Cô lập giữa rừng hoang (Kỳ 3)

05:08, 21/08/2013

Sự cô lập khiến cho việc sống sót giữa chốn hoang dã gần như là điều bất khả thi và chết đói là nguy cơ thường trực. Gia đình Lykov tồn tại được chỉ nhờ một hạt lúa mạch đen may mắn.

Đấu tranh sinh tồn

[links()]Sự cô lập khiến cho việc sống sót giữa chốn hoang dã gần như là điều bất khả thi và chết đói là nguy cơ thường trực. Gia đình Lykov tồn tại được chỉ nhờ một hạt lúa mạch đen may mắn.

Hoàn toàn phụ thuộc vào chính khả năng xoay xở của mình, gia đình Lykov nỗ lực tìm mọi cách thay thế những vật dụng ít ỏi mà họ đã mang theo vào rừng taiga. Họ dùng vỏ cây phong làm giày ủng. Áo quần cứ được vá chằng vá đụp cho đến khi tả tơi tan nát và họ trồng cây gai dầu để lấy sợi dệt thành vải làm quần áo.

Nhà Lykov có mang theo một guồng xe sợi thô sơ, và thật không ngờ, có đủ cả các bộ phận của một khung cửi dệt vải cho dù họ luôn di chuyển từ nơi này sang nơi khác và càng lúc càng đi sâu vào vùng hoang dã. Mang những vật này theo đòi hỏi phải làm nhiều chuyến đi lê thê gian khó. Nhưng họ chẳng có công nghệ gì để thay thế các đồ dùng kim khí. Mấy chiếc ấm nước phục vụ họ tận tình được nhiều năm, nhưng khi chúng cuối cùng bị rỉ sét hết thì vật liệu duy nhất để họ có thể làm ra cái thay thế cho những chiếc ấm chính là vỏ cây phong. Bình chứa làm bằng vỏ cây thì không thể đặt trên đống lửa để đun nấu. Đến lúc người ta phát hiện ra gia đình Lykov thì thực đơn chính yếu của họ là khoai tây nghiền trộn với lúa mạch đen và hạt cây gai dầu.

Nhà báo Nga Vasily Pesko của tờ “Sự thật Kômsômôn” tiếp xúc với gia đình Lykov ở vùng Abakan, Siberia. Câu chuyện gia đình Robinson Crusoe của rừng taiga này trở thành một phóng sự chấn động trong năm 1982 trên khắp Liên Xô
Nhà báo Nga Vasily Pesko của tờ “Sự thật Kômsômôn” tiếp xúc với gia đình Lykov ở vùng Abakan, Siberia. Câu chuyện gia đình Robinson Crusoe của rừng taiga này trở thành một phóng sự chấn động trong năm 1982 trên khắp Liên Xô


CHỐNG CHỌI CÁI ĐÓI

Theo nhà báo Vasily Peskov của tờ “Sự thật Kômsômôn” thuật lại, ở một số phương diện thì rừng taiga lại cung ứng cho gia đình Lykov rất dồi dào. “Cạnh túp lều của họ là một con suối trong, mát lạnh. Những cây thông, tùng bách, vân sam ê hề tạo ra tất cả những thứ gì mà người ta ai cũng có thể lấy… những bụi việt quất và mâm xôi dại cho trái ngay trong tầm tay, củi đốt thì tràn trề và những quả thông rơi ngay trên mái lều”.

Tuy nhiên, gia đình Lykov triền miên sống ở ngưỡng đói khát. Mãi đến cuối những năm 1950, khi con trai út Dmitry đến tuổi trưởng thành thì họ mới bắt đầu đặt bẫy bắt thú để lấy thịt và bộ da. Không có súng và thậm chí cả cung tên, họ chỉ có thể săn bắt bằng cách đào hầm bẫy hay truy đuổi theo con mồi băng qua nhiều ngọn núi cho đến khi con thú kiệt sức ngã gục. Dmitry có sức chịu đựng đáng kinh ngạc, anh ta có thể đi săn chân trần trên tuyết, có khi đi rất nhiều ngày mới quay về lều, trên vai vác một con nai sừng tấm, sau khi ngủ giữa đồng hoang lạnh đóng băng dưới âm độ C. Nhưng rất thường xuyên họ không hề được ăn thịt, và thực đơn của họ dần dần trở thành đơn điệu. Nhiều thú hoang dã phá hoại những vụ mùa cà-rốt của họ, và người con gái Agafia còn nhớ những năm cuối thập niên 1950 là “những năm đói”.

Bà nói: “Chúng tôi ăn toàn lá cây dại, rễ cây, cỏ, nấm, đọt cây khoai và vỏ cây. Chúng tôi luôn luôn đói. Mỗi năm chúng tôi họp lại quyết định xem nên ăn hết mọi thứ hay chừa lại ít hạt làm giống trồng trọt”.

Vào năm 1961 mới tháng sáu mà tuyết đã rơi. Mùa băng giá khắc nghiệt đã làm chết sạch mọi thứ trồng trong vườn của họ và đến mùa xuân thì cả gia đình chỉ còn biết ăn vỏ cây để sống cầm hơi. Bà mẹ Akulina quyết định nhịn cho các con ăn và năm đó bà chết vì đói. Những thành viên còn trong gia đình được cứu sống bằng một biến cố mà họ cho là phép mầu – một hạt lúa mạch đen duy nhất nẩy mầm trong vạt đất trồng đậu của họ. Gia đình Lykov dựng một hàng rào quanh mầm lúa này và canh chừng ngày đêm để xua đuổi lũ chuột và sóc khỏi cướp mất hy vọng của họ. Đến lúc thu hoạch, cây lúa mạch duy nhất này cho 18 hạt và từ số hạt này, họ nhẫn nại tái tạo lại một vụ lúa.

TIẾP XÚC VỚI NỀN VĂN MINH HIỆN ĐẠI

Khi các nhà địa chất Liên Xô đã quen biết nhà Lykov, họ mới nhận ra là họ đã đánh giá thấp những khả năng và trí thông minh của gia đình Robinson tân thời này. Già Karp thường tỏ ra hoan hỉ vì những phát minh tân kỳ mà các nhà khoa học mang từ nơi đóng trại của họ đến. Mặc dù ông già kiên quyết không chịu tin là con người đã đặt chân lên mặt trăng nhưng ông lại nhanh chóng thích ứng với ý tưởng về các vệ tinh nhân tạo.

Nhà Lykov đã chú ý đến các vệ tinh rất sớm, từ những năm 1950, khi – theo lời họ – “những vì sao bắt đầu dịch chuyển rất nhanh qua bầu trời,” và chính già Karp còn tự nghĩ ra một giả thuyết để giải thích hiện tượng này: “Người ta chắc đã nghĩ ra cái gì mới và đang phóng lên trời những tia lửa giống như những vì sao”. Theo tường thuật của nhà báo Vasily Peskov, thứ làm ông già kinh ngạc nhất lại là một tờ giấy bóng kính gói quà. Già Karp kêu lên khi thấy thứ đồ vật bình thường đó: “Lạy Chúa, xem người ta nghĩ ra cái gì đây này! Thủy tinh mà lại vò nhàu như giấy thế này!”.

Già Karp luôn chống cự tuyệt vọng trước những thứ hiện đại văn minh. Khi họ đã gặp gỡ các nhà địa chất lần đầu, món quà tặng duy nhất từ các chuyên gia mà cả gia đình chấp nhận chỉ là… muối! Theo già Karp, sống suốt 40 năm không có muối để ăn quả là “tra tấn thật sự”. Nhưng theo thời gian, thân thiết với các chuyên gia hơn thì họ mới bắt đầu nhận nhiều quà hơn. Họ hoan nghênh sự giúp đỡ của một người bạn đặc biệt trong số các nhà địa chất này – anh Yerofei Sedov. Anh ta đã dành thời gian rảnh rỗi để giúp gia đình Lykov trồng trọt và thu hoạch vụ mùa. Nhà Lykov nhận các món quà như dao, nĩa, quai xách, ngũ cốc và cuối cùng là giấy bút và một chiếc đèn pin. Tất cả những món quà này họ chỉ miễn cưỡng nhận lấy. Cái phát minh tân kỳ mà họ không thể cưỡng lại óc hiếu kỳ chính là chiếc tivi mà họ nhìn thấy lần đầu tiên khi viếng thăm nơi đóng trại của đoàn địa chất khoáng sản.

Trong những lần ghé thăm hiếm hoi, gia đình Lykov luôn ngồi xuống xem tivi. Già Karp ngồi ngay trước màn hình nhỏ. Người con gái Agafia đứng sau cửa vừa xem vừa gãi đầu. Liền sau đó bà ta cố sức cầu kinh xin xá tội, vừa thầm thì vừa làm dấu thánh. Còn ông già thì xem xong mới sốt sắng đọc kinh hàng tràng dài.

Kỳ tới: Sống cô lập trong rừng taiga suốt 40 năm không chết nhưng gia đình Lykov lại nối tiếp nhau chết rất nhanh sau khi tái lập quan hệ với thế giới văn minh.

HOÀNG THẢO