Cô lập giữa rừng hoang (Kỳ 2)

02:08, 14/08/2013

Câu chuyện gia đình Robinson Crusoe rừng taiga này trở thành một phóng sự gay cấn trong năm 1982. Dân chúng xếp hàng từ 4 giờ sáng mỗi ngày để mua cho được tờ "Sự thật Kômsômôn" để đọc phóng sự nhiều kỳ của nhà báo Vasily Peskov viết về sáu thân phận nhà Lykov.

Nơi thời gian không trôi

[links()]Câu chuyện gia đình Robinson Crusoe rừng taiga này trở thành một phóng sự gay cấn trong năm 1982. Dân chúng xếp hàng từ 4 giờ sáng mỗi ngày để mua cho được tờ “Sự thật Kômsômôn” để đọc phóng sự nhiều kỳ của nhà báo Vasily Peskov viết về sáu thân phận nhà Lykov.

Chào đón các nhà địa chất khi họ bước vào căn nhà gỗ bé tí ấy là một cảnh tượng giống như thời Trung Cổ. Xây dựng chắp ghép, cẩu thả bằng bất kỳ thứ vật liệu nào có trong tay, túp lều này không hơn gì một cái hang thú. Nữ địa chất Galina Pismenskaya, trưởng đoàn chuyên gia, mô tả: “Một chỗ ở tối tăm, phủ đầy nhọ nồi và lạnh buốt như căn hầm”. Trên sàn nhà đầy vỏ khoai tây và vỏ trái thông. Nhìn quanh trong ánh sáng tù mù, những vị khách thấy nhà này chỉ có một phòng duy nhất. Không gian chật chội, mốc meo, bẩn thỉu không thể tả và được chống đỡ bằng những cây rầm đã cong oằn – và lạ lùng chưa, đó là mái nhà của một gia đình sáu nhân khẩu!

Ông già Karp Lykov cùng người con gái út Agafia với trang phục được đoàn chuyên gia khảo sát của Liên Xô tặng sau khi phát hiện ra họ năm 1978
Ông già Karp Lykov cùng người con gái út Agafia với trang phục được đoàn chuyên gia khảo sát của Liên Xô tặng sau khi phát hiện ra họ năm 1978


Sống trong dĩ vãng

Sự im lặng bất ngờ bị phá vỡ bởi những tiếng khóc nấc và than vãn. Pismenskaya kể lại: “Chỉ đến lúc đó chúng tôi mới thấy bóng hai phụ nữ. Một người đang bị kích động cứ cầu khẩn mãi một câu: “Lỗi tại chúng con, lỗi tại chúng con”. Người kia, nấp sau một cột nhà… từ từ ngồi phịch xuống sàn. Ánh sáng từ ô cửa sổ bé tí hắt vào đôi mắt mở to, kinh hãi của bà ta, và chúng tôi nhận ra mình phải ra khỏi đây ngay càng nhanh càng tốt”.

Pismenskaya hấp tấp đưa cả đoàn địa chất ra khỏi túp lều và đi tới một chỗ trống cách đó vài thước rồi bắt đầu lấy lương thực mang theo ra ăn. Sau chừng nửa giờ, cánh cửa lều lại cọt kẹt mở ra, và ông già cùng hai người con gái xuất hiện. Hai phụ nữ không còn bị kích động nữa, dù rõ ràng vẫn còn sợ hãi và “thật sự là tò mò”. Rất dè dặt, những con người kỳ lạ này đi tới chỗ các vị khách và ngồi xuống nhưng họ từ chối tất cả những thức ăn - mứt, trà, bánh mì - mà đoàn địa chất mang ra mời bằng một câu nói lắp bắp: “Chúng tôi không được phép!”.

Khi Pismenskaya hỏi “Đã bao giờ ăn bánh mì chưa?” thì ông già trả lời: “Tôi đã từng ăn. Còn các con tôi chưa bao giờ thấy bánh mì”. Ít ra ông ta nói còn dễ hiểu. Còn hai người con gái của ông lại nói bằng một thứ ngôn ngữ đã bị biến đổi khác thường do cả đời sống cô lập với người ngoài. Theo Pismenskaya, “khi hai bà nói chuyện với nhau thì nghe cứ như tiếng bồ câu rù rì, mơ hồ, khe khẽ”.

Dần dà, sau nhiều chuyến viếng thăm, toàn bộ câu chuyện của gia đình này mới lộ rõ nguồn cơn. Ông già tên là Karp Lykov và vốn là người theo Cựu Giáo – một giáo phái của Chính Thống Giáo Nga, và thực hành tín ngưỡng theo một kiểu cách không hề thay đổi kể từ thế kỷ 17. Những người theo Cựu Giáo đã bị ngược đãi từ thời Sa hoàng Peter Đại Đế (1672-1725) và ông già Lykov nói về chuyện này cứ như mới xảy ra ngày hôm qua. Đối với ông ta, Peter Đại Đế chẳng khác nào một kẻ thù cá nhân và nhắc lại chuyện vị Sa hoàng này trong một chiến dịch nhằm hiện đại hoá nước Nga đã cưỡng bức “cắt râu những người Cơ-đốc giáo”.
 
Những thù hằn nhiều thế kỷ ấy lại pha trộn với những nỗi bất bình gần kề hơn qua câu chuyện của ông già Lykov. Ông già hay than phiền về chuyện một tên lái buôn đã không chịu hiến tặng 26 pood (khoảng 5 tạ) khoai tây cho người Cựu Giáo vào khoảng năm… 1900. Mọi chuyện càng tồi tệ hơn cho gia đình Lykov khi thời cuộc đổi thay. Sau khi một người anh của Lykov bị một nhân viên tuần tra bắn chết ở rìa làng trong khi Lykov đang lom khom làm việc cạnh bên thì ông quyết định đưa hết cả nhà vào rừng lẩn trốn.

Giải trí bằng những giấc mơ

Đó là năm 1936 và khi ấy gia đình Lykov chỉ có bốn người: Lykov, vợ ông là Akulina, con trai Savin 9 tuổi, và con gái Natalia mới lên hai. Mang theo tài sản và ít hạt giống, họ cứ càng ngày càng đi sâu vào rừng taiga, tự mình dựng lên hết chỗ trú ẩn thô sơ này đến chỗ nương thân tạm bợ khác, cho đến khi cuối cùng họ tìm tới nơi trú ngụ hẻo lánh này. Thêm hai người con nữa được sinh ra trong nơi hoang dã – con trai Dmitry sinh năm 1940 và con gái Agafia sinh năm 1943 – và cả hai người con nhỏ nhất của nhà Lykov này chưa bao giờ thấy bóng một con người nào ngoại trừ thành viên trong gia đình. Tất cả những gì Agafia và Dmitry biết về thế giới bên ngoài họ chỉ biết qua những câu chuyện do cha mẹ kể lại. Trò tiêu khiển chính của cả gia đình, theo ghi chép của nhà báo Nga Vasily Peskov của tờ “Sự thật Kômsômôn”, là “mọi người kể lại cho nhau nghe những giấc mơ của mình”.

Những đứa con của ông Lykov biết rằng có những chỗ được gọi là thành phố nơi con người sống chen chúc trong những toà nhà cao. Họ cũng nghe kể là có những đất nước khác ngoài nước Nga. Nhưng những khái niệm đó đối với họ hoàn toàn trừu tượng. Thứ duy nhất họ có để đọc là một cuốn phúc âm và một cuốn Thánh Kinh xưa cổ của gia đình. Bà mẹ Akulina dùng hai cuốn sách này để dạy con cái biết đọc biết viết, dùng những que cây phong vót nhọn và chấm vào nhựa cây kim ngân để thay cho bút và mực. Khi người con gái út Agafia được cho xem một ảnh chụp con ngựa, bà ta nhận biết được con vật này từ những câu chuyện trong Thánh Kinh của người mẹ. “Nhìn này, cha ơi” – Agafia kêu lên. “Con chiến mã!”.

Nếu như sự cách ly của gia đình này với thế giới loài người quả là khó hiểu nổi thì sự khắc nghiệt cùng cực trong cuộc sống của họ lại là điều dễ hiểu. Đi bằng đường bộ tới được chỗ cư ngụ của nhà Lykov đúng là một hành trình gian khổ ghê gớm, cho dù được giúp sức bằng cách đi thuyền dọc theo dòng Abakan. Trong chuyến viếng thăm gia đình Lykov lần đầu tiên của mình, nhà báo Vasily Peskov của tờ “Sự thật Kômsômôn” phải ca thán: “Chúng tôi đã vượt qua 250 km mà không hề thấy một bóng người nào sinh sống!”.
 
Số phát hành của tờ “Sự thật Kômsômôn” tăng vọt lên 21 triệu bản suốt thời gian đăng tải phóng sự của nhà báo này. Về sau, Vasily Peskov viết lại câu chuyện thành một cuốn sách nổi tiếng với tựa đề “Lost in the Taiga” (Lạc trong rừng Taiga) xuất bản năm 1994. Cuốn sách trở thành sách bán chạy bestseller ở Pháp và được đạo diễn Jean Jacques Annaud mua bản quyền làm phim.

Kỳ tới: Cả gia đình chống chọi với cái đói suốt 40 năm và ngỡ ngàng với thế giới văn minh khi tiếp xúc trở lại với con người.

HOÀNG THẢO