Kỳ 3: "Thay đổi mọi thứ chỉ trừ vợ con"

03:09, 18/09/2013

Cha của Chủ tịch Lee Kun Hee là ông Lee Byung Chull đã thành lập Samsung vào năm 1938. Samsung phiên âm ra Hán-Việt là "tam tinh" (ba ngôi sao) và hình ba ngôi sao luôn hiện diện trong logo của tập đoàn này cho đến năm 1992.

[links()]Cha của Chủ tịch Lee Kun Hee là ông Lee Byung Chull đã thành lập Samsung vào năm 1938. Samsung phiên âm ra Hán-Việt là “tam tinh” (ba ngôi sao) và hình ba ngôi sao luôn hiện diện trong logo của tập đoàn này cho đến năm 1992.

Một nữ công nhân trong nhà máy lắp ráp điện thoại di động Gumi của Samsung ở phía nam Seoul với kiểu smartphone Android đầu tiên của hãng này năm 2009
Một nữ công nhân trong nhà máy lắp ráp điện thoại di động Gumi của Samsung ở phía nam Seoul với kiểu smartphone Android đầu tiên của hãng này năm 2009

Lee Kun Hee đảm nhiệm vai trò chủ tịch tập đoàn này sau khi cha ông qua đời năm 1987. Con trai của Lee Kun Hee là Lee Jae Yong là phó chủ tịch kiêm người thừa kế. Samsung lập tức phát đạt dưới tài lãnh đạo của chủ tịch mới Lee Kun Hee.

“Từ 1988 đến 1993, công ty này đã tăng trưởng gấp hai lần rưỡi, cho nên các nhà điều hành đều nghĩ rằng mọi chuyện đều hiệu quả,” lời ông Shin Tae Gyun, Giám đốc Trung tâm Phát triển Nhân lực của Samsung. Tuy nhiên, Chủ tịch Lee không muốn Samsung chỉ là một công ty Hàn Quốc thành công. Ông muốn nó phải là một đấu thủ tầm thế giới trên thương trường, phải ngang cỡ như các tên tuổi General Electric, Procter & Gamble, và IBM. Ông thậm chí còn đặt ra một mốc thời hạn: năm 2000. Giám đốc nhân sự Shin nói: “Vào lúc đó thì cái mốc năm 2000 đâu còn xa. Với tốc độ tăng trưởng này, chúng tôi có kịp trở thành một công ty tầm cỡ thế giới vào lúc đó không? Câu trả lời khi đó là không”.

Để xem công ty của mình làm ăn ra sao trên trường quốc tế, Chủ tịch Lee làm một chuyến đi vòng quanh thế giới vào năm 1993. Những kết quả tìm hiểu của ông không đáng khích lệ: Chuyến viếng thăm vào tháng 2.1993 tới một cửa hàng điện tử ở miền nam California cho thấy các kiểu TV của Sony và Panasonic được trưng bày ngay vị trí cửa sổ chính còn TV của Samsung thì bám bụi ở các ngăn kệ thấp phía sau cửa hàng. Ông Lee không vui gì.

Đến tháng 6.2013, ông đi sang Đức và ngụ tại khách sạn Falkenstein Grand Kempinski Hotel ở Frankfurt. Ông triệu tập tất cả giám đốc của Samsung - lên tới hàng trăm người - đến đó gặp ông. Giám đốc thông tin toàn cầu của Samsung là Lee Keon Hyok cho biết: “Tới nơi là ông ra lệnh ngay tức khắc và tất cả đều tụ về”. Ngày 7.6 năm đó, vị chủ tịch này diễn thuyết suốt ba ngày liền (các cuộc họp chỉ dừng lại vào buổi tối). Câu trích dẫn nổi tiếng nhất từ bài diễn thuyết này là: “Thay đổi mọi thứ chỉ trừ vợ con của mình mà thôi”.

Sự kiện này sau được trong nội bộ Samsung gọi là “Tuyên ngôn Frankfurt 1993”. Nội dung của tuyên ngôn đó được gọi là “New Management” (Tân Quản trị) với các nguyên tắc quản lý, điều hành được rút tỉa thành một cuốn sách 200 trang phát cho mọi nhân viên Samsung. Sau đó, một bảng mục từ cũng được phát hành để định nghĩa mọi thuật ngữ đã nêu trong cuốn “New Management”. Công nhân nào ít chữ, đọc yếu, sẽ được phát một ấn bản riêng bằng hình. Chủ tịch Lee đi khắp thế giới, ra giảng phúc âm của mình ở mọi ngóc ngách của đế chế Samsung. Giám đốc nhân sự Shin nói: “Ông ấy diễn thuyết nhiều lắm. Tổng cộng đến 350 giờ ghi âm. Và chúng tôi ghi lại thành văn bản mọi bài diễn thuyết ấy và mất hết 8.500 trang giấy”.

Và do đó, ngay đối diện Hội trường New Management của Trung tâm Phát triển Nguồn nhân lực ở Yongin chính là Phòng Frankfurt thiêng liêng. Mọi thứ trong phòng này - kể cả các chiếc ghế, tấm khăn trải bàn màu hồng tẻ nhạt, một bức tranh phong cảnh Venice - tất cả đều là những đồ vật vốn của phòng họp khách sạn Kempinski nơi Chủ tịch Lee đã đưa ra tuyên ngôn tân quản trị. Samsung đã mua lại hết những đồ vật này chở về Hàn Quốc và tái tạo lại căn phòng chính xác như nguyên bản ở bên Đức.

Cái nôi của smartphone Samsung

Lý thuyết tân quản trị tập trung vào một số khẩu hiệu chính yếu: “Phát triển cá nhân” và “Thay đổi bắt đầu từ chính tôi” là những câu thường nghe. Có lẽ quan trọng nhất, lý thuyết này xét đến vấn đề kiểm tra chất lượng hay “quản trị phẩm chất” theo cách gọi trong nội bộ. Tất cả những điều đó được phô bày nổi bật ở một thánh địa khác của Samsung - khu phức hợp Gumi cách Seoul khoảng 250 km về phía nam. Là cơ sở sản xuất smartphone hàng đầu của Samsung, Gumi chính là nơi hãng này sản xuất chiếc điện thoại di động đầu tiên của mình: kiểu điện thoại “cục gạch” to đùng SH-100.

Điều đầu tiên ta chú ý ở Gumi chính là nhạc pop Hàn (K-pop). Bên ngoài nhà máy này, nhạc K-pop văng vẳng khắp nơi, thường từ những chiếc loa ngoài trời ngụy trang như những tảng đá. Theo lời giải thích của một người phát ngôn cho Samsung, loại nhạc này được một nhóm chuyên gia tâm lý chọn lọc để giúp giảm stress cho nhân viên.

Ở Gumi có hơn 10.000 công nhân. Đại đa số là nữ ở độ tuổi đầu 20. Giống như hầu hết những người ở tuổi này, họ đi thành nhóm, thường đi mà đầu cứ cúi xuống nhìn vào điện thoại trên tay. Công nhân mặc áo khoác hồng, một số mặc áo xanh - chọn màu nào tùy sở thích. Nhiều công nhân chưa lập gia đình sống trong các khu tập thể ở Gumi có nhà ăn, trung tâm thể dục, thư viện, và quán cà phê.

Bên trong nhà máy Gumi là một không khí ấm áp dễ chịu. Nhà máy này chỉ là một trong những hệ thống cơ sở toàn cầu của Samsung mà trong năm 2012 đã sản xuất tổng cộng 400 triệu chiếc điện thoại hay cứ mỗi giây cho “ra lò” 12 máy. Công nhân ở Gumi không làm việc trên hệ thống dây chuyền mà theo cơ sở từng cá thể. Mỗi công nhân đứng trong một bàn làm việc ba cạnh với đầy đủ công cụ và linh kiện trong tầm tay với. Mội công nhân chịu trách nhiệm lắp ráp toàn bộ một chiếc điện thoại thành phẩm. Các trạm máy tính đặt khắp cơ sở lắp ráp này có thể truy cập dữ liệu sản xuất thời gian thực từ bất kỳ nhà máy Samsung nào trên toàn thế giới.

Kỳ tới: Muốn phát triển phải luôn khủng hoảng thường trực. Phải luôn trong tình trạng lâm nguy để vùng vẫy. Đó là triết lý thành công của Samsung.

TRẦN NGỌC ĐĂNG