Kỳ 2: 15 tháng điều tra

03:05, 01/05/2013

Các tài phiệt Nga và con gái các nhà độc tài thường thích uỷ thác tài sản ở quần đảo Virgin thuộc Anh. Các ông hoàng và người nổi tiếng có vẻ lại thích cất giữ tiền ở các ngân hàng quần đảo Cook. Để trốn thuế, họ tạo ra những công ty ma với những cái tên tưởng tượng như Tantris, Moon Crystal và Sequoia.

[links()]Các tài phiệt Nga và con gái các nhà độc tài thường thích uỷ thác tài sản ở quần đảo Virgin thuộc Anh. Các ông hoàng và người nổi tiếng có vẻ lại thích cất giữ tiền ở các ngân hàng quần đảo Cook. Để trốn thuế, họ tạo ra những công ty ma với những cái tên tưởng tượng như Tantris, Moon Crystal và Sequoia.

Đó chỉ là vài chi tiết trong chiến dịch báo chí điều tra “OffshoreLeaks” đang gây chấn động của Liên minh Quốc tế các Nhà báo Điều tra (International Consortium of Investigative Journalists – ICIJ). Gerard Ryle, giám đốc ICIJ trả lời phỏng vấn tờ Der Spiegel của Đức: “Cuộc điều tra này đã vén màn các hệ thống ngân hàng xa khuất và cung cấp một cái nhìn minh bạch vào thế giới bí mật của các thiên đường trốn thuế cùng những cá nhân và công ty đang hưởng lợi từ chúng. Chúng ta đã biết những dịch vụ vốn bí mật và khó tiếp cận như thế nào nhưng mức độ sâu rộng của chúng khiến ai cũng kinh ngạc”.

Website của Liên minh Quốc tế các Nhà báo Điều tra (ICIJ) công bố hồ sơ “OffshoreLeaks” lật tẩy 120.000 tài khoản kếch sù của những cá nhân và công ty trốn thuế
Website của Liên minh Quốc tế các Nhà báo Điều tra (ICIJ) công bố hồ sơ “OffshoreLeaks” lật tẩy 120.000 tài khoản kếch sù của những cá nhân và công ty trốn thuế


Cỗ máy giặt tiền

Không kể các cá nhân, những đối tượng rửa tiền nằm trong bốn nhóm chính: các công ty đa quốc gia có hoạt động lừa đảo; các chính phủ tham nhũng cùng các chính khách nhận hối lộ; các tổ chức tội ác chuyên buôn bán ma tuý, vũ khí cùng các loại hàng hoá phi pháp khác; và các tổ chức khủng bố. Quy trình rửa tiền chia thành ba giai đoạn:

Đầu tiên là đặt tiền. Ở giai đoạn này, đối tượng rửa tiền đưa tiền bẩn vào các định chế tài chánh hợp pháp thông qua các tài khoản tiền mặt gửi vào ngân hàng. Đây cũng là giai đoạn rủi ro nhất của quy trình rửa tiền vì các lượng tiền mặt lớn đều dễ gây chú ý và các ngân hàng đều được yêu cầu báo cáo những giao dịch giá trị lớn. Tại Mỹ, với các giao dịch trị giá lớn hơn 10.000 USD, ngân hàng phải báo cáo với chính quyền. Do đó, số lượng tiền bẩn lớn thường được chia nhỏ ra dưới mức 10.000 USD để tránh nghi ngờ. Tiền sau đó sẽ được gửi vào một hay nhiều tài khoản do nhiều người chuyển tiền khác nhau hay do một người duy nhất chuyển từ suốt một thời gian dài.

Giai đoạn kế tiếp là phân tán. Thông qua đủ mọi cách giao dịch tài chánh, tiền bẩn sẽ thay đổi hình thức để khó theo dấu. Việc phân tán có thể bao gồm nhiều giao dịch chuyển khoản giữa các ngân hàng, điện chuyển tiền giữa các tài khoản khác nhau với tên chủ tài khoản khác nhau ở nhiều quốc gia, gửi và rút tiền để liên tục thay đổi lượng tiền trong tài khoản, đổi sang ngoại tệ, và mua những món hàng trị giá cao (du thuyền, bất động sản, ô-tô, kim cương, tác phẩm mỹ thuật…) để thay đổi hình thức đồng tiền. Đây là giai đoạn phức tạp nhất trong quy trình rửa tiền. Tất cả chỉ nhằm làm sao cho càng khó dò ra nguồn gốc mờ ám của số tiền càng tốt.

Cuối cùng là hợp nhất. Ở giai đoạn này, số tiền phi pháp sẽ được đưa nền kinh tế qua những hình thức giao dịch hợp pháp. Đó có thể là một chuyển khoản cuối cùng vào tài khoản của một doanh nghiệp địa phương mà đối tượng rửa tiền đang “đầu tư” để đổi lại một phần chia lợi nhuận, hay bán lại chiếc du thuyền đã mua trong giai đoạn phân tán… Ở giai đoạn này, đối tượng tội phạm có thể sử dụng số tiền phi pháp ấy vì không có gì chứng minh nguồn gốc mờ ám của chúng được nữa. Tiền đã qua máy giặt!

Những tiết lộ choáng váng!

Các nhà điều tra và các chính phủ lâu nay đã từng theo dõi dòng tiền khổng lồ tuôn chảy ra nước ngoài ở các nhân hàng xa khuất – cả hợp pháp lẫn bất hợp pháp. Ở Đức, nhiều tranh cãi gay gắt đã nổ ra trong chính quyền những năm gần đây quanh việc mua lại các đĩa CD chứa dữ liệu về những người trốn thuế. Với các luật về bí mật tài chánh, Thuỵ Sĩ cũng thường bị chỉ trích là đã tạo ra môi trường thuận lợi cho việc trốn thuế. Trong những thảo luận quanh việc cung cấp cho đảo quốc Cyprus – một thành viên khu vực đồng Euro – một gói viện trợ giải nguy, vấn đề trốn thuế cũng gây nóng bỏng.

Hơn 250 GB tài liệu của OffshoreLeaks chứa các thông tin giao dịch ngân hàng suốt một thời gian gần 30 năm. OffshoreLeaks phanh phui hết các con số và dữ kiện, các giao dịch chuyển khoản, ngày tháng thiết lập các hộp thư giao dịch của nhiều công ty và mối liên kết giữa các công ty và cá nhân. Arthur Cockfield, giáo sư luật học ở Đại học Queen's University, Canada, khi trả lời phỏng vấn trên phát thanh quốc gia CBC, đã bàng hoàng: “Tôi chưa bao giờ thấy bất cứ tài liệu tài chính nào đồ sộ đến thế. Thế giới bí mật này cuối cùng cũng bị vạch trần”.

Danh sách những người trốn thuế của điều tra OffshoreLeaks cũng dài dằng dặc và đa dạng. Liên ICIJ cho biết danh sách này bao gồm danh tánh nhiều quan chức chính quyền và gia quyến ở nhiều nơi như Pakistan, Azerbaijan, Thái Lan và Canada. Danh sách này có cả nhiều bác sĩ và nha sĩ Mỹ cũng như nhiều thành phần trung lưu Hy Lạp, những kẻ lừa đảo chứng khoán ở Wall Street, các tỷ phú Đông Âu và Indonesia, giám đốc nhiều công ty Nga, các tên trùm buôn vũ khí quốc tế và cả một công ty bình phong mà khối Liên minh châu Âu xem là một mắt xích quan trọng trong chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của Iran.

Ước tính của Liên minh ICIJ lại đưa ra con số từ 21 đến 31 ngàn tỉ đô-la đã được tẩy rửa trong mạng lưới ngân hàng hẻo lánh chằng chịt khắp thế giới. Theo công bố của ICIJ: “Một ngành công nghiệp thu nhập cao dành cho các nhân viên kế toán, người trung gian và những người làm dịch vụ liên quan đã giúp những chủ tài khoản ở các ngân hàng hẻo lánh che giấu nhân thân và lợi ích kinh tế, tạo điều kiện rửa sạch nguồn gốc tội ác của đồng tiền và nhiều thủ đoạn tài chánh mờ ám”.
 
Điều tra của ICIJ nêu đích danh nhiều ngân hàng hàng đầu thế giới, bao gồm UBS và Clariden của Thuỵ Sĩ và Deutsche Bank của Đức, đã tích cực giới thiệu cho thân chủ các công ty bí mật ở quần đảo Virgin thuộc Anh cùng nhiều ngân hàng cất giấu hẻo lánh khác.

Kỳ tới: Những luật định bảo mật danh tánh chủ tài khoản đã biến các quần đảo xa bờ thành những “hải tặc tài chính” như thế nào?

HOÀNG THẢO