Năm 2010, Ngân hàng Thế giới công bố báo cáo điều tra 817 vụ tham nhũng từ 1980 đến 2010. Hầu như tất cả đều sử dụng các công ty hình thức và ngân hàng xa khuất làm bình phong che đậy việc rửa tiền.
[links()]Năm 2010, Ngân hàng Thế giới công bố báo cáo điều tra 817 vụ tham nhũng từ 1980 đến 2010. Hầu như tất cả đều sử dụng các công ty hình thức và ngân hàng xa khuất làm bình phong che đậy việc rửa tiền.
Ngay cả những tập đoàn toàn cầu như BAE Systems chuyên về công nghệ an ninh quốc phòng cũng bị phát hiện sử dụng các công ty mang danh nghĩa công ty tư vấn để hối lộ cho nhiều quan chức. Bối cảnh cuộc chiến chống rửa tiền và trốn thuế toàn cầu giờ đã thay đổi. Hồ sơ OffshoreLeaks được tung ra đúng vào lúc quyết tâm này đang tăng cao, ít nhất ở Mỹ và châu Âu.
Tòa nhà năm tầng Ugland House ở quần đảo Cayman thuộc Anh là nơi hơn 18.000 công ty dùng làm địa chỉ đăng ký văn phòng |
Thanh lọc các cơ quan tài chính
Trong chiến dịch tranh cử, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã kêu gọi kiểm soát chặt các thiên đường trốn thuế. Trong một diễn văn, ông đã gọi đích danh một địa chỉ - toà nhà Ugland House ở quần đảo Cayman. Đó chỉ là một toà nhà năm tầng nhưng đó lại là nơi hơn 18.000 công ty dùng làm địa chỉ đăng ký văn phòng. Ông Obama đã nói: “Đây hoặc là toà nhà lớn nhất thế giới hoặc là nơi trốn thuế lớn nhất thế giới”. Và quả quyết: “Đó là nơi chúng ta cần phải chấm dứt”.
Các nước châu Âu nặng gánh vì nợ nần cũng không thể nào chịu nổi chuyện thất thoát một nguồn thu khổng lồ như thế. Người dân đóng thuế cũng không thể hiểu tại sao các nước sử dụng đồng euro lại đang dùng tiền thuế của họ để cứu các ngân hàng trong khi chính các ngân hàng này cùng lúc đó lại giúp những người giàu có cất giấu tiền để khỏi bị đánh thuế.
Ngay tại Đức, mọi ngân hàng lớn ở nước này đều có nhiều chi nhánh ở các “thiên đường trốn thuế”. Theo báo cáo thường niên của ngân hàng lớn nhất nước Đức Deutsche Bank, chỉ riêng ở đảo quốc Singapore thôi, ngân hàng này đặt tới 13 trụ sở chi nhánh. Còn theo dữ liệu của hồ sơ OffshoreLeaks, Ngân hàng Deutsche Bank đã dùng văn phòng của mình ở Singapore để thiết lập 300 công ty và quỹ uỷ thác ở nhiều thiên đàng trốn thuế.
Ngân hàng Commerzbank vốn đã nhận được gói ngân sách giải cứu của chính phủ Đức, cùng các công ty bảo hiểm như Allianz và những ngân hàng thuộc sở hữu nhà nước như LBBW và HSH Nordbank, cũng có nhiều chi nhánh hoạt động ở Sinfapore. Ngân hàng HSH mà ngay sự sống sót của nó cũng là vấn đề tranh cãi nóng bỏng ở Đức, cũng có văn phòng đại diện ở những nơi xa xôi hẻo lánh như Đảo san hô Majuro trong quần đảo Marshall phía bắc Thái Bình Dương!
Các nhà lập pháp nghi ngờ rằng những ngân hàng như thế này đang cố tình chuyển lợi nhuận sang các “thiên đàng trốn thuế” để hưởng lợi. Lothar Binding, một thành viên trong Uỷ ban Tài chính của chính phủ Đức trả lời phóng viên báo Der Spiegel: “Khi một ngân hàng có hơn 2.000 chi nhánh, với 500 chi nhánh nằm ở các thiên đàng thuế, thì rõ ràng có nhiều lý do liên quan đến thuế kèm theo.”
Sức ép chính trị
Cho dù có nhiều tuyên bố quyết chiến với các “thiên đường trốn thuế” từ các quốc gia châu Âu thì một sự thật được hồ sơ OffshoreLeaks phơi trần là nhiều nước thành viên khối EU lại tự hào là rất “kín tiếng” về các vấn đề tài chính. Không kể các quần đảo xa bờ thuộc lãnh thổ Anh, Áo, Ireland, Hà Lan và Luxemburg cũng có đặc tính rõ ràng của những “thiên đường trốn thuế”.
Luxemburg là nước đầu tiên chịu áp lực của vụ điều tra OffshoreLeaks. Bộ trưởng Tài chính nước này là ông Luc Frieden đã phải tuyên bố với báo chí rằng Luxemburg đang cân nhắc việc nới lỏng các chính sách bảo mật ngân hàng: “Chúng tôi muốn tăng cường hợp tác với các cơ quan thuế nước ngoài”. Ông nhắc tới xu thế trao đổi thông tin tự động và nói thêm: “Trái với quá khứ, chúng tôi sẽ không cự tuyệt xu thế này nữa”.
Cho tới nay, Luxemburg vẫn chống lại bất kỳ chỉ thị nào của khối EU liên quan đến việc đánh thuế các tài khoản ký gửi của chủ sở hữu nước ngoài nếu các chỉ thị đó đòi hỏi trao đổi thông tin tự động hay yêu cầu Luxemburg bảo đảm việc điều tra thuận lợi cho giới chức tránh có thẩm quyền từ nước khác.
Với Mỹ, chuyện gây áp lực với Thụy Sĩ tương đối dễ dàng. Mỹ đạt được thoả thuận từ Thuỵ Sĩ bằng cách đe doạ sẽ trục xuất hết các ngân hàng Thuỵ Sĩ đang hoạt động ở New York. Đức thì khó thương lượng với Thuỵ Sĩ hơn vì Frankfurt không phải là trung tâm tài chính có tầm quan trọng như New York. Và nỗ lực của Đức muốn quyết chiến với các “thiên đường trốn thuế” luôn bị chi phối bởi sự đồng tình của các nước châu Âu.
Nhưng vụ OffshoreLeaks đã góp phần thúc đẩy các nước EU khác đi nhanh hơn. Đức đã đạt được thoả thuận trao đổi thông tin với nhiều chính phủ trong đó có Luxembourg, Liechtenstein cùng các quần đảo Channel và Cayman thuộc Anh. Các thoả thuận này cho giới chức trách về thuế của Đức quyền thu thập thông tin về những chủ tài khoản là công dân Đức khi có nghi ngờ phạm pháp.
Tuy nhiên, những thành quả này thực tế chỉ có tác động ngăn ngừa. Giới chức trách chống trốn thuế và rửa tiền luôn phải đối mặt với một đối thủ biến hoá khôn lường. Tiến sĩ Dionysios Demetis - tác giả cuốn Technology and Anti-Money Laundering xuất bản 2010 - nhận định: “Sự đa dạng của các thủ thuật rửa tiền thật đáng kinh ngạc. Chúng thẩm thấu trong các định chế tài chánh truyền thống, trong thị trường chứng khoán, trong các công ty bảo hiểm, casino, bất động sản và lãnh vực cá cược”.
Nghiên cứu các báo cáo thường niên của tổ chức quốc tế chống rửa tiền FATF, hai tác giả của cuốn Chasing Dirty Money: The Fight Against Money Laundering - xuất bản 2004 - là Peter Reuter và Edwin M. Truman nhận thấy xu hướng rửa tiền thông qua các hệ thống giao dịch phi ngân hàng dần dần phát triển mạnh hơn. Tham gia vào “cỗ máy giặt” quốc tế là các thị trường chợ đen và các tổ chức chuyển tiền ngầm.
Việc đưa ra thị trường tài chính những sản phẩm mới cũng làm thay đổi tính chất của quy trình rửa tiền và trốn thuế. Một lượng thẻ tín dụng trả trước bây giờ làm công việc rửa tiền còn hiệu quả hơn việc chuyển tiền mặt phi pháp vượt biên giới trước kia. Việc ảo hoá đồng tiền và sự tiến hoá của tiền tệ từ dạng vật lý sang dạng điện tử sẽ tạo ra nhiều cơ hội mới cho các tổ chức rửa tiền và nhiều thách thức mới cho các cơ quan công lực. Rồi sẽ có gì nữa sau khi cuộc điều tra OffshoreLeaks đã lắng dịu và quên lãng, các áp lực chính trị đã đạt được sự minh bạch mong muốn? Thời gian sẽ trả lời.
Kỳ sau: Mời độc giả đón xem MẬT MÃ MÀU DA CAM
HOÀNG THẢO