến nay hầu hết mọi người chỉ biết đến bài thơ này qua chương trình học phổ thông và đại học, nhưng nay khi đến Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV sẽ được nhìn tận mắt bản khắc độc đáo bài cáo này. Đó là điều sẽ thu hút được những người quan tâm vấn đề này đến tìm hiểu nghiên cứu. Không những vậy, khi được chiêm ngưỡng bản khắc “Bình Ngô đại cáo” mới thấy được sự tỉ mỉ và cầu kỳ của những người thợ khắc mộc bản, mỗi chữ khắc trên mộc bản như chứa đựng tâm huyết của họ. Bản khắc bài “Bình Ngô đại cáo” trong mộc bản triều Nguyễn không chỉ là một tài liệu quý mà còn là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo.
Lê Khắc Niên