Những đứa con của hoang dã (kỳ 4)

05:08, 28/08/2013

Điều đau buồn nhất trong câu chuyện kỳ lạ của gia đình Lykov chính là việc cả nhà lần lượt chết rất nhanh sau khi tái lập quan hệ với thế giới bên ngoài chỉ được ba năm.

Điều đau buồn nhất trong câu chuyện kỳ lạ của gia đình Lykov chính là việc cả nhà lần lượt chết rất nhanh sau khi tái lập quan hệ với thế giới bên ngoài chỉ được ba năm.
 
Mỗi thành viên trong gia đình đều có cá tính rõ rệt. Dù đã quá tuổi 80, già Karp vẫn duy trì vai trò của mình là người đứng đầu gia đình. Đáp lại, con trai cả Savin tự xem mình là người phán quyết không khoan nhượng những vấn đề tôn giáo. “Nó có đức tin mạnh nhưng là người khắt khe,” người cha của Savin nói về con trai mình. Và già Karp dường như lo lắng không biết chuyện gì sẽ xảy ra cho cả nhà sau khi ông chết nếu như Savin nắm quyền trụ cột gia đình. Chắc chắn là người con trai cả Savin sẽ không gặp chống đối gì từ cô em Natalia, người luôn cố gắng thay thế bà mẹ quá cố trong cả ba vai trò đầu bếp, thợ may và y tá.
 
Con của rừng…
 
Hai người con sinh ra trong rừng taiga - Dmitry và Agafia - lại dễ gần hơn và phóng khoáng hơn đối với thay đổi và phát kiến. Nhà báo Vasily Peskov của tờ “Sự thật Kômsômôn” nhận xét: “Cá tính bà Agafia không nặng chất cuồng tín”. Theo thời gian, nhà báo này dần nhận ra người con út của nhà Lykov có óc hài hước và bà thường tự giễu cợt bản thân.
 
 Bà Agafia, 70 tuổi, thành viên duy nhất của gia đình Lykov còn sống tới ngày nay, cùng với nhà địa chất Yerofei Sedov ngày xưa giờ trở thành người hàng xóm duy nhất của bà trong rừng taiga
Bà Agafia, 70 tuổi, thành viên duy nhất của gia đình Lykov còn sống tới ngày nay, cùng với nhà địa chất Yerofei Sedov ngày xưa giờ trở thành người hàng xóm duy nhất của bà trong rừng taiga
Bà Agafia có cách nói khác thường - giọng bà ê a và những từ đơn thường được phát âm kéo dài thành nhiều âm tiết - khiến một số người viếng thăm bà nghĩ là bà kém phát triển trí tuệ. Thực tế bà Agafia thông minh đặc biệt và đảm đương nhiều nhiệm vụ khó khăn trong một gia đình không hề có cuốn niên lịch nào để theo dấu thời gian. Bà không nề hà việc làm lụng cực nhọc, dù là dùng tay đào một cái hầm mới vào cuối thu lạnh giá hay làm việc dưới ánh trăng khi đã tắt mặt trời. Khi nhà báo Peskov ngạc nhiên hỏi bà có sợ ở một mình giữa hoang vu khi trời tối hay không, bả đáp: “Ở ngoài đó thì có gì làm hại được tôi chứ?”.
 
Trong tất cả thành viên nhà Lykov, các chuyên gia địa chất yêu mến người con trai út Dmitry nhất. Ông là một thợ săn tài giỏi, am tường mọi trạng thái của vùng rừng taiga. Ông là người tò mò nhất và có lẽ cởi mở nhất trong gia đình này. Chính Dmitry là người làm bếp lò trong nhà và làm tất cả những thùng chứa bằng vỏ cây phong để trữ thực phẩm. Cũng chính Dmitry bỏ ra nhiều ngày cưa và bào bằng tay từng súc gỗ mà nhà Lykov đốn hạ. Có lẽ không có gì phải ngạc nhiên khi chính Dmitry hào hứng nhất với các kỹ thuật - công nghệ của nhóm chuyên gia.
 
Khi mối quan hệ đã cải thiện tới mức nhà Lykov bị thuyết phục đến thăm nơi đóng trại của các chuyên gia Liên Xô ở hạ lưu sông Abakan, Dmitry đã bỏ ra nhiều giờ thích thú trong xưởng cưa nhỏ của trại khảo sát địa chất. Nhà báo Peskov viết: “Cũng dễ hình dung. Súc gỗ mà Dmitry phải mất một hay hai ngày để bào phẳng lại biến hình thành một tấm ván phẳng phiu, đẹp đẽ ngay trước mắt ông. Dmitry đưa lòng bàn tay vuốt ve mặt ván và thốt lên: “Hay quá!”.
 
… sẽ chết ở rừng
 
[links()][links(left)]Sống cô lập trong rừng taiga suốt 40 năm không chết nhưng gia đình Lykov lại nối tiếp nhau chết rất nhanh sau khi tái lập quan hệ với thế giới văn minh. Mùa thu 1981, trong bốn người con thì ba người lần lượt xuống mồ chỉ cách nhau vài ngày. Theo nhà báo Peskov, cái chết của họ - như có thể dự báo - là kết quả của việc tiếp xúc với những chứng bệnh mà họ không hề được miễn dịch. Cả hai người con Savin và Natalia đều mắc phải những chứng bệnh về thận, - rất có khả năng là do hậu quả của chế độ ăn uống khắc nghiệt của họ. Nhưng Dmitry lại chết vì chứng viêm phổi mà có thể ông đã bị lây truyền từ những người bạn mới.
 
Cái chết của Dmitry gây bàng hoàng cho cả đoàn địa chất, những người cố gắng tuyệt vọng để cứu chữa cho ông. Họ đề nghị gọi trực thăng cứu hộ để đưa ông đến bệnh viện. Nhưng Dmitry lại cực đoan, không chịu từ bỏ gia đình lẫn tín ngưỡng mà ông đã theo cả đời. Ông thì thào ngay trước khi chết: “Chúng tôi không được phép. Chúa cho sống bao nhiêu thì sống bấy nhiêu”.
 
Khi cả ba người con nhà Lykov đã mồ yên mả đẹp, các nhà địa chất cố thuyết phục già Karp và người con gái út Agafia bỏ rừng già để quay về sống với những người họ hàng còn sót lại sau những năm thanh trừng, vẫn còn ở ngay ngôi làng ngày xưa. Nhưng cả già Karp lẫn Agafia chẳng ai chịu nghe. Họ cải tạo lại căn nhà gỗ cũ kỹ nhưng vẫn cứ sống giữa rừng hoang.
 
Năm 1982, sau loạt bài phóng sự của nhà báo Visily Peskov trên tờ “Sự thật Kômsômôn”, gia đình Lykov trở thành hiện tượng trên toàn quốc. Agafia nhận được lời mời từ chính phủ Liên Xô đi du lịch khắp nước lần đầu tiên vào năm 1986. Bất kể sự thất vọng của cha, Agafia vẫn nhận lời mời và suốt một tháng bà du hành khắp nơi bằng trực thăng, tàu lửa, máy bay và ô-tô. Bà ngạc nhiên trước những thứ mới thấy lần đầu như con bò, con ngựa, cửa hàng, thành phố, và đồng tiền rồi quay về rừng taiga không biết làm sao giải thích cho cha mình hiểu về thảm họa rò rỉ phóng xạ ở Chernobyl.
 
Ông già Karp Lykov qua đời trong giấc ngủ vào ngày 16/2/1988, mất sau bà Akulina vợ ông 27 năm. Với sự giúp đỡ của các nhà địa chất, người con gái út Agafia chôn cha trên sườn núi rồi quay về đi thẳng về nhà mình. Yerofei Sedov, nhà địa chất trong đoàn chuyên gia, kể lại: “Bà ấy không chịu đi và chúng tôi đành phải để bà ở lại. Ra đi rồi tôi còn ngoái lại vẫy tay chào Agafia. Bà đứng bên con suối như một pho tượng. Bà không khóc. Bà gật đầu: “Đi đi, cứ đi đi.” Chúng tôi đi thêm chừng cây số nữa và tôi ngoái lại nhìn. Bà vẫn còn đứng đó”.
 
Giống như người anh Dmitry của mình, bà cũng nói: “Chúa cho sống bao nhiêu thì sống bấy nhiêu”. Và kỳ lạ thay, bà Agafia vẫn sống cho đến bây giờ, ở tuổi 70, ở triền thung lũng trên đầu dòng Abakan. Nhưng bà không sống một mình nữa. Nhà địa chất Yerofei Sedov sau khi quay về thành phố và bị chứng hoại thư phải cưa cụt một chân. Khi nghe bác sĩ bảo ông nếu có thể quay lại vùng nước trong lành của rừng taiga thì tốt cho sức khỏe hơn, Yerofei quyết định trở về khu khảo sát địa chất ngày xưa. Ông dựng một căn nhà gỗ bên dòng Abakan và làm hàng xóm với bà Agafia từ năm 1997 cho tới bây giờ.
 
HOÀNG THẢO