Kỳ 2: Chiến lược lấn sân tổng lực

03:09, 11/09/2013

Samsung Electronics là công ty lớn nhất thuộc tập đoàn công nghiệp Samsung - một tập đoàn chiếm giữ 17% tổng GDP của Hàn Quốc. Samsung tuyển dụng 370.000 người ở hơn 80 quốc gia, nhưng không ở đâu sự hiện diện của tập đoàn này lại có thể cảm nhận sâu sắc hơn ở ngay quê nhà.

[links()]Samsung Electronics là công ty lớn nhất thuộc tập đoàn công nghiệp Samsung - một tập đoàn chiếm giữ 17% tổng GDP của Hàn Quốc. Samsung tuyển dụng 370.000 người ở hơn 80 quốc gia, nhưng không ở đâu sự hiện diện của tập đoàn này lại có thể cảm nhận sâu sắc hơn ở ngay quê nhà.

Tự sản xuất được mọi linh kiện chủ yếu của sản phẩm điện tử - từ chip nhớ, bộ vi xử lý, thẻ nhớ cho tới màn hình LCD - chính là đòn bẩy để Samsung dần chiếm lĩnh thị trường smartphone quốc tế
Tự sản xuất được mọi linh kiện chủ yếu của sản phẩm điện tử - từ chip nhớ, bộ vi xử lý, thẻ nhớ cho tới màn hình LCD - chính là đòn bẩy để Samsung dần chiếm lĩnh thị trường smartphone quốc tế


Ờ Hàn Quốc, sự thống trị của Samsung có thể xem như một chính phủ thứ hai. Một cư dân Seoul có thể đã được chào đời trong bệnh viện Samsung Medical Center và được đưa về nhà ở một khu phức hợp do một công ty xây dựng của Samsung thi công. (Chính công ty này cũng thi công tòa tháp đôi Petronas Twin Towers ở Malysia và tòa nhà chọc trời cao nhất thế giới Burj Khalifa ở Dubai). Cái nôi của công dân sơ sinh này có thể là hàng sản xuất ở nước ngoài, như vậy có thể nó đã được nhập cảng trên một chiếc tàu vận tải do Samsung Heavy Industries đóng.

Khi công dân này lớn lên, có thể người đó sẽ nhìn thấy những tấm biển quảng cáo dịch vụ bảo hiểm nhân thọ của Samsung Life Insurance được sáng tạo bởi Cheil Worldwide - một hãng quảng cáo của Samsung. Người này có thể mặc áo quần hiệu Bean Pole, một thương hiệu hàng dệt may của Samsung. Khi thân nhân của người này đến Seoul thăm viếng, họ có thể ở tại khách sạn The Shilla hay mua sắm ở cửa hàng miễn thuế The Shilla Duty Free - cũng thuộc sở hữu Samsung.

Mô hình các tập đoàn sản xuất đa ngành từ mấy thập niên qua đã không được ưa chuộng ở các nước công nghiệp hóa. Điều khiến Samsung khác biệt với các tập đoàn tương tự của Mỹ như Gulf + Western, Sunbeam, hay các điển hình đã bị tiêu vong khác là khả năng đẩy đến tận cùng các sản phẩm trọng tâm và cơ hội. Giáo sư Chang Sea Jin ở Đại học Quốc gia Singapore, tác giả cuốn “Sony vs. Samsung” (Sony đọ với Samsung), đã nhận định: “Samsung giống như một tổ chức quân sự. Tổng giám đốc điều hành sẽ quyết định đường hướng chuyển quân và không được bàn cãi gì hết - cứ thi hành mệnh lệnh”.

Còn nhà phân tích Mark Newman ở hãng tư vấn Sanford C. Bernstein thì nói: “Samsung chính xác như bộ máy đồng hồ.” Newman đã từng làm việc cho Samsung từ 2004 đến 2010 trong bộ phận chiến lược kinh doanh. “Anh phải đi theo hàng ngũ. Nếu không, anh sẽ không thể chịu nổi áp lực của những người ngang cấp. Nếu anh không thể tuân thủ một chỉ đạo cụ thể thì anh không thể tồn tại ở công ty này”.

Hãy xem cách Samsung Electronics chuyển hướng vào một hạng mục sản phẩm mới. Giống như các tập đoàn Hàn Quốc khác - chẳng hạn, LG và Hyundai - khởi động đầu tiên luôn là một bước nhỏ: sản xuất một thành phần hay linh kiện của ngành công nghiệp đó. Về mặt lý tưởng, thành phần đó sẽ là một thứ gì đó phải tốn rất nhiều tiền mới sản xuất được, bởi vì những rào cản kinh phí sẽ giúp hạn chế bớt cạnh tranh. Các mạch vi xử lý và chip bộ nhớ là thành phần hoàn hảo. Giám đốc thông tin toàn cầu của Samsung là Lee Keon Hyok cho biết: “Một nhà máy sản xuất linh kiện bán dẫn tốn từ 2 đến 3 tỷ USD một cái, và anh đâu có thể xây dựng một nửa nhà máy. Hoặc là có nguyên nhà máy, hoặc là không”.

Canh bạc lớn

Một khi cơ sở hạ tầng đã xong xuôi, Samsung bắt đầu bán các linh kiện này cho các hãng khác. Nhờ thế Samsung sẽ có được hiểu biết về cách hoạt động của ngành công nghiệp này. Khi Samsung quyết định bành trướng hoạt động và bắt đầu cạnh tranh với chính những công ty mà nó cung cấp linh kiện, nó sẽ đầu tư khổng lồ vào các nhà máy và công nghệ, giành được chỗ đứng vững chắc ở một vị trí mà nhiều công ty khác không có nhiều cơ hội để ganh đua. Năm vừa qua, Samsung Electronics đã đổ 21,5 tỷ USD vào các đầu tư chiến lược dài hạn, gấp đôi mức đầu tư của Apple trong cùng thời kỳ. Nhà phân tích Newman nói: “Samsung đánh lớn trong canh bạc công nghệ. Họ nghiên cứu kỹ mọi rủi ro và đem sản phẩm ra đánh cược”.

Năm 1991, Samsung bắt đầu sản xuất tấm màn hình LCD để bán cho các hãng sản xuất TV. Năm 1994, Samsung bắt đầu làm chip bộ nhớ cho các sản phẩm của các hãng khác như iPod và các loại điện thoại thông minh. Samsung hiện nay là hãng sản xuất số 1 về các loại TV LCD và bán chip bộ nhớ các loại nhiều hơn bất kỳ công ty nào trên thế giới. Và đến 2012, Samsung đã qua mặt Nokia trở thành hãng sản xuất điện thoại di động lớn nhất thế giới.

Khi Samsung mạnh lên thì nhiều hãng khác yếu đi, mỗi hãng mỗi kiểu: Motorola phải chia tách công ty và bán bộ phận sản xuất điện thoại cho Google. Nokia nhìn vị trí số 1 lâu nay của mình bị bào mòn khi hãng này bị tấn công bất ngờ bởi các sản phẩm smartphone của Samsung. Liên doanh Sony-Ericsson tan rã. Hãng Palm biến mất khi phải bán đứt cho Hewlett-Packard. BlackBerry thua lỗ kéo dài khi thị trường bị Samsung chiếm lĩnh và đến tháng 8 năm nay đã đứng trên bờ vực phá sản. Khi nói đến phần cứng của thiết bị di động, hiện nay chỉ còn Apple, Samsung, và một số đông đảo thương hiệu tuyệt vọng không làm sao vươn lên khỏi số phận được gọi là “nhóm còn lại”.

Samsung có thể không bao giờ có hệ thống kiểm soát hệ điều hành như Apple có. Tuy nhiên, sức mạnh của Samsung là khả năng tự sản xuất bộ vi xử lý, chip bộ nhớ, và máy ảnh để dùng không chỉ cho smartphone của mình mà còn cung cấp cho nhiều hãng khác - kể cả bộ vi xử lý trong iPhone 5. Chính sách đã tuyên bố của công ty này là bộ phận sản xuất linh kiện hoàn toàn không liên can với bộ phận sản xuất thành phẩm và không bộ phận nào biết bộ phận kia đang làm gì. Nhưng Samsung không ngừng theo dõi những công nghệ mới, đặc biệt là những công nghệ tốn thời gian nghiên cứu và sẽ được cần dùng với số lượng lớn. Nhà phân tích Neil Mawston của hãng tư vấn Strategy Analytics nói: “Đầu tư sớm vào chuỗi cung ứng chính là yếu tố tạo lợi thế cho Samsung. Họ có thể nhìn thấy trước ba năm”.

Kỳ tới: Chủ tịch Lee Kun Hee đi khắp thế giới, ra giảng triết lý quản trị mới của mình ở mọi ngóc ngách của đế chế Samsung để quyết tâm thay đổi vị thế của tập đoàn này trên trường quốc tế.

TRẦN NGỌC ĐĂNG