Kỳ 5: Từ trên mạng xuống đường phố

04:06, 19/06/2013

Các tổ chức an ninh mạng quốc tế đã tạo thành một rào chắn hết sức trọng yếu, ngăn cho thế giới khỏi bị tràn ngập bởi các loại virus máy tính. Nhưng sự chuyển dịch từ thời đại tin tặc tự mạn sang tin tặc tội phạm lại khiến Internet hàm chứa nhiều hiểm hoạ khổng lồ.

[links()]Các tổ chức an ninh mạng quốc tế đã tạo thành một rào chắn hết sức trọng yếu, ngăn cho thế giới khỏi bị tràn ngập bởi các loại virus máy tính. Nhưng sự chuyển dịch từ thời đại tin tặc tự mạn sang tin tặc tội phạm lại khiến Internet hàm chứa nhiều hiểm hoạ khổng lồ.

“Nếu anh thấy mình ở trong một khách sạn nơi các tin tặc đang tổ chức hội nghị thì nên tránh xa các thang máy,” Peter Allor vừa cười vừa cảnh báo. Ông là người đứng đầu X-Force – bộ phận tình báo của Trung tâm An ninh Mạng ISS của Mỹ. “Anh sẽ không bao giờ lên đúng tầng muốn lên đâu”. Không có trò gì mà một tin tặc láu lỉnh thích thú cho bằng ra lệnh cho thang máy đi lên tầng 17 khi có người nhấn nút tầng 33.

Thành phố Sao Paulo của Brazil là một trong những trung tâm tin tặc quốc tế hiện nay
Thành phố Sao Paulo của Brazil là một trong những trung tâm tin tặc quốc tế hiện nay


Chạy đua vũ trang

Allor tin rằng một cuộc chiến đấu với bóng tối đã thúc đẩy ngành công nghiệp an ninh mạng. “Đây là một cuộc chạy đua vũ trang. Nếu anh xác định được có gì đó đang hoạt động không ổn, đó là chỗ dễ tổn thương trong hệ thống của anh thì đó là vấn đề lớn. Khi anh phát hiện ra vấn đề thì dám cá với anh rằng chẳng mấy chốc thế giới ngầm cũng biết điểm yếu đó – nếu như chúng chưa biết. Bây giờ thế giới ngầm chỉ cần 48 giờ là đánh hơi ra một chỗ dễ tổn thương. Còn bao lâu thì một công ty mới nhận ra vấn đề đó và tìm cách cập nhật? Với những công ty nhanh nhất là 30 ngày. Với đa số là từ 30 đến 60 ngày. Còn người dùng tại nhà? Chắc gì họ biết chứ?”.

Mỗi thiết bị ngoại vi điều khiển quang mạng đều có một địa chỉ IP – tức là một căn cước ảo riêng biệt, và sau đó nó liên kết với các máy móc khác cũng có địa chỉ IP khắp hệ thống mạng. Trong một doanh nghiệp cỡ trung sẽ có hàng trăm đơn vị như thế – và mỗi đơn vị là một cánh cổng riêng biệt có thể bị đột kích.

Các doanh nghiệp hiện nay đã lưu trữ kho dữ liệu có giá trị khôn lường trên các hệ thống của họ, nhưng chẳng mấy chốc hầu hết mọi người sẽ dùng các hệ thống điện thoại VoIP qua Internet cho phần lớn việc liên lạc. Các hệ thống VoIP như Skype ngày càng hấp dẫn đối với các văn phòng vì chúng giảm thiểu chi phí rất lớn. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu có ai đó lại chèn virus vào hệ thống để chặn đứng các cuộc gọi?

“Các chương trình chống virus bây giờ ngày càng ít quan trọng vì chúng không thể bảo vệ anh,” Amrit Williams nói rõ. Là giám đốc phân tích an ninh của tập đoàn tư vấn công nghệ Gartner hàng đầu nước Mỹ, Williams lo ngại về tiềm năng phá hoại một khi tội ác có tổ chức dụ dỗ các tin tặc từ bỏ những trò tinh nghịch và gia nhập thế giới ngầm. “Các công ty chống virus chỉ có thể phát hiện những thứ có chữ ký. Còn bây giờ bọn tội phạm mạng lại đang viết những malware cụ thể dành riêng để tấn công một công ty – dù đó là Morgan Stanley hay Visa hay BBC,” Williams nói tiếp. “Gần đây, bọn mafia Nga và Trung Quốc đang sản xuất những bản sao hoàn hảo của hệ điều hành Windows với bao bì và đủ thứ y hệt. Trông hình thức thì chúng y hệt – nhưng tất nhiên đã có spyware cài sẵn trong đó”.

Như Williams đã xác nhận, các tổ chức tội ác dễ dàng chen những phần mềm như thế vào thị trường hợp pháp vì các tổ chức này đặc biệt có kinh nghiệm kiểm soát các thị trường phân phối và bán lẻ. Và càng khó khống chế tội ác hơn khi chính thế giới mạng lại góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy hợp tác toàn cầu của các tổ chức tội ác.

Liên minh tội phạm

Brazil, Nga, Trung Quốc và Ấn Độ (gọi tắt là nhóm BRIC theo các chữ đầu của Brazil, Russia, India và China) là những quốc gia hàng đầu trong các thị trường mới nổi. Không phải ngẫu nhiên mà Nga và Brazil đứng đầu thế giới trong thế giới tội ác Internet. Cùng với Trung Quốc, cả ba chiếm hết các thứ hạng đầu. Nước duy nhất vắng mặt trong bảng tam nguyên là Ấn Độ.

Trong thập niên vừa qua, Sao Paulo đã qua mặt Rio trở thành tâm chấn của cả cơn bột phát tăng trưởng kinh tế điên rồ của Brazil lẫn sự trỗi dậy không thể kiểm soát của tội ác có tổ chức. Sao Paulo không còn là một thành phố mà là một siêu đô thị 20 triệu dân. Con phố chính của khu Iphegenia ở Sao Paulo phơi bày cho thấy quy mô của các loại hàng giả cung ứng cho người tiêu dùng. Không có một chương trình máy tính nào trên thế giới hay đĩa DVD phi Hollywood nào mà họ không bán ở đây (tất cả đều là hàng ăn cắp bản quyền). Và với 2 USD người ta có thể mua một bản Windows 8 trong khi hệ điều hành này chưa hề phát hành trên thị trường hợp pháp. Chỉ riêng thị trường DVD phim truyện, mỗi năm Hollywood thiệt hại hơn 150 triệu USD từ những bản phim lậu truyền qua mạng, đi khắp thế giới, và tải xuống in thành đĩa ở Brazil.

Bên trong các trung tâm mua sắm, ta có thể mua bất kỳ loại hàng điện tử nào có thể nghĩ ra: máy ảnh, iPod, laptop, hàng Sony, Samsung giả, tất cả chồng chất lên nhau hết sức lộn xộn. Một chiếc bàn phím máy tính hiệu Microsoft thực tế lại do Krown Electronics tự hào sản xuất ra; hay một màn hình TV phẳng nhái hiệu Samsung nhưng ra lò từ nhà máy Semsin. Tất cả đều có một đặc điểm chung: Hàng lậu “Made in China”!

Trước 2005, hầu hết hàng lậu điện tử và máy tính dạng này ở Sao Paulo đều thuộc một nguồn gốc: Lao Kin Chong, thương gia gốc Trung Quốc. Lao bắt đầu xây dựng đế chế khổng lồ của mình trên những trung tâm mua sắm ở Đại lộ 25 tháng Ba từ đầu thập niên 1990. Hắn nhập khẩu đủ thứ vào Brazil, trả mức thuế tối thiểu (nếu như phải đóng thuế) và trắng trợn phớt lờ mọi luật lệ về bản quyền quốc tế. Khi hắn bị tuyên án vào tháng 7.2005 sau khi toan hối lộ cơ quan công lực 1,5 triệu USD, Lao chính là thương gia tội phạm thành công và thế lực nhất từng bị bắt ở Brazil.

Nhà báo Misha Glenny nhận định: “Dù trong thế giới nổi hay thế giới ngầm, thế lực Trung Quốc đang phát triển với tốc độ đáng nể. Tương lai của nền kinh tế ngầm toàn cầu sẽ được định đoạt theo phương hướng Trung Quốc lựa chọn để cam kết với thế giới bên ngoài”. Trong số vũ khí gây tội ác hiện nay của các thế lực ngầm, bàn phím máy tính là một thứ không sát thương nhưng có sức huỷ diệt hàng loạt đối với cả nền kinh tế.

TRẦN NGỌC ĐĂNG