Kỳ 4: Lòng tham là đạo đức kinh doanh

03:07, 17/07/2013

Hoạt động sản xuất ở Trung Quốc là một trò chơi không có trọng tài. Không có cơ quan chính phủ nào ở Trung Quốc mà nhà nhập khẩu có thể nạp đơn khiếu nại, và có rất ít cơ hội nhờ cậy tới hệ thống pháp luật ở đây.

Những sản phẩm Trung Quốc giá rẻ tràn ngập các siêu thị thế giới bây giờ không còn sức hấp dẫn đối với người tiêu dùng nữa
Những sản phẩm Trung Quốc giá rẻ tràn ngập các siêu thị thế giới bây giờ không còn sức hấp dẫn đối với người tiêu dùng nữa

[links()]Hoạt động sản xuất ở Trung Quốc là một trò chơi không có trọng tài. Không có cơ quan chính phủ nào ở Trung Quốc mà nhà nhập khẩu có thể nạp đơn khiếu nại, và có rất ít cơ hội nhờ cậy tới hệ thống pháp luật ở đây.

Chuyên viên hóa học ở nhà máy King Chemical của A Tỉ ở Sán Đầu thuộc loại người dễ chịu với thái độ thận trọng của nhà khoa học. Ông ta nói năng nhẹ nhàng và hướng nội, trên gương mặt vuông mang cặp kính dày hơi xiên xẹo.

Tôi đã có dịp hỏi thẳng ông ta là có biết chuyện gì không ổn với chế phẩm của chúng tôi hay không. Hơi ngượng ngùng, ông nói rằng biết, và ông đã tiết lộ về một hóa chất thiếu hụt trong công thức.

Ở Trung Quốc, có một khuynh hướng gọi nhiều loại hóa chất bằng một con số. Ông đã dùng một số ba chữ số để cho tôi biết thành tố đó, và ngụ ý rằng chúng tôi có thể sẽ ổn thỏa nếu gây áp lực bằng cách nào đó để buộc A Tỉ phải thêm thành tố này vào. Dầu ông chỉ nói mơ hồ, vẫn có nhiều thông tin hơn là A Tỉ cung cấp, và tôi nghĩ ông thận trọng vì lo ngại cho việc làm của mình.

Tố giác tiêu cực? Chuyện không tưởng!

Công nhân nhà máy chỉ trao đổi tin đồn, và hiếm khi có một người duy nhất trong bất cứ nhà máy nào khui ra bí mật về những mánh khóe nào đó. Một trong những thua thiệt của người Mỹ khi đưa hoạt động sản xuất ra nước ngoài là không có khả năng cho những người lao động bình thường báo cáo những vấn đề an toàn sản phẩm tiêu dùng. Với hầu hết người lao động ở Trung Quốc, người tiêu dùng Mỹ là một thực thể trừu tượng; và cho dầu ai đó ở một nhà máy nào đó sẵn lòng báo cáo, thì người công nhân ấy sẽ đi đâu? Không có chỗ nào để báo tin nặc danh, và phương tiện thông tin bị chính quyền trung ương kiểm soát.

Năm 2007, khi người ta phát hiện một số nhà cung cấp đồ chơi sử dụng sơn có chì độc hại, hẳn phải có hàng trăm công nhân biết chuyện đó. Ngoài ông chủ là người cho phép dùng sơn, hẳn phải có người quản lý việc mua sắm nguyên liệu cũng như nhân viên tiếp nhận biết chuyện này. Rồi còn có hàng trăm nhân viên sản xuất nữa.

Người ta thích dùng sơn có chì một phần vì nó khô nhanh hơn. Có thể là ai đó đã để ý thấy hoặc ít nhất người nào đó đã nghe về chất thay thế này. Dầu các nhà máy khéo giữ bí mật với người mua nước ngoài, ngay trong nội bộ họ cũng có lời đồn đoán. Ngồi lê đôi mách là một hình thức giải trí và một dấu hiệu tồn tại.

Ở Trung Quốc, người tố giác không được coi như anh hùng mà như kẻ phá bĩnh xã hội. Thường thì người tố giác bị cho là mưu cầu lợi ích cá nhân và phá hoại quyền lợi tập thể. Khổng học chủ trương uy quyền phải được tôn trọng, và do đó, hiển nhiên là nhà sản xuất được suy đoán là vô tội khi có sự nghi ngờ. Hoạt động gia công xuất khẩu là lợi ích quốc gia, có thể nói đó là lợi ích quan trọng nhất của chính quyền. Dầu cho xưởng sản xuất thật sự làm gì sai trái, người tố giác cũng tự nhiên trở thành kẻ thù của nhà nước.

Thao túng chất lượng

Đối với những nhà nhập khẩu tranh đấu cho mức chất lượng cao hơn và tiêu chuẩn minh bạch, yếu tố xúc phạm nhất trong sự thay thế nguyên liệu và sản xuất hàng giả là việc rốt cuộc xưởng sản xuất đổ lỗi cho nạn nhân của họ. Khi nhà máy King Chemical của A Tỉ chuyên gia công cho chúng tôi bị bắt gặp giao một sản phẩm kém chất lượng, sự phản bác của họ giống như xát muối vào vết thương. “Với giá các ông đang trả”, A Tỉ nói, “các ông mong đợi cái gì?”.

Lời biện hộ đó có chính đáng không? Sau khi đồng ý sản xuất một sản phẩm theo giá đã định, nhà máy có trách nhiệm sản xuất đã thao túng chất lượng để rốt cuộc khách hàng nhận một thứ giá trị thấp hơn cái họ đã thương lượng. Những người bênh vực cho giới sản xuất Trung Quốc ngụ ý là các nhà máy này không thể làm khác hơn. Biên độ lợi nhuận hẹp, và họ không thể kiếm lời như trước đây.

Kiểu lập luận đó có vẻ hợp lý, và người Mỹ nào chấp nhận cho các nhà sản xuất Trung Quốc lập luận kiểu đó lại không bao giờ tha thứ hành vi vô đạo đức tương tự ở xứ sở của họ. Ở Mỹ, khi một tên cướp có vũ trang bị bắt và xét xử, điều cuối cùng mà một thẩm phán muốn nghe là tình trạng túng bấn của hắn. Nghèo không phải là lý do.

Và, dầu sao đi nữa, làm sao lại có thể được viện lý do hoàn cảnh khó khăn khi Trung Quốc đang phát triển nhanh như vậy? Trung Quốc không thể nào nghèo như 30 năm trước, hoặc thậm chí như 10 năm trước. Điều đó lại càng đúng với miền nam là nơi có nhiều nhà máy gia công xuất khẩu đến thế. Trung Quốc đang trải qua sự tăng trưởng kinh tế lớn nhất trong lịch sử thế giới, và phần lớn sự kiện này diễn ra trong khu vực chế xuất, bản thân nó tăng trưởng nhanh hơn toàn bộ nền kinh tế Trung Quốc nhiều.

Chất lượng giảm, mánh khóe tăng

Nếu có một mối quan hệ giữa sự giàu có và đạo đức, nhiều khả năng đó là một sự tương quan tiêu cực. Khi phép mầu chế xuất của Trung Quốc vừa cất cánh, ít có vấn đề chất lượng hơn. Những nhà sản xuất rất cần khách hàng nên không dám liều lĩnh làm mất lòng những mối hàng mới quan trọng, những người chưa lệ thuộc vào họ và có thể dễ dàng đưa công việc làm ăn đi nơi khác. Chỉ khi các nhà sản xuất này đạt được một mức độ thành công và đã có tiền trong ngân hàng thì họ mới thực sự tận dụng cơ hội thao túng chất lượng.

Chất lượng giảm đều đặn có liên quan nhiều với mức độ khéo léo và mánh khóe con buôn ngày càng tăng. Suy cho cùng, cần có khả năng tới mức nào đó mới tạo được một sản phẩm giống hàng thật nhưng thật ra tốn ít tiền sản xuất. Và kỹ năng này càng thực hành nhiều thì càng hoàn thiện.

Vì có nhiều nhà sản xuất từng tham gia việc làm giảm chất lượng đã đạt được một mức độ thành công nào đó, không thể giải thích tình trạng này chỉ vì lý do hoàn cảnh khó khăn. Cảm tưởng mà tôi có được tại một số nhà máy dính dáng tới mưu đồ thao túng chất lượng là họ làm vậy vì càng ngày họ càng chán chuyện thành công theo lối thông thường.

Một thí dụ được khá nhiều người biết đã xua tan chuyện hoang đường về sự nghèo. Nhà cung cấp của Mattel trong vụ sơn có chì là một nhà công nghiệp mà người ta nói có sản nghiệp 1,1 tỷ đô-la. Hai bên đã có quan hệ được 15 năm – thêm một luận cứ nữa phản bác ý tưởng rằng những mối quan hệ với nhà cung cấp nhất định sẽ cải thiện dần dần và trở nên thân thiết hơn.

Trên lý thuyết, hãng sản xuất không muốn làm thịt con ngỗng đẻ trứng vàng cho họ. Và, do đó, trên thực tế, họ tập trung vào những chiến thuật có thể kiếm lợi nhanh. Mục tiêu của họ là tối ưu hóa khả năng sinh lợi ngắn hạn mà không làm mất khách hàng lâu dài. Cho tới khi nào họ không cần khách hàng đó nữa.

Kỳ tới: Các nhà sản xuất Trung Quốc sử dụng cái bẫy giá rẻ để thu hút nguồn hàng gia công từ Âu-Mỹ và cũng là để tiêu diệt khách hàng.

Theo PAUL MIDLER
TRẦN NGỌC ĐĂNG (dịch)