Đế chế Samsung

03:09, 04/09/2013

Nhân sự kiện Samsung công bố sản phẩm smartphone hàng đầu Galaxy Note 3 tại Berlin (Đức) ngày 4/9/2013 vừa qua, thử tìm hiểu xem làm thế nào Samsung trở thành hãng sản xuất điện thoại thông minh số 1 thế giới?

Nhân sự kiện Samsung công bố sản phẩm smartphone hàng đầu Galaxy Note 3 tại Berlin (Đức) ngày 4/9/2013 vừa qua, thử tìm hiểu xem làm thế nào Samsung trở thành hãng sản xuất điện thoại thông minh số 1 thế giới?

KỲ1: Thánh địa

Cách thủ đô Seoul của Hàn Quốc về phía nam khoảng 45 phút đi ô-tô là thành phố Yongin. Đó là một thành phố không có nét gì nổi bật lắm, đang phát triển nhanh nhờ các điểm du lịch nổi tiếng như Everland Resort - khu công viên giải trí theo chủ đề lớn nhất xứ Hàn. Nhưng cái nơi sinh lợi nhất của Yonhing lại không phải khu Everland Resort mà là Trung tâm Phát triển Nguồn nhân lực Samsung.

Tên chính thức của khu phức hợp này là Changjo Kwan, phiên âm ra Hán-Việt là “Sáng tạo Viện”. Đó là một kiến trúc khổng lồ với mái nhà theo kiểu cổ truyền Hàn Quốc, nằm trong một khuôn viên bao quanh giống như một khu công viên du lịch có chủ đề. Mọi thứ ở đây đều chỉ mang một chủ đề duy nhất: Samsung.

Trong một lối đi có mái che giữa hai tòa nhà, một tấm bản đồ tạo hình từ những viên đá màu chia trái đất ra làm hai phần: những quốc gia mà Samsung có trụ sở kinh doanh (biểu thị bằng những bóng đèn xanh); và những quốc gia mà Samsung sẽ đặt trụ sở (biểu thị bằng đèn đỏ). Tấm bản đồ này hầu như chỉ toàn màu xanh. Trong tiền sảnh, một khẩu hiệu khắc bằng hai thứ tiếng Hàn và Anh tuyên bố: “Chúng ta sẽ cống hiến nhân lực và công nghệ để tạo ra những dịch vụ và sản phẩm ưu việt hơn để đóng góp cho một xã hội toàn cầu tốt đẹp hơn”. Một tấm biển khác bằng tiếng Anh hô hào: “Go! Go! Go!” (Tiến lên! Tiến lên!).

Mỗi năm có hơn 50.000 nhân viên đi qua Changjo Kwan và các cơ sở phụ thuộc. Trong những khóa huấn luyện kéo dài từ vài ngày đến nhiều tháng, họ được thấm nhuần mọi thứ Samsung: Họ học về ba nguyên tắc chữ P là “products”, “process”, và “people” (sản phẩm, quy trình và con người); họ học về phương pháp “quản trị toàn cầu” để Samsung có thể mở rộng sang các thị trường mới; nhiều nhân viên phải trải qua những bài tập cùng làm món kim chi với nhau để học cách làm việc nhóm và văn hóa Hàn Quốc.

Họ sẽ ở trong các phòng riêng hoặc chung, tùy theo thâm niên, trên các tầng lầu được đặt tên theo các nghệ sĩ. Tầng Magritte có tấm thảm in hình các đám mây còn các chiếc đèn bàn lại gắn ngược trên trần nhà. Ở một hành lang, giọng nói ghi âm của người đàn ông nói tiếng Hàn văng vẳng qua hệ thống loa phóng thanh. Đó là một huấn thị của Lee Kun Hee, vị chủ tịch 71 tuổi của tập đoàn Samsung Electronics.

Chủ tịch Lee Kun Hee trong vòng 25 năm kể từ 1987 đã đưa Samsung từ một tập đoàn vô danh trở thành hãng điện tử số 1 thế giới về doanh thu toàn cầu.
Chủ tịch Lee Kun Hee trong vòng 25 năm kể từ 1987 đã đưa Samsung từ một tập đoàn vô danh trở thành hãng điện tử số 1 thế giới về doanh thu toàn cầu.


Tấn công ra thế giới

Bất kể chuyện nổi tiếng trên báo chí vào năm 2008 khi ông Lee bị kết án trốn thuế, và vào năm 2009 khi ông được Tổng thống Hàn Quốc miễn tội, vị Chủ tịch Samsung vẫn là một nhân vật ít được công chúng biết tới. Ngoại trừ trong nội bộ Samsung, nơi ông hiện diện khắp nơi. Không chỉ là những khẩu hiệu trên hệ thống âm thanh; các tập quán nội bộ và chiến lược đối ngoại của Samsung - từ cách thiết kế TV như thế nào cho tới triết lý “khủng hoảng thường trực” của công ty này - tất cả để phát sinh từ những giáo huấn đã trở thành luật lệ của vị chủ tịch này.

Từ khi Lee nắm quyền điều hành tập đoàn vào năm 1987, doanh số đã tăng vọt lên 179 tỷ USD trong năm vừa qua, biến Samsung Electronics trở thành công ty điện tử lớn nhất thế giới tính theo tổng doanh thu. Nhưng bất kể tầm phủ rộng toàn cầu, công ty này vẫn chưa được nhiều người biết rõ. Ai cũng biết câu chuyện về Steve Jobs và hãng Apple, Akio Morita và hãng Sony. Nhưng còn Samsung và ông Lee Kun Hee? Người ta có thể nhắc đến chuyện chính phủ Hàn Quốc hỗ trợ cho các anh tài bản xứ và tạo điều kiện dễ dàng vay vốn, nhưng bên trong Samsung tất cả đều phát xuất từ Chủ tịch Lee và Phòng Frankfurt.

Căn phòng này trông cũng bình thường: trang trí theo kiểu xưa đầu thập niên 1990 và một chiếc bàn lớn với một bình hoa giả đặt chính giữa. Nhưng Phòng Frankfurt chính là linh hồn của khu phức hợp Changjo Kwan ở Yongin - một nơi cực kỳ đặc biệt ở một nơi đã quá đặc biệt. Phòng này cấm chụp ảnh và mọi người khi bước vào để hạ giọng nói thì thầm. Căn phòng này là phiên bản tái tạo tỉ mỉ đến từng chi tiết gian phòng hội nghị buồn tẻ trong một khách sạn Đức nơi vào năm 1993, Chủ tịch Lee đã quy tụ các phụ tá lại và họp bàn kế hoạch cải tổ Samsung - lúc đó chỉ là một hãng sản xuất TV hạng hai - trở thành hãng sản xuất hàng điện tử hùng mạnh nhất hành tinh. Điều đó đòi hỏi phải thay đổi từ việc sản xuất số lượng lớn, phẩm chất thấp sang chất lượng cao, cho dù phải hy sinh doanh số. Như vậy có nghĩa là phải nhìn xa hơn biên giới Hàn Quốc và tấn công ra thế giới.

Samsung đang có một động lực. Tập đoàn này đã thống trị mặt hàng TV và bán rất nhiều máy giặt, nhưng chính điện thoại thông minh mới giúp sự hiện diện của Samsung được nhìn nhận khắp thế giới giống như các thương hiệu Walt Disney và Toyota Motor. Nếu Samsung chưa có một tên tuổi hào nhoáng như Apple, nó sẽ tìm kiếm thành công như một kẻ đối đầu Apple - điện thoại thông minh Galaxy đã bán ra nhiều hơn cả iPhone. Và Samsung có lẽ là công ty duy nhất ngoài Apple có thể tung ra một chương trình giới thiệu sản phẩm và khiến mọi người phải xếp hàng quanh cả dãy phố, như Samsung đã làm ở New York ngày 14.3.2012 khi tung ra kiểu smartphone Galaxy S4. Điều đó không bao giờ xảy ra khi Samsung công bố một kiểu tủ lạnh mới - mặc dù những kiểu tủ lạnh dành riêng cho thị trường Hàn Quốc hết sức ấn tượng.

Kỳ tới: Samsung đánh lớn trong canh bạc công nghệ. Họ nghiên cứu kỹ mọi rủi ro và đem sản phẩm ra đánh cược. Và đã thắng.

TRẦN NGỌC ĐĂNG