Cô lập giữa rừng hoang

03:08, 07/08/2013

Suốt 40 năm, một gia đình người Nga bị cắt đứt mọi liên lạc với con người, không hề biết những biến cố làm đảo lộn lịch sử của thế kỷ XX như Thế Chiến 2. Mãi đến năm 1978, khi các nhà địa chất học Liên Xô cũ tiến hành khảo sát khoáng sản trong những vùng hoang vu của Siberia họ mới phát hiện ra một gia đình gồm sáu thành viên đã sống như những Robinson Crusoe tân thời giữa những cánh rừng taiga bạt ngàn tuyết trắng…

Suốt 40 năm, một gia đình người Nga bị cắt đứt mọi liên lạc với con người, không hề biết những biến cố làm đảo lộn lịch sử của thế kỷ XX như Thế Chiến 2. Mãi đến năm 1978, khi các nhà địa chất học Liên Xô cũ tiến hành khảo sát khoáng sản trong những vùng hoang vu của Siberia họ mới phát hiện ra một gia đình gồm sáu thành viên đã sống như những Robinson Crusoe tân thời giữa những cánh rừng taiga bạt ngàn tuyết trắng…

Kỳ 1: Hoang mạc Siberia

Ngọn núi này cách xa khu dân cư gần nhất đến 150 dặm, ở một vị trí chưa bao giờ được khảo sát. Chính quyền Liên Xô các cấp chưa hề có hồ sơ nào về bất kỳ ai sinh sống ở khu vực này.

Mùa hè Siberia không kéo dài. Sang tháng Năm tuyết vẫn còn rơi và đến tháng Chín mùa lạnh giá đã quay về, đông cứng vùng rừng taiga thành một bức tranh tĩnh vật quạnh hiu cùng tột. Hàng dặm dài những rừng thông và rừng phong lác đác bóng dáng những con gấu ngủ đông hay những con sói đói; những ngọn núi sườn dốc đứng; những dòng sông trắng xoá ầm ào tuôn qua các thung lũng; hàng trăm đầm lầy đóng băng…

Bốn nhà địa chất khảo sát khoáng sản của Liên Xô chụp ảnh lưu niệm với ngôi nhà gỗ của gia đình Lykov vào năm 1978 sau khi phát hiện ra gia đình này đã 40 năm sống cô lập giữa rừng taiga
Bốn nhà địa chất khảo sát khoáng sản của Liên Xô chụp ảnh lưu niệm với ngôi nhà gỗ của gia đình Lykov vào năm 1978 sau khi phát hiện ra gia đình này đã 40 năm sống cô lập giữa rừng taiga


Khám phá sửng sốt!

Vùng rừng này là khu vực hoang dã cuối cùng và lớn nhất của cả thế giới. Trải dài từ đầu các khu vực thuộc Bắc cực của nước Nga cho tới tận phía nam giáp Mông Cổ và từ rặng Ural ở phía đông đến tận Thái Bình Dương – năm triệu dặm vuông của hư vô với dân số chỉ vài ngàn người tập trung ở vài khu thị tứ.

Tuy nhiên, khi những ngày ấm áp xuất hiện, vùng rừng taiga lại bừng tỉnh và bộc lộ sức cuốn hút chỉ trong vài tháng ngắn ngủi. Chỉ vào thời điểm đó mới có thể nhìn thấy rõ nhất tận những nơi sâu thẳm của thế giới bí mật này – không phải nhìn từ mặt đất vì rừng taiga có thể nuốt chửng cả đạo quân thám hiểm; chỉ có thể nhìn từ trên không.

Siberia là cội nguồn của hầu hết tài nguyên dầu khí và khoáng sản của nước Nga và sau bao năm tháng, ngay cả những khu vực xa xôi nhất của Siberia cũng đã tràn ngập những người đi thăm dò dầu mỏ và những nhà khảo sát trên đường quay lại những khu đóng trại hẻo lánh nơi bòn rút của cải từ thiên nhiên.

Ở vùng xa xôi tít mù phía nam của rừng taiga vào mùa hè 1978 cũng như thế. Một máy bay trực thăng được phái đi tìm một nơi an toàn để cho một đoàn chuyên gia địa chất đổ bộ. Trực thăng đang lướt qua trên những tán cây trải dài cả trăm dặm gần biên giới Mông Cổ thì bất ngờ bay vào một thung lũng dày đặc cây cối thuộc một chi lưu chưa được đặt tên của dòng sông Abakan – một dải nước ngầu bọt sùng sục tràn qua địa hình hiểm trở này. Các vách núi bao quanh thung lũng gần như thẳng đứng và những thân cây thông, cây phong khẳng khiu chao đảo trong luồng gió dưới cánh quạt máy bay lại dày đặc đến mức phi công không sao tìm được chỗ nào để đáp trực thăng xuống. Nhưng trong khi nhìn chăm chú qua kính chắn gió tìm chỗ đáp, viên phi công phát hiện ra một thứ lẽ ra không được phép hiện hữu ở đó.

Đó là một khoảng đất trống ở độ cao chừng 2.000 mét lưng chừng núi, lọt thỏm giữa rừng thông và trông như đã bị cày xới thành những luống dài. Chiếc trực thăng không có chỗ đáp này bay qua lại vài vòng trước khi miễn cưỡng kết luận rằng đây là bằng chứng nơi cư ngụ của con người – một khu vườn mà xét theo kích thước và hình dáng của mảnh đất phát quang hẳn phải đã tồn tại ở đó từ rất lâu.

Cuộc gặp gỡ huyền thoại

Bốn nhà khoa học được phái vào khu vực này thăm dò quặng sắt nghe kể về phát hiện của viên phi công và chuyện này khiến họ vừa hoang mang vừa lo ngại.

Nhà báo Vasily Peskov của tờ “Sự thật Kômsômôn” thời đó đã nhận xét về vùng rừng taiga này: “Gặp một con thú hoang còn ít nguy hiểm hơn gặp một người xa lạ”. Cho nên, các nhà khoa học thay vì chờ đợi ở căn cứ tạm cách đó 10 dặm lại quyết định đến tận nơi điều tra.

Dẫn đầu là nhà nữ địa chất Galina Pismenskaya, cả đoàn chuyên gia “chọn một ngày đẹp trời và bỏ vào ba-lô ít món làm quà tặng cho những người bạn tương lai,” – Pismenskaya sau này thuật lại. Nhưng để cho an tâm, Pismenskaya quyết định “kiểm tra lại khẩu súng ngắn tôi đeo bên hông”.

Khi những người đột nhập bò trườn lên dốc núi, hướng tới vị trí đã được viên phi công xác định toạ độ, họ bắt đầu gặp những dấu hiệu của hoạt động con người: một lối mòn lởm chởm, một cây gậy, một thân cây bắc ngang qua suối, và cuối cùng là một túp lều nhỏ chứa toàn những khoai tây xắt lát, phơi khô chứa trong những thùng đựng khoét từ thân cây thông hay cây phong. Và rồi, Pismenskaya nói: “Bên cạnh dòng suối là một nơi ngụ cư. Đã thâm đen vì thời gian và mưa gió, túp lều này bốn phía chất chồng đủ thứ rác rưởi của rừng taiga – vỏ cây, cọc vót từ cành cây, tấm ván xẻ từ thân cây. Nếu như túp lều ấy không có một ô cửa sổ nhỏ bằng cỡ một cái túi trên ba-lô của tôi thì thật khó lòng mà tin là trong đó có người ở. Nhưng quả thật là có người ở, không nghi ngờ gì nữa… Chúng tôi thấy là người ta đã biết chúng tôi đến. Cánh cửa thấp lè tè cọt kẹt mở ra và hình thù một người đàn ông rất già xuất hiện trong ánh sáng ban ngày, cứ như từ trong truyện thần thoại bước ra. Chân trần. Mặc một chiếc áo vá chằng vá đụp làm từ bao tải. Chiếc quần cũng làm từ chất liệu đó, và cũng vá đắp chằng chịt… Một bộ râu bờm xờm và mái tóc rối bời. Trông ông già có vẻ sợ hãi và rất cẩn trọng… Phải nói gì đó nên tôi lên tiếng: “Xin chào, ông nội! Chúng con đến thăm ông đây!” Ông già không trả lời ngay… Mãi một lúc sau chúng tôi mới nghe một giọng nói ngập ngừng, rất khẽ: “Chà, các người đã từ xa lặn lội tới đây, vậy thì nên vào nhà đi”.

Kỳ tới: Bốn mươi năm sống cô lập, cách biệt loài người. Cả gia đình sáu người sống trong dĩ vãng và giải trí bằng những giấc mơ.

HOÀNG THẢO