Kỳ 1: Cứ gian lận nếu khách hàng không biết

04:06, 26/06/2013

Tình trạng hàng giả Trung Quốc lan tràn từ lâu đã là một vấn đề toàn cầu. Sản xuất hàng giả ở Trung Quốc không chỉ đơn thuần là chuyện kinh doanh mà là một nền văn hoá. Và khi đã là văn hoá thì việc sản xuất hàng giả nằm ngoài mọi ràng buộc về tín nhiệm và cả những định chế luật pháp Trung Quốc lẫn quốc tế.

Tình trạng hàng giả Trung Quốc lan tràn từ lâu đã là một vấn đề toàn cầu. Sản xuất hàng giả ở Trung Quốc không chỉ đơn thuần là chuyện kinh doanh mà là một nền văn hoá. Và khi đã là văn hoá thì việc sản xuất hàng giả nằm ngoài mọi ràng buộc về tín nhiệm và cả những định chế luật pháp Trung Quốc lẫn quốc tế.

Chuyên gia kinh tế Paul Midler đã có hơn 20 năm làm việc ở Trung Quốc
Chuyên gia kinh tế Paul Midler đã có hơn 20 năm làm việc ở Trung Quốc


Là người đã có hơn 20 năm làm đại diện cho nhiều công ty Âu-Mỹ tại Trung Quốc, chuyên gia kinh tế Paul Midler (Mỹ) là người thấu hiểu điều đó. Trước khi theo ngành quản trị kinh doanh, Paul Midler đã là cử nhân chuyên ngành lịch sử và ngôn ngữ Trung Quốc. Cuốn sách “Poorly Made In China” (Hàng giả Trung Quốc) của ông là cuốn sách phơi bày sự thật đằng sau những nhà máy gia công toàn cầu này. Ngay khi xuất bản lần đầu tiên năm 2009, cuốn sách đã đoạt nhiều giải thưởng quốc tế, thu hút sự quan tâm rộng lớn và sau đó được tái bản và bổ sung nhiều lần. Lâm Đồng Cuối Tuần giới thiệu trích lược cuốn sách nổi tiếng này.

Bất chấp những khó khăn về chất lượng ở nhà máy gia công hoá phẩm King Chemical tại Sán Đầu, thuộc đặc khu kinh tế Quảng Đông, Trung Quốc, ông Bernie bên Mỹ đã ký được hợp đồng cung cấp với những khách hàng mới, lớn hơn, và khối lượng hàng hoá tiếp tục tăng. Cho tới lúc đó, Shop Corp là khách hàng lớn nhất và thủ cựu nhất của Johnson Carter, công ty của Bernie.

Không một quyết định nào về đơn hàng được thực hiện trước khi một uỷ ban lớn được triệu tập. Khi khách hàng này gởi những thông báo qua email, có không dưới một chục người cùng được nhận nội dung này, và bản đặc điểm kỹ thuật của họ được trình bày rất tỉ mỉ và cần có chữ ký của chính Bernie. Không có thứ gì được thay đổi mà không được chấp thuận trước bằng văn bản, ngay cả sự thay đổi nhỏ nhất của nhãn hàng.

Chỉ giữ uy tín với hợp đồng đầu tiên

A Tỉ, chủ nhà máy King Chemical, biết điều này, nhưng cứ quyết định thay đổi nhãn hàng. Không cho ai biết, King Chemical thu nhỏ cỡ nhãn để dễ dán lên chai hơn. Đó không phải là sự khác biệt lớn lao gì lắm, nhưng nó sai lệch với kích thước mà Shop Corp đã chỉ rõ trên bản đặc điểm kỹ thuật.

Khi phát hiện thay đổi, dầu nhỏ nhặt, chúng tôi phải thông báo cho Shop Corp. Tôi bảo A Tỉ rằng tôi phải báo cho công ty.

“Đừng cho họ biết. Họ không để ý đâu”, A Tỉ nói. “Hầu như chính ông cũng không để ý mà”.

Ở Trung Quốc, mưu mô sản xuất bị bắt quả tang không hề bị trừng phạt. Hậu quả thông thường là buộc lần sau phải sản xuất sản phẩm đúng quy cách. Xui rủi lắm thì nhà sản xuất cũng chỉ bị yêu cầu thực hiện lại đơn hàng. Ở Mỹ thì khác. Nếu khách hàng biết rằng chúng ta cố ý coi thường họ, họ có thể xem đó là lạm dụng tín nhiệm. Công ty Johnson Carter có thể cho rằng mình vô tội, nhưng khách hàng của nó thì không cần quan tâm tới những khó khăn của chúng tôi ở Trung Quốc.

Bernie đã giành được hợp đồng bằng cách nói rằng chúng tôi đã liên doanh với King Chemical. Làm vậy là để nâng cao mức độ tin tưởng trong hoạt động, và do đó chúng tôi không có cách nào bảo các nhà buôn rằng “Nhà máy lại làm hại chúng tôi, xin lỗi.” Nhà máy này không bao giờ nói ra những sự thay đổi đơn phương mà họ đã thực hiện, và thế mà, lạ thay, họ lại trả lời những câu hỏi cụ thể.

Nếu được hỏi sản phẩm có thay đổi không, thường họ không trả lời bằng cách xác nhận. Nhưng nếu được hỏi cụ thể là kích cỡ nhãn hàng có bị thay đổi không, họ nhìn nhận là có. Chỉ sau khi tôi đoán rằng nhãn đã bị đổi nhỏ hơn và hỏi thì A Tỉ mới bảo rằng có, nhãn đã nhỏ hơn. Sự khó khăn đối với hệ thống này là chúng ta phải biết hỏi câu hỏi nào để nhận được câu trả lời có ý nghĩa.

Người tiêu dùng Mỹ đã quen việc nhận đúng cái họ đã đặt hàng. Nhà sản xuất Trung Quốc có một triết lý hơi khác về quan hệ với khách hàng. Họ tin rằng nguyện vọng chính xác của khách hàng chỉ quan trọng trong giới hạn cần thiết để chiếm được đơn đặt hàng đầu tiên. Ngoài giới hạn đó, họ hình dung, cái mà nhà nhập khẩu không biết không có hại gì. Và luôn dùng mọi cách để giao những sản phẩm với những yếu tố khác thường mà khách hàng càng ít để ý càng tốt.

Cuốn sách “Poorly Made In China” của Paul Midler đã đoạt nhiều giải thưởng quốc tế về sách kinh tế
Cuốn sách “Poorly Made In China” của Paul Midler đã đoạt nhiều giải thưởng quốc tế về sách kinh tế


Khách hàng không phải thượng đế

Cô Janet, người tiếp xúc chính với tôi ở Shop Corp, nhất quyết là sản phẩm phải phù hợp với cả bản đặc điểm kỹ thuật lẫn bộ mẫu sản phẩm. Những người phụ trách mua hàng tại các nhà buôn lớn đều có lòng tự trọng cỡ lớn. Dầu chỉ kiếm được đồng lương khiêm tốn, họ hiểu những quyết định của họ có tác động trực tiếp tới tương lai kinh tế của nhà nhập khẩu như thế nào. Nếu một người mua nghi ngờ chúng ta coi cô ta là người ngu, cô ta sẽ chấm dứt quan hệ kinh doanh và chọn một người bán khác.

Công ty Johnson Carter rất thận trọng, luôn nghĩ cách làm khách hàng vui lòng, nhưng King Chemical không sử dụng cách tiếp cận tương tự với khách hàng của họ. Đúng là mâu thuẫn, cuối cùng chúng tôi buộc phải khẩn cầu để sản phẩm được sản xuất hợp cách. Chúng tôi phải van nài để nhà máy đừng đơn phương thay đổi các đặc điểm kỹ thuật. King Chemical cảm thấy có quyền chính đáng biến cải sản phẩm mà không thông báo cho chúng tôi – và phạm vi và quyền tự do họ tự ban cho mình cứ dần dần tăng lên.

Và sắc thái của mối quan hệ cũng thay đổi. Vào khoảng thời gian chúng tôi thu thập thông tin cho Shop Corp, mỗi khi chúng tôi gởi đơn đặt hàng mới tới xưởng, câu trả lời là xưởng sẽ xem xét yêu cầu của chúng tôi. Các nhà máy Trung Quốc đã đảo ngược khái niệm dịch vụ khách hàng.

Hệ tư tưởng Khổng giáo coi mọi quan hệ nhân quần cũng phù hợp với trật tự thiên nhiên. Như người cha có địa vị trên con trai, hoàng đế cũng đứng trên thần dân. Thời xưa, sứ thần nước ngoài tới Trung Quốc triều cống hoàng đế. Đổi lại sự thần phục của họ, hoàng đế cho họ một số tặng phẩm mang về. King Chemical càng ngày càng nhìn xuống Johnson Carter theo cách tương tự. Tiền trả của nhà nhập khẩu giống như cống phẩm, và chúng tôi nhận lại tặng phẩm dưới hình thức dầu gội và sữa tắm – các sản phẩm mà chính chúng tôi thuê họ gia công.

Nhà máy này hiểu khái niệm làm vui lòng khách hàng khi họ mới khởi nghiệp, hoặc khi họ cạnh tranh vất vả. Nhưng đó chỉ là sự khiêm tốn giả vờ, một phần của nghệ thuật dàn cảnh, một cách câu khách. Một khi nhà sản xuất đạt được một mức độ thành công nào đó, họ tự coi mình trong vai trò hoàng đế, trong khi hạ nhà nhập khẩu xuống vai trò của một kẻ xin xỏ không hơn không kém.

Kỳ tới: Làm hàng giả gây thiệt hại cho chính hãng đã thuê gia công nhưng lại xem cách làm hàng giả là bí mật thương mại

Theo PAUL MIDLER
TRẦN NGỌC ĐĂNG (dịch)