Kỳ 3: Thế giới tiền mờ ảo

03:05, 08/05/2013

Hàng nghìn tỉ đô-la trong các tài khoản ngân hàng kín đáo xuất phát từ Bắc Mỹ, châu Âu và gần đây từ thế giới thứ ba và những nền kinh tế mới nổi. Trước đây, số thiên đường trốn thuế chỉ có thể đếm được trên đầu ngón tay giờ đã tăng lên tới 60, 70 hay thậm chí nhiều hơn.

[links(right)]Hàng nghìn tỉ đô-la trong các tài khoản ngân hàng kín đáo xuất phát từ Bắc Mỹ, châu Âu và gần đây từ thế giới thứ ba và những nền kinh tế mới nổi. Trước đây, số thiên đường trốn thuế chỉ có thể đếm được trên đầu ngón tay giờ đã tăng lên tới 60, 70 hay thậm chí nhiều hơn.

Nhiều tài phiệt Nga quản lý các công ty của họ thông qua các đại diện ở những nước hẻo lánh, trong khi nhiều công dân các nước Nam Âu dùng các tài khoản “xa bờ” để bảo toàn tài sản của họ khỏi bị thiệt hại vì sự sụp đổ của đồng euro - và để trốn thuế. Nhưng không chỉ có những người trốn thuế mới sử dụng những dịch vụ kín đáo này.

Quần đảo Virgin thuộc Anh chỉ trong 20 năm đã trở thành một khu vực có thế lực nhất thế giới nhờ những chính sách ưu đãi thuế và bí mật tài chính
Quần đảo Virgin thuộc Anh chỉ trong 20 năm đã trở thành một khu vực có thế lực nhất thế giới nhờ những chính sách ưu đãi thuế và bí mật tài chính


NHỮNG “HẢI TẶC TÀI CHÍNH”

Các quần đảo ở vùng biển Carribe như Virgin thuộc Anh, Belize và Cayman, quần đảo Marshall ở bắc Thái Bình Dương hay đảo Cyprus ở đông Địa Trung Hải là những vùng đất nghèo kiệt. Mọi chuyện thay đổi khi những nơi này bắt đầu thay đổi chính sách tài chính. Những nơi này quyết định không đánh thuế hoặc mức thuế cực thấp trên lượng tiền từ nước ngoài chuyển tới đây, đồng thời bảo đảm bí mật danh tánh cho các chủ nhân tài sản thông qua các cơ chế thành lập công ty. Đổi lại, những nơi này sẽ thu phí từ các công ty danh nghĩa này.

Sau khi áp dụng luật bảo đảm bí mật các giao dịch tài chính vào năm 1994, quần đảo Virgin thuộc Anh chỉ trong vòng chưa đầy 20 năm đã tự chuyển biến thành một trong những khu vực có thế lực nhất thế giới. Trong năm 2010, ở đây có 59.000 công ty mới đăng ký. Tính đến tháng 9.2011, quần đảo này có 457.000 công ty đang hoạt động trên lý thuyết trong khi dân số ở đây chỉ có 28.000 người. Bình quân cứ 1 người dân là có 16 công ty!

Các công ty uỷ thác và các hãng tư vấn luật khắp thế giới đã giúp sức tạo ra các công ty “hoạt động xa bờ” này. Trong số các nhà uỷ thác và tư vấn này có Portcullis Trustnet ở quần đảo Cook và Commonwealth Trust Limited, và chính 2,5 triệu hồ sơ mật từ các cựu nhân viên ở hai công ty này đã làm bùng nổ xì-căng-đan OffshoreLeaks. Mục tiêu kinh doanh của những công ty như thế là thiết lập những nguồn quỹ uỷ thác và công ty bình phong cho các thân chủ thế lực. Nhưng thay vì đứng tên chủ sở hữu, những người trốn thuế sử dụng những người đại diện mang danh nghĩa cổ đông và giám đốc. Những cam kết pháp lý giữa hai bên sẽ bảo đảm cho nguồn quỹ uỷ thác sẽ được quản lý vì lợi ích của thân chủ.

Nguồn tiền từ tội ác và ma tuý cũng được cất giữ và tẩy sạch xuất xứ ở đây. Các tổ chức buôn ma tuý là đối tượng cần có hệ thống rửa tiền hữu hiệu hơn ai hết vì đối tượng này hầu như chỉ giao dịch bằng tiền mặt – nguyên nhân của nhiều vấn đề vận chuyển. Tiền mặt không chỉ thu hút chú ý của các cơ quan công lực mà còn rất nặng nề. Một lượng cocaine trị giá 1 triệu USD theo giá thị trường chỉ nặng có 20 kg nhưng một lượng giấy bạc đô-la Mỹ tổng trị giá tương đương lại nặng tới 116 kg! Các hợp đồng mờ ám được thoả thuận và những nguồn quỹ dự phòng này một khi được tung vào các hoạt động đầu cơ có thể lũng đoạn nhiều hệ thống tài chính.

Kết quả là một thế giới tài chính ngầm đã phát triển trong mấy thập niên vừa qua, với cơ sở ở mọi lục địa. Một nền kinh tế song hành lâu nay trốn thoát mọi sự kiểm soát của pháp luật và mang lợi nhuận cho nhiều thành phần: những ngân hàng cung cấp dịch vụ hỗ trợ những người trốn thuế hay rửa tiền cũng như các công ty và nhà tư vấn lâu nay đang thiết kế những phương cách tinh vi để xoá sạch dấu vết đường đi của đồng tiền mờ ám.

CUỘC CHIẾN VÔ DỤNG

Ở các nước có luật định kiểm soát chặt chẽ nạn rửa tiền, nhiều ngân hàng hợp pháp vẫn tham gia vào hệ thống “máy giặt tiền bẩn”. Ngay ở Mỹ, nơi không ai được phép mở tài khoản nặc danh và mọi giao dịch trị giá trên 10.000 USD đều phải báo cáo với chính quyền, nạn rửa tiền vẫn xảy ra ngay trong hệ thống ngân hàng. Ngân hàng Wachovia Bank ở Miami trong năm 2009 đã nhận trách nhiệm chuyển đi 420 tỷ USD cho nhiều chủ tài khoản có khả năng liên can đến chuyện rửa tiền kinh doanh từ ma tuý. Một số lượng tiền được theo dõi đã dùng để mua máy bay vận chuyển lậu hơn 22 tấn cocaine.

Jeffrey Sloman, uỷ viên công tố liên bang, nói: “Việc Ngân hàng Wachovia ngang nhiên vi phạm các luật định ngân hàng đã giúp cho các tập đoàn ma tuý quốc tế toàn quyền cung ứng tài chính cho các hoạt động của chúng”. Thế nhưng tổng cộng số tiền phạt 160 triệu USD mà Wachovia Bank phải chịu lại không tới 2% trong tổng số lợi nhuận 12,3 tỷ USD của ngân hàng này trong năm 2009.

Ngân hàng Bank of New York cũng bị phạt một khoản tiền nực cười là 38 triệu USD vào năm 2005 sau một cuộc điều tra kéo dài sáu năm về nghi vấn rửa tiền cho các tài khoản Mỹ và Nga đáng ngờ cùng nhiều giao dịch có tính chất lừa đảo khác. Ngân hàng này chỉ thừa nhận rằng đã không kiểm tra thích đáng và báo cáo các tài khoản có nghi vấn, rồi “nhận trách nhiệm về cách quản lý sai trái” và nhanh chóng đóng tiền phạt.

Nhiều trường hợp tương tự Wachovia Bank và Bank of New York đã diễn ra khiến thanh tra tài chánh Eric Lewis năm 2010 phải cảnh báo trước Quốc hội Mỹ rằng các công cụ mạnh mẽ để ngăn chặn rửa tiền đã không được sử dụng “một cách kiên quyết như mong đợi”. Lewis chỉ trích giới tài chánh Wall Street, cho rằng “phòng tuyến đầu tiên này” thường thất bại vì các ngân hàng “có động cơ lớn để ngoảnh mặt làm ngơ”. Cũng theo Lewis, các mức phạt đối với ngân hàng quá nhỏ nên không có tác dụng. Chừng nào còn duy trì mức phạt hiện nay thì các ngân hàng Mỹ sẽ không thể là lực lượng cảnh giới chống rửa tiền.

Suốt 20 năm qua, Mỹ, Liên minh châu Âu và nhiều tổ chức quốc tế như Tổ chức Hợp tác & Phát triển Kinh tế (OECD) đã nhiều lần tuyên bố sẽ vét sạch các đầm lầy tài chính này. Tuy nhiên, sự khác biệt về lợi ích quốc gia thường là nguyên nhân chính cản trở việc hợp tác quốc tế hiệu quả. Trong cuộc tranh đua tài chính và hợp đồng đầu tư quốc tế, vẫn có nhiều ý kiến bất đồng về giới hạn mập mờ giữa việc hưởng thuế suất ưu đãi hợp pháp và cạnh tranh không công bằng.

Kỳ tới: Hồ sơ OffshoreLeaks trở thành vũ khí quyết chiến của các chính phủ đối với nạn rửa tiền và trốn thuế toàn cầu.

HOÀNG THẢO